Nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa nói đến những ràng buộc mạnh mẽ nhất, tức những ràng buộc do chính tính cách của một con người áp đặt.

Trước hết, có những đặc điểm tâm lý chung cho mọi con người, chẳng hạn như các đam mê, và các khuynh hướng ý chí. Chỉ khi nào chúng ta có thể quan niệm nhận thức như các hoạt vụ thuần luận lý của một chủ thể thuần luận lý, như một loại cơ chế tri thức, luôn hoạt động trơn tru, và có thể được khởi động ngay lập tức trong bất cứ điều kiện nào, thì ta mới có thể coi nó là không bị ảnh hưởng bởi các chức năng tâm lý khác. Nhưng chủ thể của tư tưởng không phải là một chủ thể trừu tượng, luận lý, mà là một con người sống động; tư tưởng là mối liên hệ thực chất một cách quan yếu giữa con người và đối tượng của tư tưởng. Tất cả các hoạt động và trạng thái khác của họ đều tham gia vào chức năng suy nghĩ, chẳng hạn như sự mệt mỏi và năng lực kết hợp đến mức căng thẳng nhất, niềm vui và sự chán nản, thành công và thất bại. Trải nghiệm hàng ngày chứng tỏ rằng năng suất tri thức, hướng suy nghĩ và bản chất kết luận của chúng ta, đều bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày. Các trạng thái tâm lý của chúng ta có thể hỗ trợ, cản trở hoặc ngăn chặn hoàn toàn các hành vi nhận thức, củng cố hoặc làm suy yếu tính thuyết phục của các lập luận. Ham muốn, tình yêu, sự tức giận, khao khát trả thù, lòng biết ơn - bất cứ ai thành thật với bản thân đều phải thừa nhận sức mạnh của một lập luận, bề ngoài có vẻ như hoàn toàn hợp luận lý, nhưng dao động to lớn xiết bao theo tâm trạng trổi vượt lúc ấy của họ hoặc của người đưa ra nó. Ngay cả tuyệt đỉnh của diễn trình nhận thức - bằng chứng, sự chắc chắn chủ quan của một phán đoán, một kết luận, một cấu trúc lý luận - như các bạn có thể thấy, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi ảnh hưởng của các trạng thái tâm lý và môi trường bên ngoài. Đó là một chương kỳ lạ trong nhận thức luận thực tiễn.

Cho đến nay chúng ta chỉ nói về tư duy suy lý. Vẫn còn cả một toàn bộ trật tự các giá trị, phán đoán, tuyên bố về sự thiện và sự ác, hợp pháp và bất hợp pháp, danh dự và bất danh dự, có giá trị, kém giá trị và vô giá trị. Các phán đoán này phụ thuộc lớn lao xiết bao vào sự kiện này là con người hình thành ra các thừa nhận, quý trọng và yêu thích giá trị được đề cập, hoặc bác bỏ, ghét và khinh thường, và vào thái độ chung của họ đối với con người và sự vật; bất kể họ là người dễ tiếp thu hay sống khép kín, đáng tin cậy hay nghi ngờ, có đôi mắt sắc bén hơn đối với điều thiện hay điều ác.

Khi suy nghĩ về tất cả những điều trên, các bạn hẳn sẽ thừa nhận rằng suy nghĩ và cách đánh giá của chúng ta được thấm nhuần một cách sâu sắc bởi ảnh hưởng của các đặc điểm bản thân của một con người, giai đoạn phát triển và kinh nghiệm của họ.

Về điều trên, tôi không có ý nói rằng suy nghĩ và các phán đoán của chúng ta chỉ là sản phẩm của các điều kiện bên trong và bên ngoài của chúng ta; không có ý nói đến việc giản lược suy nghĩ và đánh giá vào các diễn trình tâm lý và xã hội học. Cái nhân của chúng có tính tri thức, nhưng nó lại được gắn chặt vào các diễn trình này. Tư tưởng có một tham chiếu khách quan, và luôn nỗ lực để nhận ra nó một cách tinh ròng hơn, nghĩa là nắm vững sự thật khách quan một cách hoàn hảo hơn. Nó có một nội dung khách quan, là chính sự thật này - và trở nên hoàn hảo hơn khi nội dung này trở nên phong phú và khác biệt hơn. Tuy nhiên, bất chấp điều này, tư tưởng là cuộc sống, và đánh giá là cuộc sống - một mối liên hệ có thực chất sinh tử giữa con người và vật thể. Và mọi sự ảnh hưởng đến con người hoặc đối tượng đó đều có vai trò của nó trong diễn trình này.



Điều gì sẽ giải thoát chúng ta khỏi cảnh giam cầm trên? Chắc chắn nhất không phải là triết học; không phải việc tự đào tạo, không phải văn hóa. Con người chỉ có thể được giải phóng bởi một sức mạnh có thể mở mắt để họ nhìn thấy sự lệ thuộc nội tâm của chính họ và nâng họ lên trên nó, một sức mạnh có thể nói từ cõi vĩnh cửu, ở ngay trung tâm của nó, độc lập đối với tất cả các trở ngại này. Nó phải nhất quyết đề cao để con người thấy các chân lý tối hậu, bức tranh hoàn hảo cuối cùng, và các tiêu chuẩn giá trị sâu sắc nhất, và không được để bản thân nó bị dẫn lạc đường bởi bất cứ đam mê nào, bất cứ biến động nào của tình cảm, hoặc bởi bất cứ sự lừa dối nào của việc tìm kiếm bản thân.

Quyền lực đó chính là Giáo hội. Trái ngược với linh hồn cá nhân, Giáo hội có thể dễ dàng tạo ấn tượng lạnh lùng và cứng ngắc. Nhưng với con người đã nắm bắt được bản chất của Giáo hội, Giáo hội trở thành sự sống tinh ròng. Chắc chắn đó là một sự sống quá dư dả đến nỗi con người yếu đuối, dễ nổi giận ngày nay không thể dễ dàng trải nghiệm được. Giáo hội khai quang con đường dẫn đến tự do thông qua các trở ngại của môi trường và tâm lý cá nhân. Bất chấp tất cả những khuyết điểm của mình, Giáo hội chỉ cho con người thấy sự thật được nhìn trong chính yếu tính của nó, và một hình ảnh thuần khiết của sự hoàn hảo được thích ứng với bản chất của họ.

Do đó họ có thể thoát khỏi sự trói buộc bản thân của họ.

* * * * *

Một lần nữa chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn, và cuối cùng chúng ta sẽ đi đến kết luận của chúng ta.

Chúng ta đã nói đến khuôn mẫu bên trong chứa đựng trong mỗi nhân cách cá nhân quyết định ra tính chất độc đáo của nó. Cá nhân không phải là một hữu thể nhân bản nói chung, nhưng mang một dấu ấn đặc biệt đối với chính họ. Họ là hiện thân của một hình thức nhân đức khác biệt nhờ đó họ thể hiện một bản chất con người theo một cách đặc biệt. Đó là lý tưởng hữu cơ và quy luật căn bản của toàn bộ hữu thể và hoạt động của họ. Nó được phát biểu trong tất cả mọi điều họ đang là hoặc đang làm; nó xác định tư thái và thái độ bên ngoài của họ. Tuy nhiên, nhiệm vụ của cá nhân - chúng ta sẽ trở lại điểm này sau – là thừa nhận hình thức cá nhân này, đem nó ra, thấy những hạn chế của nó, và đặt nó vào mối liên hệ phải có đối với thế giới nói chung. Sức mạnh của cá nhân hệ ở phẩm chất độc đáo này. Nó đại diện cho những gì Thiên Chúa muốn họ trở thành, tức sứ mệnh và nhiệm vụ của họ. Nhưng đồng thời nó cũng là nguồn gốc các yếu đuối của họ.

Trước tiên, các bạn hãy xem xét các kiểu tinh thần tổng quát hơn vốn phân loại con người thành các nhóm khác biệt, nghĩa là, những kiểu cá tính căn bản. Tư tưởng được chúng xác định, cách trong đó sự vật được quan sát, ý chí và cảm xúc, và thái độ đối với bản thân, con người, thế giới và Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ phác thảo một điển hình của các loại tính cách này, mặc dù chỉ trong nét phác thảo tổng quát. Chúng ta sẽ gọi nó là loại tổng hợp. Người thuộc loại này quan tâm đến sự tương đồng và kết hợp. Điều này đã hiển hiện trong bản chất của chính họ. Ở đó, tư tưởng, ý chí, hoạt động và cảm xúc có xu hướng nghiêng mạnh về sự thống nhất và tạo ra một sự hài hòa toàn diện. Một người như vậy nhanh chóng tiếp xúc với mọi sự vật, và có thể dễ dàng chuyển từ sự vật này sang sự vật nọ. Trong các đối tượng, họ nhìn thấy trước hết các tương đồng của chúng, các dây liên kết và nhiều hoán chuyển giữa chúng với nhau. Họ ý thức rõ ràng sự thống nhất của chúng, và nếu họ tự kiềm chế đuợc tính khí bẩm sinh của mình, họ sẽ đạt tới một tính nhất nguyên nào đó, nghĩa là, một quan niệm về vũ trụ hoàn toàn dựa trên xu hướng tương đồng và thống nhất vốn bao trùm thực tại. Tất nhiên, họ nhận thức được các khác biệt giữa các sự vật, nhưng coi chúng có tầm quan trọng thứ yếu và sẵn sàng đẩy chúng ngày càng sâu vào hậu trường và giải thích chúng chỉ như các giai đoạn phát triển, các hình thức chuyển tiếp và các cách thế của một sự thống nhất vĩ đại. Thậm chí, từ từ, họ còn biến đổi mối liên hệ giữa Thiên Chúa và vũ trụ thành một thể thống nhất, và coi Người đơn giản là Năng lực đang hoạt động trong mọi sự vật, duy trì và làm chúng sinh động. Và sự thực hành của họ sẽ tương ứng với suy nghĩ của họ. Thái độ căn bản của họ sẽ là thái độ hòa giải trừ khi, thực vậy, do kết quả của quy luật tâm lý nước đôi [ambivalence], họ khai triển một sự đối kháng cuồng nhiệt đối với các đối tượng bên ngoài, một đối kháng, tuy nhiên, về căn bản được xác định bởi cảm thức quen thuộc với chúng. Trong mọi lĩnh vực, họ đều tìm kiếm một sự thỏa hiệp. Họ giải thích cái ác là do những điều không hoàn hảo ngẫu nhiên, hoặc là một bước cần thiết trong sự phát triển của cái thiện. Vì vậy, trong thực hành và lý thuyết, họ là một người theo chủ nghĩa nhất nguyên [monism], mặc dù chủ nghĩa nhất nguyên của họ có thể mang màu sắc duy lý, bất kể là thẩm mỹ hoặc tôn giáo.

Một người thuộc loại trên chứng minh và bác bỏ, mà không ý thức được mức độ họ nằm trong sức mạnh của thiên hướng[disposition] nơi chính mình. Họ kiên trì lựa chọn từ thực tế những đặc điểm phù hợp với bản chất của mình, và bỏ qua hoặc bóp méo những đặc điểm trái ngược với nó. Cuối cùng, toàn bộ quan điểm của họ về thế giới là một nỗ lực để thiết lập sở thích bản thân của họ bằng các bằng chứng thuần lý.

Tính khí trái ngược có thể tự phát biểu tương tự như thế. Nó phát sinh ra thái độ phê phán một cách căn bản mà trong bất cứ lĩnh vực nào cũng lưu ý những điểm không giống nhau trong quá khứ và hiện tại, những gì phân biệt đối tượng này với đối tượng nọ, các giới hạn và ranh giới phân chia của chúng. Đối với những người thuộc loại này, thế giới bị phân hủy thành các đơn vị cô lập. Các đặc tính khác biệt của các đối tượng nổi bật cạnh nhau; các cách phân loại do suy nghĩ thực hiện không được nối kết với cảm giác và ham muốn. Sự phân biệt giữa những gì hiện là và những gì phải là, giữa bổn phận và quyền lợi, và các lựa chọn luân lý nổi bật là cứng ngắc và không lay chuyển được. Các xung đột, việc quyết định giữa các lựa chọn thay thế, có tính phổ quát.

Nếu loại người trên theo xu hướng của họ đến cùng, họ sẽ trở thành nô dịch. Họ cũng lựa chọn, đánh giá và đo lường phù hợp với "tâm trí riêng của mình" và xác tín rằng kết quả là sự thật khách quan. Khi các diễn trình tri thức của một tâm trí bị chi phối bởi giai đoạn của nó được liệt kê dưới ánh sáng các tiền đề tâm lý của chúng, thì hậu quả sẽ tàn hại một cách đặc biệt. Một loạt các khẳng định, chuỗi lý luận và hệ thống đánh giá, bề ngoài hoàn toàn hợp lý, có chứng minh nhưng là biểu thức khá che đậy của một tính khí tâm lý đặc thù. Một trong những điển hình nổi bật nhất của điều này là Kant. Các trước tác của ông khai triển một hệ thống tư tưởng, mới nhìn, hoàn toàn khách quan đúng như quan niệm. Nhưng cùng một lúc chúng bộc lộ nhân cách thân thiết nhất của tác giả. Đối với chúng ta, những người có não trạng hoàn toàn khác, khía cạnh vừa nói này nổi bật rõ ràng, giống như trước tác nguyên bản của một bản da cừu [palimpsest] đã được phục hồi, và chúng ta không thể hiểu làm thế nào một nền triết học phần lớn là việc tự phát biểu về mình của một thiên tài lại có thể bị hiểu lầm với việc khám phá ra bản chất căn bản của thực tại khách quan. Nhưng trừ khi một số nguồn chân lý cao hơn bảo vệ chúng ta trước mối nguy hiểm, chúng ta chắc chắn sẽ phải tin tưởng vào một bậc thầy nào khác, người công bố như sự thật khách quan điều chỉ là biểu thức của tâm trí ông, hoặc công thức hóa như một sự thật nghiêm túc, và với một màn lý luận tuyệt vời, các vấn đề mà chúng ta đã nghĩ ra để nói lên thái độ bản thân của chúng ta đối với cuộc sống.

Quay lại hai loại chúng ta đã mô tả ở trên - không loại nào tự do cả. Đầu tiên và quan trọng nhất, cả hai đều là các nô lệ như những con người, như một loại hình nhân bản. Vì trong mỗi hữu thể nhân bản, song song với não trạng chủ yếu của họ, hiện hữu một não trạng đối lập với nó. Do đó, loại tâm trí tổng hợp cũng có khả năng phê phán, và loại tâm trí phê phán không thiếu khả năng tổng hợp. Nhưng trong mỗi trường hợp, thiên hướng bổ sung yếu hơn; não trạng có được đặc tính của nó từ khuynh hướng chủ yếu. Nhưng mọi sinh vật đều phải tuân theo một quy luật mà chúng ta có thể gọi là cơ cấu tổ chức [economy] vũ lực. Nó có xu hướng sử dụng những cơ quan được phát triển đặc biệt, đến nỗi, phần còn lại ngày càng bị hao mòn đi. Mỗi loại, do đó, nên phát triển khía cạnh bổ sung của nó với tối đa tiềm năng của nó. Chỉ bằng cách cân bằng lẫn nhau này, nó sẽ đạt được sự phát triển hoàn chỉnh và hài hòa. Nhưng người nào loay hoay với chính mình sẽ chỉ phát triển một chiều. Đặc điểm nổi bật của cơ cấu tâm lý bên trong của họ ngày càng tự khẳng định và đẩy phần còn lại vào hậu trường. Quá phát triển theo một hướng, họ sẽ bị còi cọc theo hướng khác. Tuy nhiên, một bản chất như vậy là một bản chất nô lệ, vì chỉ hữu thể nào đã phát triển mọi khả năng bẩm sinh của nó một cách tự do và hài hòa, mới tự do thực sự.

Hơn nữa, một người mà sự phát triển của họ chỉ có một chiều thì không tự do trong mối liên hệ với môi trường của họ. Đối với sự phong phú dư dật của thực tại cụ thể của nó, họ chỉ có thể nhìn thấy một khía cạnh - khía cạnh được thích ứng với tính khí đặc thù của họ, và đối với khía cạnh này, các sức mạnh mà họ đã phát huy một cách đặc biệt đã mang lại cho họ một tầm nhìn và sự hiểu biết sắc bén đặc biệt. Do đó, họ bị nó giam hãm, và không còn khả năng nhìn toàn diện thực tại.

Những người như vậy không sống với bản chất trọn vẹn của họ, cũng không phù hợp với ý niệm nhân cách của họ, một ý niệm bất kể điểm nhấn đặc thù của nó là gì, luôn là một toàn diện, mà chỉ đơn thuần phù hợp với một mảnh bản ngã đích thực của họ mà thôi. Và cuộc sống của họ không tiếp xúc với các vật thể như những toàn diện cụ thể, mà chỉ đơn thuần tiếp xúc với các chọn lọc giả tạo từ chúng mà thôi. Tuy nhiên, mỗi người, do một ảo tưởng độc đáo, vẫn cho rằng mình hoàn toàn và thái độ của mình là đúng đắn, thế giới nghèo nàn và bị cắt xén của họ là thế giới tự do đầy thực tại của Thiên Chúa.

Có những kiểu và những cách tương ứng khác để nhìn thế giới. Mỗi người là một sức mạnh, mỗi người mỗi cách dẫn đến một quan điểm khác biệt. Nhưng mỗi người cũng là một cái lưới làm rối rắm người thả nó. Các loại người khác nhau trộn lẫn và mức độ kết hợp của họ cũng khác nhau. Năng lực, sự ấm áp và sự phong phú của họ khác nhau. Phải thêm vào các đặc điểm này các đặc điểm quốc gia, địa phương và nghề nghiệp, và các đặc điểm bắt nguồn từ di truyền hoặc môi trường. Và cuối cùng, có những tính chất bí ẩn có thể nói đã tạo nên màu sắc, phong cách riêng hoặc cách cư xử của cá nhân, một điều hoàn toàn độc đáo chỉ thuộc về một cá nhân duy nhất mà thôi. Tất cả những điều này hòa quyện với kiểu căn bản của họ và cổ vũ sự phát triển độc lập của nó.

Ngoài ra, các bạn hãy nhớ rằng bản năng tự bảo tồn, tự yêu bản thân và cảm thức danh dự, nuôi dưỡng thiên hướng chủ yếu của một con người, mọi trải nghiệm bản thân của họ đều được nhìn dưới ánh sáng của nó và được điều chỉnh theo nó. Bây giờ các bạn sẽ có thể đo lường sức mạnh của nó.

Vậy thì làm thế nào để một con người bị giam hãm trong thiên hướng của họ như thế có thể được tự do?

Họ phải thừa nhận, và trong cốt lõi hữu thể của họ, rằng thực tại bao gồm tất cả các khía cạnh có thể có của nó, nó toàn diện. Họ phải nhận ra rằng thực tại này chỉ có thể được nắm bắt bởi một chủ thể toàn diện ngang nhau trong nhận thức của họ, trong các đánh giá và hành động của họ; và chính họ không sở hữu tính toàn diện này, mà là rời rạc, chỉ nhận ra một khả thể của bản chất con người trong số rất nhiều khả thể khác. Họ phải thừa nhận các sai sót mà tính một chiều này tạo ra, và chúng thu hẹp tầm nhìn và bóp méo sự phán đoán ra sao.

Họ thực sự phải hoàn toàn chấp nhận thiên hướng đặc biệt của mình, vì bản chất của họ và công việc của họ dựa vào đó. Nhưng họ cũng phải làm cho nó phù hợp với toàn bộ sơ đồ của sự vật. Họ phải điều chỉnh tầm nhìn của họ về thế giới bằng nhận thức của người khác, bổ túc các hiểu biết thông sáng của mình bằng những hiểu biết thông sáng của những người khác, và do đó vượt qua chính mình vươn tới toàn bộ thực tại; và điều này không chỉ trong nhận thức của họ, mà còn trong các phán đoán của họ về giá trị và ứng xử thực tế.

Điều đó có nghĩa là, họ không nên xóa bỏ cá tính [character] đặc biệt của mình và cố gắng biến cuộc sống của mình thành một thứ chắp vá chỉ được khâu ở bên ngoài mà thôi. Cá tính đặc biệt của họ luôn phải là nền tảng. Nhưng cá tính phải trở thành ơn gọi, một sứ mệnh phải hoàn thành một công việc đặc thù, nhưng trong một toàn thể hữu cơ và trong mối liên hệ sống còn với nó. Khi đó, tính cách một chiều sẽ trở thành sự phân biệt sinh ích, sự trói buộc được thay thế bằng sứ mệnh tự do và có ý thức, sự tự khẳng định cố chấp bằng sự khẳng định kiên định trong toàn thể mà họ thừa nhận là nơi chốn họ được chỉ định.

Bất cứ ai thành thật thực hiện nhiệm vụ này đều nhanh chóng nhận ra rằng họ không thể tự mình hoàn thành nó. Đó là thời điểm quyết định. Liệu họ có từ bỏ nỗ lực không? Liệu họ có thuận theo điều bất khả không? Liệu họ có trở thành một kẻ hoài nghi? Hay họ sẽ cao ngạo cố gắng làm cho sự bất lực bên trong của họ trở thành có thể dung túng được bằng cách tuyên bố đó là thái độ đúng đắn duy nhất? Trong cả hai trường hợp, họ vẫn là nô lệ của những ràng buộc bên trong của chính họ, là một người Philistine theo nghĩa sâu xa nhất, dù ngôn ngữ mà họ tuyên bố về thân phận mình có hùng hồn bao nhiêu đi chăng nữa. Hoặc cách khác, quyết tâm của họ trong việc chiếm hữu chân lý, thực tại, toàn thể, sẵn sàng chấp nhận hy sinh mà chỉ có nó mới mở đường, sẵn sàng "mất linh hồn mình để cứu lấy nó". Nếu đây là thiên hướng của họ, họ sẽ cảm nghiệm được Giáo hội như con đường dẫn đến tự do.

Về bản chất của mình, Giáo hội vượt ra ngoài và vượt trên những ràng buộc này, và ai "phó thác linh hồn mình cho Giáo hội, sẽ giành lại nó trong Giáo hội", nhưng được tự do, giải thoát khỏi sự chật hẹp nguyên thủy, được tự do đối với thực tại như một toàn thể.



Giáo Hội là toàn bộ thực tại, được toàn thể con người nhìn, đánh giá và cảm nghiệm. Giáo hội cùng chiếm một không gian [co-extensive] với hữu thể như một toàn thể, và bao gồm cả điều lớn lẫn điều nhỏ, chiều sâu lẫn bề mặt, điều cao siêu lẫn điều tầm thường, sức mạnh lẫn bất lực, điều phi thường lẫn điều thông thường, hòa hợp lẫn bất hòa. Tất cả các giá trị của nó đều được biết, được thừa nhận, được đánh giá cao và được cảm nghiệm theo mức độ của chúng và điều này không phải từ quan điểm về bất cứ loại hình hoặc nhóm đặc thù nào, mà là về nhân loại như một toàn thể.

Toàn bộ thực tại, được cảm nghiệm và quán triệt bởi toàn thể nhân loại - mà, theo quan điểm hiện tại của chúng ta, là chính Giáo hội.

Các vấn đề mà chúng ta đang phải đối đầu ở đây liên quan đến cảm nghiệm nói chung. Không một phần nào của nó có thể bị tách rời khỏi toàn bộ. Mọi câu hỏi từng phần chỉ có thể được hình dung một cách chính xác từ quan điểm về toàn bộ, và toàn bộ chỉ có thể hình dung dưới ánh sáng kinh nghiệm bản thân trọn vẹn. Tuy nhiên, đối với điều này, cần phải có một chủ thể vốn là một toàn thể, và đó là Giáo hội. Giáo hội là sinh vật sống động duy nhất không phải một chiều trong bản chất yếu tính của nó. Lịch sử lâu đời của Giáo Hội đã khiến Giáo Hội trở thành kho lưu trữ toàn bộ kinh nghiệm của nhân loại. Bởi vì Giáo hội quá vĩ đại đến không thể chỉ có tính quốc gia, đời sống của Giáo hội bao trùm toàn bộ nhân loại. Trong Giáo Hội, người của các chủng tộc, lứa tuổi và cá tính khác nhau suy nghĩ và sống. Mọi giai cấp xã hội, mọi ngành nghề và mọi tài năng bản thân đều góp phần vào viễn kiến của Giáo hội đối với toàn bộ sự thật, đối với cái hiểu biết đúng đắn của Giáo hội đối với cơ cấu của cuộc sống con người. Mọi giai đoạn của sự hoàn thiện luân lý và tôn giáo đều được thể hiện trong Giáo hội tới chóp đỉnh thánh thiện. Và tất cả cuộc sống viên mãn này đã được hun đúc thành truyền thống, trở thành một thể thống nhất hữu cơ. Các điểm hời hợt phải phụ thuộc vào những thực tại sâu sắc hơn; các giá trị trung gian được coi trọng hơn các giá trị nhỏ nhặt và phụ thuộc. Các vấn đề căn bản thuộc thái độ của con người đối với cuộc sống vốn là sự suy gẫm từ nhiều thế kỷ nay; đến nỗi toàn bộ lĩnh vực trải nghiệm của con người đã được bàn tới và giải pháp cho các vấn đề của nó đã được cân nhắc cẩn thận. Các định chế hẳn phải đã được duy trì qua những thăng trầm của thời gian và nền văn minh, nên đã đạt đến sự hoàn thiện cổ điển. Do đó, từ ngay một quan điểm hoàn toàn tự nhiên, Giáo hội đã đại diện cho một cơ cấu hữu cơ biết nhận thức, đánh giá và sống, mạnh mẽ nhất. Vào điều này, chúng ta phải thêm khía cạnh siêu nhiên của Giáo hội nữa. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội, luôn nâng cao Giáo Hội lên trên các giới hạn của con người đơn thuần. Người ta nói về Người rằng Người "tìm tòi mọi sự." Chỉ có mình Người là Thần trí kỷ luật và sự sống dồi dào. "Mọi sự đã được ban” cho Người. Người là sự soi sáng và Tình yêu. Người đánh thức tình yêu, và chỉ có tình yêu mới nhìn mọi sự như chúng vốn là. Người "sắp đặt đức ái cách trật tự" và làm cho nó trở thành sự thật với tầm nhìn rõ ràng về Chúa Kitô và Vương quốc của Người. Người làm cho chúng ta "nói sự thật trong tình yêu". Do đó, Giáo hội có quyền tối thượng trên con người và trên thế giới, và có thể thực thi công lý trọn vẹn cho cả hai.

Tín điều được mạc khải và sự thật siêu nhiên ràng buộc sự thuận ý của chúng ta, là biểu thức sống động của cơ thể sống này. Toàn bộ chân lý tôn giáo mà nó ghi lại được một người trọn vẹn xem xét. Và nó xác định ra thái độ đối với chân lý của người Công Giáo cá thể.

Và hình thức tôn giáo trong đó toàn bộ con người bước vào cuộc hiệp thông siêu nhiên với Thiên Chúa – tức phụng vụ - là một biểu thức sống động khác của cơ thể sống này. Nó xác định ra thái độ Công Giáo đối với tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ hơn.

Cuối cùng, kỷ luật và hiến pháp của Giáo hội - luật luân lý và lý tưởng hoàn thiện của Giáo hội – cũng là một biểu thức sống động khác của cơ thể này. Chúng xác định ra thái độ Công Giáo đối với đạo đức.

Giáo hội đề cao cho con người chân lý này, thang giá trị này, và lý tưởng hoàn thiện này; và không chỉ đơn thuần là khả hữu hoặc đáng khuyến khích, mà là bắt buộc. Giáo Hội kêu gọi con người vượt lên trên sự hẹp hòi của họ và lớn lên tới sự thật hoàn chỉnh, lý tưởng toàn diện và quy luật phổ quát này của cuộc sống. Giáo hội ra lệnh điều này, và không vâng lời là tội lỗi. Chỉ như vậy, lời yêu cầu mới có đủ sức nặng để cân bằng với lòng ích kỷ của con người, với việc tự khẳng định cường điệu và gan lì của nó.

Nếu con người vâng theo và chấp nhận sự hy sinh căn bản là phó thác bản thân và tín thác vào Giáo hội; nếu họ mở rộng ý nghĩ của họ tới phạm vi phổ quát của tín điều Công Giáo, làm phong phú thêm tình cảm và đời sống tôn giáo của họ bằng lời cầu nguyện phong phú của Giáo hội, cố gắng làm cho hành vi của họ phù hợp với khuôn mẫu hoàn hảo cao cả, một khuôn mẫu, hơn nữa, lên khuôn đời sống tinh thần riêng tư được trình bày bởi cuộc sống chung và hiến pháp của Giáo hội, lúc ấy, họ lớn lên trong tự do. Họ lớn lên thành toàn thể, tuy không từ bỏ những gì riêng biệt của riêng họ. Ngược lại, lần đầu tiên, họ thấy rõ cá tính của mình khi nó đối diện với mọi khả thể khác của con người được tìm thấy trong Giáo hội. Họ thấy ý nghĩa đích thực của việc làm một thành viên của toàn thể. Họ tri nhận việc đó như là một ơn gọi, một nhiệm vụ do Thiên Chúa ban bố, một sự đóng góp được làm cho khả hữu nhờ tính cách độc đáo của họ như một cá nhân, điều mà họ phải thực hiện hướng tới nhiệm vụ chung vĩ đại là sống và sản xuất.

Như thế, con người phát triển thành một nhân cách. Nó bắt nguồn từ tính cá nhân của họ, nhưng về căn bản liên quan đến toàn thể. Nó bao gồm một quan điểm cá nhân, hệ quả của tính độc đáo của nó, nhưng quan điểm cá nhân này hài hòa ở mọi điểm với quan điểm của những người khác vì nó không bao giờ xa rời toàn thể. Nó cũng bao gồm một quyết tâm hân hoan thể hiện chính bản chất của nó, nhưng trong khuôn khổ của toàn bộ cơ thể. Như thế, quan điểm của nhân cách chân chính có tính toàn diện và thừa nhận các quan điểm của người khác. Họ trực quan hiểu ý nghĩa của chúng, và xem ơn gọi của mình trong mối liên hệ với toàn thể. Một người như vậy sẽ không tỏ bầy sự thù hận ngay lập tức đối với một nhân cách thuộc loại khác với loại của mình, như một loài động vật này thù địch với một loài động vật kia. Ngược lại, họ sẽ phối hợp cả hai trong sự thống nhất cao hơn mà cả hai đều thuộc về, trong việc thực hiện nhiệm vụ chung, trong đó mỗi người bổ túc cho người kia. Họ chứng tỏ sức mạnh chấp nhận lớn lao là biết dành chỗ cho những loại khác, và do đó có khả năng chia sẻ cuộc sống của họ. Như thế, sự phong phú của họ tăng lên, vì những gì thuộc về người khác cũng là của họ.

Tôi chú ý đến một câu nói của Thánh Phaolô, trong đó ý thức của người Kitô hữu về sự tự do tối cao này của toàn thể con người mình tìm được một cách phát biểu nổi bật: "Con người tâm linh phán xét mọi sự; và bản thân họ không bị ai phán xét" (1 Cr 2: 15.) Kitô hữu chân chính có quyền tự chủ tối cao. Họ sở hữu một sự uy nghi và một sự tự do giúp họ không bị lệ thuộc bất cứ quyền tài phán nào của người không tin. Về nguyên tắc, họ không thể chịu sự phán xét của người không tin, vì người không tin không thể buộc Kitô hữu tập chú vào lãnh vực viễn kiến của mình. Ngược lại, tầm nhìn của Kitô hữu bao trùm "vạn vật", và tiêu chuẩn của họ là tuyệt đối. Ý thức nghèo nàn về tính Công Giáo của chúng ta xa vời biết bao so với thái độ của Thánh Phaolô, trong đó sự khiêm nhường hoàn hảo - tất cả các Thư tín của ngài đều tiết lộ điều đó - được kết hợp với kiến thức mà ngài sở hữu, không phải là một quan điểm giữa những quan điểm khác, nhưng là quan điểm độc đáo và tuyệt đối; lòng khiêm tốn chân chính kết hợp với ý thức cao siêu về ưu thế tuyệt đối và hoàn hảo.

Đó là ý nghĩa của câu "sentire cum Ecclesia" [cảm thức với Giáo Hội] - con đường từ một chiều đến hoàn thiện, từ trói buộc đến tự do, từ cá tính đơn thuần trở thành nhân cách.

Con người thực sự tự do theo tỷ lệ thuận với việc là người Công Giáo. Nhưng họ là Công Giáo bao lâu họ sống, không phải trong giới hạn chật hẹp của hiện hữu hoàn toàn cá nhân và tách biệt của họ, nhưng trong sự viên mãn và toàn diện của Giáo hội, nghĩa là, bao lâu họ trở nên đồng nhất với "Giáo Hội".

Ghi chú

1. Tôi không nghĩ rằng tôi đang cường điệu vụ việc. Khi hướng về Giáo Hội ngày nay, những người đàn ông đàn bà đông đảo đang tìm kiếm điều gì khác trong Giáo Hội? Chắc chắn, một số người có thể bị ảnh hưởng bởi tính đài các lãng mạn, những người khác, bởi lòng mong muốn tìm được một điều gì đó vững chắc ở một nơi nào đó, mà không có bất cứ xác tín chân chính nào rằng ở đây, và chỉ ở đây, mới tìm thấy sự thật; và thời thượng cũng đóng một phần của nó, giống như mối quan tâm đối với Phật giáo hoặc các nền văn hóa bán khai. Không thể phủ nhận điều này. Nhưng không phải chỉ có thế. Chúng ta có thể phát hiện ra kỳ vọng cho rằng trong đạo Công Giáo, thể Thiết yếu – thể Vĩnh cửu, thể Tuyệt đối – sẽ được công nhận đúng mức. Con người thời nay mong đợi tìm thấy một lòng đạo đức đáng kể trong Giáo hội, không phụ thuộc vào thời gian, nơi chốn hay thời thượng, thực tại – kể cả hiện hữu lẫn hành vi - trong mọi bộ phận của cuộc sống. Và sẽ là một sự thất vọng cay đắng mà tất cả chúng ta sẽ cùng chịu trách nhiệm, nếu sự kỳ vọng này không được thể hiện, không phải bởi Giáo hội, mà bởi các thành viên của Giáo hội.

2. Julius Langbehn, 1851-1907. Ông trở nên nổi tiếng nhờ cuốn sách "Rembrandt als Erzieher" xuất bản năm 1890. Tác phẩm này là một tác phẩm phê phán nền văn hóa trước chiến tranh của Đức, mà Langbehn cho là đang hướng tới thảm họa. Đồng thời, nó trình bầy niềm tin của ông về sự quá độ từ "thời đại giấy" qua "thời đại nghệ thuật" mới, sẽ được tạo ra nhờ các lực lượng chính vốn có trong dân tộc Đức. Langbehn được tiếp nhận vào Giáo Hội năm 1900 (Ghi chú của người dịch).

Kỳ tới: Cộng đồng