3. TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH TRONG KHAI TÂM KITÔ GIÁO

80. [Dẫn nhập]. Sau khi đã thấy tính hỗ tương thiết yếu giữa đức tin và các bí tích trên bình diện kép đôi tổng quát, tức từ nhiệm cục bí tích và từ đức tin và các bí tích, chúng ta chuyển sang xem xét ảnh hưởng của chúng đối với các bí tích khai tâm Kitô giáo. Như thế, ở đây có ý nói đến việc áp dụng các ý niệm và quan điểm đã nhận được để làm cho chúng sinh hoa trái trong mỗi bí tích của ba bí tích khai tâm. Mỗi bí tích có tính chuyên biệt riêng của nó mà ta cần phải tôn trọng. Tuy nhiên, để hệ thống hóa việc bàn đến vấn đề chính, chúng ta sẽ tiến hành theo năm bước được kết nối với nhau, với các ngoại lệ được thích nghi cho từng bí tích. Các bước này là: (1) nền tảng chính trong Kinh thánh; (2) mối tương quan qua lại giữa bí tích nói đến và đức tin cần cho việc cử hành nó; (3) các vấn đề phát sinh ngày nay xung quanh mối tương quan này; (4) việc soi sáng bắt đầu từ những khoảnh khắc nổi bật và được chọn của Truyền thống; và, dưới ánh sáng của suy tư trước đó về vị trí của đức tin trong việc cử hành bí tích, (5) đề nghị thần học về việc chăm sóc mục vụ đối với đức tin cần thiết cho việc cử hành mỗi bí tích. Vì sự khác biệt trong phép rửa tội người lớn và trẻ em, sơ đồ này cũng được thích ứng cho từng trường hợp. Chúng ta bắt đầu từ phép rửa tội người lớn và kết thúc với việc bàn tới các yếu tố chuyên biệt của phép rửa tội trẻ em. Chúng ta giả thiết phải có một nền thần học đầy đủ hơn về mỗi bí tích. Ở đây, chúng ta chỉ đơn giản thu thập một số yếu tố chủ yếu để trình bầy chi tiết một trả lời có ý nghĩa đối với vấn đề tính hỗ tương giữa đức tin và mỗi bí tích khai tâm.

3.1. Tính hỗ tương giữa Đức tin và Bí tích Rửa tội

a) Nền tảng Kinh Thánh

81. Sau bài thuyết giảng sơ truyền vĩ đại vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các thính giả đã “đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác : ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’ Ông Phêrô đáp : ‘Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần’... Những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa” (Cv 2: 37-38, 41). Sự hoán cải, đáp ứng của con người đối với việc công bố Tin Mừng, dường như không thể tách rời khỏi nghi thức phép rửa, vốn được liên kết với một số khía cạnh căn bản của đời sống Kitô hữu. Nhờ bí tích rửa tội, người tín hữu tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô (x. Rm 6: 1-11), được Đức Kitô dự ứng trong phép rửa của chính Người và được thể hiện trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Người (x. Mc 10: 38; Lc 12:50); người tín hữu được mặc lấy Chúa Kitô, được đồng hình đồng dạng với Người, trở nên ở trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Do đó, chúng ta trở thành con nuôi và tạo vật mới. Thánh Tông đồ Phaolô cũng hiểu rằng với bí tích rửa tội:

Kitô hữu đã được trao phó cho một nền “giáo huấn tiêu chuẩn” (týpos didachés), giáo huấn mà giờ đây, họ tuân theo tận đáy lòng (x. Rm 6:17). Trong bí tích rửa tội, chúng ta lãnh nhận cả một giáo huấn để tuyên xưng và một lối sống chuyên biệt đòi phải dấn thân trọn con người và đưa chúng ta vào con đường dẫn đến sự tốt lành. Những ai được rửa tội đều được đặt vào một bối cảnh mới, được trao phó cho một môi trường mới, một cách hành động mới và sẻ chia, trong Giáo hội [86].

Người ta cũng được tháp nhập vào Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô (x. 1Cr 1: 11-16; 12:13). Nhờ bí tích rửa tội, người ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần từng được hứa ban (Cv 1: 5), ơn tha thứ tội lỗi (Cl 2: 12-13), ơn công chính hóa. Nhờ cách này, tạo vật mới được rửa tội, tạo vật mới, nhờ việc sinh thành mới này (Ga 3: 3, 5) thuộc về Chúa Kitô và Giáo hội, có khả năng sống cuộc sống Kitô hữu, làm chứng cho nó bằng một cuộc sống mới.

b) Đức tin và Bí tích Rửa tội người lớn

82. Bí tích Rửa tội là bí tích của đức tin tuyệt vời. Mc 16:16 vốn liên kết đức tin và bí tích rửa tội: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ”. Ngoài ra, lệnh truyền rửa tội dùng để kết thúc Tin Mừng Mátthêu (28:19) chứa một công thức rửa tội, trong đó Giáo hội đã nhìn thấy việc tổng hợp đức tin Ba Ngôi của mình. Mặt khác, nghi thức rửa tội phản ảnh rõ ràng tầm quan trọng của đức tin. Trong nghi thức hiện hành về việc chấp nhận cho vào thời kỳ dự tòng, các dự tòng xin Giáo Hội ban cho “đức tin” mang lại “sự sống đời đời” [87]. Trong Giáo hội cổ xưa, nghi thức dìm xuống nước ba lần được đi kèm với các câu trả lời cho các câu hỏi tuyên tín [ 88]. Ngày nay, các từ bỏ và việc tuyên xưng đức tin là một phần cấu tạo ra nghi thức. Chính việc cử hành nghi thức, với các tra vấn kỹ lưỡng, nêu bật bản chất đối thoại của biến cố: tuyên bố công khai đức tin của các dự tòng, trước đó đã được thử thách trong thời kỳ dự tòng qua nhiều giai đoạn khác nhau, và việc lãnh nhận phép rửa do một thừa tác viên của giáo hội ban cho. Chính các tra vấn cẩn thận đã chu toàn chức năng bảo đảm việc gắn bó với đức tin của giáo hội về phía người được rửa tội, vượt quá các minh chứng trước đó về kiến thức tín lý, tuân thủ nền luân lý và thực hành cầu nguyện trong thời kỳ dự tòng. Vì là một hồng ân của Thiên Chúa, không ai có thể tự ban một bí tích cho chính mình. Đức tin được lãnh nhận nhờ việc giảng dạy và lắng nghe Lời Chúa thế nào, thì các bí tích cũng là một phần của luận lý học này của việc lãnh nhận hồng ân Thiên Chúa.

83. Kitô hữu được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như thế tiếp tục cuộc hành hương của họ trong đức tin, lãnh nhận Chúa Thánh Thần, vào các dịp khác, trong việc cử hành các bí tích và các á bí tích khác. Hai loại suy sau đây soi sáng thực tại này. Việc Thiên Chúa thổi “hơi thở sự sống” vào Ađam (St 2: 7). Quan trọng hơn cả, toàn bộ thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần do Chúa Cha sai đến. Người được xức dầu trong phép rửa của Người bằng Chính Chúa Thánh Thần (Mc 1:10 và các câu tương tự), và chính Chúa Thánh Thần đã dẫn Người vào sa mạc (Mc 1: 12 và các câu tương tự), tại hội đường Nadarét, Người công bố Người được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần (Lc 4: 16-21); và nhờ Chúa Thánh Thần, Người đã xua đuổi ma quỷ (Mt 12:28), và Người đã thở Chúa Thánh Thần ra trên thập tự giá (Mt 27:50; Lc 23:46). Nói chung, ta có thể mô tả toàn bộ sứ mệnh của Người như một phép rửa, qui chiếu vào lễ Phục sinh (x. Lc 12:50). Theo cách này, ta hiểu đời sống của Kitô hữu là sự khai mở từ từ sự sống vốn là hồng ân ban đầu của Chúa Thánh Thần ban cho trong phép rửa, cho đến lúc kết thúc sự sống ấy, được trao lại cho Chúa Cha, như Chúa Giêsu.

c) Đề xuất mục vụ: Đức tin dành cho Bí tích Rửa tội người lớn

84. Với phép rửa tội, bí tích của sự sống mới trong Chúa Kitô [89] và sự sinh ra mới, người ta bắt đầu một cuộc hành trình, trở nên một thành phần của Giáo hội và bước vào nhiệm cục bí tích. Trong Giáo hội cổ xưa, sự thay đổi cuộc sống này được phát biểu cách hữu hình và bằng thể xác, với việc người chịu rửa tội quay lưng khỏi phía Tây, nơi họ nhìn lúc hứa từ bỏ, để quay về phía Đông, trong lúc tuyên xưng đức tin. Luôn luôn có lời yêu cầu phải chuẩn bị trong suốt thời kỳ dự tòng hoặc trong các hình thức giáo huấn khác, nhưng cũng đã có một ý thức tốt về bản chất ban đầu của đức tin rửa tội. Vì lý do này, diễn trình dự tòng trước đó phải được tuân giữ một cách nghiêm túc và chuyên chăm, với các dự tòng tuyên bố một cách có trách nhiệm, việc gắn bó của họ với đức tin Ba Ngôi đã lãnh nhận và mong muốn tiếp tục tiến triển trong sự hiểu biết về nó và trong sự gắn kết cuộc sống mình với nó, nhờ vào hồng ân ơn thánh rửa tội. Bí tích Rửa tội, vì là cánh cửa gia nhập, nên đức tin cần thiết để lãnh nhận bí tích này không cần phải hoàn hảo, nhưng có tính khởi đầu và mong muốn được tăng trưởng.

85. Thời kỳ dự tòng được hiểu như một phần của việc khai tâm ra sao, thì phép rửa cũng không hệ ở một nghi thức tự khép kín vào chính nó như thế, nhưng do tính năng động bên trong của nó, nó đòi hỏi một minh chứng bằng cuộc sống như một người đã được rửa tội. Mà sự hiểu biết về đức tin cũng không khép kín, bất chấp sự như nhau giữa đức tin được cử hành trong nghi thức và đức tin được tin tưởng [90]. Điều này tương ứng với giáo lý sau khi rửa tội, theo nghĩa như một giai đoạn giáo huấn thêm chuyên biệt dành cho bí tích. Việc thực hành của Giáo hội cổ xưa phản ảnh xác tín rằng việc hiểu biết thực sự về “mysteria” (các mầu nhiệm) diễn ra sau khi lãnh nhận chúng [91]. Dù sao, không ai cho rằng việc hiểu biết tự nó diễn ra, nhưng các tân tòng được dẫn nhập vào các bí tích thông qua nền giáo lý khai tâm mầu nhiệm (mystagogical catechesis).

86. [Soi sáng từ Thánh truyền]. Thánh Cyrilô thành Giêrusalem liên tục nói đến việc hoán cải tâm hồn và cảnh báo: “Nếu ý định của bạn vẫn sai... thì bạn sẽ nhận được nước, nhưng không nhận được Chúa Thánh Thần” [92]. Việc này không minh nhiên đòi phải có sức mạnh đức tin theo nghĩa một sức mạnh phi thường có khả năng di chuyển núi non, nhưng gắn bó tin theo lời công bố của giáo hội: “Bạn cần đức tin, một đức tin tùy thuộc vào bạn, đức tin vào Thiên Chúa, để bạn có thể lãnh nhận đức tin mà Thiên Chúa thông ban và làm những việc siêu phàm” 93]. Đức tin có thể và phải lớn lên; việc sẵn lòng làm như vậy thuộc về chính quyết định chịu rửa tội [94].

87. Bắt đầu từ khúc rẽ Constantinô, khi thời kỳ dự tòng cổ điển, với sự nghiêm túc và các giai đoạn khác nhau của nó, dần dần biến đi, Giáo hội thích nghi với hoàn cảnh mới: xã hội chủ yếu trở thành Kitô hữu. Trong tình hình này, việc xã hội hóa nói chung bao gồm một việc xã hội hóa về tôn giáo nào đó, ít nhất phải tương đối lớn hơn ở thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, điều tiếp tục cần cho đức tin là một nhân vật thuộc giáo hội (cha mẹ đỡ đầu); và giáo huấn tối thiểu trước đó, giúp cho việc gắn bó bản thân đối với đức tin có trách nhiệm và có ý thức. Trường hợp Indies dạy ta nhiều điều. Bất chấp sự kiện có những khuynh hướng khác nhau và trong nền thần học lúc đó, ơn cứu rỗi được liên kết chặt chẽ với bí tích rửa tội, cuối cùng người ta đã đạt tới ý kiến cho rằng tốt nhất nên bảo toàn phẩm giá của người bản xứ và bản chất đối thoại của các bí tích [95]. Theo các đường nét này, Cha Dòng Đaminh, Francisco de Vitoria, cùng với các nhà thần học khác, đã viết một báo cáo về vấn đề phải chuẩn bị đầy đủ cho các Kitô hữu của lục địa mới, giữa lúc thiếu hụt nhiều linh mục, những vị vốn có gánh nặng dạy giáo lý:

Họ không được rửa tội trước khi được dạy dỗ đầy đủ không những về đức tin, mà còn về các phong hóa Kitô giáo nữa, ít nhất trong chừng mực cần thiết cho ơn cứu rỗi. Họ không được rửa tội trước khi có khả năng hiểu những gì họ nhận lãnh hoặc trước khi họ đáp trả và tuyên xưng trong bí tích rửa tội cùng muốn sống và kiên trì trong đức tin và Kitô giáo [96].

88. [Đề xuất mục vụ]. Giáo hội luôn mong muốn cử hành phép rửa tội. Điều này hàm ngụ niềm vui thấy các tín hữu mới lãnh nhận ơn công chính hóa, được tháp nhập vào Chúa Kitô, thừa nhận Người là Cứu Chúa của họ, lên khuôn cuộc sống của họ theo Chúa Kitô, trở nên một thành phần của Giáo hội, làm chứng cho cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần, mà nhờ Người, họ đã được ban ơn thánh và được soi sáng. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối thiếu vắng đức tin bản thân, nghi thức bí tích mất đi ý nghĩa của nó. Mặc dù tính thành hiệu (validity) dựa trên việc thực hiện bí tích của thừa tác viên với ý hướng thích đáng (xem § § 65-70), nhưng nếu người được rửa tội không có tối thiểu một chút đức tin, tính hỗ tương chủ yếu giữa đức tin và các bí tích dần dần mất đi. Không có đức tin tin rằng các dấu hiệu hữu hình (sacramentum tantum) thông truyền ơn thánh vô hình (thí dụ, dìm vào nước như một sự quá độ từ cái chết sang sự sống), những dấu hiệu này không thông truyền thực tại vô hình được biểu thị (res sacramenti): là tha thứ tội lỗi, ơn công chính hóa, việc tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, bước vào cuộc sống con thảo. Trong trường hợp này, bí tích rửa tội trở thành một quy ước xã hội đơn thuần hoặc bị thấm nhiễm các yếu tố ngoại giáo.

89. Mức tối thiểu đức tin trên xem ra không thể thiếu đối với những người lãnh nhận bí tích để họ tiến gần tới ý định hiện thực hóa điều Giáo hội tin. Một số yếu tố thuộc về mức tối thiểu đức tin này có thể được suy diễn từ chính tính năng động của việc cử hành bí tích [97]: đức tin Ba Ngôi, với lời cầu khẩn Ba Thiên Chúa ngự xuống trên người tân tòng; niềm xác tín được tái sinh trong Chúa Kitô, được biểu tượng bằng việc dìm mình trong nước, như nước sự sống [98]; việc sinh ra đời sống mới, được biểu thị bằng việc mặc áo trắng; niềm tin tưởng nhận được ánh sáng của Chúa Kitô và mong muốn làm chứng cho nó, được biểu tượng trong việc tiếp nhận ánh sáng từ ngọn nến phục sinh.

90. Do đó, cần có lòng trung thành với tín lý của Giáo hội, đức ái và khôn ngoan mục vụ, cùng với óc sáng tạo trong việc chào đón và cung cấp các hành trình dự tòng. Không bảo vệ đầy đủ bản chất và ý nghĩa bí tích, vì sợ những yêu cầu tối thiểu, là mặc nhiên gây hại lớn hơn cho tính bí tích của đức tin và của Giáo hội. Gây bất lợi cho tính toàn vẹn và gắn bó của chính đức tin mà nó có ý định bảo vệ. Chắc chắn, đức tin của người lãnh nhận không phải là nguyên nhân của ơn thánh đang hoạt động trong bí tích, nhưng nó là một phần của việc chuẩn bị thỏa đáng cần thiết cho tính hữu hiệu (fruitfulness) của bí tích, để nó có thể có hiệu quả. Không có bất cứ thứ đức tin nào, dường như rất khó để quả quyết rằng mức tối thiểu không thể thiếu kia được duy trì trong lúc chuẩn bị, một việc vốn bao gồm, ít nhất, việc không gây bất cứ trở ngại nào [99]. Theo nghĩa này, không có đức tin tối thiểu, hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân vốn làm cho người được rửa tội trở thành “Bí tích” sống động của Chúa Kitô, như một lá thư của Chúa Kitô (x. 2Cr 3: 3), không thành công trong việc tạo ra hoa trái vốn là của riêng Người. Mặt khác, người tuyên xưng Chúa Kitô là Chúa và Cứu Chúa của mình sẽ không ngần ngại liên kết mình một cách mật thiết nhất có thể, một cách bí tích, với hạt nhân trung tâm của mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô: là sự Phục sinh.

Kỳ sau: d) Đức tin và phép rửa tội trẻ em