3.3. Tính hỗ tương giữa đức tin và bí tích Thánh Thể

a) Nền tảng Kinh Thánh

102. Điều xảy ra trong Bữa Tiệc Ly (Mt 26: 26-29; Mc 14: 22-26; Lk 22: 14-23 Hồi 1 Cô 11: 23-26) luôn được coi là việc thiết lập ra Bí tích Thánh Thể. Thêm vào những câu truyện căn bản này là những câu truyện khác trong đó Giáo hội nhìn thấy một phương hướng chung của Thánh Thể: câu truyện nhân thừa các ổ bánh (Mc 6: 30-44 và tương tự; 8: 1-10 và tương tự; Ga 6: 1-14); lời khuyên răn cộng đồng Côrintô của Thánh Phaolô (1 Cr 10-11); hoặc tình tiết kết thúc cuộc gặp gỡ trên đường Emmau với Đấng Phục sinh (Lc 24: 30-31; 35). Do hiệu lực của lệnh truyền “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24, xem 25; Lc 22:19), ngay từ đầu (thí dụ, Cv 2:42, 46; 20: 7; 27: 35) cho đến tận ngày nay, nơi nào có các Kitô hữu và Giáo hội, Bí tích Thánh Thể đều được cử hành, như lễ tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa cho đến khi Người trở lại, như hồng phúc cứu rỗi của Người cho “nhiều người”, cho mọi người (Rm 5: 18-19; 8:32).

103. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cô đọng ý nghĩa trọn cuộc đời Người, cái chết sắp tới và sự phục sinh trong tương lai của Người để trao cho các môn đệ như một tưởng niệm và một dấu hiệu nổi bật về tình yêu của Người. Vì lý do này, những gì đã xảy ra ở đó và việc tưởng nhớ bí tích Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người cho thấy một tính cô đọng phi thường. Trong Bí tích Thánh Thể, Giáo hội cử hành việc hiện tại hóa và hiện thực hóa hồng ân hy sinh của Chúa Kitô dành cho tất cả chúng ta lên Chúa Cha. Trong Bí tích Thánh Thể, khi tạ ơn Chúa Cha “nhờ Chúa Kitô, với Người và trong Người” [115] được làm cho hiện diện nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội kết hợp với Chúa Kitô, liên kết với Người và trở thành Thân thể của Người. Vì lý do này, có thể khẳng định đúng sự thật rằng Giáo hội được sinh ra từ Bí tích Thánh Thể [116]. Vì Bí tích Thánh Thể tập hợp chính yếu tính đời sống của Chúa Kitô và do đó, chính yếu tính đời sống của Kitô hữu, nên nó vừa là nguồn vừa là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu (SC 10; LG 11).

b) Đức tin và bí tích Thánh Thể

104. [Đức tin Ba Ngôi]. Mỗi cử hành Thánh Thể đều bắt đầu “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”: với một lời nhắc nhở công thức rửa tội, và Kinh Tin Kính Ba Ngôi xuyên suốt và thấm nhiễm toàn bộ cuộc cử hành. “Yếu tố đầu tiên của đức tin Thánh Thể là chính mầu nhiệm Thiên Chúa, tình yêu Ba Ngôi” [117]. Vì trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta bước vào hiệp thông sự sống với tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như dấu hiệu lớn nhất tình yêu của Người, Chúa Cha đã ban Con của Người để cứu rỗi chúng ta; Chúa Con, ngược lại, đã tự hiến thân trong “quyền năng của Thần Khí vĩnh cửu” (Dt 9:14). Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người dự phần vào dòng suối yêu thương này, vốn cố hữu trong tình thân mật thần linh. Chúng ta dâng lời ngợi khen tốt nhất có thể có lên Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Chúa Kitô trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần, như đã được tuyên bố long trọng bởi bài tụng ca được dùng để kết thúc lời nguyện Thánh Thể. Việc tạ ơn Chúa Cha qua Chúa Con đã được ban cho chúng ta và nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần được đánh dấu bằng lời ngợi khen bao gồm việc đích thân làm chứng trong cuộc sống hàng ngày.

105. [Tính thống nhất của đức tin và đức ái]. Hành vi sám hối, nằm ở đầu cử hành Thánh Thể, nói lên sự cần thiết của mọi tín hữu chân thành trong việc lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em mình, để có thể bước vào hiệp thông với Thiên Chúa. Hơn nữa, hành vi sám hối nhấn mạnh đến tính không thể tách biệt giữa việc hiệp thông theo chiều dọc với Chúa Kitô, Đấng mà sự hiến mình sẽ được tưởng niệm ngay sau đó (anamnesis), và việc hiệp thông theo chiều ngang với các Kitô hữu khác và, qua nó, với tất cả mọi người. Đức tin Thánh Thể đích thực luôn là một đức tin tích cực thông qua đức ái (x. Gl 5: 6). Trong Bí tích Thánh Thể: “Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận thực sự hợp nhất với nhau: Thiên Chúa nhập thể kéo mọi người chúng ta vào chính Người. Nhờ thế, chúng ta hiểu agape (đức ái bậc nhất) cũng trở thành một hạn từ chỉ Bí tích Thánh Thể: ở đó, agape của Thiên Chúa đến với chúng ta bằng thân xác, để tiếp tục công trình của Người trong chúng ta và thông qua chúng ta” [118].

106. [Đức tin như một đáp ứng Lời Thiên Chúa]. Kể từ thế kỷ thứ mười một, cùng một Kinh tin kính dùng để kết thúc nghi thức rửa tội đã trở thành một phần cố định của cử hành Thánh Thể Chúa nhật và ngày lễ trọng. Lời tuyên xưng đức tin này vừa là một đáp ứng Lời Chúa vừa là một biểu hiện của sự hợp nhất giữa các tín hữu. Qua đức tin lúc công bố Lời Chúa, chúng ta nghe tiếng nói của Chúa Kitô [119]. Chiều kích tiên tri của đức tin cũng xuất hiện. Một Lời mạnh mẽ, có khả năng biến đổi thế giới, hệt như xảy ra tại tâm điểm việc cử hành Thánh Thể với các của lễ hiến dâng và cộng đoàn cử hành. Cuộc biến đổi cánh chung đã bắt đầu như thế, một cuộc biến đổi mà Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kitô, vốn là một dự ứng.

107. [Chiều kích Thần khí của đức tin]. Bản chất Thần khí (pneumatic) của các bí tích xuất hiện một cách hết sức rõ ràng trong cử hành Thánh Thể. Trong nghi lễ Latinh hiện nay, có hai lời cầu xin Chúa Thánh Thần (epiclesis). Đầu tiên là trên các của lễ, sẽ biến thành thân thể ban cho và máu đổ ra của Chúa Giêsu Kitô. Thứ hai là trên cộng đoàn, một cộng đoàn, ngược lại, cũng trở thành nhiệm thể Chúa Kitô, bước vào hiệp thông sống động với tất cả các thánh. Chúng ta thấy sự hiệp thông này trong khúc ca long trọng Thánh Thánh Thánh (sanctus), trong đó các giọng hát trên trời và dưới đất kết hợp với nhau trong lời ca ngợi chung. Do đó, trong phụng vụ Thánh Thể, chúng ta tham gia vào phụng vụ trên trời (x. SC 8). Thành thử, chiều kích Thần khí của đức tin giáo hội đóng một vài trò rất thực chất trong Bí tích Thánh Thể và làm rõ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi cả tín hữu lẫn thực tại trần gian, để nâng họ lên và dẫn họ đến sự hiệp thông và ngợi khen Thiên Chúa.

108. [Đức tin như sự sùng kính đối với Mầu nhiệm]. Sau những lời truyền phép, chủ tế công bố: “Mysterium fidei" (Mầu nhiệm Đức tin) [120]. Lời tung hô long trọng này đồng thời là một lời khẳng định, một lời loan báo và một lời mời ngỏ với mọi người. Vì Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, nên nếu không có đức tin, ta không thể hiểu và không thể cử hành nó. Lời tung hô này minh chứng rằng chân lý bí tích của những gì đang được cử hành, các hình bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, thực sự là một mầu nhiệm đức tin. Con mắt đức tin tri nhận Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu thành Nadarét thế nào, thì cùng đôi mắt đó giờ đây cũng tri nhận sự hiện diện bí tích của Chúa Giêsu Kitô như vậy [121]. Ta biết được mầu nhiệm Chúa Kitô nhờ mặc khải (x. 1Cr 2: 7-11; Cl 1: 26-27; 2: 2; Eph 1: 9; 3: 3, 9) và đức tin.

109. [Đức tin như sự công nhận nhiệm cục bí tích]. Trong lời đọc Kinh nguyện Thánh Thể cách long trọng, các cột mốc vĩ đại của nhiệm cục bí tích được nhắc nhớ trong lời tạ ơn và khẩn cầu: từ lúc sáng thế cho đến ngày tận cùng cánh chung. Đặc biệt, chúng ta nhớ đến hồng phúc Chúa Giêsu trên Thập giá, sự Phục sinh của Người và ý nghĩa mà chính Chúa đã dành cho cái chết cứu chuộc của Người trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly. Đức tin vào toàn bộ nhiệm cục thần linh được đào tạo và củng cố trong phụng vụ Thánh Thể.

110. [Chiều kích cánh chung của đức tin]. Trong việc cử hành bí tích mầu nhiệm, quá khứ, tưởng nhớ những gì đã xẩy ra, hiện tại, việc hiện tại hóa, hay việc hiện thực hóa những gì đã xảy ra, và tương lai, dự ứng sự viên mãn sau cùng mà chúng ta đang chờ đợi, đã gặp nhau [122]. Sự mới lạ cánh chung được khai mở bởi Ngôi Lời qua việc nhập thể, sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người đã bắt đầu được hiện thực hóa trong việc Kitô hóa cộng đoàn và thế giới diễn ra trong Bí tích Thánh Thể.

111. [Đức tin và việc hiệp thông với Chúa Kitô]. Sự hiệp thông, như chính tên của nó cho thấy, nói lên sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, một điều không thể có nếu không có đức tin. Người ta không thể hiệp thông mật thiết với ai đó bằng cách phớt lờ họ hoặc chống lại ý chí của mình. Đức tin biết đáp ứng các hồng ân Thánh Thể bằng chữ “amen” có liên quan đến việc chuẩn bị không những để lãnh nhận bí tích, mà còn để đại diện cho nó nữa. Cùng diễn ra với sự hiệp thông với Chúa Kitô này là việc thánh hóa bản thân người Kitô hữu, đi kèm với việc hiệp thông sự sống với Chúa Kitô. Sự thánh hóa này nhất thiết ngụ hàm việc sai đi.

112. [Đặc điểm truyền giáo của đức tin]. Việc sai đi cuối cùng mà với nó, Bí tích Thánh Thể kết thúc, “Ite, missa est” (Lễ xong, anh chị em ra đi bằng an) [123] giả thiết phải quay trở về với cuộc sống bình thường trong tinh thần truyền giáo, làm cho sự sống đã lãnh nhận trong bí tích hiện diện trong cộc sống bình thường này, và trở thành một Bí tích Thánh Thể cho thế giới theo hình ảnh Chúa Kitô và theo cung cách riêng của Người. Thật vậy, trong hiến lễ Thánh Thể, không những Chúa Giêsu Kitô tự hiến mình Người, mà mọi tín hữu tham dự Bí tích Thánh Thể cũng hiến mình cùng với Chúa Kitô (x. SC 48; LG 11; Rm 12: 1). Việc dâng hiến bản thân, việc chấp nhận được sai đi và việc thi hành nó không thể diễn ra mà không có đức tin. Mọi sự tín hữu Kitô giáo lãnh nhận trong bí tích: tha thứ các tội nhẹ, lặp lại phép rửa tội, rao giảng Lời Chúa, hiệp thông với Chúa Kitô và biến đổi thành thân thể của Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, hàm ngụ một cuộc củng cố giúp họ, giờ đây, nhờ được Kitô hóa, làm chứng cho đức tin trong thế giới và biến đổi thực tại theo kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, sau biến cố lãnh nhận hồng phúc của Chúa Cha, nhờ hồng ân của Chúa Con nhận được trong Chúa Thánh Thần, một việc diễn ra trong mỗi Bí tích Thánh Thể, Kitô hữu được minh nhiên sai đi truyền giáo vào cuối buổi cử hành.

113. [Củng cố đức tin bản thân]. Đức tin của tín hữu được làm phong phú và củng cố nhờ sự hiệp thông mật thiết với Chúa Kitô. Tư cách Giáo Hội của người tham gia Bí tích Thánh Thể, việc họ được lồng vào thân thể hữu hình của Chúa Kitô, được hiện thực hóa và tăng cường. Việc được tháp nhập vào Chúa Kitô có tầm cỡ đến nỗi Thánh Augustinô nói với các tín hữu: “Nếu bạn là chi thể của thân thể Chúa Kitô, thì mầu nhiệm của bạn nằm ở bàn tiệc của Chúa... Hãy trở thành điều bạn thấy và lãnh nhận điều bạn là” [124]. Nói tóm lại, trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng Bí tích Thánh Thể giả thiết phải có cách hiện diện mãnh liệt nhất của Chúa Kitô giữa chúng ta, vì đó là một sự hiện diện đích thực, có tính xác thịt và bổ dưỡng [125]. Vì lý do này, việc tham dự đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể theo quan điểm đức tin hàm nghĩa một hiệp thông tối đa với Chúa Kitô.

114. [Xây dựng cơ thể Giáo hội]. Trong Bí tích Thánh Thể, không những đức tin cá nhân của tín hữu được củng cố, mà trong đó, Giáo hội cũng được hạ sinh [126]: Chúa Kitô, Đấng hiến mình cho Giáo Hội trong lễ hy sinh như cho Người phối ngẫu yêu dấu của Người, đã tạo nên Giáo Hội trong thân thể Người [127]. Sự hiệp thông giữa các Giáo hội, sự chia sẻ của cùng một đức tin nhận được, được diễn tả qua sự hiệp thông Thánh Thể theo một truyền thống rất cổ xưa. Giáo hội tự mình là thân thể Chúa Kitô, được cấu thành như vậy bởi thiết kế thần linh, nhờ vào hành động bí tích Ba Ngôi. Thân thể này thể hiện điều nó là khi công bố đức tin đã nhận được, thánh hóa lịch sử, ca hát những lời ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi và dấn thân vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm.

115. [Bí tích Thánh Thể: Biểu thức lớn nhất của đức tin bí tích]. Do đó, chúng ta có thể kết luận bằng cách khẳng định rằng: “Đặc tính bí tích của đức tin tìm được biểu thức cao nhất của nó trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một của nuôi dưỡng quý giá cho đức tin: một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hành động tối cao của tình yêu của Người, hồng phúc trao ban sự sống của chính Người [128].

116. [Sự cần thiết của đức tin để tham dự việc cử hành Thánh Thể]. Lời khuyên của Thánh Phaolô với các Kitô hữu tại Côrintô đặc biệt mang tính giáo huấn. Người nào can dự vào tác phong thờ ngẫu tượng thì không thể dự phần vào Mình hay Máu Chúa Kitô (1 Cr 10: 14-22). Sự hiệp thông với “Bàn tiệc Chúa” không những đòi phải được khai tâm vào đức tin Kitô giáo và trở thành chi thể của Thân thể Chúa Kitô, mà còn là việc phải nhất quán cuộc sống mình với điều có ý nghĩa ở đó nữa. Cũng thế, một tác phong không nhất quán với đức tin Kitô giáo cũng như các chia rẽ trong cộng đồng và việc thiếu bác ái đáng kể đối với anh em (1 Cr 11:21) là không tương hợp với “việc ăn Bữa Tối của Chúa” (1 Cr 11:20). Điều này bắt buộc chúng ta phải biện phân xem chúng ta có sống hay không trong đường hướng, về cơ bản, phù hợp với những gì đang được cử hành (1 Cr 11:29). Nói tóm lại, việc tham dự Thánh Thể đòi một đức tin sống động, được phát biểu bằng đức ái và việc từ bỏ các ngẫu thần. Triết lý thực hành Thánh Thể đòi cả việc thực thi đức ái, lẫn việc phù hợp tín lý và được lồng vào giáo hội.

117. Định chế đền tội của Giáo hội cổ xưa loại trong một thời gian khỏi việc hiệp thông Thánh Thể (chứ không phải khỏi Giáo hội) các tín hữu nào công khai từ bỏ đức tin của mình, hoặc đã vi phạm Kinh tin kính và các quy tắc của cuộc sống do Giáo hội quy định. Sau một cuộc xưng tội công khai, tội nhân, vì bị biến thành một tai tiếng công khai, nên đã bị trục xuất khỏi việc hiệp thông Thánh Thể trong một thời gian (tuyệt thông), và sau đó, được nhận lại một cách long trọng sau khi đã hoàn thành việc đền tội (hòa giải). Như thế, điều trở nên rõ ràng là việc đền tội không những được sử dụng cho sự hòa giải của tội nhân với Chúa Kitô, mà còn được sử dụng cho việc thanh tẩy Giáo hội nữa. Hối nhân hiểu mình là viên đá của một Giáo hội vốn là ánh sáng của thế giới. Khi nó không còn như vậy vì một tội lỗi công khai, điều trở nên cần thiết một cách nào đó là loại bỏ nó (tuyệt thông), “sửa chữa nó” qua việc đền tội và đưa nó trở lại vị trí cũ (hòa giải)[129]. Mặc dù có sự thay đổi trong cách thức việc đền tội được cử hành, không còn công khai nữa, nhưng nền thần học căn bản vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, ngày nay mối tương quan qua lại chặt chẽ này giữa việc đền tội và Bí tích Thánh Thể đã trở nên mờ nhạt trong nhiều môi trường thực hành.

Kỳ sau: c) Các vấn đề hiện thời