Lạm dụng tình dục và Ủy Ban Hoàng Gia

Một vấn đề quan trọng được đưa ra bởi những người tham gia là vụ tai tiếng lạm dụng tình dục và Ủy ban Hoàng gia sau đó điều tra các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em. Mặc dù người ta thừa nhận rằng các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân chịu trách nhiệm đối với việc gây ra lạm dụng tình dục trong Giáo hội, nhưng những đệ trình của các người tham gia đã tập chú cách riêng vào việc lạm dụng của các giáo sĩ. Những người tham gia nhận diện việc cần phải kêu gọi toàn thể cộng đồng Công Giáo hối cải và phẩm trật của Giáo hội có mối quan tâm lớn hơn đối với các nạn nhân và những người sống sót việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Cũng có những gợi ý để Giáo hội lãnh đạo các buổi phụng vụ hàn gắn và tham gia vào các hành vi đền tội công khai. Một số người nhận diện việc cần phải minh bạch, nhiều trách nhiệm giải trình, báo cáo tin tức cân bằng về cuộc khủng hoảng và nghiên cứu về nguyên nhân và tác động của lạm dụng tình dục trẻ em nhiều hơn. Cũng có một lời kêu gọi Giáo hội làm tốt hơn trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia. Những người tham gia cũng cảm thấy rằng cộng đồng Công Giáo cần phải vượt quá tai tiếng và công chúng nói chung cần phải ngừng diễn dịch rằng tất cả những người có liên kết với Giáo Hội Công Giáo đều là những kẻ ấu dâm. Cuối cùng, một số người mong muốn việc chăm sóc nhiều hơn đối với các linh mục ấu dâm bị kết án.

Kêu gọi sám hối vì việc giáo sĩ lạm dụng tình dục

Một số đáng kể những người tham gia cảm thấy điều quan yếu là phẩm trật của Giáo hội biểu lộ sự ăn năn đối với tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Nhiều người tham gia cảm thấy phẩm trật của Giáo hội cần chịu “trách nhiệm giải trình” và nhiều “tương cảm’ hơn trong các cố gắng ăn năn của mình.

Phẩm trật cần thực sự lắng nghe người ta và học cách xây dựng lại niềm tin sau các tai tiếng giáo sĩ lạm dụng – nhiều cuộc sống bị hủy hoại cả về thể chất lẫn tâm lý. Cần có trách nhiệm giải trình và cởi mở thực sự trong việc quản lý Giáo Hội. Các giám mục cần lắng nghe một cách cảm thương và tương cảm. Chứ không phải chỉ nói ‘xin lỗi', mà là ‘làm’ việc xin lỗi.

Hãy biểu lộ sự ăn năn về những sai trái của Giáo hội tại Úc và thế giới. Giới lãnh đạo đã thất bại trong việc lãnh đạo... Các Giám mục nên dạy dỗ, hướng dẫn và sửa chữa các linh mục và tín hữu công dân.


Một số người tham gia cũng nhận trách nhiệm tập thể đối với cuộc khủng hoảng, kêu gọi toàn thể cộng đồng Giáo hội ăn năn và chấp nhận trách nhiệm. Một người tham gia tuyên bố:

Trong tư cách Giáo hội, chúng ta công khai chấp nhận và thừa nhận rằng chúng ta, Giáo hội, là một dân tộc tội lỗi. Nhiều cuộc đời đã bị hủy hoại qua việc lạm dụng tình dục, xúc cảm và thể xác, và sự kỳ thị của các giáo sĩ, tu sĩ [và] giáo dân giữ một chức vụ có trách nhiệm và tin tưởng.

Quan tâm nhiều hơn đối với các nạn nhân và người sống sót

Nhiều người tham gia cảm thấy cần phải quan tâm hơn đối với các nạn nhân và những người sống sót nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục. Những người tham gia tin rằng “việc thừa nhận” nhiều hơn là điều cần thiết để đạt được điều này, như một người tham gia đã quả quyết:

Thừa nhận sự tổn thương, đau khổ và đau đớn mà người ta đang phải chịu do tội lỗi của những ông cha, các tội lỗi liên quan đến lạm dụng tình dục, việc che đậy lạm dụng tình dục và chủ nghĩa giáo sĩ trị rộng lớn và cố thủ hơn, việc lạm dụng quyền lực và rối loạn chức năng có hệ thống.

Hơn nữa, những người tham gia cảm thấy cần phải đưa ra mọi cố gắng để “hỗ trợ, lắng nghe và chăm sóc” cho các nạn nhân. Thí dụ:
Chúng ta đang sống sau thảm họa lớn nhất có thể giáng xuống Giáo hội tại đất nước này (cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục). Đầu tiên, tôi nghĩ Thiên Chúa muốn mọi nỗ lực có thể có phải được hướng đến việc cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân bị lạm dụng trong Giáo hội. Thứ hai, tôi nghĩ Thiên Chúa muốn chúng ta như một tập thể Giáo hội cúi đầu xấu hổ.

Một cách được gợi ý để hỗ trợ các nạn nhân là qua Giáo hội tham gia vào các hành vi đền tội công khai.

Phụng vụ hàn gắn và các dấu chỉ công khai hoặc các hành vi phạt tạ

Các người tham gia đã có nhiều đề nghị để Giáo hội tiến hành các hành vi phạt tạ (reparation) công khai đối với các nạn nhân và những người sống sót nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục. Điều này bao gồm một “ngày hòa giải toàn quốc” với các nạn nhân và một “lời xin lỗi công khai toàn quốc được lưu hành trên các tờ báo” trên khắp nước Úc. Hơn nữa, những người tham gia cảm thấy “các buổi phụng vụ công cộng” tại các thành phố thủ phủ nổi tiếng của Úc cũng có thể mang lại cơ hội hàn gắn. Thí dụ, như một người tham gia đã quả quyết:

Thực hiện một hành vi đền tội công khai cho những tội lỗi của các giám mục anh em của các ngài và của các linh mục trong nhiều thập niên qua liên quan đến việc lạm dụng trẻ em và việc che đậy sau đó... Một tuần cầu nguyện và ăn chay thực sự ở ngoài đường phố? Điều này sẽ cho thấy việc lãnh đạo và ăn năn thực sự và có thể giúp một bình diện hàn gắn diễn ra. Nó cũng có thể châm ngòi cho những hành vi sám hối và ăn năn tương tự ở nơi khác.



Cuối cùng, những người tham gia cảm thấy rằng nên có những hành vi phạt tạ công khai trong Thánh lễ. Như một người tham gia đề nghị:

Chúng ta cần phải lồng vào “Lời nguyện giáo dân” một lời xin lỗi và công nhận sự tàn bạo trong quá khứ và lạm dụng trẻ em dưới sự chăm sóc của các định chế Công Giáo.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình nhiều hơn liên quan đến việc giáo sĩ lạm dụng tình dục

Một vấn đề quan trọng được nêu ra liên quan đến cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục là Giáo hội phải minh bạch hơn. Như một người tham gia đã quả quyết:

Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa đang kêu gọi Giáo hội phẩm trật chính thức và các dòng tu phải trung thực, minh bạch và ăn năn về việc vi phạm và che đậy nạn lạm dụng trẻ em của chúng ta và phản bội lòng tin của dân Chúa.

Cũng có những lời kêu gọi Giáo hội có trách nhiệm giải trình nhiều hơn đối với các hành động của mình. Thí dụ:

Những điều đã xảy ra liên quan đến [việc] lạm dụng tình dục trẻ em [là] điều không thể tha thứ được. Giáo hội lẽ ra phải hành động. Không có gì như thế này sẽ xảy ra một lần nữa. Những người đã không hành động khi được cho biết những gì đang xảy ra cũng nên chịu trách nhiệm - họ nên chịu trách nhiệm giải trình.

Cũng có những lời kêu gọi xem xét các phúc trình công khai về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Những người tham gia kiên quyết cho rằng hành động của những kẻ phạm tội và đáp ứng của Giáo hội là điều “không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, cũng có mối lo ngại cho rằng các tin tức báo cáo cuộc khủng hoảng không phải lúc nào cũng đúng sự thật. Cộng đồng nói chung nghĩ 2 phần 3 các vụ lạm dụng tình dục đã được vi phạm trong Giáo Hội Công Giáo, trong khi chỉ là 1 phần 3, một sự hiểu lầm về số liệu thống kê... Tuy nhiên, Giáo hội nên xem xét tất cả các khuyến nghị trong Phúc trình sau cùng và chúng nên được thảo luận rộng rãi trong Giáo hội để không vội vã tiến bước mà không nghiên cứu kỹ lưỡng cho việc thực hành trong tương lai.

Nghiên cứu thêm về nguyên nhân và hệ lụy của lạm dụng tình dục trẻ em

Nhiều người tham gia muốn Giáo hội có một “sự hiểu biết nhiều hơn” về cách thức cuộc khủng hoảng này xảy ra. Một số người tham gia kêu gọi Giáo hội xem xét và nghiên cứu các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục và hiểu hậu quả ra sao đối với các nạn nhân muốn tiến tới. Như một người tham gia đã tuyên bố:

Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta khảo sát xem làm thế nào thảm họa này có thể trở nên sâu rộng đến thế.

Một người tham gia khác đề nghị Giáo hội đầu tư vào các tài nguyên giáo dục để hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra và hậu quả của cuộc khủng hoảng:

Tiến hành một diễn trình suy tư nền tảng và thần học cũng như liên ngành về nguyên nhân và hệ lụy của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em, và biện phân các cách tiếp cận thần học mới đối với cơ thể, tính dục, giới tính và trẻ em được thông tri bằng kinh nghiệm đương thời và hiểu biết khoa học, chứ không chỉ có Kinh thánh và truyền thống. Mời các Giáo Hội khác tham gia, và cả chính quyền dân sự nữa, bằng cách tài trợ và tạo ra các trung tâm nghiên cứu đặc biệt để thông tri các thực hành giảng dạy đã được cải thiện về quản trị và thừa tác vụ và cũng để cung cấp việc huấn luyện, việc cấp phép (accreditation), phát triển chuyên nghiệp và việc thực hành tốt nhất.

Thực thi tốt hơn các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia

Một số lượng đáng kể những người tham gia cảm thấy Giáo hội bắt buộc phải thực thi các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia. Như một người tham gia đã phát biểu “hãy tin tưởng Ủy ban Hoàng gia và làm theo các khuyến nghị của Ủy Ban”. Cũng có những lo ngại cho rằng giới lãnh đạo Giáo hội sẽ không hợp tác hoàn toàn với các hậu quả pháp lý của những phát hiện của Ủy ban Hoàng gia:

[Thiên Chúa] đang yêu cầu tinh thần, tính toàn vẹn và tính xác thực được tiếp tục với việc thực thi mọi khuyến nghị được hỗ trợ và chấp nhận của Ủy ban Hoàng gia điều tra việc lạm dụng tình dục trẻ em. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta cũng tích cực nhận diện và dập tắt các nỗ lực trong Giáo hội muốn sử dụng kiểu nói nước đôi, dùng ngôn ngữ luật pháp (legalese) để bỏ qua các thách đố trong các khuyến nghị.

Hàn gắn và vượt quá tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục

Một số người tham gia cảm thấy rằng Giáo hội cần phải “xin tha thứ”, “tìm cách tạo hòa bình”, “làm dễ dàng diễn trình hàn gắn cho các cá nhân” đã bị tổn thương do nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục và sau đó, “tiến về phía trước”. Những người tham gia cảm thấy rằng để tiến lên phía trước, toàn thể cộng đồng Giáo hội cần “tìm cách học hỏi” và “tạo ra một tương lai tốt hơn” cho Giáo Hội Công Giáo ở Úc. Đối với một số người, ta có thể đạt được việc tiến lên phía trước bằng cầu nguyện:

Cầu nguyện đặc biệt cho những người [đã] liên lụy vào các vụ tai tiếng mà Giáo hội đã phải chịu đựng. Để cởi mở với việc thay đổi và có sự thay đổi trong tâm hồn, để chấp nhận việc các sai lầm đã xảy ra nhưng chúng ta phải tìm cách sửa chữa và học hỏi từ các sai lầm trong quá khứ.

Tóm lại, một số người tham gia cảm thấy cần có sự thừa nhận các sai lầm trong quá khứ, cố gắng hàn gắn những sai lầm đã phạm phải và sau đó tiến về tương lai.

Không coi tất cả mọi người hay linh mục là kẻ ấu dâm

Một vài người tham gia đã lo ngại về việc dán nhãn hiệu cho các linh mục và Giáo Hội Công Giáo nói chung là những kẻ phạm tội tình dục. Một người tham gia đã nhấn mạnh điểm này như sau:

Hãy ngưng đối xử với mọi người, đặc biệt là các tình nguyện viên, như thể họ là những kẻ ấu dâm và lạm dụng và coi họ như những người chịu trách nhiệm.

Một người tham gia khác nhấn mạnh rằng đại đa số cộng đồng Giáo hội là các công dân tuân thủ luật pháp và muốn Giáo hội “sửa chữa sự gây hại của 7%. Công bố sự tốt lành của 93%”.

Chăm sóc các linh mục ấu dâm

Đề tài cuối cùng trong chủ đề Lạm dụng tình dục và Ủy ban Hoàng gia là quan tâm của cộng đồng Công Giáo nói chung đến việc chăm sóc các linh mục ấu dâm đã bị kết án. Thí dụ, một người tham gia nói rằng Giáo hội cần “tìm một cách tiếp cận chung để chăm sóc một cách kính trọng và trung thực các linh mục ấu dâm đã bị kết án”. Một người tham gia khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đảm bảo “mối liên kết giữa Thiên Chúa và các linh mục bị kết án”. Người tham gia này đã khẳng định “sự nâng đỡ những người phạm tội. Tôi tin rằng điều quan trọng là phải tha thứ và trợ giúp để người ta duy trì được mối liên hệ với Thiên Chúa”. Cuối cùng, các người tham gia cảm thấy cần phải có lòng “cảm thông”, “bối cảnh” và “viễn tượng” cho từng tình huống:

Cần phải làm nhiều hơn nữa để chữa lành những người vi phạm để họ không tái phạm. Nhiều linh mục này đã bị chính những người cha của mình lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Các buổi cầu nguyện chữa lành nội tâm nên được cổ vũ công khai hơn và có sẵn đó cho những linh mục mong muốn và tìm kiếm sự chữa lành cho chính họ.