Giống vị tiền hô của Người, Chúa Kitô không những nói “Hãy thống hối ăn năn” (Mt 3:2; 4:17), nhưng thêm lời đức tin khi nói rằng “Nước trời đã gần kề”. Chúng ta không chỉ rao giảng một trong các lời ấy mà phải cả hai; chúng ta phải đem ra từ kho lẫm của mình những điều mới và những điều cũ, tiếng nói của lề luật lẫn lời nói của ơn thánh (Mt 13:52). Chúng ta phải đem ra tiếng nói lề luật mà con người có lẽ được tạo ra để kính sợ và tiến tới chỗ nhận biết tội lỗi của mình và nhờ thế hoán cải ăn năn, có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng chúng ta không nên dừng ở đó vì đó mới chỉ là đả thương chứ chưa băng bó, đánh đập chứ chưa chữa lành, sát hại chứ chưa làm cho sống động, dẫn xuống cõi chết chứ chưa sống lại, hạ nhục chứ chưa tôn vinh. Cho nên, chúng ta cũng phải rao giảng lời ban ơn thánh và lời hứa tha thứ nhờ thế đức tin được giảng dậy và khởi động. Không có lời ơn thánh này, các việc làm theo lề luật, việc ăn năn tội, việc thống hối, và mọi việc khác được thực hiện và giảng dậy một cách vô ích.

Các vị giảng thuyết về thống hối và ơn thánh, đến ngày nay, vẫn còn đó, nhưng họ không giải thích lề luật và lời hứa của Thiên Chúa để người ta có thể nhờ họ mà học được nguồn gốc của thống hối và ơn thánh. Thống hối phát xuất từ lề luật của Thiên Chúa, nhưng đức tin và ơn thánh phát xuất từ lời hứa của Thiên Chúa, như Rm 10:17 nói “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Chúa Kitô”. Thành thử, con người được an ủi và đề cao nhờ đức tin vào lời Thiên Chúa hứa sau khi chịu nhục và bị dẫn tới chỗ biết mình nhờ các đe dọa và nỗi kính sợ lề luật của Thiên Chúa. Do đó, ta đọc trong Tv 30:6, “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo”.

Ta hãy coi điều ấy đã đủ để nói về các việc làm nói chung và đồng thời cả về các việc làm mà các Kitô hữu tự làm cho mình nữa. Sau cùng, ta cũng nên nói tới những điều họ làm cho những người lân cận của họ. Người ta không sống cho riêng mình trong thân xác tử sinh này, chỉ làm việc cho một mình nó, mà còn sống cho mọi người trên mặt đất; đúng hơn, họ chỉ sống cho những người khác, không cho riêng một mình họ. Để đạt mục đích này, họ bắt thân xác họ phại phục tùng để họ có thể phục vụ người khác cách thành thực và tự do hơn, như thánh Phaolô viết trong Rm 14:7-8: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa”. Ở đời này, họ thậm chí không được ở nhưng không mà không làm việc vì những người lân cận, vì nhất thiết họ sẽ phải nói năng, xử sự với, và trao đổi quan điểm với người khác, như Chúa Kitô, khi đã nên giống người ta (Pl 2:7), vốn hiện hữu dưới hình thức một con người và chuyện vãn với những con người, như Barúc 3:38 quả quyết.

Tuy nhiên, con người không cần bất cứ thứ nào trong số ấy để được công chính hóa và cứu rỗi. Do đó, họ nên được hướng dẫn trong mọi việc họ làm bằng ý tưởng này và chiêm niệm một mình điều duy nhất này mà thôi, để họ có thể phục vụ và sinh ích cho những người khác trong mọi việc họ làm, không quan tâm đến điều gì ngoài nhu cầu và lợi điểm của người lân cận mà thôi. Thành thử, Thánh Tông Đồ truyền cho ta phải dùng đôi tay mà làm việc để có thể giúp đỡ người túng thiếu, mặc dù, ngài có lẽ đã nói rằng chúng ta nên làm việc để hỗ trợ chính mình. Tuy nhiên, ngài nói: “để có gì chia sẻ với người túng thiếu” (Eph 4:28). Đó là điều biến việc chăm sóc thân xác thành một việc làm của Kitô hữu, nghĩa là nhờ có sức khỏe và tiện nghi, chúng ta có thể làm việc, mua sắm, và để dành quĩ để giúp đỡ người túng thiếu, nhờ cách này, chi thể mạnh có thể phục vụ chi thể yếu hơn, và chúng ta có thể trở nên con cái Thiên Chúa, mỗi người biết chăm sóc và làm việc cho người khác, mang gánh nặng của nhau và nhờ thế chu toàn lề luật của Chúa Kitô (Gl 6:2). Đó mới là cuộc sống Kitô hữu đích thực. Ở đây, đức tin thực sự tích cực nhờ tình yêu (Gl 5:6), nghĩa là, nó tìm được biểu thức trong các việc làm trong việc phục vụ tự do nhất, thực hiện một cách vui vẻ và đầy yêu thương, với tình yêu này, người ta sẵn lòng phục vụ người khác không hy vong được ban thưởng; và cho riêng họ, họ hoàn toàn hài lòng với sự viên mãn và phong phú của đức tin.

Thành thử, Thánh Phaolô, sau khi giảng dạy để tín hữu Philiphê biết họ trở nên giầu có xiết bao nhờ đức tin vào Chúa Kitô, trong đó, họ nhận được mọi sự, đã nhắn nhủ họ rằng “Nếu quả thật sự liên kết với Chúa Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:1-4). Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng rằng Thánh Tông đồ đã truyền áp dụng qui luật này vào đời sống Kitô hữu, nghĩa là, chúng ta nên dành mọi việc làm của chúng ta để tạo phúc lợi cho người khác, vì mỗi người đều có nhiều châu báu dư thừa trong đức tin của mình đến độ mọi việc làm khác và trọn cuộc sống họ giống như một thứ thặng dư; với sự thặng dư này, họ có thể phục vụ và tạo thiện ích cho người lân cận của họ, vì lòng nhân từ đầy thiện chí.

Như một điển hình cho cuộc sống ấy, Thánh Tông đồ trưng dẫn Chúa Kitô, ngài viết rằng “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn hiện hữu trong hình dạng (form) Thiên Chúa nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy hình dạng nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Và trong hình dạng con người, Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2:5-8). Lời có tính cứu rỗi của Thánh Tông Đồ này đã bị làm lu mờ đối với chúng ta bởi những kẻ không hiểu chút gì về các lời lẽ của ngài, “hình dạng Thiên Chúa”, “hình dạng nô lệ”, “hình dạng con người”, “giống phàm nhân”, và áp dụng chúng vào bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Thánh Phaolô có ý nói: mặc dù Chúa Kitô tràn đầy trong hình dạng Thiên Chúa và giầu có trong mọi sự, đến nỗi, Người không cần việc làm cũng như đau khổ để biến Người thành công chính và được cứu rỗi (vì Người vốn có những điều ấy thừ thuở đời đời), thế nhưng Người không vênh váo vì chúng và không đề cao Người hơn chúng ta và tỏ ra uy quyền hơn chúng ta, dù Người có quyền làm thế; nhưng, trái lại, Người đã sống, đã lao công, đã làm việc, đã chịu đau khổ, và đã chết giống như mọi con người khác và trong phong cách và trong hành động Người không có gì khác một con người, chỉ như thể Người cần tất cả những điều này, và không có gì từ hình dạng Thiên Chúa. Nhưng Người làm tất cả các điều này vì chúng ta, để Người có thể phục vụ chúng ta và mọi điều Người hoàn thành trong hình dạng nô lệ này có thể trở thành của chúng ta.

Do đó, giống như Chúa Kitô là đầu của mình, người Kitô hữu được đầy tràn và trở nên phong phú nhờ đức tin và nên hài lòng với hình dạng Thiên Chúa mà nhờ đức tin họ có được; chỉ có điều, như tôi đã nói, họ nên gia tăng đức tin này cho đến khi nó hoàn hảo. Vì đức tin này chính là cuộc sống của họ, sự công chính của họ, và là sự cứu rỗi của họ: nó cứu họ và làm họ trở nên đáng được chấp nhận, và ban cho họ mọi điều vốn là của Chúa Kitô, như đã nói ở trên và như Thánh Phaolô quả quyết ở Gl 2:20 khi ngài viết “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa”. Mặc dù, Kitô hữu được tự do đối với mọi việc làm, họ vẫn phải tự trút bỏ chính mình, mang lấy hình dạng nô lệ, nên giống con người, sống trong hình dạng con người, và phục vụ, giúp đỡ, và bằng mọi cách, cư xử với người lân cận của họ như họ thấy Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, đã cư xử và còn tiếp tục cư xử với người lân cận này. Họ phải làm điều này cách tự do, không quan tâm đến điều gì ngoài việc được Thiên Chúa chấp thuận.

Họ nên nghĩ rằng; ‘mặc dầu tôi là một con người bất xứng và đang bị kết án, Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, đã ban cho tôi mọi châu báu công chính và cứu rỗi mà không cần tới tôi, chỉ do lòng thương xót tinh tuyền, tự do, để từ nay trở đi, tôi không cần điều gì ngoại trừ đức tin, một đức tin tin rằng điều này đúng sự thật. Do đó, tại sao tôi lại không nên, một cách tự do, hân hoan và hết lòng, hết ý chí, làm những điều tôi biết là đẹp lòng và được người Cha, Đấng ban phát cho tôi những kho tàng vô giá như thế, chấp nhận? Bởi thế, tôi sẽ hiến mình tôi như một Chúa Kitô cho người lân cận của tôi, hệt như Chúa Kitô đã hiến mình cho tôi; tôi sẽ không làm bất cứ điều gì ở đời này ngoại trừ những điều tôi thấy là cần thiết, sinh ích và có tính cứu rỗi cho người lân cận của tôi, vì qua đức tin, tôi đã có dư đầy mọi điều thiện hảo nơi Chúa Kitô”.

Như thế, từ đức tin tuôn trào tình yêu và niềm vui nơi Chúa Kitô, và từ tình yêu, phát sinh một tâm trí hân hoan, sẵn lòng, và tự do phục vụ người lân cận hết lòng mà không quan tâm gì tới biết ơn hay không biết ơn, ca ngợi hay trách mắng, được hay mất. Vì người ta không phục vụ để đặt người khác dưới nghĩa vụ. Họ không phân biệt giữa bạn bè và địch thủ hay dự ứng lòng biết ơn hay vô ơn của họ, nhưng một cách tự do và sẵn lòng nhất, họ dành chính họ và tất cả những gì họ sở hữu bất kể họ phí phạm đối với những người vô ơn hay họ nhận được phần thưởng biết ơn. Như Cha của họ làm thế nào trong việc phân phối mọi sự cho mọi người cách hào phóng và tự do, làm cho “mặt trời mọc cho cả kẻ dữ lẫn người lành” (Mt 5:45), người con cũng phải làm mọi sự và chịu đựng mọi sự như thế với một niềm vui trao ban tự do, cũng là niềm vui mà, qua Chúa Kitô, họ thấy nơi Thiên Chúa, Đấng ban phát các thiện ích lớn lao ấy.

Do đó, nếu chúng ta nhận ra các điều lớn lao và qúy giá đã ban cho ta, như lời Thánh Phaolô nói ở Rm 5:5, lòng chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần đổ tràn tình yêu khiến chúng ta trở thành những công nhân tự do, hân hoan và quyền năng, thành những người chiến thắng mọi khổ đau, thành những người phục vụ người lân cận, nhưng đồng thời là chúa mọi sự.

Tuy nhiên, đối với những ai không nhận ra các ơn phúc ban cho họ qua Chúa Kitô, Chúa Kitô quả đã sinh ra vô ích; họ đi đường của họ với các việc làm của họ và sẽ không bao giờ tiến tới chỗ nếm được hay cảm nhận được những điều này. Như người lân cận của chúng ta cần và thiếu điều chúng ta có dư thế nào, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cũng cần và thiếu lòng thương xót của Người như vậy. Do đó, như Cha trên trời của chúng ta đã tự do đến, trong Chúa Kitô, để giúp chúng ta thế nào, chúng ta cũng phải tự do giúp đỡ người lân cận chúng ta như thế bằng thân xác chúng ta và các việc làm của nó, và mỗi người hãy trở thành như thể một Đấng Kitô đối với người khác để chúng ta là Đấng Kitô đối với nhau và Chúa Kitô là như nhau trong mọi người, nghĩa là, chúng ta trở thành các Kitô hữu thực sự.

Như thế ai có thể thấu hiểu hết các kho tàng và vinh quang của đời sống Kitô hữu? nó có thể làm mọi sự và có mọi sự, không hề thiếu thứ gì. Nó làm chủ trên tội lỗi, sự chết, và hoả ngục, ấy thế nhưng đồng thời nó lại hầu hạ, phục vụ và gây ích cho mọi người. Nhưng tiếc thay, thời ta, đời sống này không ai trên thế giới biết tới; nó không được rao giảng cũng không được tìm kiếm; chúng ta hoàn toàn không biết đến danh tánh mình và không biết tại sao mình là các Kitô hữu hay mang tên Kitô hữu. Chắc chắn chúng ta được đặt tên theo Chúa Kitô, không phải vì Người xa vắng chúng ta, nhưng vì Nguời cư ngụ trong ta, nghĩa là, vì chúng ta tin Người và là các Đấng Kitô đối với nhau và làm cho các người lân cận của chúng ta như Chúa Kitô làm cho chúng ta. Nhưng thời ta, chúng ta được lý thuyết của con người giảng dậy không đi tìm điều gì ngoại trừ công phúc, phần thưởng, và những điều vốn là của chính chúng ta; về Chúa Kitô, chúng ta chỉ làm cho Người trở thành một ông đốc công nghiêm khắc hơn Môsê gấp bội.

Chúng ta có một điển hình trổi vượt về một đức tin như thế nơi Trinh Nữ Diễm Phúc. Như đã được viết trong Luca 2:22, ngài được thanh luyện theo luật Môsê, theo tục lệ của mọi phụ nữ, mặc dù, ngài không buộc phải giữ luật đó và không cần được thanh luyện. Tuy nhiên, vì tình yêu tự do và tự ý, ngài tình nguyện tùng phục lề luật giống mọi phụ nữ khác để ngài không làm phật lòng hay khinh bỉ họ. Ngài không được công chính hóa bởi việc làm này, nhưng vì đã công chính nên ngài làm việc ấy một cách tự do và tự ý. Việc làm của chúng ta cũng phải như thế, chứ không phải để chúng ta được công chính hóa bởi chúng, vì chúng ta vốn đã được công chính hóa trước đó bằng đức tin, nên chúng ta làm tất cả những điều ấy một cách tự do và hân hoan vì ích lợi cho người khác.

Thánh Phaolô cũng đã cắt da qui đầu cho môn đệ Timôtê của ngài, không phải vì việc cắt da qui đầu này cần thiết để ông được công chính hóa, nhưng để ông không làm mất lòng hay khinh bỉ những người Do Thái yếu đức tin và chưa nắm vững tính tự do của đức tin. Nhưng mặt khác, khi họ coi thường tính tự do của đức tin và nhấn mạnh rằng việc cắt da quy đầu cần thiết cho việc công chính hóa, ngài đã phản kháng họ và không cho phép Titô được cắt da quy đầu (Gl 2:3). Ngài không sẵn lòng làm phật lòng hay coi thường bất cứ đức tin yếu ớt của ai và đã chiều theo ý muốn của họ trong nhất thời thế nào, ngài cũng không sẵn lòng để tính tự do của đức tin bị xâm phạm và coi thường bởi những người cứng đầu, coi mình được công chính hóa nhờ việc làm như thế. Ngài chọn con đường trung dung, nể nang người yếu đuối trong một thời gian, nhưng luôn cứng rắn với những kẻ cứng cổ, để ngài có thể hoán cải mọi người tiếp nhận tính tự do của đức tin. Điều chúng ta làm nên được làm bằng cùng một lòng nhiệt thành như thế để nâng đỡ kẻ yếu đuối trong đức tin, như nói ở Rm 14:1; nhưng chúng ta nên cương quyết chống lại những ông thầy ương ngạnh dạy về việc làm. Về điều này, chúng ta sẽ nói thêm sau này.

Kỳ sau: Chúa Kitô và việc nộp thuế