ĐTC Phanxicô nhắn nhủ: Con người cần phải hoán cải để cứu chữa trái đất chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến một nhóm các chuyên gia về sinh thái đang hoạt động cho Hội đồng Giám mục Pháp để thực thi Tông huấn “Laudato Si”, ĐTC chia sẻ với phái đoàn rằng “Con người cần phải hoán cải” thì mới có thể cứu trái đất chúng ta khỏi tình trạng bấn loạn về mặt xã hội và môi sinh...

(Tin Vatican)

ĐTC nói: "Sẽ không có mối quan hệ mới với thiên nhiên, nếu không có sự đổi mới con người, bằng cách hàn gắn trái tim con người, người ta mới hy vọng cứu thế giới khỏi tình trạng bất ổn về mặt xã hội và môi sinh."

Đó là những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các chuyên gia sinh thái trong buổi tiếp kiến vào thứ Năm (3/9/2020), những người đang cộng tác với các Giám mục Pháp để đem Tông huấn Laudato Si’ vào thực hành.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều là thành viên của một gia đình nhân loại, sống trong một ngôi nhà chung đang bị “xuống cấp một cách trầm trọng”.

Vào thời điểm hiện nay, ĐTC nói “cuộc khủng hoảng sức khỏe mà nhân loại đang trải qua nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của chúng ta. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta liên đới với nhau, một phần của thế giới mà chúng ta chia sẻ, và việc lạm dụng nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ về môi trường, mà còn cả về mặt xã hội và con người ”.

Ý thức về sinh thái

Đức Thánh Cha mừng về một thực tại cho thấy “vấn đề sinh thái đang ngày càng ăn sâu vào lối suy nghĩ của mọi loại người và bắt đầu ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và kinh tế, dù vẫn còn nhiều việc phải làm và khắc phục sự nghèo đói và lạc hậu.”

ĐTC cho biết “Về phần mình, Giáo hội sẽ tham gia đầy đủ vào mọi cam kết bảo vệ ngôi nhà chung trái đất của chúng ta”.

ĐTC thừa nhận, Giáo hội không có tất cả mọi câu trả lời, nhưng “Giáo hội muốn hành động cụ thể khi có thể, và trên hết, Giáo hội muốn thắp sáng một lương tâm tha thiết cho sự biến đổi sinh thái sâu sắc và lâu dài, và đáp ứng lại những thách đố quan trọng mà chúng ta phải đối diện.”

Kinh thánh và sự biến đổi sinh thái

Về sự biến đổi sinh thái, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, Kinh thánh dạy chúng ta rằng thế giới không được sinh ra từ hỗn mang hay may rủi, mà là do quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo ra nó từ tình yêu thương.

ĐTC nhấn mạnh, người Kitô hữu “không thể không tôn trọng công việc mà Chúa Cha đã giao phó cho mình, giống như một khu vườn để chăm sóc, bảo vệ, để phát triển theo tiềm năng của mình”. Nếu một người có quyền sử dụng thiên nhiên cho mục đích của riêng mình, thì họ không thể coi mình là chủ nhân của nó. ĐTC xác quyết rằng người quản lý phải chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình.

ĐTC tiếp tục cho hay: "khi thiên nhiên chỉ được coi là đối tượng của lợi nhuận và lợi ích - một cái nhìn của những kẻ chỉ muốn làm giầu bất luận sự gì sẽ xảy tới - thì sự hài hòa tất sẽ bị phá vỡ và sự bất bình đẳng nghiêm trọng, bất công và đau khổ đương nhiên phải xảy ra."

Kết nối

Tập trung vào chủ đề của sự kết nối, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “cùng một sự thờ ơ, ích kỷ, tham lam, kiêu hãnh, tuyên bố mình là chủ nhân và độc chiếm trái đất, lèo lái con người, hủy diệt các sinh vật, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên tất nhiên họ bóc lột kẻ khốn khổ, lạm dụng sức lao động của phụ nữ và trẻ em, làm đảo lộn luật lệ gia đình, không biết tôn trọng quyền sống của con người ngay từ khi thụ thai cho đến khi được sinh ra...”

Trích dẫn Tông huấn Laudato Si', Đức Thánh Cha nhấn mạnh, "nếu cuộc khủng hoảng sinh thái là sự xuất hiện hoặc biểu hiện bề ngoài của một cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hóa và tinh thần của thời đại hiện tại, chúng ta không thể tự lừa dối mình rằng chúng ta có thể hồi phục lại mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và môi trường mà không cần phải phục hồi lại tất cả các mối quan hệ cơ bản của con người chúng ta!" Vì vậy, để hàn gắn lại ngôi nhà chung trái đất của chúng ta, trước hết trái tim con người cần được hoán cải và chữa lành.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha cổ võ nhóm bảo vệ môi sinh rằng: “Trong khi nhiều phương diện của hành tinh trái đất của chúng ta đã bị thương tổn cách thảm khốc và nhiều thảm trạng dường như không thể cứu vãn được nữa, nhưng ĐTC nói: “Đối với những người Kitô hữu, chúng ta không thể mất hy vọng, bởi vì chúng ta luôn hướng về Chúa Giêsu Kitô”.