Ngày 19 tháng 6 vừa qua, nhân kỷ niệm 60 năm cuộc gặp gỡ giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Giáo sư Jules Isaacs, tờ báo của Tòa Thánh, L’Osservatore Romano, đã đăng bài viết của giáo sĩ Do Thái Giáo nổi tiếng, Abraham Skorka, thuộc Viện Liên Lạc Công Giáo-Do Thái Giáo của Đại Học Saint Joseph, Philadelphia. Nội dung bài viết như sau:



Có những khoảnh khắc trong lịch sử làm thay đổi các dân tộc và cá nhân vĩnh viễn. Nhiều khoảnh khắc như vậy từng là những cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa hoặc giữa con người với người lân cận của họ. Cuộc gặp gỡ của Ápraham với Đấng Tạo Dựng trong đó ông nghe thấy mệnh lệnh: “hãyra đi” (St 12: 1) và cuộc gặp gỡ của Môsê với Thiên Chúa trong bụi cây bốc cháy (Xh 3) là hai thí dụ trong Kinh thánh cho thấy những cuộc đối thoại đầy tính biến đổi. Một bước ngoặt khác trong lịch sử đã xảy ra cách đây 60 năm, vào ngày 13 tháng 6 năm 1960, khi Giáo sư Jules Isaac yết kiến Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.

Mười lăm năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai; một thế giới mới đang hình thành trên các đổ nát và tàn phá còn sót lại của cuộc xung đột. Đức Giáo Hoàng nhận ra rằng Giáo Hội Công Giáo phải thích nghi với thực tại mới này nếu muốn đóng góp cho nhu cầu thế giới. Do đó, vào ngày 24 tháng 1 năm 1960, ngài công bố việc triệu tập một công đồng lớn gồm tất cả các giám mục của thế giới, Công đồng Vatican II.

Theo lời mời của Vatican, hàng ngàn đề xuất đã được các giám mục và thần học gia gửi tới làm các chủ đề để Công đồng xem xét. Hầu như không có một yêu cầu nào muốn Công đồng xem xét vấn đề Shoah (Diệt chủng Do Thái) và mối liên hệ của nó với giáo huấn hàng thế kỷ của Kitô giáo chống Do Thái. Ngoại lệ duy nhất là lời kêu gọi của viện trưởng và giảng viên Dòng Tên của Giáo hoàng Học viện Kinh thánh tại Rôma (Augustin Bea).

Sự thất bại phổ quát hiển nhiên trong việc hiểu rõ tính cấp bách của vấn đề này làm bận tâm Cha dòng Paulist Thomas F. Stransky, một nhân viên của Văn phòng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo. Nhiều thập niên sau, Cha nhắc lại:

“Tôi tự hỏi: phải chăng sự thờ ơ như vậy là một sự bỏ sót tập thể vô tình? Phải chăng kinh nghiệm diệt chủng người Do Thái ở Châu Âu Kitô giáo, tức “giải pháp tận cùng” dành cho người Do Thái của thế giới, đã bị lãng quên hay bị gạt ra ngoài lề? Phải chăng các các phiên xử tội phạm chiến tranh năm 1947 ở Nuremberg từng được truyền bá rộng rãi chỉ là một thứ khinh khí cầu nhanh chóng bị dập tắt? "

Nhà sử học người Do Thái, Giáo sư Jules Isaac, nổi tiếng trước Thế chiến II vì những cuốn sách về giáo dục trung học ở Pháp. Mặc dù ông đã mất vợ, con gái và con rể của mình ở Auschwitz và Bergen-Belsen, nhưng ông không cay đắng giận hờn. Năm 1947, ông đã xuất bản một nghiên cứu quan trọng, Jésus et Israël (Chúa Giêsu và Israel) về việc Tính cách Do Thái của Chúa Giêsu đối lập ra sao với những giáo huấn chống Do Thái sau này. Ông cũng là một trong những người sáng lập hội Amitié Judéo-Chrétienne de France (Thân hữu Do Thái-Kitô Giáo Pháp) và là một trong những người tham gia chính trong Hội nghị Seelisberg nổi tiếng (1947). Ông hiểu rằng mặc dù chủ nghĩa bài Do Thái của Đức Quốc xã có nguồn gốc ngoại giáo, nhưng hàng thế kỷ “giáo huấn khinh miệt” của Kitô giáo (tiêu đề cuốn sách năm 1962 của ông) đã phục vụ tốt cho Đức quốc xã. Và vì vậy, ông trở thành một trong những người cổ vũ vĩ đại cuộc đối thoại Kitô giáo-Do Thái. Khi Đức tân cử Gioan XXIII công bố Công đồng vĩ đại, Isaac đã tìm cách yết kiến ngài. Ông thấy Tân Giáo hoàng là một người biết lắng nghe đầy thiện cảm.

Với tư cách là Đại sứ của Tòa thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, người trước đây có tên Ron Roncalli, theo yêu cầu của Cơ quan Đại diện Do Thái, đã cung cấp hàng ngàn giấy chứng nhận rửa tội giả và thị thực du lịch cho người Do Thái Bảo gia lợi, Lỗ ma ni, Slovakia và Hung gia lợi, cứu họ khỏi Nạn Diệt chủng và cho phép họ chạy trốn từ châu Âu qua Palestine. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên của ngài trong tư cách Giáo hoàng, ngài đã loại bỏ chữ “bội bạc” (perfidious) khỏi lời khẩn cầu cho người Do Thái.

Khi hai vị gặp nhau vào ngày 13 tháng 6 năm 1960, Isaac đã trình bày một danh mục tóm tắt các nghiên cứu của ông và yêu cầu rằng để chuẩn bị cho Công đồng, một tiểu ban sẽ khảo sát giáo huấn Công Giáo về người Do Thái. Theo Isaac, Đức Giáo Hoàng nói, “tôi đã nghĩ đến điều đó khi bắt đầu cuộc trò chuyện của chúng ta”. Hai vị chia tay nhau một cách thân thiện và khi Isaac lên tiếng thắc mắc “liệu ông có thể mang về một tia hy vọng nào hay không”, Đức Giáo Hoàng Gioan đã thốt lên “ngài có quyền được nhiều hơn một niềm hy vọng!”
Sau gián đoạn mùa hè, Đức Giáo Hoàng đã chỉ thị cho Đức Hồng Y Augustin Bea thành lập tiểu ban. Lệnh này cuối cùng sẽ dẫn đến việc ban hành Tuyên ngôn Nostra Aetate vào ngày 28 tháng 10 năm 1965 của Công đồng. Thư ký riêng của Đức Gioan XXIII, khi nhìn lại cuộc hội kiến với Giáo sư Isaac, đã viết:

“Tôi nhớ rất rõ việc Đức Giáo Hoàng vẫn cực kỳ có ấn tượng bởi cuộc gặp gỡ đó và ngài đã nói chuyện về nó với tôi trong một thời gian dài. Điều cũng đúng là cho đến ngày đó, Đức Gioan XXIII chưa có ý niệm gì về việc Công đồng sẽ xử lý vấn đề người Do Thái và chủ nghĩa bài Do Thái. Nhưng từ hôm đó trở đi, ngài đã hoàn toàn bị vấn đề đó chiếm đoạt”.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Đức Giáo Hoàng và vị Giáo sư vì thế là một khoảnh khắc biến đổi to lớn. Nó đã dẫn đến một “hành trình thân hữu”, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mô tả về nó, một hành trình đem phước lành lại cho cả người Công Giáo lẫn người Do Thái mãi mãi kể từ đó.

Cuộc hành trình này đã không có những bước đi lầm và tranh cãi dọc đường. Nhưng dần dần chúng ta học được việc phải nói với nhau ra sao, và ở nhiều nơi trên thế giới, một cuộc đối thoại sâu sắc đã phát triển giữa chúng ta. Chúng ta đã tiến đến chỗ trân trọng các khác biệt của chúng ta, trân trọng những cách khác biệt mà người Do Thái và Kitô hữu [lập] giao ước với Thiên Chúa, thấy sự thánh thiện trong mỗi truyền thống của nhau, và có khả năng nói với nhau, “thấy mặt bạn giống như thấy mặt Thiên Chúa!” (St 33:10).

Khi chúng ta nhớ lại bước ngoặt trong lịch sử Ory được đại diện bởi cuộc đối thoại giữa Đức Gioan XXIII và Jules Isaac, chúng ta hãy cảm ơn Thiên Chúa và tôn vinh các ký ức của họ bằng cách đào sâu và mở rộng cuộc đối thoại mà họ đã bắt đầu 60 năm trước đây.