Một giáo xứ ở Anh đã yêu cầu người Công Giáo đừng tham dự Thánh lễ nếu họ “chưa được tiêm phòng hoặc không đeo khẩu trang”.

Giáo xứ Thánh Gia, ở East Nottingham, miền trung nước Anh, đã đưa ra yêu cầu này gần đây nhất trong một bản tin ngày 26 tháng 12.

Dưới tiêu đề “Giữ an toàn”, giáo xứ yêu cầu những người tham dự Thánh lễ sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn và đeo khẩu trang y tế khi tham dự thánh lễ tại ba nhà thờ của giáo xứ.

“Nếu bạn chưa được chủng ngừa hoặc không đeo khẩu trang y tế, vui lòng đừng đến tham dự Thánh lễ”.

Giáo xứ cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự trong các bản tin của mình vào ngày 19 tháng 12 và Ngày Giáng Sinh, nhưng trong bản tin mới nhất vào ngày 2 tháng Giêng, yêu cầu đó biến mất sau các phản ứng dữ dội của anh chị em giáo dân và Tòa Giám Mục.

Chính sách này đã bị chỉ trích trên mạng xã hội. Một linh mục Công Giáo mô tả chính sách này là “tai tiếng, nham hiểm và phản Kitô”.

Khi được hỏi liệu Đức Cha Patrick McKinney, Giám mục địa phương, có ủng hộ lập trường của giáo xứ hay không, một phát ngôn viên của Giáo phận Nottingham nói rằng tình trạng tiêm chủng không nên là một “rào cản” đối với những người Công Giáo tham dự Thánh lễ.

“Luật pháp quy định rằng việc đeo khẩu trang y tế là bắt buộc trong Thánh lễ trừ khi bạn được miễn trừ và chúng tôi tin tưởng tất cả các giáo xứ của chúng tôi bảo đảm rằng yêu cầu pháp lý này được thực hiện với lòng bác ái và lịch sự,” người phát ngôn cho biết vào ngày 4 tháng Giêng.

“Trong khi nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo ở Anh và xứ Wales và hơn thế nữa đã lên tiếng khuyến khích các tín hữu tiêm vắc-xin COVID-19 để bảo vệ chính họ và bảo vệ những người khác, lựa chọn này cuối cùng là vấn đề của lương tâm cá nhân.”

“Quyết định từ chối vắc-xin không nên là một rào cản đối với việc lãnh nhận các bí tích hoặc tham dự Thánh lễ.”

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết giáo xứ, được thành lập gần đây sau khi hợp nhất các giáo xứ Thánh Augustinô, Đức Mẹ & Thánh Edward, và Thánh Tâm, cung cấp khẩu trang miễn phí cho người đi lễ và không kiểm tra tình trạng tiêm chủng của những người tham dự Thánh lễ.

Điều phối viên cộng đồng giáo xứ Diane Williams nói với CNA vào ngày 4 tháng Giêng rằng yêu cầu này nhằm bảo vệ các thành viên của cộng đồng khỏi bị nhiễm trùng và nhập viện.

Bà cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để bảo vệ cộng đồng khỏi nhập viện, đặc biệt là những người cao tuổi và dễ bị tổn thương, và Dịch vụ Y tế Quốc gia phải làm việc quá sức ở một thành phố nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước”.

Bà chỉ ra dữ liệu của chính phủ cho thấy trong khu vực chính quyền địa phương Nottingham, 36.4% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm liều tăng cường hoặc liều thứ ba của vắc-xin COVID-19. Ở một số khu vực khác, con số này lên tới 70%.

Tuy nhiên, biến thể omicron được báo cáo là lây lan nhanh chóng ngay cả trong số những người được tiêm chủng đầy đủ.

Ước tính cứ 15 người ở Anh thì có 1 người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút này vào tuần cuối cùng của năm 2021. Nhưng chính phủ cho đến nay vẫn loại trừ một đợt đóng cửa trên toàn quốc khác.

Tháng trước, Vatican nhấn mạnh sự ủng hộ đối với vắc xin COVID-19 trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể omicron.

“Đức Thánh Cha đã định nghĩa tiêm chủng là 'một hành động của tình yêu thương', vì nó nhằm mục đích bảo vệ mọi người chống lại COVID-19”, phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết vào ngày 22 tháng 12.

Sự can thiệp của Vatican được đưa ra khi các quốc gia trên thế giới áp đặt các hạn chế mới nhằm làm chậm sự lây lan của biến thể omicron, được cho là lây lan dễ dàng hơn so với virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Các biện pháp này đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở một số nước châu Âu.

Cảnh sát chống bạo động Hà Lan đã phá vỡ một cuộc biểu tình chống lock down với sự tham gia của hàng nghìn người ở Amsterdam vào ngày 2 tháng Giêng.

Ước tính có khoảng 44,000 người đã tham dự một cuộc biểu tình chống lại vắc xin bắt buộc ở Vienna vào ngày 11 tháng 12, sau khi chính phủ thông báo rằng Áo sẽ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên áp dụng tiêm chủng bắt buộc chống lại COVID-19 từ tháng 2 năm 2022.

Ý đã chứng kiến các cuộc đình công và biểu tình để phản ứng với quyết định của chính phủ về việc nước này bắt buộc phải có Thẻ xanh đối với người lao động. Thẻ Xanh chứng minh rằng chủ sở hữu đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính sau mỗi 48 giờ, hoặc gần đây đã hồi phục sau COVID-19.

Tuyên bố tháng trước của Vatican không đề cập đến cuộc tranh luận về việc tiêm chủng bắt buộc. Sự can thiệp gần đây nhất của Vatican về chủ đề này là vào năm 2020.

Bộ Giáo lý Đức tin cho biết trong “Lưu ý về đạo đức của việc sử dụng một số loại vắc xin chống COVID-19,” được phát hành vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, rằng “tiêm chủng không phải là nghĩa vụ đạo đức, do đó, nó phải là tự nguyện”.
Source:Catholic News Agency