Chúa Nhật 13 Thường Niên A

Trước đây, có một cậu bé nghèo bán hàng rong để kiếm tiền đi học. Một hôm cậu không có được một đồng bạc dính túi mà bụng thì đói.

Cậu quyết định sẽ đến xin ăn tại căn nhà gần đó. Tuy nhiên, khi một cô gái trong nhà ra mở cửa thì cậu ngại quá nên thay vì xin ăn, cậu xin một ly nước lã! Cô gái nhìn thấy dáng vẻ của cậu thì biết rằng cậu đang đói, nên đem cho cậu một ly sữa lớn. Cậu uống chậm rãi, rồi hỏi: “Tôi phải trả bao nhiêu tiền? ”. Cô gái cười nhẹ và trả lời: “Cậu chẳng phải trả gì cả. Mẹ chúng tôi dạy rằng không bao giờ nhận tiền công khi làm một hành vi tử tế!” Cậu bé nói: “Vậy thế thì…tôi hết lòng cám ơn cô”. Khi cậu rời ngôi nhà ấy thì chẳng những cậu cảm thấy thân thể mình khỏe mạnh hơn, mà lòng tin vào Thiên Chúa và con người cũng tăng mạnh thêm lên. Cậu từng nghĩ rằng cuộc đời mình khổ cực quá nên nhiều lần có ý muốn bỏ học.

Nhiều năm sau, cô gái ấy trở thành một phụ nữ và mắc bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ gần như bó tay. Cuối cùng họ gửi cô đến một thành phố lớn để mong tìm những chuyên viên chữa trị căn bệnh lạ của cô. Bác sĩ Howard Kelly được mời đến để chẩn bệnh. Khi nghe nói đến tên thành phố cũ của mình, mắt ông ánh lên một cách lạ lùng. Ông đứng dậy ngay để xuống phòng khám. Trong chiếc áo trắng của bác sĩ, ông đến gặp và nhận ra cô ngay. Ông trở về phòng khám và quyết tâm chữa cứu người phụ nữ ấy cho bằng được. Kể từ ngày hôm đó, ông nghiên cứu và theo dõi kỹ tình trạng sức khoẻ của cô. Sau những ngày cam go, căn bệnh đã thua cuộc. Bác sĩ yêu cầu phòng tài chánh chuyển hoá đơn tính tiền viện phí của cô để cho ông phê trước. Ông nhìn vào tờ hóa đơn, rồi ghi vài chữ bên lề trước khi gửi đến cho cô. Cô rất sợ phải mở tờ hóa đơn ấy ra, vì cô biết rằng cô sẽ trả món nợ ấy suốt cả đời mình. Cuối cùng, cô cũng phải nhìn xuống hoá đơn và dừng lại để ý đến hàng chữ bên lề. Cô đọc thấy: “Đã thanh toán đầy đủ bằng một ly sữa!”. Ký tên: Bác sĩ Howard Kelly. Mắt cô đẫm lệ vì vui mừng và từ trái tim ngập tràn hạnh phúc vươn lên lời nguyện cầu: “Tạ ơn Chúa! Chính Tình Yêu của Chúa đã lan truyền sang quả tim và bàn tay của con người”.

Cậu bé ngày xưa được tặng một ly sữa trong cơn đói đã trở thành Tiến Sĩ y khoa Howard Kelly, ông đã từng là một bác sĩ lỗi lạc tài ba. Năm 1895 chính ông là người sáng lập Johns Hopkins Division of Gynecologic Oncology (Phân khoa Ung Thư Phụ Sản) tại Đại Học Johns Hopkins, trường Đại Học đầu tiên của Hoa Kỳ dành cho việc nghiên cứu y khoa, được thiết lập năm 1876, tại Baltimore, Maryland.(Maranatha sưu tầm và dịch).

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Đón tiếp một em nhỏ, cho người thấp kém trong xã hội dù chỉ một ly nước lã, cũng là một việc làm đáng được ân thưởng trên trời. Lý do giản dị là Chúa đã tự đồng hoá mình với những kẻ mọn hèn (x. Mt 25, 40-45).Tiếp đón và quảng đại giúp đỡ tha nhân với lòng mến là tiếp đón Chúa. Lòng hiếu khách là một đức tính thiết yếu, một việc bổn phận “cho khách độ nhà” và mang lại cho chúng ta những phần thưởng cao quý. Đối với tín hữu, hiếu khách là người "khi con đãi khác ăn trưa hoặc ăn tối, đừng kêu bạn bè, anh em hay bà con hoặc láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại con.. Trái lại, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ. Như vậy con mới thật có phúc” (Lc 14, 14). Hiếu khách là "làm phúc tay phải, đừng cho tay trái biết".

Thánh Kinh ghi lại những cuộc tiếp đón rất đẹp, đầy lòng hiếu khách : Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ giả của Thiên Chúa. Đáp lại tấm lòng của Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ của Abraham có con trai đầu lòng (St 18). Một gia đình ở Sunam chẳng những tiếp đón ngôn sứ Elisê, mà còn dọn hẳn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Elisê cũng giúp họ thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc 1). Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại. (x.Sợi chỉ đỏ CN 13 A).

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặt việc “đón tiếp Thầy” vào một tương quan rộng lớn và trọn vẹn nhất, đó là tương quan “anh em - Thầy - và Đấng đã sai Thầy”. Lòng hiếu khách thể hiện qua việc đón tiếp các môn đệ: “Ai đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”; đón tiếp các ngôn sứ: “Ai đón tiếp một ngôn sứ với danh nghĩa là ngôn sứ, thì sẽ lãnh phần thưởng của ngôn sứ ”; đón tiếp những người công chính: “Ai đón tiếp một người công chính vì người ấy là người công chính thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho người công chính”.

Chúa Giêsu dùng từ “ngôn sứ” và “người công chính” để nói về các Tông đồ. Như vậy, các Tông đồ được coi là ngang hàng với các ngôn sứ và các người công chính thời Cựu ước.Vì thế, tiếp đón các Tông đồ được coi như là tiếp đón Chúa Giêsu, và đón tiếp Chúa Giêsu thì cũng như tiếp đón chính Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài. Mười hai Tông đồ là những sứ giả của Chúa Giêsu, còn Chúa Giêsu thì được Thiên Chúa sai đến thế gian. Nguồn mạch tối hậu của mọi sứ vụ là chính Thiên Chúa, Đấng đồng thời là chủ mùa gặt, và là Đấng sai phái các thợ gặt. Mặc dù, ra đi loan báo Tin Mừng, các môn đệ phải chấp nhận đời sống truyền giáo trong nếp sống nghèo khó và khiêm tốn, nhưng Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với họ, vì qua họ, Người đến với loài người và nói với loài người. Từ nay, họ thực sự là người của Thiên Chúa. Ai đón nhận họ tức là đón nhận chính Đức Kitô. Cả phần thưởng cho việc đón tiếp cũng dựa trên sự liên kết ấy giữa các cuộc sai phái.

Chúa Giêsu còn mời gọi: "Ai cho một trong những kẻ bé mọn dù chỉ một ly nước lã, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu". Người dùng hình ảnh chén nước lã, và một người anh em hèn mọn nhất, để đo lường và cân nhắc thái độ đón tiếp của chúng ta dành cho nhau. Cho đi “một ly sữa” hay “một chén nước lã” là cử chỉ nhỏ bé ai cũng có thể làm được, dù là một đứa trẻ. “Một chén nước lã” đối với Chúa lại là “một chén ân tình”. Điều đó cho thấy, Thiên Chúa không hề bỏ sót một nghĩa cử yêu thương nào của mỗi người. Dù chỉ là nghĩa cử bé nhỏ âm thầm, một khi đã được thực thi từ lòng mến thì nó trở nên cao cả. Tình yêu chính là trọng tâm của đời sống người tín hữu.Tình yêu làm cho thập giá trở nên nhẹ nhàng, vừa sức cho mỗi người.Tình yêu là sức mạnh giúp người tín hữu dám mất mạng sống vì Thầy.Tình yêu đã làm cho người tín hữu yêu mến Chúa hơn cha mẹ, con cái, cũng sẽ giúp họ yêu thương phục vụ mọi người cách thiết thực, chân tình.Yêu thương phải là nền tảng của mọi dâng hiến. Bởi vì “nếu tôi đem cả gia tư vốn liếng mà bố thí; và nếu như tôi nộp mình chịu thiêu đốt, nhưng lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích cho tôi” (1 Cor 13, 3).

Lắm khi người ta dễ dàng tiếp đón các nhân vật nổi tiếng như các ngôn sứ, người công chính, vị tư tế..., và chắc chắn họ sẽ nhận được ân phúc mà Thiên Chúa ban thưởng cho những con người dấn thân cao cả đó. Thế nhưng, Chúa Giêsu còn đi xa hơn khi mời gọi người ta nới rộng sự tiếp đón đến các kẻ bé mọn, người bị bỏ rơi, người già đau yếu, thai nhi vô tội.... Những con người này cũng cần được ân cần tiếp đón như sứ giả của Đức Kitô. Và chỉ "một chén nước lã" cho họ uống thôi cũng đủ cầm chắc phần thưởng Thiên Chúa trao ban rồi.

Tiếp đón không chỉ thuần túy là mở cửa nhà, mở hầu bao, mở chum nước, nhưng đúng hơn là mở rộng con tim. Chỉ khi rộng mở tâm hồn, con người mới thật sự lớn lên trong cảm thông, tương quan, tình thân, và hiệp nhất. Một tác giả đã nhận định: "Sống là phải mở ra. Như cánh hoa mở ra với mặt trời, như dòng sông mở ra với biển khơi, như cơ thể mở ra với khí trời và ánh nắng. Mở ra như thế là đòi hỏi thiết yếu của sự sống". Phương diện thể chất còn cần mở ra để được sống, huống chi là phương diện tâm linh!

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy rộng lòng quảng đại giúp đỡ những người khó khăn, bất hạnh trong tâm tình mến yêu Chúa và tha nhân. Thiên Chúa trọng thưởng ở ngay đời này và cả đời sau. Thiên Chúa sẽ trả công hậu hĩnh đến không ngờ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con dám sống chết cho tình yêu Chúa, cho chúng con biết: chân thành hơn trong yêu thương, bác ái hơn trong lời nói, nhân từ hơn trong cách cư xử. Xin cho cuộc đời chúng con mãi mãi là mùa hoa nhân ái. Amen.