Mimi Lau, trên South China Morning Post, ngày 5 tháng 7, 2020 viết bài đầu tiên trong ba bài nói về vai trò của Giáo Hội Công Giáo Rôma tại Trung Hoa và việc mối liên hệ khó khăn và phức tạp giữa Vatican và Bắc Kinh đã chuyển dịch và biến đổi ra sao từ ngày Đảng Cộng sản cắt đứt ngoại giao năm 1951. Bài đầu tiên này khảo sát thỏa thuận ký hai năm trước đây chứng tỏ hai bên xem ra có những dấu hiệu thỏa hiệp. Nhưng thực ra trong cuộc thảo luận này điều gì quan hệ và liệu có hay chăng bất cứ tiềm năng nào cho một cơ sở chung giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Chủ Tịch Tập Cẩn Bình?



Chúng tôi chuyển bài đầu tiên sang Việt Ngữ. Nguyên bản xin đọc ở https://sg.news.yahoo.com/vatican-hits-stumbling-block-road-082921388.html

Khi Bắc Kinh và Vatican đạt được thỏa thuận tạm thời vào năm 2018 về việc ai có thẩm quyền bổ nhiệm các giám mục Công Giáo La Mã ở Trung Quốc, điều đó báo hiệu một bước đột phá có thể xảy ra trong mối quan hệ rắc rối kéo dài sáu thập niên. Có vẻ như các dấu hiệu ấy đã sai.

Các chi tiết về hiệp ước - được đúc kết sau hơn ba thập niên đàm phán - chưa bao giờ được công khai chi tiết, nhưng thỏa thuận này đánh dấu việc nhà nước cộng sản ra dấu đầu tiên cho thấy họ sẵn sàng chia sẻ một thẩm quyền nào đó với Đức Giáo Hoàng về việc kiểm soát Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Người ta hy vọng nó sẽ giúp chữa lành vết rạn nứt từ thập niên 1940 khi Bắc Kinh xua đuổi Giáo Hội ra khỏi Trung Quốc và sau đó bắt đầu một Giáo Hội Công Giáo tự trị, độc lập đối với Rôma.

Việc ly giáo trên ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 12 triệu người Công Giáo ở Trung Quốc, những người gần như bị chia rẽ thành một Giáo Hội gọi là hầm trú luôn tuân theo thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, trong khi những người khác tham dự thánh lễ Chúa nhật tại các nhà thờ do Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc của nhà nước kiểm soát.

Người ta hiểu rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có quyền phủ quyết đối với các ứng viên giám mục do Bắc Kinh đề nghị, nhưng điều này chưa bao giờ được chứng nghiệm. Đức Cha Anthony Yao Shun đã được chính quyền Trung Quốc công nhận vào tháng 8 năm ngoái trong tư cách giám mục giáo phận Jining ở Nội Mông, nhưng ngài vốn là một ứng viên giám mục được Vatican chọn cách đây hơn sáu năm.

Theo các nguồn tin biết rõ các cuộc đàm phán này nhưng từ chối nêu tên, thì không có người đứng đầu mới nào được chọn cho 52 giáo phận không có giám mục trong hai năm kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Một trong các nguồn tin này cho biết “các cuộc bổ nhiệm giám mục được cho là trở ngại đầu tiên cần được giải quyết theo thỏa thuận, nhưng trong khi Trung Quốc và Vatican đã đến với nhau gần hơn, họ vẫn chưa tương tác và trò chuyện với nhau trên cùng một băng tần”.

Thỏa thuận tạm thời năm 2018 sẽ hết hạn vào tháng 9 tới này, nhưng người ta cho rằng Rôma sẵn sàng gia hạn thêm hai năm nữa, mặc dù không hài lòng với những gì họ coi là thất bại của Bắc Kinh trong việc thực hiện phần của họ trong cuộc mặc cả.

Các nguồn tin cho biết Vatican đã chờ đợi một cử chỉ đối ứng từ Bắc Kinh sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp nhận tám giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của ngài - bao gồm một vị đã qua đời - vào tháng 12 năm 2018, ba tháng sau khi thỏa thuận được ký kết.

Người ta nói rằng Trung Quốc có nhiệm vụ phải đáp ứng cách nào đó bằng việc công nhận cùng một số giám mục, được Rôma chọn, trong Giáo Hội không đăng ký. Nhưng các nguồn tin cho biết: việc lần lữa hành động của Trung Quốc đã tạo ra một luồng thất vọng ngày càng gia tăng trong khi Bắc Kinh bận tâm với mối quan hệ xấu đi và các xung đột thương mại với Mỹ, cũng như đại dịch Covid-19.

Lawrence Reardon, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học New Hampshire, cho biết ông không ngạc nhiên về sự thiếu đột phá trong liên hệ giữa Vatican và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nói “Vatican phải đối đầu với một giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc giáo điều hơn, đang cảm thấy bị bao vây bởi các đe dọa bên trong và bên ngoài”.

Bất chấp các thất vọng, vẫn có một số dấu hiệu tiến bộ. Tháng trước, Bắc Kinh đã công nhận hai giới chức trong Giáo Hội vốn trung thành với Vatican: Lin Jiashan, tổng giám mục 86 tuổi của giáo phận Fuzhou ở tỉnh Phúc Kiến và Li Huiyuan thuộc giáo phận Fengxiang ở tỉnh Thiểm Tây. Một giám mục khác, Jin Lugang thuộc giáo phận Nanyang ở tỉnh Hà Nam, đã được Bắc Kinh công nhận vào tháng 1 năm 2019.

Nhưng, theo các nguồn tin, vẫn còn 23 giám mục được Vatican lựa chọn đang chờ Bắc Kinh công nhận. Bắc Kinh đòi có sự chấp thuận bằng văn bản để các giáo sĩ tham gia Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, sau đó là lời cam kết trung thành và vâng phục sự lãnh đạo của đảng.

Việc xác minh hai bước này hoàn toàn đặt căn bản trên việc tin tưởng về chính trị nhưng vị giám mục được chấp nhận không được phép thi hành chức vụ đối với cộng đoàn của mình cho đến khi được công khai nhậm chức bằng một nghi lễ, nhưng các diễn trình này có thể mất nhiều năm.

Theo các nguồn tin, người ta mong các động thái gần đây của Trung Quốc trong việc công nhận các nhà lãnh đạo giáo hội do Vatican chỉ định sẽ giúp thúc đẩy các liên hệ tiến lên khi các nhà đàm phán Bắc Kinh gặp các đối tác Vatican cuối tháng này tại Rôma để thảo luận việc gia hạn thỏa thuận, một việc được cả hai bên hiểu là sẵn sàng được tiến hành.

Văn phòng báo chí Vatican tại Rôma và Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh đã không lập tức trả lời một email và fax xin bình luận về trạng huống của thỏa thuận và các cuộc đàm phán.

South China Morning Post được biết rằng các nhà đàm phán của cả hai bên chỉ gặp nhau một lần trong 12 tháng qua, vào tháng 11, sau khi Bắc Kinh hoãn các cuộc thảo luận, vì gặp nhiều trường hợp khẩn cấp.

Một nhà nghiên cứu về các vấn đề tôn giáo có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đang tiến chậm chạp vì “não trạng Chiến tranh Lạnh vẫn còn rất mạnh trong tư duy chiến lược của họ”, nhưng nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã quan tâm đến việc xây dựng các liên hệ với Vatican vì mối liên hệ của Vatican với Đài Loan.

Một nhà nghiên cứu, người yêu cầu không nêu tên vì độ nhạy cảm của vấn đề, nói rằng “Đối với Trung Quốc, Vatican là một củ khoai tây nóng. Một mặt, Trung Quốc mong muốn cắt đứt đồng minh châu Âu duy nhất của Đài Loan bằng cách xây dựng liên hệ ngoại giao với Vatican, nhưng, không giống như các đồng minh khác của Đài Loan, Vatican không chịu khuất phục bằng nền ngoại giao tiền trao cháo múc (chequebook diplomacy).

“Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn nhanh chóng tiến tới với Vatican vì điều này có thể kích thích sự phát triển con số các tín đồ tôn giáo, một việc vốn không phù hợp với lợi ích của chính phủ đại lục”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn đương đầu với những lời chỉ trích từ bên trong Giáo Hội – trong đó có hai vị Hồng Y của chính ngài - vì đã chia sẻ thẩm quyền với một nhà nước cộng sản. Các cuộc tấn công này bao gồm các cáo buộc “bán đứng” hàng giáo sĩ hầm trú của Trung Quốc, mà nhiều vị trong số này vốn ngồi tù vì trung thành với Rôma.

Những người theo Giáo hội vẫn bị bắt bớ và bách hại tại Trung Quốc. Giám mục hầm trú Augustine Cui Tai, thuộc giáo phận Xuanhua của tỉnh Hà Bắc ở miền bắc Trung Quốc, đã không được ai nhìn thấy kể từ khi ngài bị bắt vào tháng trước. Một giám mục hầm trú khác, James Su Zhimin của giáo phận Baoding, cũng ở Hà Bắc, đã biến mất hơn 20 năm trước. Giám mục Thượng Hải Thaddeus Ma Daqin vẫn bị quản thúc tại gia trong Chủng viện Sheshan của Thành phố.

Đồng thời, chính quyền Trung Quốc đã hành động để ngăn chặn sự tăng trưởng về số lượng tín đồ tôn giáo bằng cách cấm trẻ vị thành niên tham dự các buổi lễ ở nhà thờ. Các biểu tượng tôn giáo trên nóc các nhà thờ cũng như đền thờ Hồi giáo đã bị phá hủy hoặc gỡ bỏ.
Một nguồn tin cho biết Vatican đã áp dụng phương thức thầm lặng để tránh đối đầu với Trung Quốc, vì việc này sẽ chỉ nẩy sinh phản ứng gay gắt hơn dẫn đến nhiều đau khổ hơn cho người Công Giáo đại lục. Nguồn tin này cho biết: Vatican “vốn không quên” những người đang đương đầu với cuộc bách hại và tên tuổi của họ đã được nêu ra trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Francesco Sisci, một nhà Trung hoa học người Ý thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết các người bảo thủ hoàn cầu cũng đang kêu gọi Đức Giáo Hoàng đứng lên chống lại Trung Quốc vì các hành vi vi phạm tôn giáo và nhân quyền khác, bao gồm cả việc đối xử với người Duy ngô nhĩ Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương.

Ông Sisci nói “Đối với Vatican, các vấn đề với Trung Quốc không những chỉ là song phương mà là đa phương. Có rất nhiều lực lượng lôi kéo Tòa thánh đi theo đủ mọi hướng để sự việc có thể ngon ơ ở bất cứ thời điểm nào. Ông nói thêm “Bắc Kinh không nên đánh giá thấp giá trị tình thân hữu với Vatican, nhất là trong thời điểm như thế này và nên đẩy mạnh trò chơi của mình [bằng cách tuân theo thỏa thuận]”.

Ngoài đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn kinh tế của nó, Trung Quốc còn phải đối mặt với một dàn hợp xướng chỉ trích quốc tế về việc vũ khí hóa mũi nhọn thương mại của mình, phớt lờ các khiếu nại của các nước láng giềng châu Á về việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông và áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông để kiềm chế những người bất đồng chính kiến.

Nhìn nhận các lực lượng bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến Tập Cận Bình, Reardon cho biết Vatican sẽ tiếp tục phương thức không gây chú ý (low-key) và tránh việc công khai chỉ trích Bắc Kinh. Chuyên gia của Đại học New Hampshire này cho biết “họ đang làm việc đằng sau hậu trường để hạn chế sự đàn áp của nhà nước và đảng đối với Giáo Hội không chính thức”.

Ông cho rằng: Đức Giáo Hoàng cho phép các nhà phê bình lớn tiếng, như Hồng Y hưu trí Joseph Trần Nhật Quân của Hồng Kông và Hồng Y Maung Bo của Myanmar “làm cho thế giới nhận thức được bản chất độc hại của nhà nước đảng và gây áp lực bên ngoài đối với nhà nước đảng Trung Quốc”.

“Với quyền lực Giáo hoàng, ngài có thể ngăn Đức Hồng Y Quân bất cứ lúc nào ngài muốn, nhưng ngài đã không làm như thế vì việc chỉ trích của vị Hồng Y này rất quan trọng. Nó giúp ích cho ngài [bằng cách nói với Bắc Kinh] các ông có thể có Quân hay có tôi, các ông muốn thương lượng với ai? Tôi nghĩ đây là cách Giáo Hội đang cố nói với Giáo Hội chính thức của Trung Quốc rằng chúng ta là một gia đình và chúng ta cần phải làm việc với nhau”.