Lúc 7 sáng Chúa Nhật 3 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư mùa Phục sinh tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Thánh lễ này là thánh lễ thứ 50 được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta kể từ ngày 9 tháng Ba như một dấu chỉ cho sự gần gũi của Đức Thánh Cha đối với Dân Chúa, ở nhiều nơi trên thế giới không thể đi tham dự các Thánh lễ vì đại dịch coronavirus kinh hoàng. Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các linh mục và bác sĩ liều mạng sống lo cho người khác.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Ba tuần sau khi Chúa phục sinh, hôm nay Giáo hội cử hành Chúa Nhật Phục sinh thứ tư, cũng là Chúa Nhật kính Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành. Điều này khiến tôi nghĩ đến nhiều mục tử đã hy sinh mạng sống của mình cho các tín hữu trên thế giới, ngay cả trong đại dịch này, rất nhiều, hơn 100 linh mục ở tại Ý này đã qua đời. Tôi cũng nghĩ đến những người khác chăm sóc tốt cho mọi người, là các bác sĩ. Chỉ ở Ý, 154 bác sĩ đã qua đời, trong khi tận tình chăm sóc các bệnh nhân. Cầu xin cho tấm gương của các linh mục và các bác sĩ này là gương sáng cho chúng ta biết chăm sóc cho Dân Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1 Pt 2: 20b-25), trong đó vị tông đồ nói rằng nhờ vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta đã được chữa lành. Ngài cũng đề cập đến bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10: 1-10) trong đó Chúa Giêsu khẳng định ngài là cửa chuồng chiên.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

“Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.

PHÚC ÂM: Ga 10, 1-10

“Ta là cửa chuồng chiên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thư thứ nhất của Thánh Phêrô, mà chúng ta vừa nghe, là một lá thư được viết trong thanh thản khi Thánh Phêrô nói về Chúa Giêsu: “Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.”

Chúa Giêsu là mục tử - như Phêrô nhận xét – là Đấng đến cứu những con chiên lạc: là chúng ta. Và trong Thánh Vịnh 22 mà chúng ta vừa lặp đi lặp lại: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” trước sự hiện diện của Chúa như người chăn chiên, như mục tử của đàn chiên. Và Chúa Giêsu, trong chương 10 Phúc Âm theo Thánh Gioan, mà chúng ta vừa nghe, tự giới thiệu mình là người chăn chên. Trên thực tế, không chỉ là người chăn chiên, nhưng còn là “cửa” mà qua đó có thể đi vào bầy chiên. Tất cả những ai đến nhưng không đi qua cánh cửa mà vào đều chỉ là những tên trộm hoặc những tên tội phạm hoặc những kẻ muốn lợi dụng đàn chiên: những kẻ chăn chiên giả. Và trong lịch sử của Giáo hội đã có nhiều người khai thác đàn chiên. Những người ấy không quan tâm đến đàn chiên mà chỉ quan tâm đến sự nghiệp, chính trị hay tiền bạc. Nhưng đàn chiên biết họ, luôn biết họ và đang tìm kiếm Chúa trên đường phố.

Nhưng khi có một mục tử tốt, đàn chiên sẽ tăng trưởng và lắng nghe người ấy. Người chăn chiên tốt cũng biết lắng nghe đàn chiên, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên. Và đàn chiên biết cách phân biệt giữa các mục đồng, đàn chiên tin cậy mục tử tốt lành. Chỉ có người chăn chiên trông giống Chúa Giêsu mới đem lại sự tự tin cho đàn chiên. Phong cách của Chúa Giêsu phải là phong cách mà người chăn chiên tốt lành phải bắt chước. Phong cách ấy được Thánh Phêrô đề cập đến trong thư thứ nhất của ngài: “Ðức Kitô đã lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh.”

Một trong những dấu chỉ nổi bật của người chăn chiên tốt là sự hiền lành. Người chăn chiên tốt là người ôn hòa. Một mục tử không ôn hòa không phải là một mục tử tốt. Sự hiền lành có một cái gì đó ẩn giấu, nó được thể hiện một cách nhẹ nhàng. Người chăn chiên dịu dàng thì có sự gần gũi, biết rõ từng con chiên và chăm sóc từng con như thể nó là con chiên duy nhất, đến mức khi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ấy nhận ra rằng anh nhớ một con chiên, liền ra ngoài đồng một lần nữa để tìm con chiên ấy và mang vác nó trên vai. Đây là vị mục tử tốt lành, đây là Chúa Giêsu, đây là người đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc sống, đến với mọi người. Và ý tưởng này về người chăn chiên, về đàn chiên và các con chiên, là một ý tưởng được lặp lại nhiều lần trong lễ Phục Sinh. Trong tuần bát nhật lễ Phục Sinh Giáo Hội hát bài thánh ca đẹp chúc mừng những người mới được rửa tội: “Đây là những con chiên mới”. Đó là một ý tưởng về cộng đồng, về sự dịu dàng, tử tế, hiền lành thể hiện tâm tình Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng bảo vệ Giáo hội.

Chúa Nhật này là một ngày Chúa Nhật đẹp trời, đó là một ngày Chúa Nhật của bình an, một ngày Chúa Nhật của sự dịu dàng, bởi vì mục tử của chúng ta đang chăm sóc chúng ta. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.”


Source:Vatican News