ĐÁNH CƯỢC VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT
“Chủ đã khen người quản lý bất lương đó hành động khôn khéo”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất bất ngờ, một bất ngờ đầy thú vị khi chúng ta gọi dụ ngôn người quản gia bất lương của Tin Mừng Luca hôm nay là dụ ngôn ‘đánh cược với lòng thương xót’. Đúng thế, dụ ngôn này nằm ngay sau chuỗi dụ ngôn ‘con chiên bị lạc’, ‘đồng bạc bị mất’ và ‘người cha nhân hậu’ vốn là một chuỗi dụ ngôn hay nhất về lòng thương xót Chúa của Tin Mừng.
Trước sự chai lỳ của biệt phái, Chúa Giêsu buộc phải kể ra dụ ngôn này, Ngài có ý còn nước còn tát với những ai cho mình là công chính đang chối nhận sứ điệp Ngài mang đến. Như vậy, Ngài vẫn mở ngõ, vẫn hy vọng để họ quay về một khi dám ‘đánh cược với lòng thương xót’ của Thiên Chúa.

Ở Trung Đông ngày xưa, một quản gia bị chủ nghi ngờ, thì lập tức, phải nghỉ việc. Sách luật Mishna ghi rõ, quản gia sẽ bị sa thải bất cứ lúc nào; một khi chủ phán quyết, đương sự phải làm thinh và có thể ở tù sau khi chủ đưa người ấy ra toà. Vậy mà với người quản gia này, dẫu trong hiện tại, anh đã hết quyền nhưng anh vẫn ma mãnh sắp đặt cho tương lai, “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi…”, và anh ra tay hành động, “Ông nợ chủ tôi bao nhiêu?... Ngồi xuống mau, cầm lấy văn tự viết lại năm mươi”; hay “Ngồi xuống mau, cầm lấy văn tự, viết lại tám trăm”. Anh ta đã ‘đánh cược với lòng thương xót’ của chủ, người vẫn để cho mọi sự xảy ra, dù ông đã biết tất cả.

Tại sao người quản gia lại liều lĩnh đến thế? Sao anh không sợ lề luật? Và dường như cũng chẳng e dè với ông chủ! Thưa bởi lẽ, anh biết chủ anh, một người quá nhân hậu; dẫu sắp cho anh nghỉ việc, ông vẫn một lần nữa sẽ lờ đi như đã lờ đi bao lần cho anh trong quá khứ. Bằng chứng là sau khi gặp anh, chủ anh vẫn không một lời rầy la, không đuổi anh khỏi nhà, cũng không giải anh ra toà và không bỏ tù anh theo luật. Anh ta hiểu được tấm lòng cực kỳ nhân hậu của chủ; vì thế, một lần nữa, anh liều ‘đánh cược với lòng thương xót’ của ông; anh gặp từng con nợ như khi đương quyền, anh bình tĩnh đóng vai một quản gia hoàn hảo như không chuyện gì xảy ra; anh làm mọi sự như đang nhân danh lòng khoan dung hào hiệp của chủ. Và “Chủ đã khen người quản lý bất lương đó hành động khôn khéo”; đúng như anh nghĩ, ông quá đại lượng để không phơi trần gian dối của anh; anh đã tính trước, và đã tính đúng, chủ anh sẽ tuyệt đối nhân từ.

Luật thánh Biển Đức có một chương gọi là “Khí cụ các việc lành phúc đức”. Chương đó được mô tả như hộp đồ nghề của một đan sĩ gồm tất cả những gì mà một thầy dòng tốt lành cần; cả thảy có bảy mươi bảy điều. Luật bắt đầu bằng những điều căn bản như yêu Chúa, yêu anh em, chớ giết người, đừng trộm cắp… và cuối cùng là ‘đừng bao giờ thất vọng’. Trong hộp đồ nghề của người đan sĩ, khi mọi dụng cụ khác không còn hữu ích, vẫn còn một ‘bửu bối’ cuối cùng là ‘đừng bao giờ thất vọng’ trước lòng thương xót của Thiên Chúa.

Anh Chị em,

Vấn đề quan trọng là chúng ta có hiểu được tấm lòng nhân hậu, từ bi, bao dung, chậm giận và giàu nhân nghĩa của Thiên Chúa như người quản gia bất lương hiểu được tấm lòng của chủ mình không? Cảm nhận được tình thương của Người và để tình thương ấy biến đổi tâm hồn chúng ta còn là điều quan trọng hơn. Tin Mừng không dạy chúng ta noi theo sự bất lương của viên quản gia, nhưng Tin Mừng dạy chúng ta xác tín vào lòng thương xót Chúa. Và nếu có phút giây nào đó bị cám dỗ tuyệt vọng, chúng ta hãy đem ‘bảo huấn’ cuối cùng của người đan sĩ ra sử dụng là ‘đừng bao giờ thất vọng’ trước Thiên Chúa, hãy liều lĩnh ‘đánh cược vào lòng thương xót’ của Người. Một nhà thơ đạo đức đã nói, “Hãy táo bạo với lòng nhân từ của Thiên Chúa và các ngươi sẽ thắng”; Đức Phanxicô thì nói, “Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt khi thứ tha”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương con đến nỗi đổ máu mình để cứu chuộc con; mỗi ngày, Chúa còn chết và sống lại cho con trên bàn thờ. Vậy không còn lý do gì để con ngã lòng, không dám ‘đánh cược vào lòng thương xót’ Chúa; xin cho con cảm nghiệm được tình thương Chúa để con dám té ngã vào vòng tay yêu thương của Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)