Cách nay sáu mươi năm, ngày 24.11.1960, với sắc chỉ Venerabilium nostrorum, Đức Thánh Cha Gioan 23 đã chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm tròn 60 năm ngày thành lập, dẫu cho bao khó khăn dồn dập : tai ương, dịch bệnh, cách này hay cách khác, Giáo Hội Việt Nam vẫn cố gắng ghi dấu biến cố quan trọng này. Đây là dịp để Giáo Hội Việt Nam nhìn lại một chặng đường với thật nhiều biến động nhưng cũng đong đầy yêu thương, để tâm tình tri ân thêm tròn đầy, để lời tạ tội thêm chân thành, để câu kinh tiếng kệ thêm sâu lắng, để bước chân đi vào tương lai thêm xác tín và vững vàng. Tập sách Thoáng nhìn 60 năm giao hảo Tòa thánh Vatican và Nhà nước Việt Nam 1960-2020 của linh mục Giuse Trần Anh Dũng có lẽ không ngoài mục đích đó. Khi đề cập đến « mối giao hảo » giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà Nước Việt Nam, tập sách không chỉ trình bày một đề tài mới lạ, mà còn cung cấp một góc nhìn mới, một cách tiếp cận với nhiều cứ liệu mới.

Trước hết, một đề tài mới. Chắc hẳn quý độc giả sẽ nghĩ ngay rằng, đây là một chủ đề « xưa như trái đất », vì cách này hay cách khác, nó họa lại mối tương giao giữa Thiên Chúa và trần thế. Lại nữa, đây đó cũng đã có những mẩu chuyện hay bài viết liên quan ít nhiều đến chủ đề này. Tuy nhiên, có lẽ là rất mới mẻ, khi chọn viết về một mối tương giao vốn tế nhị và bấp bênh giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà Nước Việt Nam trong suốt 60 năm vừa qua.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nói ngay rằng, đây không chỉ là một đề tài mới lạ, mà còn là một đề tài « gai góc » dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Bởi lẽ, khi lần về với quá khứ, không thể không khơi gợi lại những thăng trầm, nhọc nhằn và gai góc đó.

Như thế, nếu việc sáng tạo khoa học và nghệ thuật hệ tại ở việc tạo nên những gì chưa có, thì trong việc truy tầm cứ liệu lịch sử, việc khơi lại được những nguồn chưa ai khơi, như trong trường hợp của tập sách này, là một nỗ lực thật đáng quý.

Thứ đến, một góc nhìn mới. Tuy chỉ là một « thoáng nhìn 60 năm giao hảo », bài viết không chỉ gói gọn trong 60 năm vừa qua, từ năm 1960 đến năm 2020, mà còn đưa độc giả ngược dòng thời gian, tìm về với quá khứ xa xưa, thủa phôi thai của hạt giống đức tin trên quê mẹ Việt Nam. Chuyến về nguồn này, tuy vượt xa hơn góc nhìn 60 năm mà đề tài đặt ra (tr. 3-17), tưởng lan man, hóa ra lại giúp độc giả thấy rõ hơn một nỗ lực liên lỉ của Mẹ Hội Thánh, xuyên suốt hành trình đức tin của cả một dân tộc : chỉ mong sao bắc được những nhịp cầu.

Vì thế, tuy chỉ là một « thoáng nhìn », nhưng tập sách cũng đã gói gọn được những dấu ấn quan trọng trong hành trình đức tin của bao thế hệ Con Hồng Cháu Lạc trên quê mẹ Việt Nam. Một hành trình đong đầy mồ hôi và nước mắt, thấm đẫm máu đào của bao nhân chứng đức tin. Một nhịp cầu hướng về với dải đất hình chữ S vốn phải oằn mình vì bao thăng trầm của thời cuộc. Ở đây, nếu phần « về nguồn » đã được nhiều sử sách ghi lại, thì các phần sau (thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 16 chuyến thăm viếng Vatican - Việt Nam, 8 cuộc gặp gỡ của Nhóm công tác hỗn hợp giữa Tòa Thánh và Việt Nam, …) là một tìm tòi và tổng hợp mới mẻ và hiếm có.

Như thế, hành trình đức tin của con dân đất Việt theo vận nước nổi trôi, hóa ra cũng chính là hành trình của chính Mẹ Giáo Hội, long đong theo những chuyến đi, với bao trăn trở và lo toan, để mong sao bắc được những nhịp cầu !

Thứ ba, một cách tiếp cận với nhiều cứ liệu mới. Trong chuyến về nguồn này, có lẽ sẽ là lần đầu tiên quý độc giả được « mạc khải » cho biết những sự kiện mà bấy lâu chưa hề được « bạch hóa ». Không chỉ là người có cơ hội được tiếp cận với những « nguồn » tài liệu quý hiếm, tác giả còn thể hiện một cố gắng « sòng phẳng » với lịch sử. Bởi lẽ đây là một chủ đề tế nhị và gai góc mà tác giả không ngần ngại đảm nhận, hầu trả sự thật về cho lịch sử và nhờ đó, các thế hệ hậu sinh có thêm một nguồn tham chiếu tin cậy.

Như thế, đây là một tập sách chứa đựng những thông tin mới mẻ, không chỉ được tổng hợp từ sách vở, mà còn cả những chứng từ mà tác giả đã có cơ hội góp nhặt từ những nhân chứng của thời cuộc. Đây có lẽ là một nét son của tập sách, một cố gắng tìm tòi và lưu giữ ký ức thật đáng quý, để các thế hệ tiếp nối có thể học hỏi, tham khảo và đối chiếu.

Sau cùng, chỉ là một góc nhìn. Có lẽ cũng cần nói ngay rằng, nói gì đi nữa, đây cũng chỉ là « một góc nhìn » của một tác giả tuy luôn canh cánh bên lòng dòng sử Việt, nhưng lại xa quê mẹ ngót 40 năm nay. Một góc nhìn tuy mới mẻ, mạnh bạo, nhưng cũng chỉ là « một góc nhìn ».

Với những sự kiện quá mới mẻ, lại chưa được bạch hóa trong các ấn phẩm, những « thông tin đầu nguồn » mà tập sách cung cấp có lẽ vì thế chưa thể « đa chiều », mà hãy còn gói gọn trong « một góc nhìn ». Có lẽ cần có thêm những « góc nhìn khác », để soi sáng, để đối chiếu, hầu cho sự thật được sáng tỏ và đa chiều hơn.

Cũng cần ghi nhận thêm rằng, trong nỗ lực phủi lớp bụi thời gian, để tìm về với quá khứ, cho dù cố gắng đến đâu, người làm công việc nghiên cứu lịch sử cũng khó lòng tái hiện được một sự kiện thật sự sống động, đa chiều, như các hình ảnh 3D hay những thước phim Live stream đến từ những công nghệ tối tân hôm nay. Lịch sử vì thế lắm khi chỉ là những dòng chữ lê thê, những mốc thời gian vô hồn hay những những con số trống rỗng. Đó là chưa kể tới những sự kiện quá xa vời, xem ra chẳng còn ăn nhập gì với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, lịch sử không vì thế mà đánh mất chỗ đứng của mình : không chỉ là lưu giữ ký ức, mà còn là bài học cho các thế hệ tiếp nối. Nhìn về quá khứ với lòng tri ân, hướng tới tương lai với niềm hy vọng, có lẽ cũng là tâm tình mà Giáo Hội Việt Nam muốn gửi gắm, khi cùng nhau ghi dấu chặng đường 60 năm qua. Đó có lẽ cũng là thao thức của chính tác giả tập sách, cha Giuse Trần Anh Dũng, muốn gửi gắm đến quý độc giả.

Để kết

Khơi nguồn và tiếp bước, đó có lẽ là những gì mà tập sách muốn gửi gắm. Xin gợi lên đây thao thức này, để qua tập sách, dù không lung linh với bao màu sắc, không du dương với bao âm điệu, không sống động như những bức tranh 3D hay những thước phim thời kỹ thuật số, quý độc giả cũng có thể cảm nhận được ít nhiều những cung điệu đến từ trái tim, không chỉ của riêng tác giả, mà còn là và nhất là của Mẹ Hội Thánh. Ngang qua những dòng chữ hay những con số khô khan và vô hồn, hãy khám phá ra hình ảnh của một người Mẹ, mặc cho bao toan tính và chối từ, vẫn luôn nhẫn nhục và tần tảo vượt trùng khơi, để mong nối được những nhịp cầu, để cho con của Mẹ trên dải đất hình chữ S được « nên một » với khắp năm châu. Dẫu cho gánh nặng của quá khứ, trách nhiệm của hiện tại, hay cả trăn trở của tương lai, Mẹ vẫn mãi lặn lội lên đường…

« Sentire cum Ecclesia », hãy cảm thức với Hội Thánh ! Đó có lẽ cũng là sứ điệp được gửi gắm ngang qua những trang sách, qua từng biến cố, từng con số, ngang qua những sự thật lịch sử vốn không tròn trịa và lung linh như mong đợi, với những vấp váp và yếu đuối của con người.

Dẫu cho những nhịp cầu hãy còn đứt đoạn, dẫu cho chặng đường hãy còn xa, dẫu cho « giao » nhưng chưa « hảo », dẫu cho chỗ đứng của Mẹ Giáo Hội vẫn cứ chông chênh, nhưng trên tất cả, đó là con đường của yêu thương và hy vọng.

Lm. Phêrô Nguyễn Hiền