(Tổng hợp ngày 13 tháng 8 năm 2020) Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương cử một tàu tìm dầu vào vùng biển tranh chấp với Hy Lạp, Pháp đã mau chóng tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự cuả họ ở Đông Địa Trung Hải.

“Pháp sẽ cử khu trục hạm Lafayette và hai chiến đấu cơ Rafale đến khu vực tranh chấp trong một kế hoạch tăng cường quân sự, ” Bộ quốc phòng Pháp cho biết hôm thứ Năm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi tình hình ở Đông Địa Trung Hải là "đáng lo ngại", ông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngưng những hoạt động tìm kiếm "đơn phương" để "cho phép sự đối thoại hòa bình" giữa các thành viên NATO là hàng xóm với nhau.

"Tôi quyết định củng cố sự hiện diện quân sự của Pháp ở đông Địa Trung Hải một cách tạm thời trong những ngày tới, đã có sự hợp tác của các đối tác ở châu Âu, trong đó có Hy Lạp", ông Macron cho biết trên Twitter vào hôm thứ Tư.

Theo một nguồn tin quốc phòng cuả Hy Lạp thì quân đội Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận với lực lượng Hy Lạp ở ngoài khơi cuả đảo Crete, đây là một biểu hiện cho thấy sự ủng hộ của ông Macron với Hy Lạp.

"Ông Emmanuel Macron là một người bạn thực sự của Hy Lạp và là người bảo vệ các giá trị châu Âu và luật pháp quốc tế một cách nhiệt thành ", Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã tweet bằng tiếng Pháp sau một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là 2 đồng minh trong khối NATO, đã bất đồng một cách kịch liệt về những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong vấn đề thềm lục địa, dựa trên quan hai điểm trái ngược nhau về phạm vi thềm lục địa cuả các đảo rải rác cuả Hy Lạp.

Vùng đó cũng là vùng biển giàu khí đốt và đã là nguồn tranh chấp thường xuyên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Israel.

Tranh chấp giữa Ankara-Athens leo thang trong tuần này khi Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu nghiên cứu Oruc Reis cùng với các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đi tới vùng biển chung quanh đảo Kastellorizo của Hy Lạp.

Trong khi đó thì Hy Lạp cũng triển khai tàu chiến cuả mình để giám sát đoàn tàu ấy, vị trí hiện tại là ở phía Tây của đảo Síp.

Văn phòng của Tổng thống Macron tuyên bố việc Pháp tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực là để theo dõi tình hình và để đánh dấu "quyết tâm duy trì luật pháp quốc tế" của Paris.

Nhắc lại vào tháng trước, nhà lãnh đạo Pháp đã kêu gọi EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì những gì mà ông mô tả là "vi phạm" chủ quyền lãnh hải của Hy Lạp và Síp. Quan hệ giữa Paris và Ankara cũng còn có những căng thẳng khác vì cuộc xung đột ở Libya.

Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis trong một tuyên bố kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy thể hiện "ý thức" và cảnh báo một hành động ở Đông Địa Trung Hải có thể dẫn đến một tai nạn quân sự.

Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi đang mong đợi quốc gia láng giềng biết thể hiện một tinh thần thận trọng để tái khởi động một cuộc đối thoại một cách thiện chí”. "Nguy cơ tai nạn thì luôn luôn rình rập khi có quá nhiều vũ khí quân sự tập trung vào một khu vực nhỏ như vậy".

“Athens sẽ không tìm cách leo thang, ” ông nói, nhưng thêm: "Không có hành động khiêu khích nào mà sẽ không được đáp lại một cách tương xứng."

Ông Hulusi Akar, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, lặp lại quan điểm cuả Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc phỏng vấn với hãng Reuters.

Ông nói: “Chúng tôi muốn đạt được một giải pháp chính trị qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền, mối quan hệ và lợi ích ” của họ ở vùng biển ven bờ.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ có một bờ biển dài nhất ở Đông Địa Trung Hải nhưng thềm lục địa cuả họ lại bị o ép thành một dải nước hẹp vì lý do thềm lục địa của Hy Lạp được mở rộng dựa vào nhiều hòn đảo của Hy Lạp nằm sát bờ biển cuả Thổ Nhĩ Kỳ.

Thí dụ hòn đảo Kastellorizo cuả Hy Lạp chỉ cách bờ biển phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 2km nhưng cách đất liền cuả Hy Lạp tới 570km. Đây là một lý do gây nên sự bất mãn đặc biệt cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nói: “Đòi hỏi của Hy Lạp là có quyền tài phán trên một vùng biển rộng tới 40.000 km vuông vì một hòn đảo Meis [Kastellorizo] chỉ rộng có 10 km vuông... không có một logic nào có thể biện minh như thế được, ” ông nói.

Nhưng thực ra, yêu sách của Hy Lạp đối với vùng biển xung quanh đảo Kastellorizo là dựa trên công ước hàng hải của Liên Hợp Quốc đã được nhiều quốc gia tán thành, nhưng riêng Thổ Nhĩ Kỳ thì không chấp nhận.

Ankara cho biết họ sẽ cấp giấy phép thăm dò và khoan dầu ở Đông Địa Trung Hải, trong khi Athens thì yêu cầu tàu Oruc Reis phải rút ra khỏi khu vực ngay lập tức.

Văn phòng ngoại giao cuả Hy Lạp cho biết ông Ngoại trưởng Nikos Dendias sẽ bay đến Israel vào thứ Năm để hội đàm, và cũng sẽ bàn bạc vấn đề với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Vienna vào thứ Sáu.

Bộ trưởng ngoại giao cuả khối EU là ông Josep Borrell cho biết các ngoại trưởng của khối sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường vào thứ Sáu này để thảo luận về Đông Địa Trung Hải, Lebanon và Belarus.

Ông Charles Kupchan, một thành viên cao cấp cuả Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cuả NATO, cũng cho biết các thành viên NATO đang lo lắng về một nguy cơ có sự đối đầu giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

"Không ai muốn chiến tranh. Không ai muốn hai thành viên NATO đụng độ nhau", ông nói. "Mặt khác, khi bạn có nhiều tàu hải quân ở đó, thì căng thẳng sẽ tăng vọt... mọi thứ đang cận kề với nguy hiểm."

Bàn luận về khả năng ngoại giao làm xoa dịu căng thẳng, ông Kupchan nói: "Theo một số cách, thì tất cả đều sẵn sàng cho một phản ứng ngoại giao... Và tôi nghĩ người Pháp đang cố gắng mua thời gian, chúng tôi sẽ cố gắng hạ nhiệt độ trước khi mọi thứ vượt khỏi tầm tay. "

Một cuộc khủng hoảng tương tự vào tháng trước đã được ngăn chặn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kéo tàu Oruc Reis trở về để hội đàm với Hy Lạp và vị chủ tịch luân phiên của EU là nước Đức.

Nhưng tình thế đã trở nên tồi tệ hơn vào tuần trước sau khi Hy Lạp và Ai Cập ký một thỏa thuận thành lập một vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thỏa thuận giữa Hy Lạp và Ai Cập là "vô hiệu".

Ai Cập, Síp và Hy Lạp cũng đang tố cáo một thỏa thuận cuả Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi, trong đó có thỏa ước về an ninh, được ký năm ngoái giữa Ankara và chính phủ Libya, là một phe được Liên hợp quốc công nhận.