Theo ký giả Chip Le Grand của tờ Sydney Morning Herald, hôm nay, ngày 11 tháng 3, toàn bộ Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ tiến hành phiên tòa để quyết định có chấp nhận đơn kháng án của Đức Hồng Y Pell hay không.

Theo ký giả này, nếu các luật sư của Đức Hồng Y đúng, thì tội danh, danh tiếng và di sản của vị giáo phẩm hiện còn sống gây ảnh hưởng nhiều nhất của Úc sẽ được quyết định trong 6 phút.

Trong lập luận cuối cùng đệ nạp để chuẩn bị cho phiên toà hôm nay, nhóm luật sư của Đức Hồng Y Pell trình bầy với tòa sự hoài nghi lớn nhất hiện đang lơ lửng trên bản án kết Đức Hồng Y tội xâm phạm tình dục trẻ em.



Sau khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Long Trọng tại Nhà Thờ Chính Tòa Melbourne, liệu Đức Hồng Y có ở một mình tại phòng áo của các linh mục với hai cậu bé ca viên trong vòng 5 cho tới 6 phút cần để tấn công họ không?

Và khi việc lạm dụng trắng trợn lòng tin ấy xẩy ra, 7 cậu giúp lễ, lúc kết thúc Thánh Lễ, thường đi vào phòng áo để cúi đầu chào Tượng Chịu nạn, đang ở đâu?

Các câu hỏi trên rất ít đáng kể đối với bất cứ ai không quen thuộc với các tập quán phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng câu hỏi sau đây cũng đã đi vào tâm điểm vấn đề chính trước Tối Cao Pháp Viện Úc: liệu bồi thẩm đoàn có rộng đường (open), dựa vào toàn bộ bằng chứng, để thấy Đức Hồng Y Pell có tội hay không.

Theo ký giả này, có 3 kết quả có thể có:

Thứ nhất, Tòa có thể bác bỏ đơn kháng án.

Tháng 11 năm ngoái, hai thành viên mới nhất của Tòa là Chánh án James Edelman và chánh án Michelle Gordon, đã chuyển việc quyết định đối với đơn kháng án lên toàn bộ Tòa Án. Điều này có nghĩa, dù đã soạn sẵn lịch để xử lý vụ của Đức Hồng Y Pell, Toà vẫn chưa quyết định liệu có chấp nhận đơn kháng án hay không.

Kết quả thứ hai có thể có là: chấp nhận xét đơn kháng án nhưng bác bỏ chính kháng án. Trong cả hai trường hợp này, Đức Hồng Y Pell sẽ tiếp tục là một phạm nhân phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em và tiếp tục ngồi hết hạn tù 3 năm 8 tháng.

Giáo sư luật Đại Học La Trobe, Patrick Keyzer, một cựu phụ tá của cựu trưởng chánh án Tòa Án Tối Cao Gerard Brennan, tin rằng đó là kết quả rất có thể có trong dịp này.

Ông nói với tờ The Age và tờ The Sydney Morning Herald rằng dù vụ này đụng tới một người rất quan trọng và phán quyết có gây tai tiếng, nhưng nó vẫn là vụ án do bồi thẩm đoàn quyết định tội trạng, trong đó, tòa phúc thẩm không thấy có lý do luật lệ nào để nghi vấn quyết định ấy.

Ông nói thêm: có hàng trăm phiên xử bởi bồi thẩm đoàn ở Úc hàng năm. “Chúng ta duy trì truyền thống xử án bằng bồi thẩm đoàn trong nhiều thẩm quyền tài phán đối với nhiều loại phiên xử vì hiện có niềm tin mạnh mẽ cho rằng người dân có vai trò đáng kể để đóng trong việc lượng định tội phạm”

Giáo sự Keyzer, tuy vậy, thừa nhận “sự bất đồng đáng kể” của Chánh Án Tòa Án Tối Cao Victoria Mark Weinberg, một nhà luật học đầy kinh nghiệm về luật hình sự, người đã trình bầy rõ ràng với các đồng nghiệp tại Tòa Phúc Thẩm rằng một bất công khủng khiếp có thể đã diễn ra.

Matt Collins, QC, nguyên chủ tịch Hội Đồng Luật Sư Victoria, nói rằng các luận điểm trước Tòa Án Tối Cao tập chú vào các cách tiếp cận khác nhau được các chánh án Ferguson và Maxwell của Tòa Phúc Thẩm Victoria sử dụng để đạt tới phán quyết đa số của họ và chánh án Weinberg dùng lên khuôn cho sự bất đồng của ông.

Ông Collins nói rằng Ferguson và Maxwell “cho hay nếu có khả thể để bồi thẩm đoàn hài lòng, quá sự hoài nghi hợp lý, thì lời kết tội phải được duy trì. Còn chánh án Weinberg thì lượng giá lại mọi sự kiện và tự hỏi liệu bồi thẩm đoàn có nên hài lòng hay không”.

Kết quả có thể có thứ ba là Tối Cao Pháp Viện chấp nhận xét đơn kháng án và hủy bỏ việc kết án Đức Hồng Y Pell.

Le Grand cho rằng không ai hy vọng điều trên xẩy ra cho đến hôm nay nhưng nếu xẩy ra, Đức Hồng Y Pell sẽ không ở đó để chứng kiến. Ngài đang bị giam tại đơn vị an ninh cao của Nhà Tù Barwon, nơi giam các tù nhân khét tiếng.

Có thể được trắng án

Trong khi ấy, David Marr (xem The word is George Pell will walk free... but first the high court must have its say) người vốn không ưa gì Đức Hồng Y Pell, cho hay rất có thể Đức Hồng Y Pell được trắng án: “Vào hôm thứ Tư, tòa sẽ ngồi để phán quyết số phận của Pell. Lập luận luật pháp sẽ dầy cộm, nhưng các quan sát viên vụ án nghĩ ông ta vẫn có thể được trắng án”.

Marr cho rằng các cuộc tấn công tình dục trẻ em đã lâu năm tạo nên các vụ án khó khăn. Các sự kiện thường kỳ lạ. Quá thông thường là không có bằng chứng làm vững thêm (corroborating) và lời lẽ người tố cáo đơn thuần đọ sức với các bác bỏ của bị cáo. Các phiên tòa này có tính thử nghiệm luật hình sự.

Nhưng Marr cho hay người tố cáo Pell rõ ràng thuyết phục được người ta: ít nhất là cảnh sát và công tố viện Victoria, bồi thẩm đoàn và 2 chánh án phúc thẩm.

Dĩ nhiên, các luật sự của Pell không đồng ý. Họ cho rằng bồi thẩm đoàn và tòa phúc thẩm bị “swept away” (cuốn hút) bởi người tố cáo Đức Hồng Y đến nỗi đã coi thường bằng chứng của những người ủng hộ Đức Hồng Y.

Lập luận của họ là “tin người tố cáo ‘có tính thuyết phục’, tự nó, không đồng nghĩa với việc loại bỏ sự hoài nghi hợp lý”. Đối với họ, chứng từ của hơn 20 nhân chứng không để “một cơ hội thực tiễn” nào để ngài tấn công 2 bé trai sau thánh lễ long trọng tại Nhà Thờ St Patrick hồi tháng 12 năm 1996.

Luật sư Walker của Đức Hồng Y Pell cho rằng trong thực tế, phương thức của tòa phúc thẩm Victoria đòi “Đức Hồng Y Pell phải thiết lập sự vô tội thực sự, chứ không hẳn chỉ nói đến hoài nghi, ngõ hầu phản công ấn tượng tốt đẹp về lòng thành thực của người tố cáo được đa số ủng hộ. Đây là việc đảo ngược gánh nặng và tiêu chuẩn chứng cớ”.

Nhưng công tố viện không đồng ý, họ bảo tòa phúc thẩm không xử theo phương thức ấy mà hoàn toàn chính thống trong việc khảo sát bằng chứng: “Việc cẩn thận khảo sát mọi bằng chứng cho thấy ‘các bất cái nhiên’ mà Pell dựa vào, thực ra, không bất cái nhiên chút nào”.

Marr cho hay, gần đây, Tòa Án Tối Cao lưu tâm đến chính bằng chứng. Trong các phiên xử Pell, hai bên đều đồng ý số phận của ngài chỉ có thể được quyết định bằng cách xét đến mọi bằng chứng. Nhưng bên này luôn tố cáo bên kia không làm như thế.

Marr cũng đề cập đến diễn trình 2 bước trong phán quyết của Chánh Án Weinberg: Trước nhất khảo sát bằng chứng. Sau đó, nếu việc này khiến ông hoài nghi Đức Hồng Y Pell có tội, ông sẽ đặt câu hỏi: có điều gì trong kinh nghiệm của bồi thẩm đoàn có thể giải thích tại sao họ đã bỏ ngoài tai các hoài nghi này.

Công tố viện không đồng ý như thế. Họ bảo: câu hỏi của các quan tòa không nên là “tôi có nghĩ Pell có tội hay không” mà là việc đánh giá độc lập của họ đối với “toàn bộ bằng chứng” có “rộng đường cho bồi thẩm đoàn” thấy Pell có phạm các tội ác này hay không.

Marr lặp lại rằng Tòa Án Tối Cao Úc sẽ tập chú vào các bằng chứng. Và không lạ nếu Đức Hồng Y Pell được tự do. Marr trích dẫn vụ gần đây, Tòa Án Tối Cao đã ra lệnh thả tự do tức khắc cho một cựu cảnh sát viên Queensland đang ngồi tù về tội cố ý đốt nhà và gian lận bảo hiểm sau khi mới nhận được, và bác bỏ, bằng chứng đôi giày bị cháy và vết dầu hỏa. Các chánh án sẽ viết phán quyết sau nhưng họ ra lệnh thả viên cựu cảnh sát ngay tức khắc.

Marr ngạc nhiên trước thái độ của Đức Hồng Y Pell trong suốt diễn trình xử án. Ông viết: “Tôi thắc mắc Pell đã dành bao nhiêu thì giờ trong tù để suy nghĩ về quyết định của ông không đứng trong ‘hộp’ lúc bị xử án? Dĩ nhiên đó là quyền của ông, nhưng hẳn trông ông có vẻ lẩn tránh thế nào đối với các bồi thẩm viên: khuôn mặt đồ sộ ngồi kia lặng câm, không bác bỏ các lời tố cáo, cũng không để mình bị chất vấn, trong khi kẻ tố cáo mình đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng ông, quả tình, hiếp dâm anh ta”.