1. Các giáo xứ ở Semeru thiệt hại nặng vì chính quyền địa phương không cảnh báo núi lửa phun trào

Sau khi núi lửa Semeru, cao 3,676m, phun trào vào ngày 4 tháng 12, các nhà hoạt động xã hội dân sự và hàng giáo sĩ Công Giáo Indonesia đã tố cáo chính quyền không đưa ra cảnh báo: “Nếu báo động được nâng lên kịp thời, nhiều người có thể đã được cứu”.

Người đứng đầu Cục Địa chất Giảm nhẹ Thiên tai và Núi lửa Indonesia, gọi tắt là PVMBG, thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, cho biết chính quyền địa phương đã được cảnh báo: vào ngày 2 tháng 12, PVMBG đã đăng một thông điệp cảnh báo, cảnh báo rằng một số ngôi làng ở các huyện Lumajang và Malang có nguy cơ bị ảnh hưởng. Vấn đề là tại sao chính quyền địa phương không thông báo cho dân chúng trong vùng. Phải chăng vì khu vực này gần như toàn tòng Công Giáo?

Tro tàn từ miệng núi lửa đã nhấn chìm toàn bộ hai ngôi làng trên sườn núi, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có ít nhất 20 người mất tích và hàng nghìn người phải di dời.

Indonesia là nơi có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhưng chỉ có 69 ngọn được PVMBG giám sát.

Cha Marco O.Carm, thuộc Caritas ở Giáo phận Malang, nói với AsiaNews rằng ngài đã có thể thiết lập một điểm phân phối thực phẩm cho những người phải di dời ở Pronojiwo, bất chấp cầu Gladag Perak, là huyết mạch giao thông trong vùng đã bị sập.

Cha Carmelite giải thích: “Vì cầu sập, chúng tôi phải chuyển hướng viện trợ nhân đạo qua Probolinggo để đến Pronojiwo mất thêm từ 3-4 giờ di chuyển”.

Hơn 2,000 người sống sót đã tìm thấy nơi trú ẩn tạm thời ở Pronojiwo, Candipuro và Pasirian. Cha Rudy, cha phụ tá của Cha Marco nói rằng việc thành lập các điểm phân phối thực phẩm và nước uống “là một vấn đề cấp bách”. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia xác nhận rằng gần 3 nghìn ngôi nhà và ít nhất 38 trường học đã bị phá hủy.

Trong thư gửi tới Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, Sứ thần Tòa thánh tại Indonesia, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất buồn khi hay biết về những thiệt hại về người và vật chất do vụ núi lửa phun trào mới gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cầu nguyện “cho những người chết, những người bị thương và những người phải di dời cũng như cho các nhân viên cứu hộ và chính quyền dân sự tham gia vào các nỗ lực phục hồi” sau vụ phun trào của núi Semeru. Ngài bảo đảm khẩn cầu xin Chúa ban sức mạnh và bình an cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Source:Asia News

2. Hung hăng chống báng niềm tin Kitô, đột nhiên tuyên bố hoán cải xin gia nhập Công Giáo

Hôm 2 tháng 12, nhà hoạt động xã hội và là một nhân vật truyền thông xã hội gây sôi nổi tại Hoa Kỳ là Kaitlin Bennett thông báo rằng cô đã từ bỏ chủ nghĩa vô thần để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cô ấy đã ghi danh và đang theo học khóa ở Khai Tâm Kitô Giáo.

Tuyên bố của Kaitlin gây ngỡ ngàng cho nhiều người hâm mộ cô, nhưng là một tin quá tốt lành cho những người Công Giáo chúng ta trong hoàn cảnh có quá nhiều các tin không vui.

Trong một video dài 13 phút trên YouTube, nhà hoạt động 26 tuổi tiết lộ câu chuyện hoán cải đáng kinh ngạc của cô.

Đeo một sợi dây chuyền với một mề đay huyền nhiệm và đứng cạnh một bức tượng Đức Mẹ, cô ấy giải thích cuộc hành trình của mình đến với Giáo Hội Công Giáo bắt đầu như thế nào.

“Nhiều người trong số các bạn có thể bị sốc khi nghe điều này, nhưng trong ba năm qua, các bạn đã xem các video của tôi, tôi là một người vô thần. Nhưng tôi không còn như thế nữa, và tôi muốn mở lòng với các bạn về hành trình của tôi,” Bennet nói.

Sau đó, cô ấy giải thích rằng cô ấy đã yêu mến đức tin Công Giáo như thế nào. Cô ấy cũng tiết lộ sự trống rỗng trong lòng khi là một người vô thần và nó đã ảnh hưởng đến cô ấy như ra sao.

Bennett tiếp tục: “Là một người vô thần không phải là điều mà hầu hết mọi người không nên nghĩ đến - ít nhất đó không phải là điều dành cho tôi. Trở thành một người vô thần là một trong những điều đáng sợ nhất mà tôi từng trải qua. Và tôi lấy làm ân hận đã làm điều đó trong hơn một thập kỷ”.

“Bởi vì tôi quá ngu dốt và không có hiểu biết. Nỗi sợ hãi đáng nhớ nhất mà tôi từng có là chết đi sống lại. Ý nghĩ về cái chết của mình khiến tôi kinh hãi. Tôi sợ rằng việc xuống địa ngục sẽ có ý nghĩa như thế nào. Phải chăng tôi đã thực sự sống chỉ để được đặt trong lòng đất?”

“Phần tồi tệ nhất là suy nghĩ: gia đình tôi sẽ phải chịu đựng điều gì sau khi chết? Điều luôn chiếm trọn tâm trí tôi là câu hỏi: nếu tôi đã sai lầm khi chọn là người vô thần thì sao?”

Cô ấy giải thích rằng lập trường của cô ấy bây giờ là chống phá thai, bảo vệ sự thánh thiêng của cuộc sống con người. Cô cũng cho biết chính tình yêu và cách sống gương mẫu của người chồng Công Giáo đã cảm hóa cô và giúp đưa cô ấy đến với Giáo Hội.

“Thưa các bạn, sự thật là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã ghi khắc vào trái tim chúng ta nỗi khắc khoải tìm kiếm Ngài, và cuối cùng bạn sẽ tìm thấy sự thật quá rõ ràng nếu bạn thật tâm tìm kiếm.”

“Một trong những khoảnh khắc quyết định mà tôi nhận ra mình đã sai là học được rằng lòng kiêu hãnh là tội lỗi tồi tệ nhất trong bảy mối tội đầu. Đó là các tội lỗi chết người”.

Sau câu chuyện của cô, Bennett đưa ra lời khuyên “từ một người từng là người vô thần đó là các bạn hãy nuôi dạy con cái để đừng ra nông nỗi như tôi trước đây.”

Hãy cầu nguyện cho Kaitlin Bennett khi cô ấy tiếp tục hành trình đến với đức tin Công Giáo!
Source:Church POP

3. Các Hồng Y và Giám Mục Mễ Tây Cơ bị kết án vì dám tố cáo phá thai, và đường lối xã hội chủ nghĩa của chính phủ

Hai Hồng Y Mễ Tây Cơ, một Giám Mục và ba linh mục đã bị kết tội vi phạm hiến pháp vì đã cảnh báo công chúng rằng đảng cầm quyền đang đưa ra các chính sách đối kháng với các giá trị của cuộc sống con người và gia đình, cũng như ủng hộ các chương trình nghị sự LGBT và thúc đẩy chủ nghĩa xã hội.

Các bản án đã gây ra cảnh báo ở Mễ Tây Cơ về tác động của chúng đối với tự do ngôn luận và quyền chỉ trích đảng cầm quyền xã hội chủ nghĩa “Morena”. Từ lâu đảng này đã bị cáo buộc phá hoại quyền tự do dân sự của Mễ Tây Cơ.

Trong một đoạn video tường thuật phiên tòa, một trong những thẩm phán của tòa án, là Villafuerte Coello, đã tố cáo các giáo sĩ tội khuyến khích người Công Giáo “cầu nguyện và xin Chúa soi sáng khi họ bỏ phiếu”.

Người đàn bà hung hăng này nói: “Tất nhiên điều đó không được phép”. “Phiếu bầu không phải là những thứ thuộc về trời cao hay tâm linh. Đây là việc quyết định lá phiếu bằng kiến thức, bằng thông tin, ngoài việc cân nhắc những thứ khác và đây là điều cần phải được tôn trọng, bởi vì cảm hứng từ trời cao sẽ không khiến những người giỏi nhất được bầu vào các vị trí được phổ thông đầu phiếu”.

“Những người đưa ra các thông điệp như thế đã vi phạm hiến pháp. Hiến pháp nghiêm cấm các thừa tác viên tôn giáo làm như vậy”, tòa án tuyên bố trong quyết định bằng văn bản. “Vì họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với những người tuyên xưng đức tin Công Giáo, họ bị cấm không được nêu rõ quan điểm đối với các cuộc bầu cử, cũng như không được xúi giục mọi người bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống lại một tổ chức chính trị hoặc ứng cử viên liên quan đến cuộc bầu cử”.

Mục tiêu chính của cơn thịnh nộ của tòa án là Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez, người bị kết tội can thiệp vào cuộc bầu cử quốc gia cũng như vi phạm hiến pháp tách Giáo hội và nhà nước.

Theo tòa án, Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez đã vi phạm hiến pháp khi tuyên bố, trong một video YouTube vào ngày 2 tháng 6 năm nay, “Có rất nhiều nguy cơ trong các cuộc bầu cử này. Nếu những người nắm quyền giành chiến thắng, một chế độ độc tài sẽ đến, tức là, tự do sẽ mất đi, bởi vì chúng ta đang nói về một hệ thống cộng sản, xã hội chủ nghĩa, nô dịch. Anh chị em chỉ cần nhìn vào các quốc gia đã rơi vào thứ chủ nghĩa đó”. Ngài cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Mễ Tây Cơ sẽ “bị tổn hại rất nhiều... chúng ta sẽ rất nghèo như Venezuela, như Cuba”.

Đức Hồng Y Sandoval cũng bày tỏ mối quan ngại của mình rằng “lợi ích của gia đình và của cuộc sống con người đang bị đe dọa, bởi vì chính phủ này đã áp dụng ý thức hệ giới tính, mang theo tất cả những sự man rợ phi tự nhiên, có thể cản trở và phá hủy gia đình”. Ngài cũng đề cập đến các vấn nạn như “phá thai, ly hôn tùy tiện, đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng giới”. Vị Hồng Y cũng nói “tự do tôn giáo” cũng bị đe dọa bởi vì “hệ thống chủ nghĩa Mác-xít cộng sản yêu cầu phải triệt hạ tôn giáo.”

Để tránh những kết quả này, Đức Hồng Y Sandoval khuyến khích “người dân Mễ Tây Cơ tin vào Chúa và sự quan phòng của Ngài, cầu nguyện nhiều để Ngài soi sáng và giúp đỡ chúng ta,” cầu xin Đức Mẹ Guadalupe trợ giúp, và cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngài cũng khuyến khích người Mễ Tây Cơ “thực hiện nghĩa vụ công dân của họ” và bỏ phiếu, chứ không phải “để ruộng tự do cho những kẻ bất lương muốn cày kiểu nào thì cày”.

Đức Hồng Y Aguiar Retes nói với tòa rằng ngài không có ý định chỉ định bất kỳ đảng chính trị nào và lưu ý rằng ngài đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc bầu cử năm 2021. Tuy nhiên, ngài đã bị kết án vì những tuyên bố mà ngài đưa ra trong một thông điệp video vào năm 2018 và đã được đăng lại lại trên Twitter vào năm 2021.

Trong số những người bị kết án còn có Đức Cha Pedro Pablo Elizondo Cárdenas của giáo phận Cancún-Chetumal, và hai linh mục là các Cha Ángel Espinosa de los Monteros Gómez Haro và Cha Mario Ángel Flores Ramos. Cha Mario Ángel Flores Ramos nguyên là hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Mễ Tây Cơ.

Trường hợp của các ngài hiện đã được chuyển cho chính phủ để xác định loại hình phạt nào sẽ được áp dụng. Chính phủ có toàn quyền quyết định cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 150,000 Mỹ Kim.

Hiến pháp của Mễ Tây Cơ đã có những điều khoản rõ ràng là nhằm chống lại hàng giáo sĩ kể từ năm 1917, khi các nhà cách mạng dưới quyền lãnh đạo Venustiano Carranza được Mỹ hậu thuẫn tìm cách củng cố chế độ thế tục và bài Công Giáo. Hiến pháp năm 1917 cấm các giáo sĩ mặc lễ phục nơi công cộng, không được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, không được can thiệp vào chính trị và không được dạy giáo lý cho trẻ em trước tuổi vị thành niên.

Các điều khoản này đã được nới lỏng vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, hiến pháp vẫn tiếp tục cấm hàng giáo sĩ giữ các chức vụ công quyền và tham gia vào đời sống chính trị. Cho đến tận ngày nay, các tôn giáo chỉ có thể dựng nhà thờ sau khi được phép của chính phủ liên bang.
Source:Catholic World Report