Tu viện của tôi mầu bạc. Nó trườn mình qua các thị trấn từ Surrey Hills tới Melbourne. Lúc ấy là 8 giờ 24 phút.



Làm chồng, làm cha, làm anh, làm nhân viên văn phòng, làm con nợ trả góp, làm tôi bù đầu với những đòi hỏi. Sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa trong cầu nguyện cũng khẩn thiết chẳng kém. Sống là phải tích hợp và đáp ứng các đòi hỏi của hai nơi thuộc về ấy.

Tôi có thể cầu nguyện cách nào và ở chỗ nào trong cái ngày làm việc như thế này đây? Các hành động của tôi trong tư cách làm cha, làm chồng, làm con, làm anh em, làm công nhân làm sao có thể đan kết với sự thuộc về sâu thẳm hơn này?

Nào thì khởi đầu: lấy báo và thùng rác vào, đặt ấm nước lên, cho mèo ăn, chuẩn bị bữa trưa, mượn vé xe lửa của bầy trẻ, ký vội mấy dòng nhắn lại, mở vội cửa tủ, cạo râu, kiếm đôi vớ, chiếc khăn tay đâu, nhét vào túi xách, nhét luôn mấy tấm giấy trả tiền và chi phiếu, làm tan đá mấy miếng thịt nhồi, chạy mau ra kịp chuyến 8 giờ 25, nghĩ tới nghị trình, nhớ gọi mấy cú điện thoại ấy nhé.

Suốt cái buổi sáng công việc bề bộn ấy, tai lơ đễnh nghe các bản tin tóm tắt: Bosnia, Cambodia, Miến Điện, Nam Phi, Somalia, Tây Tạng, Bougainville, thất nghiệp. Giữa khoảng 6 giờ 40 và 8 giờ 10, lòng mỗi lúc một chìm xuống sâu hơn, gần như tuyệt vọng. Làm gì còn có thể có Chúa trong cái thế giới như thế.

Cuộc sống như điên cuồng, tin tức sao bất ổn đến chừng vậy, hai cái ấy như chẳng ăn nhập gì với nhau. Cái thách đố phải mưu sinh trung lập hóa cái thách đố phải đáp ứng nhân đạo. Cuộc sống ta có thể nông cạn, mà tâm hồn thì chán ngán.

Những khó xử ấy lên khuôn cho cuộc sống tâm linh của mình. Làm thế nào, trong cái khu phố bận bịu của nước Úc này, ta có thể vừa lo lắng về hai jobs, về con cái, về tiền vay mua nhà, về tiền học phí, mà còn duy trì được một đời sống thiêng liêng tích cực? Làm thế nào thỏa mãn được cơn khát Thể Vô Tận của ta?

Ai trong chúng ta cũng có cách riêng, căn cứ trên tính khí của mình, để ngăn ngừa các bản năng sâu thẳm nhất khỏi bị chết ngạt. Sau đây là một vài cách của tôi.

Xe lửa, máy bay, xe búyt, xe trams. Đối với tôi, đó là những nơi tốt nhất để cầu nguyện. Cào, chổi, xẻng, chĩa ba răng. Đối với tôi, đó là những dụng cụ tốt nhất để cầu nguyện. Mũ, áo khoác, giầy đi bộ. Chính là những y phục để cầu nguyện. Đi du lịch, làm việc, đi bách bộ: trong những việc này, ta thấy mục tiêu chứ không phải cái căng thẳng của ý chí. Vì trong những việc ấy, tâm hồn ta có thể tìm được chủ đích của nó.

Tôi thả bộ ra ga vào buổi sáng. Không khí làm đầu óc tôi sáng ra. Nhịp bước và hơi thở là lời kinh nguyện đơn sơ, tạ ơn Chúa đã ban cho buổi mai này.

Trên xe lửa, tu viện mầu bạc, ngồi khuất vào một góc, tay cầm sách nhỏ. Tôi đọc Kinh Ban Mai từ Sách Nguyện. Qua bốn trạm thì hết. Sau đó, tôi ngồi im, nửa ngủ, nửa đọc kinh lẩm rẩm, tự hỏi về những người đồng hành, tưởng tượng về cách sống của họ.

Việc làm có thể vui đấy, nhưng đôi lúc như gặm cùng những viên đá cứng ấy hết bữa này qua bữa nọ. Cái cơn đau do nhàm chán có thể trờ nên ngột ngạt. Cố gắng hết sức, nhiều việc tôi làm vẫn hết sức chán ngán thất vọng. Làm thế nào cho cơn nhàm chán thành lời cầu nguyện, thành hữu ích? Làm thế nào vừa duy trì được thái độ yêu thương đối với những người đồng sở đang cãi nhau chí chóe vừa bảo tồn được lòng trung chính?

Bạn thủ vai trò, trả lời điện thoại, giải quyết công việc đúng hạn. Giờ ăn trưa là cơ hội để lại được tiếp xúc. Đôi khi tôi vội khoác áo ngoài và thả bộ dến một thánh đường kế bên: lắm lúc là Công Giáo, lắm lúc là Luthêrô, và tôi thích nhất nhà thờ Anh Giáo. Càng trống càng tốt, và càng tốt hơn nếu có thể ra ngoài trung tâm Thành Phố. Tôi chậm rãi đều bước, thoải mái. Khi tôi thả bộ, tôi rất khoan thai, để cho cái nóng sốt của bộ óc tan đi, chỉ tập trung vào cái nhịp tụng (mantra) của bước chân. Tôi ngồi vào ghế hoặc theo dõi Thánh Lễ. Tôi nghĩ đến Bosnia, Cambodia, Miến Điện, Nam Phi, Somalia, Tây Tạng, những người trên xe lửa, những người thất nghiệp vào thành phố lúc ít người sử dụng xe (off-peak). Một cách tầm thường nào đó, tôi đi vào nỗi thống khổ của họ. Giờ ăn trưa là giờ thinh lặng vĩ đại của tôi.

Trên đường về nhà trên chuyến xe lửa 5 giờ 59 phút, tôi thường đọc kinh chiều. Chỉ khi quá mệt mới không. Đầu óc rỗng tuếch, như không còn làm việc. Những tối thứ sáu, vào mùa đông trời tối, tôi thường phải lẻ loi đứng đợi đổi xe một mình trên sân ga Richmond, mắt nhìn quá bên kia dẫy phố đến những ánh đèn ngoại ô, dõi theo những bạn đồng hành vô danh mà đèn xe đang đưa về nhà. Ai về nhà nấy, về với mâm cơm chung, về với những người chia sẻ, về với khoảng không gian nơi mọi sự cho phép họ được xưng tên, và được người khác gọi tên.

Trong nhà, bọn nhỏ làm bài làm, gia đình họp mặt, rửa chén, gọi điện thoại, đem quần áo khô vào, xem truyền hình, bẳn gắt, thư dãn.

Kỷ luật yêu thương trong gia đình: chính là cái cốt lõi và cái thử thách của đời sống thiêng liêng. Người thì đánh giá mình thấp, người thì vui vẻ, người thì có cơ hội thắng ‘cái con đĩ trong tuần’, người thì bực mình vì mọi người khác mệt mỏi nhưng riêng mình mắt cứ thao láo không ngủ được, người thì phung phí tiền bạc, người thì khuyên răn, người thì lười chẩy. Mỗi người có cái đẹp tinh thần riêng, nở rộ đấy nhưng cũng dễ tan đấy. Ai cũng cần chăm sóc và được chăm sóc. Chúng ta chà giấy nhám cho nhau để được mịn bóng.

‘Tạ ơn Chúa đã ban của ăn, tạ ơn Chúa đã đem khách qúy tới và xin Chúa chúc lành cho người nấu nướng’. Tình yêu mỗi người, và tình yêu cả nhóm cho thấy lơ mơ khuôn hình và sắc diện của tình yêu Thiên Chúa. Trong vũ trụ bao la, ta đứng trong tình yêu ấy. Tôi cầu xin cho tình yêu ấy đỡ nâng những người ở Bosnia, ở Cambodia, ở Miến Điện, ở Nam Phi, ở Somalia, ở TâyTạng, ở Bougainville, trên chuyến xe lửa 8 giờ 25 và mọi người đang vướng phải cuộc chiến ở những nơi tôi không nhớ được tên.

Làm thế nào ta chứng minh được tình liên đới của ta với những người trong các bản tin? Cầu nguyện là việc quá dễ. Còn những nguyên cớ chúng ta cho tiền (nhớ nhận biên lai để khai thuế) thì sao? Có vẻ chỉ là tượng trưng có lệ (tokenism). Dấn thân chính trị có ăn thua gì không? Có thể, nhưng cả điều đó nữa cũng pha trộn tư lợi. Sau này, khi con cái đã tự lập, có thể có cơ may để phục vụ toàn thời gian. Thời gian sẽ thử thách lòng chân thành của ta.

Việc làm cuối cùng trong đêm, chạy bộ hay cuốc bộ. Cuộc tụng niệm cuối cùng của bước chân và hơi thở. Đôi khi với người bạn đời, chia sẻ cuộc sống đấy, nhưng lúc này mới có dịp hàn huyên. Mang thùng rác ra ngoài, cả chồng báo cũ nữa, và ve chai. Đôi khi trong phòng tắm, tôi mới bắt đầu cầu kính tối.

Vặn đồng hồ báo thức lúc 8 giờ 25. Ráng nữa đi.

Terry Monagle, Australian Catholics, October 1993.