Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là người hăng hái nhất trong cái gọi là tiến trình công nghị tại quốc gia này. Ngài đã không được bầu làm chủ tịch thay thế cho Đức Hồng Y Reinhard Marx. Điều này cùng với sự từ chức của Đức Hồng Y Marx và cha Tổng Thư Ký Hans Langendörfer, là những dấu chỉ rõ rệt cho thấy tiến trình công nghị tại Đức đang tàn lụi.

Tháng 5 năm ngoái, một phong trào phụ nữ Công Giáo tại Đức chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối. Tự gọi mình là nhóm “Maria 2.0”, nhóm này đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục và công nhận các kết hiệp đồng tính.

Trang Web chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đăng tải các tin tức sâu rộng về hoạt động và những lời kêu gọi biểu tình của họ, và tường thuật rằng chính Đức Cha Franz-Josef Bode là người hỗ trợ cho chiến dịch.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật sau về kết quả bầu cử Hội Đồng Giám Mục Đức.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức đã bầu Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Limburg làm chủ tịch mới. Đức Cha Bätzing sẽ thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm, là Hồng Y Reinhard Marx của Münich và Freising, và sẽ lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ sáu năm.

Kết quả bầu cử đã được xác nhận hôm thứ Ba 3 tháng Ba, sau 3 vòng bỏ phiếu của các giám mục Đức tại hội nghị mùa xuân của các ngài, hiện vẫn còn đang được tiến hành tại Mainz. CNA Duetsch đã báo cáo hôm 3 tháng Ba rằng, trong 2 vòng bỏ phiếu đầu không có ứng cử viên nào nhận được đa số 2 phần 3 cần thiết. Đức Cha Bätzing đã được bầu vào vòng thứ ba với đa số đơn giản, nghĩa là ai nhiều phiếu hơn là thắng cử, không cần đạt túc số 2 phần 3.

Trong lần xuất hiện trước báo chí đầu tiên của mình với tư cách là tân chủ tịch, Đức Cha Bätzing đã tái khẳng định sự hỗ trợ của Hội Đồng Giám Mục đối với tiến trình công nghị đang diễn ra và được thực hiện với sự hợp tác của Ủy ban Công Giáo Đức (ZdK).

“Tại trung tâm của những cân nhắc của chúng tôi là ‘tiến trình công nghị’. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó”, Đức Cha Bätzing nói hôm thứ ba.

Cái gọi là tiến trình công nghị có hiệu quả ràng buộc chính thức được khai mạc vào tuần thứ nhất Mùa Vọng 1 tháng 12, 2019, nhưng cuộc họp đầu tiên của tiến trình công nghị này đã được triệu tập vào tháng Giêng năm nay. Các nhóm làm việc của Hội đồng sẽ đưa ra những thay đổi được đề xuất cho các khía cạnh khác nhau trong giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, bao gồm cả việc phong chức cho phụ nữ, độc thân giáo sĩ và giáo huấn về tình dục của con người.

Đức Cha Bätzing, 58 tuổi, đã được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki tấn phong Giám Mục vào ngày 13 tháng 9 năm 2016.

Khi được hỏi liệu có phải một số mục tiêu đã nêu trong tiến trình công nghị, đặc biệt là việc phong chức linh mục phụ nữ, đã bị Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thừng loại trừ trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Amazon gần đây hay không, Đức Cha Bätzing nói theo quan điểm của ngài, Đức Thánh Cha đã không đưa ra một quan điểm nào về một số vấn đề được nêu ra trong tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng Amazon, và không loại trừ bất kỳ kết luận cuối cùng nào của tiến trình công nghị tại Đức.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một bức thư cho toàn thể Giáo hội tại Đức, được công bố hồi tháng Sáu. Đức Thánh Cha đã cảnh báo người Công Giáo Đức cần chống lại một công nghị “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.”

Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” [dựa vào sức riêng của mình] khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”

Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.

“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.

Các quan chức Vatican sau đó đã thông báo cho Hội Đồng Giám Mục Đức rằng các kế hoạch của tiến trình công nghị là không có giá trị về mặt Giáo Hội, và đã kêu gọi các ngài sửa đổi đáng kể tài liệu làm việc.

Với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Cha Bätzing sẽ đồng chủ trì tiến trình công nghị, cùng với lãnh đạo ZdK.

Tháng trước, Đức Cha Bätzing đã được bầu làm đồng chủ tịch nhóm làm việc trong tiến trình công nghị về “Cuộc sống trong các mối quan hệ thành công - Tình yêu sống trong tình dục và quan hệ đối tác”, cùng với Birgit Mock, phát ngôn viên của ZdK về chính sách gia đình.

ZdK đã kêu gọi sửa đổi toàn bộ giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái và đòi hỏi các quan hệ đồng tính phải được chúc phúc trong nhà thờ như trường hợp hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.

Tháng 9 năm 2019, Đức Cha Bätzing đồng chủ trì một nhóm làm việc đại kết gồm các nhà thần học Công Giáo và Tin lành, đã tạo ra một tài liệu, có tựa đề là “Cùng nhau tại Bàn tiệc Chúa”. Ngài đã kết luận rằng “sự tham gia cùng nhau trong việc cử hành Tiệc ly/Thánh Thể Chúa về mặt thần học là hợp lý.”

Tại thời điểm công bố tài liệu, Đức Cha Bätzing cho biết rằng ngài đã tham gia nhóm quá muộn màng trong quá trình này và ban đầu tự hỏi mình rằng liệu ngài có thể đồng ý với điều này hay không.

“Nhưng tôi phải nói rằng, sự biện phân thần học trong bài viết cơ bản này rất rõ ràng với tôi đến mức tôi không muốn và không thể trốn tránh”.

Trong Giáo Hội Công Giáo, chỉ những người Công Giáo được rửa tội và đang trong tình trạng có ân nghĩa với Chúa mới được phép rước lễ. Giáo luật nêu ra những trường hợp rất hãn hữu trong đó những người không theo đạo Công Giáo có thể được cho rước lễ. Trong khi các giám mục ở một số quốc gia Bắc Âu đã nhiều lần kêu gọi cho những người ngoài Công Giáo được rước lễ, Tòa Thánh đã liên tục bác bỏ.

Tại thời điểm của bản tin này, Đức Cha Bätzing thừa nhận rằng sự xác tín của ngài về vấn đề này không có nghĩa là ngài được tự do thay đổi kỷ luật bí tích.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi trong tư cách một giám mục có thể thay đổi, nhưng cuộc thảo luận thần học bây giờ phải được nâng lên đến mức một giáo huấn được đón nhận, tức là phải có sự chấp nhận của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo. Và quá trình này vẫn còn trong vòng chờ đợi”, ngài nói.


Source:Catholic News Agency