Trong Mt 17:22-27, khi các môn đệ của Người bị đòi tiền thuế, Chúa Kitô đã thảo luận với Thánh Phêrô có phải con các vua không được miễn trả thuế hay không, và Thánh Phêrô trả lời rằng họ được miễn. Dù thế, Chúa Kitô cũng ra lệnh cho Thánh Phêrô ra biển và nói “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra : anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Biến cố này rất thích hợp với đề tài này vì Chúa Kitô, ở đây, tự gọi Người và những kẻ là con cái của Người là con vua, những người không cần điều gì; ấy thế nhưng Người vẫn tự do tùng phục và nạp thuế. Hệt như việc làm này cần thiết và hữu ích cho việc công chính hóa và cứu rỗi của Chúa Kitô thế nào, thì các việc làm khác của Người và của các môn đệ của Người cũng thế đối với việc công chính hóa, vì chúng đều đến sau việc công chính hóa và có tính tự do, được thực hiện chỉ để phục vụ người khác và cung cấp cho họ một gương sáng về việc làm tốt.

Thuộc cùng bản chất là các quy tắc được Thánh Phaolô đưa ra ở Rm 13:1-7, tức là, các Kitô hữu nên tùng phục các nhà cầm quyền và sẵn sàng thực hiện mọi việc làm tốt, không phải nhờ thế họ sẽ được công chính hóa, vì họ đã được công chính hóa rồi bởi đức tin, nhưng để, trong tính tự do của Thần Khí, khi làm thế, họ sẽ phục vụ người khác và các nhà cầm quyền và vâng theo ý muốn của họ một cách tự do và vì tình yêu. Việc làm của các học viện, đan viện, và của các linh mục phải có bản chất này. Mỗi người hãy làm các việc thuộc nghề nghiệp hay chức vị của mình, không phải vì qua đó, họ cố gắng để được công chính hóa, nhưng qua đó, họ có thể kiểm soát được thân xác họ, nêu gương cho những người khác, những người cũng cần phải kiểm soát thân xác họ, và cuối cùng, qua các việc làm đó, họ có thể bắt ý chí họ lệ thuộc ý chí của những người khác trong tự do của yêu thương. Nhưng luôn phải thật cẩn trọng để không một ai tin tưởng lầm lẫn rằng nhờ những việc làm như thế, họ sẽ được công chính hóa hay được công phúc và được cứu rỗi; vì điều này là công việc của một mình đức tin mà thôi, như tôi đã nói đi nói lại nhiều lần.

Bất cứ ai biết điều đó cũng dễ dàng và an toàn có thể tìm được đường đi của mình qua muôn vàn những mệnh lệnh và giới truyền của các Giáo Hoàng, Giám Mục, đan viện, Giáo Hội, ông hoàng, và thẩm phán mà một số mục tử dốt nát nhấn mạnh như thể là cần thiết để được công chính hóa và cứu rỗi, gọi chúng là “các giới răn hội thánh”, dù chúng không hề là như thế. Vì, là một người tự do, người Kitô hữu sẽ nói “tôi sẽ ăn chay, cầu nguyện, làm việc này việc nọ như con người ra lệnh, không phải vì nó cần thiết cho việc công chính hóa hay cứu rỗi của tôi; nhưng để tôi có thể chứng tỏ lòng kính trọng phải lẽ đối với Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục, công đồng, chánh án, hay người lân cận của tôi, và nêu gương cho họ. Tôi sẽ làm và chịu đựng mọi sự, như Chúa Kitô đã làm và đã chịu còn nhiều hơn nữa cho tôi, mặc dù Người không cần điều gì cho chính Người, và đã chịu tuân phục lề luật vì tôi, mặc dù Người không lệ thuộc lề luật”. Mặc dù các bạo chúa thực hiện bạo lực và bất công khi ban hành các đòi hỏi của chúng, nhưng điều này không gây thiệt hại chi miễn là chúng không đòi hỏi điều gì trái ý Thiên Chúa.

Từ những điều vừa nói, ai cũng có thể an tâm phán kết về mọi việc làm và lề luật và phân biệt một cách đáng tin cậy các điều này để biết ai là các mục tử đui mù và dốt nát và ai là các mục tử tốt lành và chân thật. Bất cứ việc làm nào nếu không được làm duy nhất với mục đích kiểm soát thân xác và phục vụ người lân cận của mình, miễn là không đòi điều gì ngược với Thiên Chúa, thì đều không tốt hay không có tính Kitô giáo. Vì lý do này, ngày nay, tôi rất sợ rằng ít có hay không có học viện, đan viện, bàn thờ, hay văn phòng nào trong Giáo Hội thực sự có tính Kitô giáo cả - cả các việc ăn chay và cầu nguyện đặc biệt trong một số ngày lễ các thánh. Tôi nói, tôi sợ rằng trong tất cả những việc này, chúng ta chỉ đi tìm lợi ích của chúng ta, nghĩ rằng nhờ chúng, tội lỗi ta sẽ được thanh tẩy và chúng ta sẽ tìm được ơn cứu rỗi trong chúng. Hiểu như thế là tiêu diệt tự do Kitô giáo. Đó là hậu quả của việc ta không biết gì về đức tin và tự do của Kitô giáo.

Việc dốt và dẹp bỏ tự do này được rất nhiều mục tử khổ công khuyến khích. Họ khuấy động và thúc giục giáo dân của họ trong các thực hành này bằng cách ca ngợi các việc làm như thế, quảng cáo khuếch khoác chúng bằng các ân xá của họ, và không bao giờ giảng giải về đức tin. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cầu nguyện, ăn chay, hay thiết lập một qũy nào đó trong Giáo Hội, tôi khuyên bạn cẩn thận, đừng làm như thế để được một ơn ích nào đó, bất luận là mau qua hay vĩnh viễn, vì bạn sẽ gây thương tích cho đức tin của bạn, vốn là điều duy nhất đem lại cho bạn mọi sự. Bạn chỉ nên quan tâm duy nhất làm sao cho đức tin lớn mạnh, xem nó được rèn luyện bởi việc làm hay đau khổ. Hãy tặng các tặng phẩm một cách tự do và không có tính toán chi, để người khác nhờ chúng mà được ơn ích và hành xử tốt đẹp vì bạn và lòng tốt của bạn. Nhờ cách này, bạn sẽ thực sự là người tốt và là Kitô hữu. Có ích chi cho bạn các việc làm tốt mà bạn không cần để kiểm soát thân xác bạn? Đức tin của bạn đã đủ đối với bạn, nhờ thế, Thiên Chúa ban cho bạn mọi sự.

Bạn thấy đó, theo qui luật này, những điều tốt đẹp chúng ta có được từ Thiên Chúa nên tuôn từ người này sang người khác và thành của chung mọi người, để mọi người nên “mặc lấy” người lân cận của mình và nhờ thế hành xử với họ như thể mình ở chỗ người khác vậy. Từ Chúa Kitô, những điều tốt đẹp đã tuôn tràn và còn đang tuôn tràn sang chúng ta. Như thế, Người đã “mặc lấy” chúng ta và hành động cho chúng ta như thể Người vốn là điều chúng ta là. Từ chúng ta, chúng tuôn sang những người cần đến chúng để tôi đặt đức tin và sự công chính của tôi trước mặt Thiên Chúa ngõ hầu chúng che chở và cầu bầu cho tội lỗi của người lân cận của tôi, những tội lỗi mà tôi mang lấy và do đó, làm việc và phục vụ trong chúng như thể chúng là của chính tôi. Đó chính là điều Chúa Kitô đã làm cho chúng ta. Đó là tình yêu đích thực và là qui luật chân chính cho đời sống Kitô hữu. Tình yêu là đích thực và chân chính khi có đức tin đích thực và chân chính. Bởi thế, Thánh Tông đồ nói về tình yêu trong 1Cr 13:5 rằng “Nó không tìm tư lợi”.

Bởi thế, chúng ta kết luận rằng Kitô hữu sống không phải trong họ mà trong Chúa Kitô và trong người lân cận của họ. Nếu không, họ không phải là Kitô hữu. Họ sống trong Chúa Kitô bằng đức tin, trong người lân cận của họ bằng tình yêu. Nhờ đức tin, họ được nâng lên chính họ để nhập vào Thiên Chúa. Nhờ tình yêu, họ hạ thấp chính họ để nhập vào người lân cận. Tuy nhiên, họ luôn ở trong Thiên Chúa và ở trong tình yêu của Người, như Chúa Kitô nói trong Ga 1:51, “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.

Nay nói như thế về tự do đã đủ. Như bạn thấy, nó là thứ tự do thiêng liêng và đích thực và làm tâm hồn chúng ta thoát mọi tội lỗi, lề luật và lệnh truyền, như Thánh Phaolô nói trong 1Tm 1:9, “Lề Luật có đó, không phải cho người công chính”. Nó trổi vượt hơn mọi thứ tự do khác vốn chỉ ở bên ngoài, y như thiên đàng trổi vượt hơn mặt đất. Xin Chúa Kitô ban cho chúng ta thứ tự do này cả để hiểu biết lẫn để duy trì. Amen.

Cuối cùng, phải nói thêm một điều giúp những người mà đối với họ không điều gì có thể được nói hay đến nỗi họ không làm hư nó bằng cách hiểu lầm nó. Quả đáng hoài nghi liệu họ có hiểu ngay cả những gì được nói ra ở đây. Có rất nhiều người, khi nghe nói đến thứ tự do của đức tin này, lập tức biến nó thành một dịp cho xác thịt và nghĩ rằng nay họ được phép làm mọi sự. Họ muốn chứng tỏ rằng họ chỉ là những người tự do và là Kitô hữu bằng cách khinh miệt và bắt lỗi các nghi lễ, truyền thống, và lề luật con người, như thể họ là Kitô hữu vì vào những ngày nhất định, họ không ăn chay hay ăn thịt khi những người khác ăn chay, hay vì họ không dùng các bản kinh quen thuộc, và hỉ mũi nhạo báng các giới luật của con người, mặc dù họ hoàn toàn coi thường mọi điều khác vốn thuộc Kitô giáo. Hoàn toàn ngược lại với những người này là những người dựa sự cứu rỗi của họ duy nhất vào việc cung kính tuân giữ các nghi lễ, như thể họ sẽ được cứu rỗi vì vào những ngày nhất định nào đó, họ ăn chay hay kiêng thịt, hoặc đọc một số kinh nào đó; những người này huênh hoang về các giới răn của Giáo Hội và của các giáo phụ, chứ không quan tâm chi tới những điều vốn là yếu tính trong đức tin của chúng ta. Rõ ràng, cả hai đều sai lầm vì họ làm ngơ những điều nặng ký hơn vốn cần thiết cho ơn cứu rỗi, và cãi nhau inh ỏi về những vấn đề tầm phào và không cần thiết.

Tốt hơn xiết bao là giáo huấn của Thánh Tông đồ Phaolô khi ngài khuyên chúng ta theo lẽ trung dung và lên án cả hai phía khi ngài viết “Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy” (Rm 14:3). Ở đây, bạn thấy những ai làm ngơ và hạ giá các nghi lễ, không vì lòng đạo đức, mà chỉ vì khinh miệt mà thôi, bị khiển trách, vì Thánh Tông đồ dạy ta đừng khinh thường chúng. Những người như thế bị kiến thức làm cho vênh váo. Đàng khác, ngài dậy những người hay nhấn mạnh tới nghi lễ đừng có xét đoán người khác, vì không bên nào hành động hướng về người khác theo luật yêu thương vốn có tính xây dựng. Do đó, chúng ta phải lắng nghe Sách Thánh là sách dạy chúng ta rằng chúng ta không nên đi trệch bên phải hay bên trái (Đnl 28:14) nhưng tuân theo các sắc lệnh của Chúa vốn chân chính, “làm tâm hồn hân hoan” (Tv 19:8). Vì con người không nên công chính vì tuân giữ và bám lấy việc làm và các hình thức nghi lễ thế nào, họ cũng sẽ không được kể là công chính chỉ vì làm ngơ và khinh thường chúng.
Đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô không giải phóng chúng ta khỏi việc làm nhưng khỏi các ý kiến lầm lạc liên quan tới việc làm, nghĩa là, khỏi giả định ngớ ngẩn cho rằng công chính hóa có được nhờ việc làm. Đức tin cứu chuộc, sửa dạy và duy trì lương tâm ta để ta biết rằng sự công chính không hệ ở việc làm, mặc dù việc làm không thể và không nên thiếu; chúng ta không thể không ăn không uống và mọi việc làm của thân xác này, thế nhưng sự công chính của ta không hệ ở chúng, nhưng hệ ở đức tin; nhưng cũng không vì vậy mà được coi thường hoặc lơ là đối những việc làm này. Ở đời này, chúng ta bị trói buộc bởi các nhu cầu của sự sống thân xác của chúng ta, nhưng chúng ta không công chính nhờ chúng. Chúa Kitô vốn nói: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18:36). Còn Thánh Phaolô thì nói: “Quả thế, chúng tôi đang sống trong xác phàm, nhưng không chiến đấu theo tính xác thịt” (2Cr 10:3) và trong Gl 2:20: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa”. Như thế, điều chúng ta làm, chúng ta sống, làm việc và thực hiện các nghi lễ, chúng ta làm vì các cần thiết của đời này và do cố gắng muốn kiểm soát thân xác ta. Tuy nhiên, chúng ta công chính, không hệ ở chúng, mà hệ ở đức tin vào Con Thiên Chúa.

Bởi thế, Kitô hữu phải chọn con đường ở giữa và đối diện với hai loại người. Họ sẽ gặp trước hết những người duy nghi thức bất khoan nhượng, ngoan cố, giống những con rắn lục điếc tai không muốn nghe sự thật của tự do (Tv 58:4) nhưng, vì không có đức tin, nên đã khoác lác, truyền dạy, và nhấn mạnh tới các nghi lễ của họ như một phương thế công chính hóa. Họ là những người Do Thái thuở xưa, không sẵn lòng học cách làm điều tốt. Kitô hữu phải đề kháng những người này, làm chính điều ngược lại, và mạnh dạn xúc phạm họ kẻo nhờ quan điểm vô đạo của họ, họ kéo theo nhiều khác vào cùng sai lạc như thế. Trước mặt những người như thế, tốt nhất nên ăn thịt, phá chay, và vì sự tự do của đức tin hãy làm những việc khác bị họ coi là những tội lỗi nặng nề nhất. Về họ, chúng ta phải nói rằng “Hãy để mặc họ; họ là các hướng dẫn viên mù”. Theo nguyên tắc này, Thánh Phaolô có lẽ đã không cắt bì cho Titô khi người Do Thái nhấn mạnh ngài nên làm (Gl 2:3), còn Chúa Kitô thì cáo lỗi cho các môn đệ khi họ ngắt các bông lúa trong ngày Sabát (Mt 12:1-8). Còn nhiều thí dụ tương tự như thế nữa. Loại người khác mà Kitô hữu sẽ gặp là những người đơn sơ, ngu dốt, yếu đức tin, như Thánh Tông Đồ gọi họ, chưa có khả năng nắm vững tự do đức tin, ngay cả khi họ sẵn lòng làm thế (Rm 14:1). Những người này, Kitô hữu nên thận trọng đừng xúc phạm họ. Kitô hữu phải chiều theo sự yếu đuối của họ cho tới khi họ được giáo huấn trọn vẹn hơn. Vì họ có thế nào họ làm và nghĩ như vậy, không phải vì ác ý một cách ương ngạnh nhưng chỉ vì đức tin của họ yếu ớt, nên các việc ăn chay và các việc khác được họ coi là cần thiết phải được tuân giữ để tránh làm phật lòng họ. Đây là giới răn yêu thương, không được làm hại ai nhưng phải phục vụ mọi người. Họ yếu ớt không phải lỗi của họ, mà là do lỗi của các mục tử của họ đã giam giữ họ bằng những cạm bẫy truyền thống và đã gian ác sử dụng các truyền thống này như những chiếc roi để đánh đập họ. Đáng lẽ họ nên được giải thoát khỏi các mục tử này bằng các giáo huấn đức tin và tự do. Bởi thế, Thánh Tông Đồ dạy chúng ta trong chương 14 thư Rôma rằng “Nếu thực phẩm là nguyên nhân cho người anh em tôi sai phạm, tôi sẽ không bao giờ ăn thịt” (xem Rm 14:21 và 1Cr 8:13); và một lần nữa “Trong Chúa Giêsu, tôi biết và xác tín rằng không có gì tự nó là ô uế; có ô uế là chỉ đối với người cho nó là ô uế” (Rm 14:14).

Vì lý do đó, dù chúng ta mạnh bạo chống lại các thầy dạy truyền thống và cực lực khiển trách các luật lệ của các giáo hoàng, các luật lệ họ dùng cưỡng đoạt dân Chúa, thế nhưng chúng ta phải dung thứ quần chúng nhút nhát những người vốn bị các bạo chúa vô đạo giam cầm bằng các luật lệ này cho tới khi họ được tự do. Do đó, hãy hăng hái đấu tranh chống các sói lang, nhưng hãy chiến đấu cho các con chiên và không nên chống các con chiên. Bạn sẽ làm điều này nếu bạn đả kích chống lại lề luật và các nhà làm luật, nhưng đồng thời giữ luật với người yếu đuối để họ không bị xúc phạm, cho tới khi họ cũng nhận ra tính bạo chúa và hiểu được sự tự do của họ. Nếu bạn muốn sử dụng tự do của bạn, bạn nên sử dụng nó cách kính đáo, như Thánh Phaolô từng viết trong Rm 14:22, “Bạn xác tín điều gì, thì cứ giữ lấy cho mình trước mặt Thiên Chúa”; nhưng thận trọng, đừng sử dụng tự do của bạn trước mặt người yếu đuối. Mặt khác, hãy sử dụng tự do của bạn cách liên tục và nhất quán trước mặt và bất chấp các bạo chúa và những người ngoan cố để cả họ cũng học biết rằng họ là kẻ vô đạo, luật lệ của họ không thắng thế sự công chính, và họ không có quyền thiết lập chúng.

Vì chúng ta không thể sống mà không có các nghi lễ và việc làm, và tuổi trẻ hư đốn và không được huấn luyện cần được kiềm chế và cứu khỏi tai họa nhờ các mối dây ràng buộc đó; và vì mỗi người nên kiểm soát thân xác mình bằng những việc làm như thế, nên điều cần là thừa tác viên của Chúa Kitô phải biết nhìn xa và có lòng trung thành. Họ phải cai quản và dạy dỗ các Kitô hữu trong mọi vấn đề này cách nào để lương tâm và đức tin của họ sẽ không bị xúc phạm và sẽ không nẩy sinh nơi họ một nghi ngờ hay nguyên nhân gây cay đắng nào khiến nhiều người do đó phải hư hỏng, như Thánh Phaolô từng khuyên bảo tín hữu Do Thái (Dt 12:15); nghĩa là, họ đừng mất đức tin và trở thành hư hỏng bởi việc lượng giá sai lạc về giá trị của việc làm và nghĩ rằng họ cần được công chính hóa nhờ việc làm. Trừ khi ta không ngừng cùng một lúc giảng dậy về đức tin, điều này sẽ diễn ra cách dễ dàng và làm hư hỏng rất nhiều người, như đã xẩy ra cho đến nay qua các truyền thống độc hại, vô đạo, tiêu diệt các linh hồn của các Giáo Hoàng của chúng ta và các ý kiến của các thần học gia chúng ta. Vì các cạm bẫy này, không biết bao nhiêu linh hồn đã bị lôi vào hỏa ngục, để bạn thấy việc làm của Phản Kitô trong việc này.

Tóm lại, sự giầu sang là đá thử đức khó nghèo, buôn bán là đá thử lòng trung thành, danh dự là đá thử đức khiêm nhường, tiệc tùng là đá thử đức điều độ, khoái lạc là đá thử đức trong sạch thế nào, thì các nghi lễ là đá thử sự công chính của đức tin như thế. Vua Salômôn từng đặt câu hỏi “Có ai giấu lửa trong người mà không bị cháy áo?” (Cn 6:27). Thế nhưng, con người phải sống giữa giầu sang, buôn bán, danh dự, khoái lạc, và tiệc tùng thế nào, họ cũng phải sống giữa các nghi lễ như thế, nghĩa là giữa các nguy hiểm. Thực vậy, như các bé trai cần trước hết được nâng niu trong lòng và trong bàn tay của các trinh nữ để chúng khỏi bị diệt vong, thế nhưng, khi chúng đã lớn, thì ơn cứu rỗi của chúng sẽ lâm nguy nếu chúng cứ quanh quẩn với các trinh nữ thế nào, thì tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm và hư đốn cần được kiềm chế và huấn luyện bằng thanh sắt nghi lễ kẻo sự hăng say không kiềm chế của chúng sẽ lao đầu thẳng vào hết từ thói hư này đến thói hư khác. Mặt khác, sẽ là án tử cho chúng khi lúc nào cũng bị giam cầm trong ách nô lệ của các nghi lễ, vì nghĩ rằng các nghi lễ này công chính hóa chúng. Thay vào đó, nên dạy chúng rằng chúng bi giam cầm trong các nghi lễ, không phải để chúng nhờ đó mà nên công chính hay được công phúc lớn lao nào, nhưng để chúng khỏi làm điều xấu và có thể trở nên dễ dàng hơn trong việc được dạy dỗ về sự công chính của đức tin. Một việc dạy dỗ như thế chúng sẽ không chịu đựng được nếu tính bốc đồng tuổi trẻ của chúng không được kiềm chế.

Do đó, các nghi lễ cần được dành cho cùng một vị thế trong đời sống Kitô hữu như các mô hình và họa đồ đối với các người xây dựng và thợ thủ công. Chúng được soạn thảo, không như các cơ cấu vĩnh viễn, nhưng vì nếu không có chúng, không toà nhà nào được xây dựng hay tái tạo. Khi một cơ cấu hoàn thành, các mô hình và họa đồ đều bị để qua một bên. Bạn thấy đấy, chúng không bị khinh bỉ, đúng hơn, người ta hết sức tìm kiếm chúng; nhưng điều chúng ta khinh bỉ là việc lượng giá sai lạc về chúng vì không ai coi chúng là cơ cấu thực sự và vĩnh viễn.

Nếu có ai đó trắng trợn ngớ ngẩn đến nỗi suốt đời không lưu tâm đến bất cứ điều gì ngoài việc soạn các mô hình và họa đồ tốn kém nhất, cẩn thận nhất, và kiên trì nhất mà không bao giờ nghĩ tới chính cơ cấu, và chỉ hài lòng với việc sản xuất ra các họa đồ và chỉ là các dụng cụ để làm việc, và huênh hoang khoác lác về chúng, thì há mọi người lại không thương hại cho cái tính ngớ ngẳn này và nghĩ rằng một điều vĩ đại đã có thể xây dựng bằng những điều người này bỏ phí hay sao? Bởi thế, chúng ta không khinh bỉ các nghi lễ và việc làm, nhưng chúng ta coi trọng chúng; chúng ta khinh bỉ việc lượng giá sai lạc đối với các việc làm để không ai nghĩ rằng chúng là sự công chính đích thực như những kẻ giả hình vốn tin; họ là những người phí phạm và mất hết đời sống vì nhiệt tình đối với việc làm và không bao giờ đạt được mục tiêu mà vì nó các việc làm cần phải nhắm, những người, như Thánh Tông Đồ từng nói “lắng nghe bất cứ ai nhưng không bao giờ đạt tới việc nhận biết sự thật” (2Tm 3:7). Dường như họ chỉ muốn xây dựng, họ chuẩn bị mọi thứ, ấy thế nhưng họ không bao giờ bắt tay vào việc xây dựng. Như thế, họ mãi đóng khung trong hình thức đạo thánh nhưng không đạt tới sức mạnh của nó (2Tm 3:5). Trong khi họ hài lòng với các cố gắng của mình và thậm chí còn dám phê phán mọi người khác, những người họ không thấy chói sáng với việc biểu diễn việc làm tương tự. Thế nhưng với các ơn phúc của Thiên Chúa, những ơn phúc mà họ đã tiêu phí và lạm dụng vô ích, đáng lẽ, nếu đã được đổ tràn đức tin, đã thực hiện được nhiều điều lớn lao có lợi cho ơn cứu rỗi của họ và ơn cứu rỗi của người khác.

Vì bản tính nhân loại và lý lẽ tự nhiên, như thường được gọi như thế, tự bản chất, vốn mê tín và sẵn sàng tưởng tượng, khi luật lệ và việc làm đã được ra lệnh, rằng sự công chính phải đạt được nhờ lề luật và các việc làm; và hơn nữa, vì họ vốn được huấn luyện và củng cố trong ý kiến này bởi thói quen của mọi nhà làm luật trần gian, nên tự họ, họ không thể nào thoát ra ngoài ách nô lệ của việc làm và tiến tới chỗ nhận thức được tự do của đức tin. Bởi thế, cần phải cầu nguyện để Chúa ban ơn cho chúng ta và biến chúng ta thành các theodidacti, tức những người được chính Thiên Chúa dạy dỗ (Ga 6:45), và chính Người, như Người vốn hứa, sẽ viết lề luật của Người trong trái tim chúng ta; nếu không, sẽ không còn hy vọng dành cho chúng ta. Nếu Người không dạy dỗ trái tim chúng ta sự khôn ngoan vốn được dấu kín trong mầu nhiệm (1Cr 2:7), tự nhiên chỉ có thể lên án nó và phán xử nó là lạc giáo vì tự nhiên bị xúc phạm bởi nó và coi nó như một điều ngớ ngẩn. Chúng ta thấy nó đã diễn ra thời xa xưa với các Tông đồ và tiên tri, và, các giáo hoàng vô thần và mù quáng và những kẻ tâng bốc họ cũng đã làm thế đối với tôi và những người giống như tôi. Cuối cùng, Xin Thiên Chúa thương xót họ và thương xót chúng ta và khiến nhan thánh Người rạng chiếu trên chúng ta để chúng ta nhận ra đường lối của Người trên trái đất (Tv 67:1-2), ơn cứu rỗi của Người giữa mọi dân tộc, Thiên Chúa, Đấng được chúc tụng muôn đời (2Cr 11:31). Amen.