Theo Jonathan Liedl Nation của National Catholic Register, các nhà bình luận Công Giáo nhấn mạnh tới các nguyên nhân sâu xa về xã hội và tâm linh gây ra sự chia rẽ ngày một gia tăng và chiều kích tôn giáo là điều chủ yếu nếu Hoa Kỳ muốn tiến tới.



Theo ký giả này, năm 2020 là một năm đáng sợ. Các biến cố bi thảm lớn lao từ việc bùng phát đại dịch coronavirus tới cái chết của George Floyd và cảnh bạo loạn tiếp theo sau đó càng trở nên khó chịu đựng hơn nữa do các đáp ứng gây chia rẽ sâu xa khắp trong công luận.

Và như thể để xác nhận sự tiếp diễn của cảnh phân hóa sâu xa này, năm 2021 bắt đầu bằng một trong những biến cố tồi tệ nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ, khi một nhóm được coi là ủng hộ Tổng Thống Trump, do bất mãn với kết quả bầu cử vừa qua, đã bạo động xâm nhập Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Tổng kết lại, các biến cố này cho thấy một cơn bệnh chính trị sâu xa đang lây nhiễm linh hồn đời sống chính trị và xã hội Hoa Kỳ.

Bradley Lewis, một triết gia về chính trị của Đại Học Công Giáo America, khi nói chuyện về việc phân rẽ giữa hai phía chính trị tả và hữu về đủ mọi chuyện, đã cho rằng “Hiện nay, phân hóa thực sự là bối cảnh của mọi sự. Gần như mọi sự đều bị hút vào đó và rồi dựa vào đó để được tái giải thích”.

Lewis cho rằng, các lập trường do các cá nhân đưa ra về các biến cố hoặc vấn đề xã hội trong bối cảnh này có thể không hẳn là sản phẩm của một lượng giá xác thực về điều gì là điều đúng hoặc tốt nhất cho xã hội, mà đúng hơn là nỗ lực “nói lên bản sắc đảng phái, ngay cả khi [vấn đề] không nhất thiết liên quan đến chính trị bao nhiêu”.

Như Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nói với tờ Register trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12, ngài lấy làm ngỡ ngàng trước việc các vấn đề liên quan đến hiệu quả của việc đeo khẩu trang nhằm giảm thiểu sự lây lan của COVID đáng lẽ ra nên được giải quyết bằng tính thực nghiệm và tính khách quan, nhưng thay vào chúng đã bị chính trị hóa.

Nhà lãnh đạo Tổng giáo phận San Francisco nhận định rằng “trong nguyên tắc, có những người sẽ không đeo khẩu trang và có những người lúc nào cũng đeo chúng, ngay cả khi họ ra ngoài lúc sáng sớm để đi dạo trong khi không có ai ở xung quanh. Vì vậy, nó giống như một tín hiệu của đức hạnh. Cách nào, thì nó cũng đã phân ly với khoa học".

Các dữ kiện thăm dò đã củng cố cái nhìn sâu sắc cho rằng tư cách đảng phái đóng một vai trò quá lớn trong việc lên khuôn các quyết định của người ta đối với vi-rút; vì một cuộc thăm dò mới đây cho thấy: việc thống thuộc một đảng phái, chứ không hẳn các nhân tố như thu nhập, sắc tộc, tuổi tác hoặc thậm chí sự phổ biến của COVID-19 trong khu vực, có nhiều xác suất hơn trong việc dự đoán một người nào đó có thực hành các biện pháp cách ly xã hội đã được qui định hay không. Và tư cách đảng phái hình như không chỉ liên quan đến thực hành của một cá nhân đối với vi-rút, mà còn liên quan đến cả kết luận họ rút ra về nó nữa: Một cuộc thăm dò của Hãng Gallup cho thấy khoảng phân cách đến 47% nơi những người tin rằng vi-rút coronavirus gây tử vong nhiều hơn so với bệnh cúm theo mùa giữa các đảng viên Đảng Dân chủ ( 87%) và các đảng viên Đảng Cộng hòa (40%).

Khi nói đến vấn đề phân cực, R. R. Reno, tổng biên tập tạp chí First Things, cho rằng điều quan trọng là phải làm sáng tỏ vấn đề không chỉ là người Mỹ có thể khác biệt trong quan điểm chính trị của họ nhiều hơn những năm trước đây, mà điều còn quan trọng hơn nữa là, họ duy trì những quan điểm đó một cách tuyệt đối hơn nhiều.

Điều này cũng được các dữ kiện củng cố. Một cuộc thăm dò hồi tháng Giêng có tên “Tinh thần phe phái quần chúng gây chết người” cho thấy 42% số người trong mỗi đảng phái chính trị lớn coi các đối tác phe phái của họ không những sai lầm mà còn “xấu xa” nữa. Cũng trong tháng này, các nhà kinh tế học Stanford phát hiện ra rằng mức độ tình cảm tiêu cực giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã tăng từ 27% vào năm 1978 lên 46% vào năm 2016. Ngoài ra, tỷ lệ cha mẹ không đồng ý cho các cuộc hôn nhân "liên đảng" đã tăng đáng kể trong những thập niên gần đây.

Reno cho rằng “Vì thế, dù người ta phân cực hơn trước đây, chúng ta vẫn cần phải thừa nhận rằng chính trị đã trở nên quan trọng hơn nhiều vào năm 2020 so với năm 1980, khi tôi còn học đại học”.

Một quốc gia bị chính trị hóa

Theo các nhà bình luận Công Giáo được tờ Register phỏng vấn tháng trước, việc “chính trị hóa” đời sống Hoa Kỳ - tức việc mở rộng tinh thần đảng phái tới gần như mọi vấn đề và việc tăng cường độ các cam kết đảng phái – một điều vốn thúc đẩy sự phân cực tự nó là sản phẩm của một sự phát triển khác trong những năm qua: tức thế tục hóa. Các nhà tư tưởng khác nhau đã sử dụng các thuật ngữ khác nhau để mô tả vai trò của tôn giáo trước đây đối với xã hội, ngay cả một xã hội đa nguyên như Hoa Kỳ. Reno nói tới “một tán dù thánh thiêng” gồm các cam kết căn bản chung đối với đức tin và luân lý, dưới đó các đảng phái khác nhau có thể bất đồng một cách hòa bình; nhắc đến các mô tả về Hoa Kỳ của nhà sử học người Pháp thế kỷ 19 Alexis de Tocqueville, Lewis đã nói tới một định hướng siêu việt chung có thể thống nhất các thành phần tản mạn của xã hội; và Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã nói tới một hệ thống các giá trị chung nhằm mang lại sự gắn bó xã hội.

Dù được mô tả cách nào, mọi người đều đồng ý rằng sự lu mờ của tôn giáo và các sự thật siêu việt trong sinh hoạt công cộng đã có những hiệu quả tai hại cho sự hòa hợp xã hội, trong đó chính trị đóng một vai trò không cân xứng trong cuộc sống của người ta.

Lewis nói: “Đối với nhiều người, dù có thể không hữu thức bao nhiêu, chính trị đã trở thành một loại thực tại tôn giáo đối với họ. Mọi điều [có tính chính trị] đều trở thành vấn đề nguyên tắc tối cao tuyệt đối. Và điều đó thực sự rất, rất có tính phá hoại".

Carlo Lancellotti, dịch giả tiếng Anh có thẩm quyền và là người thu thập và xuất bản các tác phẩm của nhà triết học chính trị Công Giáo người Ý thế kỷ 20 Augusto Del Noce, nói rằng lịch sử của châu Âu trong hơn 100 năm qua là bằng chứng cho thấy những nơi xẩy ra diễn trình thế tục hóa, như ở Đức vào những năm 1920, kết quả không phải là sự bóp nghẹt bản năng tôn giáo của người ta, mà đúng hơn, là sự chuyển dịch động lực tôn giáo này sang lĩnh vực chính trị.

Ông nói: “Khi có hiện tượng thế tục hóa mạnh mẽ, người ta như thể quay trở lại với các tôn giáo chính trị. Chính trị trở thành nguồn bản sắc thay thế bản sắc tôn giáo. Và vì vậy, người ta trở thành các chiến binh vì đó là điều mang lại cho họ cảm thức mục đích, cảm thức họ là một ai đó, cảm thức thuộc về một phong trào".

Khi chính trị trở thành một vấn đề về bản sắc, chứ không chỉ đơn giản là “nghệ thuật của những điều có thể”, Lewis cho rằng không còn chỗ nào cho sự thỏa hiệp.

Lewis nói rằng “Khẩu hiệu của thập niên 1960, rằng bản thân có tính chính trị, bây giờ thậm chí còn đúng hơn, vì chính trị thực sự là cách để người ta phát biểu bản sắc của họ. Và đó là vấn đề, bạn không thể làm gì được".

Các nhân tố khác

Ngoài nguồn gốc triết học và nhân học của cuộc khủng hoảng phân cực hiện nay ở Hoa Kỳ, những người được phỏng vấn cho bài này đã nhấn mạnh một loạt nhân tố xã hội và kinh tế làm trầm trọng thêm sự chia rẽ quốc gia. Reno, chẳng hạn, nêu bật “sự phân cực kinh tế ngày càng gia tăng” đã lật ngược một hệ thống kinh tế vốn được tổng hợp xít xao từng cân bằng quyền lợi của giai cấp giàu có và giai cấp công nhân, đồng thời giữ được thế lực qua suốt Thế chiến thứ hai và hậu bán thế kỷ 20.

Mặc dù không nhấn mạnh tới một nhân tố duy nhất nào làm xói mòn cảm thức hài hòa kinh tế, nhưng ông cho rằng việc hoàn cầu hóa và những thất bại của nền kinh tế nhỏ giọt đều đóng một vai trò.

Một đường đứt gẫy (fault line) khác là hố phân cách văn hóa ngày càng gia tăng giữa tầng lớp được đào tạo đại học - “tầng lớp đại học” - và tầng lớp lao động. Trích dẫn cuốn The New Elite của David Lebedoff, Lancellotti cho rằng một tầng lớp thượng lưu có ảnh hưởng đã lên nắm quyền trong 50 năm qua, lấy khả năng học thuật, thành tích nghề nghiệp và lối sống đô thị làm cơ sở cho bản sắc của họ. Theo sự phân tích này, vì nhóm ưu tú này tự định nghĩa mình đối lập với các giai cấp thấp hơn, những người, trong lịch sử, vốn có xu hướng bảo thủ về tôn giáo và văn hóa hơn, nên việc thúc đẩy ranh giới văn hóa và thăng tiến các chính sách tiến bộ trở thành phương thức bảo đảm bản sắc của người ta.

Ngược lại, các định chế có ảnh hưởng như hệ thống giáo dục, chính phủ và các phương tiện truyền thông bị chi phối bởi giới ưu tú, những người không những có ít điểm chung với những người thuộc giai cấp lao động, nhưng có thể thực thi, theo nghĩa tốt nhất, một kiểu thái độ cha chú (paternalism) và theo nghĩa tệ nhất, một thái độ khinh bỉ đối với những người họ được trao quyền để lãnh đạo.

Các phương tiện truyền thông quốc gia, như Reno từng nói, không còn hình tượng “Walter Cronkite” nữa, người vốn được hầu hết mọi người công nhận như người truyền tải sự kiện đáng tin cậy. Thay vào đó, thế hệ phóng viên và nhà sản xuất thời hậu chiến, bao gồm các cựu chiến binh có chung kinh nghiệm, đã được thay thế bằng một loại "truyền thông thế giá" (prestige media) có thể rao bán tính đa dạng về chủng tộc và giới tính của họ, nhưng nói rất ít về sự đa dạng trí thức, đừng nói chi đến nền tảng tôn giáo. Sự tin tưởng vào các định chế này của “Hoa Kỳ Trung Lưu” càng bị cản trở khi việc tham dự đám tang thân phụ một ai đó không được khuyến khích do các quan ngại về COVID-19 trong khi các cuộc biểu tình của phong trào “Black Lives Matter” trên đường phố được giới ưu tú tán tụng.

Reno cho rằng: “Cảm giác bị thao túng và ngắc ngư này đã đạt tới điểm khủng hoảng. Và đó là một lý do khiến hệ thống thông tin trở nên quá phân mảnh và kém hiệu quả.” Kết quả là, toàn bộ nhiều bộ phận của đất nước hoàn toàn không lưu tâm đến những gì các cơ quan chính phủ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng muốn nói, không tham gia các cuộc tranh luận dựa vào giá trị (merit), mà phủ nhận chúng vì ai đó đã cổ vũ chúng.

Các nguy hiểm đối với người Công Giáo

Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã mô tả nhân tố góp phần lớn vào sự phân cực này như một nền văn hóa bất tín được nuôi dưỡng bằng thói đạo đức giả và lạm dụng quyền lực của giai cấp ưu tú.

Nhưng ngài và các nhà bình luận khác cũng nhanh chóng chỉ ra rằng người Công Giáo và những người khác với các giá trị truyền thống hơn không hẳn là không có lỗi đối với các hậu quả của việc phân cực. Như Reno đã lưu ý, khi trích dẫn Henri de Lubac, phản ứng đối với dị giáo thường cũng nhuốm màu dị giáo, vì nó buộc phải trả lời các điều khoản của đối thủ.

Ông nói: “Và vì vậy luôn có sự nguy hiểm này: trong khi chống lại sai lầm, có thể nói, chúng ta mặc lấy nước da của nó”.

Một cách khiến điều đó xảy ra là: trở thành con mồi cho "thuyết chung cục" (apocalypticism), tức ý niệm cho rằng "mọi sự đều sẽ tiêu tan trừ khi chúng ta làm điều X hoặc điều Y". Mặc dù có thể có ý hướng tốt, nhưng chủ nghĩa chung cục cuối cùng vẫn là một quan điểm thế gian, nâng cao ý nghĩa các vấn đề chính trị lên trên các sự thật siêu việt. Điều này đúng dù người ta tham dự nó ở cánh tả hay cánh hữu.

Reno cho rằng: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng mặc dù các chính trị gia và những người gây quỹ có lợi trong việc thúc chúng ta bước vào một cơn sợ hãi và lo lắng điên dại, trong khi những vấn đề chúng ta phải đối đầu có thật, thì luôn vẫn có một ngày mai. Luôn luôn có một chỗ khác để đứng".

Liên hệ với thuyết chung cục là một loại tương tác với thực tại đặt ưu tiên cho việc đạt kết quả mình ưa thích hơn là tìm kiếm sự thật một cách chân chính. Lancellotti cho biết trong khung cảnh này, ngay khoa học cũng có thể trở thành nạn nhân, vì nó bị giản lược thành một công cụ để thúc đẩy một ý thức hệ. Ông nói: “Ý thức hệ là khi nhận thức không nhằm khám phá sự thật, mà là để đạt được quyền lực”; ông nói thế để mô tả một hiện tượng chắc chắn áp dụng cho các chính nghĩa cấp tiến như chủ nghĩa chuyển giới nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai bẻ cong sự thật để phù hợp với tiên kiến của họ.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói thêm rằng phương thức như vậy, với đặc điểm là “ý chí quyền lực”, cũng ngăn cản bất cứ sự tương tác thực sự nào với người khác.

Ngài nói: “Với loại não trạng duy tuyệt đối này, nó cắt đứt khả thể kia. Vì vậy, chúng ta thực sự không thể tiến tới chỗ hiểu nhau".

Ngài nói thêm rằng bầu khí phân cực như bầu khí của chúng ta có thể làm phát sinh các điểm đi tắt về ngang về phương diện trí thức, chẳng hạn như tiếp nhận các chủ trương về một loạt các vấn đề không dựa trên giá trị của các lập luận và dữ kiện, nhưng dựa trên việc chúng đã được chứng thực bởi một ai đó lên tiếng chống lại đối thủ của chúng ta. Ngài bảo: “Dễ thấy chỗ nào có sự giả trá nơi những người không đồng ý với bạn. Nhưng cũng có những sự giả trá, hoặc những mô tả không chính xác nơi những người đồng ý với bạn”.

Con đường tiến tới

Một số chuyên gia chính dòng suy đoán rằng với việc chính trị gia của giới quyền uy Joe Biden sắp thay thế Donald Trump phi quy ước và thường gây chia rẽ ở Phòng Bầu dục, sự phân cực ở Hoa Kỳ sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, các nhà bình luận Công Giáo tỏ ra nghi ngờ viễn cảnh này, vì một giải pháp chính trị đơn thuần hoàn toàn bất cập đối với một vấn đề tựu chung thuộc về tâm linh, cũng như một mô hình phân cực, mặc dù có lẽ đã bị Trump làm cho trầm trọng thêm, nhưng vốn đã có từ lâu và thậm chí có thể đã phát sinh ra nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Hơn nữa, nhiều người nhấn mạnh rằng, bất chấp lời nói hoa mỹ về sự đoàn kết của mình, Biden đã có những bước gây chia rẽ và không cần thiết, chẳng hạn như tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án Hyde, tức tu chính án ngăn chặn tiền liên bang tài trợ cho các ca phá thai, hoặc kế hoạch đề cử một nhà đấu tranh phò phá thai quá sốt sắng- làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Bản. Hơn nữa, trong những ngày qua, việc Joe Biden gộp chung mọi người biểu tình ở Capitol Hills vào cùng một rổ “khủng bố quốc nội” càng làm cho ít nhất 70 triệu cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump trở thành cố hữu hơn trong quan điểm chống đối tân chế độ. Pelosi và Đảng Dân Chủ, trong cái say chiến thắng luận tội Donald Trump, cũng càng đẩy khối cử tri này vào thế chống đối dài dài trong suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.

Mặc dù sự phân cực không đòi một giải pháp nhanh chóng, nhưng những người được phỏng vấn cho bài này đều cho rằng người Công Giáo có vai trò quan trọng để thủ diễn trong môi trường chính trị và xã hội hiện tại của chúng ta. Một điểm cần nhấn mạnh là truyền thống Công Giáo nhấn mạnh đến lý lẽ đúng đắn như một liều thuốc giải độc cho việc sử dụng nhận thức bị bóp méo và thao túng ngày nay. Lewis mô tả sự kiện Giáo hội nhấn mạnh đến việc tìm hiểu lý lẽ chân thực như "bén rễ sâu trong DNA của mình", trong khi Đức Tổng Giám Mục Cordileone đề cao Thánh Thomas Aquinas - với việc ngài tận tụy đối với lập luận hữu lý và các cố gắng đáng kể của ngài để hiểu quan điểm của đối thủ - như một khuôn mẫu cho người Công Giáo ngày nay.

Kim Daniels, phó giám đốc Sáng kiến Tư tưởng Xã hội Công Giáo và Sinh hoạt Công, nhấn mạnh việc tương tác với người khác bằng một “khoa giải thích thiện chí”, bao hàm không vội vàng phán xét, không áp đặt các khuôn khổ có sẵn lên người ta và ưu tiên suy tư hơn phản ứng. Bà cũng khuyến nghị nên nghỉ xả hơi khỏi các phương tiện truyền thông xã hội, có lẽ trùng hợp với các mùa phụng vụ như Mùa Vọng hoặc Mùa Chay, hoặc vào Chúa nhật như một phần của ngày nghỉ ngơi của ta.

Bà nói: “Tránh các phòng dội âm của các phương tiện truyền thông xã hội bằng cách làm việc chăm chỉ để nhận thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy khác nhau cũng quan trọng như việc suy nghĩ về những thành kiến chúng ta mang đến cho việc chúng ta tiêu thụ các phương tiện truyền thông của chính mình”.

Lancellotti đề nghị một điều, có lẽ, còn căn bản hơn nữa.

Ông nói, “Theo một nghĩa nào đó, công việc ở đây là khám phá lại cảm thức tôn giáo, các nhu cầu và thắc mắc sâu xa nhất của con người, và đặt chính trị trở lại đúng vị trí của nó”. Với ông, chỉ có sự đổi mới trải nghiệm tôn giáo và thuộc về mới đáp ứng nhu cầu của con người, những nhu cầu, nếu không được thỏa mãn, sẽ góp phần vào việc chính trị hóa và phân cực.

“Tôi phải lùi lại một bước và hít thở thật sâu để nhận ra rằng có nhiều điều lớn hơn chính trị”.

Ông nói thêm rằng Giáo hội phải từ bỏ bất cứ mưu toan nào tự định nghĩa mình theo các điều khoản chính trị của thế gian. Thay vào đó, “Giáo hội được định nghĩa bằng cách đề xuất Chúa Kitô”. Ông nói rằng chỉ có một Giáo hội không hổ thẹn với Chúa Kitô - các thành viên của Giáo Hội có thể dựa vào kinh nghiệm sâu sắc của Chúa Kitô hiện diện trong các bí tích và trong cộng đồng - và xác tín rằng Chúa Giêsu là câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa nhất của con người mới có thể vượt qua được sự phân cực nơi hàng ngũ mình và đề kháng lại sự suy giảm của mình trong xã hội.

Lancelotti nói: “Giáo hội nên là câu trả lời văn hóa độc đáo của chính mình. Việc có quá nhiều người Công Giáo không đề xuất được câu trả lời độc đáo và cảm thấy buộc phải chấp nhận một trong hai câu trả lời của thế tục, theo một nghĩa nào đó, là sự thất bại của đức tin và sự thất bại của việc truyền bá tin mừng”.

Tạo ra một đồng thuận mới

Reno của tạp chí First Things cũng khẳng định rằng đóng góp lớn nhất của Giáo hội sẽ phát xuất từ việc rút tỉa từ các nguồn lực của chính mình và phát biểu sự lưỡng lự về “đối thoại”, ít nhất theo nghĩa nền văn hóa chính dòng sử dụng thuật ngữ này. Ông nói rằng nó không bao giờ áp dụng vào các vấn đề bị phe cấp tiến từ chối thỏa hiệp và "thường là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả việc chúng ta phải nhượng bộ ra sao". Vì quyền lực của thuyết duy tương đối trong thời đại ngày nay, ông khuyến khích người Công Giáo hãy rõ ràng và tự tin trong việc phát biểu các chân lý đạo đức được đức tin cung cấp khi họ tương tác với người khác trong tình bác ái.

Reno cũng đề nghị rằng người Công Giáo không nên coi bầu khí phân cực của chúng ta như một điều xấu xa cố hữu. Dù người Công Giáo có nhiệm vụ phải kiềm chế các cực đoan do sự phân cực gây ra, ông nói tính chia rẽ trong thời điểm chính trị hiện nay là một dấu hiệu cho thấy sự đồng thuận cai trị trong vài thập niên qua, một điều không nhất thiết đồng thuận với những người có đức tin, là điều bất cập. Mặc dù sinh hoạt công cộng xem ra không ổn định, nhưng đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy có những cơ hội để cổ vũ một xã hội lành mạnh hơn.

Reno nói: “Chúng ta cần nỗ lực hướng tới việc tạo ra một đồng thuận mới cho các xã hội phương Tây, một đồng thuận được tổ chức tốt hơn quanh đức tin, gia đình và cộng đồng. Và tôi nghĩ những người có đức tin thực sự có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong đồng thuận mới này, vì chúng ta tiến đến ngôn ngữ liên đới một cách khá tự nhiên và thực tiễn”.