Trong các tin tức dồn dập về đại dịch COVID-19, hôm nay, người ta đọc được tin vui đó là việc chính phủ Mỹ bắt đầu cho thử nghiệm thuốc chích ngừa đại dịch này.

Tin vui

Theo Zeke Miller (AP) vừa tường trình rằng người tham gia đầu tiên trong thử nghiệm lâm sàng thuốc chích phòng ngừa COVID-19 sẽ nhận được liều chích thử vào hôm thứ Hai, 16 tháng 3. Viện Y Tế Quốc Gia tài trợ việc thử nghiệm này diễn ra tại Viện Nghiên cứu Sức Khoẻ Thường Trực Kaiser của [Tiểu Bang] Washington ở Seattle.



Tuy nhiên, việc thử nghiệm này sẽ kéo dài từ 1 năm đến 18 tháng mới có thể chứng nghiệm trọn vẹn bất cứ thứ thuốc chích nào. Việc thử nghiệm này sẽ bắt đầu với 45 thiện nguyện viên trẻ, khỏe mạnh với các liều lượng khác nhau. Những người này sẽ không gặp nguy cơ mang bệnh vì họ vốn không mang vi khuẩn COVID-19. Mục đích chỉ để kiểm soát xem chất thuốc này có gây biến chứng gì cho con người hay không trước khi được sử dụng rộng rãi.

A.P. cũng cho hay nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua trong việc chế tạo loại thuốc chích này: họ nghiên cứu nhiều loại thuốc chích khác nhau bằng các kỹ thuật mới không những mang lại các loại thuốc vừa sản xuất nhanh hơn vừa mạnh hơn. Có những trung tâm đang tập chú vào việc sản xuất các thuốc chích tạm thời, hữu hiệu trong vòng vài ba tháng trong khi chờ sản xuất các loại thuốc có hiệu lực dài hạn hơn.

Tổng thống Donald Trump đặc biệt thúc đẩy việc sản xuất này và ông hy vọng sẽ được thấy loại thuốc chích này một ngày “khá gần đây”.

Một tin vui khác là các nhà chuyên môn cho biết: đối với phần lớn người ta, con vi khuẩn mới này chỉ gây các triệu chứng nhẹ đến trung bình, như nóng lạnh và ho. Đối với người cao tuổi và người có các vấn đề sức khỏe sẵn, thì nặng hơn, có thể gây viêm phổi. Đại đa số người mắc bệnh đã được chữa khỏi. Theo WHO, những người mắc bệnh nhẹ thường khỏi trong 2 tuần, trong khi những người mang bệnh nặng cần từ 3 tới 6 tuần lễ để bình phục.

Phương thuốc tâm linh

Về phương diện cứu chữa tâm linh, Tiến sĩ Stephen D. Minnis, chủ tịch Cao Đẳng Benedictine ở Kansas vừa phát động tuần 9 ngày cầu nguyện cho CODID-19 chấm dứt.

Phù hợp với khẩu hiệu của mình là “Làm việc và Cầu nguyện”, Cao đẳng Benedictine vừa hợp tác với các viên chức y tế của Kansas, các nhà cầm quyền của Atchison và Toán Đặc Nhiệm Liên Khoa vốn sinh hoạt hàng ngày, vừa chạy đến với Đức Mẹ Núi Berico xin ngài cầu bầu cho việc nhanh chóng ngăn chặn việc lây lan của COVID-19 và che chở mọi người, qua tuần 9 ngày bắt đầu từ ngày 14 tháng 3.

Lời kinh trong dịp này:

“Lạy Maria, Nữ Trinh rất thánh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ con, con cám ơn Mẹ đã đoái thương hiện ra trên Núi Berico và con cám ơn Mẹ về mọi ơn phúc Mẹ ban phát ở đây cho nhửng ai chạy đến với Mẹ. Không ai cầu xin Mẹ mà vô ích bao giờ. Con cũng thế, con xin chạy đến cùng Mẹ và cầu xin Mẹ vì cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa Giêsu và vì các đau đớn của Mẹ: lạy Mẹ nhân từ, xin Mẹ đón nhận con dưới tà áo Mẹ, vốn là tà áo mẫu thân; xin Mẹ ban cho con ơn đặc biệt này [thêm lời cầu xin của bạn ở đây] và che chở con khỏi mọi sự dữ nhất là khỏi tội lỗi vốn là sự dữ lớn lao hơn cả.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ con, xin Mẹ làm cho con luôn được hưởng sự che chở thương yêu của Mẹ ở đời này và nhất là trong lúc sinh thì và sau đó được thấy Mẹ trên thiên đàng để cám ơn và chúc tụng Mẹ muôn đời. Amen”.



Tin không vui

Tin không vui lẽ dĩ nhiên là việc đóng cửa nhiều nhà thờ và nhất là không cử hành các Thánh Lễ công cộng kẻ cả thánh lễ Chúa Nhật và lễ cực trọng như các cử hành tam nhật Phục sinh.

Dù các biện pháp ấy được đại đa số giáo dân ủng hộ để ngăn chặn sự lây lan nhanh như chớp của COVID-19, nhưng không thiếu người cảm thấy biện pháp ấy kỳ lạ.

Ký giả John Allen của tờ Crux đại diện cho nhóm người ấy. Trong bài nhận định tựa là “Hullabaloo about Holy Week, the pope’s team pushes back, and life in the catacombs”, ký giả này kết luận rằng “Thế nhưng, trong một xã hội mà đạo Công Giáo bàng bạc nhất trên thế giới, ngay trong sân nhà của Đức Giáo Hoàng nơi việc cầu nguyện và thờ phượng Công Giáo luôn nằm ở tâm điểm việc đáp ứng bất cứ cuộc khủng hoảng nào, sự kiện thậm chí bạn phải ưu tư về những điều như thế... quả thực, chưa từng có, hơi gây mất nhuệ khí, và đơn thuần hết sức kỳ lạ”.

Ký giả trên cho rằng người Công Giáo bị ảnh hưởng bời COVID-19 cùng một cách y hệt mọi người khác, nhưng Giáo Hội vốn độc lập (sui generis) nên cách Giáo Hội phản ứng nó sẽ có những hệ luận độc đáo đối với đời sống mình. Trong một số trường hợp, nhiều khuôn mẫu lâu đời được lặp lại, nhưng trong nhiều trường hợp khác, sự sợ hãi đang tạo ra nhiều nghịch lý chưa từng có.

John Allen không hẳn giải thích các nghịch lý cho bằng lưu ý một số điều “kỳ lạ”. Một trong kỳ lạ ấy là việc loan báo hủy bỏ việc giáo dân tham dự trực tiếp các lễ nghi phụng vụ tuần thánh của Đức Giáo Hoàng diễn ra tại Nhà Thờ Thánh Phêrô. Thông báo này không do cơ quan nào khác thông báo mà là do Phủ Giáo Hoàng (Prefecture of the Papal Household), một cơ quan lo việc hậu cần cho các biến cố công cộng có Đức Giáo Hoàng hiện diện.

Thông báo ấy được Vatican News đăng tải trên trang Facebook và từ đó, các hãng thông tấn đã lấy và phát tán đi. John Allen, trong tư cách một ký giả lâu năm có mặt ở Vatican, hết sức ngạc nhiên khi “một tin tức rõ ràng quan trọng như thế đã được loan báo không bằng một thông cáo chính thức nhưng trong một trang mạng của một cơ quan chỉ được công chúng tham khảo để nhận vé yết kiến Đức Giáo Hoàng”.

Mãi đến sáng sớm Chúa Nhật, thông báo trên mới được phát ngôn viên Tòa Thánh Matteo Bruni xác nhận.

Điều “kỳ lạ” thứ hai là việc đóng cửa rồi mở cửa lại các nhà thờ ở Rôma, có thể do Đức Giáo Hoàng Phanxicô can thiệp. Điều đáng lưu ý, là cùng ngày hôm ấy, một tin nhắn dài đăng trên WhatsApp bởi Cha Yoannis Lahzi Gaid, một linh mục Công Giáo theo nghi thức Coptic, hiện là thư ký riêng của Đức Phanxicô, ngỏ cùng các linh mục bạn ở Rôma. Hình thức thông báo hạn chế này có thể cho thấy vị thứ ký riêng này, bề ngoài, không dám công khai “nói ngược” bề trên trực tiếp của mình. Nhưng ai cũng tin ngài phản ảnh tâm tư của xếp lớn.

Đừng bỏ rơi dân Chúa

Đại cương tin nhắn của ngài là xin các linh mục đừng bỏ nhiệm sở của mình. Ngài viết “tôi nghĩ đến những người chắc chắn sẽ rời bỏ Giáo Hội, khi cơn ác mộng này qua đi, vì Giáo Hội đã bỏ rơi họ”. Ngài viết thêm “mong sao đừng có ai nói bao giờ rằng ‘tôi sẽ không vào một Giáo Hội vốn không đến với tôi khi tôi cần đến’”.

John Allen cho rằng lập trường trên không khỏi gây tranh cãi. Vì khuyến khích các linh mục bất chấp lệnh cấm di chuyển không những nguy hiểm cho chính mạng sống các ngài mà còn gây nguy hiểm cho nhiều người khác. Tuy nhiên, vẫn có những người nhấn mạnh rằng nếu Giáo Hội tin điều mình nói về Phép Thánh Thể, nếu Giáo Hội tin rằng người ta cần được săn sóc về tâm linh cũng nhiều như cần thuốc men và an toàn, thì các linh mục phải ở ngoài kia giống các bác sĩ và cảnh sát.

Và đó là điều Đức Phanxicô làm hôm Chúa Nhật khi cuốc bộ bên ngoài Vatican để thăm Nhà Thờ Đức Bà Cả và Nhà Thờ San Marcello để cầu nguyện cho việc chấm dứt COVID-19. Trái với nhiều người cho là ngài “thẫn thờ”, thực sự đây là một hành vi cố ý của một cụ già 83 tuổi, chân đi không vững, vẫn hy sinh cuốc bộ để nghĩ tới người khác trong lời cầu nguyện tha thiết với Đức Mẹ, phù hợp với chính lời khuyên của ngài với các linh mục trước đó vài ngày: đừng bỏ rơi con chiên, hãy đến với họ trong cơn đại dịch này. Thực tế, Đức Giáo Hoàng đã không tuân lệnh chính phủ Ý trong chiến dịch #iorestoacasa, “tôi ở lại trong nhà”.

Tóm lại, dù cố gắng tuân thủ các biện pháp phòng ngừa việc lây lan của COVID-19, Đức Phanxicô đồng thời muốn cho mọi người thấy Giáo Hội sẵn sàng làm mọi cách để chứng minh mình vẫn gần gũi với dân Chúa, những người cần sự gần gũi này hơn bao giờ hết giữa nạn đại dịch COVID-19 đầy khủng khiếp hãi hùng.

Trong chiều hướng ấy, John Allen thuật lại một trường hợp trong đó, cha xứ của một nhà thờ gần Vatican đã rỉ tai việc ngài sẽ cử hành thánh lễ Chúa Nhật vào buổi sáng, ai muốn tới thì tới. Vợ chồng Allen đã tới. Sau đó, họ tính nếu bị cảnh sát hạch hỏi lý do, họ sẽ nói là đi thăm một người bạn không thể đi ra ngoài và cần người giúp nấu cho một bữa ăn.

Một cách khác để ứng xử trong thời đại dịch COVID-19 được Shaun McAfee (Our Sunday Visitor) trình bầy, qua việc tham dự thánh lễ kiểu ông gọi là “Corona Ordo”. Ai cũng biết hình thức thông thường để cử hành Thánh Lễ được gọi là “Novus Ordo”. Hình thức McAfe nói ở đây diễn ra như sau: tham dự Thánh Lễ cử hành trong nhà thờ nhưng được trực tiếp truyền hình trên Facebook (“Facebook livestream”) cho mọi người ngồi trong xe ở một công viên hay một chỗ nào gần nhà thờ tham dự, đến phần rước lễ, từng người một vào nhà thờ rước lễ từ tay linh mục.

Việc này vẫn trái với chiến dịch #iorestoacasa “tôi ở lại trong nhà” của chính phủ Ý. Nhưng có thể áp dụng tại nhiều nơi khác. Hoa Kỳ chẳng hạn, nay đã giảm số người tụ tập nơi công cộng từ 250 xuống còn 50. Úc thì vẫn duy trì con số này ở mức 500 người. Con số này không ảnh hưởng gì tới giáo xứ Regina Coeli của tôi, vì mỗi thánh lễ cuối tuần (3 thánh lễ) ở đây chỉ được tham dự bởi tối đa 200 giáo dân.

Dĩ nhiên, số người có thể tụ tập ở một địa điểm có thể còn thay đổi nữa. Hình thức “Corona Ordo” có thể hữu ích. Hy vọng các Giáo Hội địa phương sẽ tìm được nhiều phương thức thích đáng khác để tiếp tục gần gũi với dân Chúa giữa lúc họ cần đến Giáo Hội hơn bao giờ hết.