Thay Lời Tựa:

Tôi có dịp đến Giáo Phận Vinh nhiều lần khi về thăm Quê Hương và Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong những năm gần đây. Nhất là sau khi Địa Phận (ĐP) Vinh được tách ra và thành lập một Tân Giáo Phận Hà Tĩnh, tôi có nhiều gắn bó mật thiết hơn với vài Giáo Xứ trong GP Hà Tĩnh trong nhiều năm trước đây. Nhờ một số các em học sinh nghèo mà tôi đã giúp ‘ăn học’ đã giới thiệu tôi cho các Giáo Xứ-Giáo Họ (GX-GH) của các em đang sinh sống… như GX Dụ Thành, GX Cửa Sót, GX Vĩnh Hội, GH Vĩnh Điền…. GH Vĩnh Sơn… và một vài GX-GH khác nữa mà tôi không thể nhớ hết. Trong bài viết dưới đây tôi muốn đề cập đến Giáo Xứ (GX) Vĩnh Hội mà tôi đã đến thăm đôi ba lần…. Một GX đang được dầy công xây dựng của một linh mục trẻ đầy năng động, Cha Chính Xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu, ngoài GX Mẹ Vĩnh Hội, Cha còn trông coi 5 Giáo Họ nữa: GH Yên Hội, GH Kẻ Mây, nay là GX Vĩnh Hội, GH Yên Thịnh, GH Vĩnh Sơn, GH Vĩnh Điền.

Nhờ tài liệu cung cấp của Ban Biên Tập GP Hà Tĩnh, tôi xin được nhắc lại biến cố lịch sử sự thành lập Tân GP Hà Tĩnh như sau:

Vào lúc 12 giờ trưa (giờ Rôma) tức 18 giờ (giờ Việt Nam) thứ Bảy, ngày 22 tháng 12 năm 2018, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh.

Thánh lễ công bố Sắc lệnh thành lập Giáo phận và nhận sứ vụ mới của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp được tổ chức vào ngày 11/02/2019 tại Nhà thờ Chính tòa Giáo xứ Văn Hạnh (Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Giáo phận Hà Tĩnh nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng Giáo phận.

Đây là Giáo phận thứ 27 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Tân Giáo phận Hà Tĩnh gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có số giáo dân 281.243 người, 66.052 gia đình, 121 Giáo xứ, 376 Giáo họ và 140 Linh mục. Riêng hạt Ngàn Sâu (Hương Khê, Hà Tĩnh) có 15 Giáo xứ, 70 Giáo họ, 30.995 giáo dân, 7.276 hộ gia đình, 13 Linh mục.

Tôi chỉ xin trình bài ‘lược tóm sự hình thành của Tân GP Hà Tĩnh’. Phần kế tiếp, tôi xin mời Quý Đọc Giả đọc tiếp về ‘SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO XỨ VĨNH HỘI’.

Trong bài kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu 5 Giáo Họ của GX Mẹ Vĩnh Hội, đặc biệt là bài viết về Giáo Họ Vĩnh Điền mà trong thời gian ngắn sắp tới, Đức Giám Mục Tiên Khởi của GP Hà Tĩnh, Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP sẽ làm phép và đặt viên đá đầu tiên để xây Nguyện Đường với Tước Hiệu Quan Thầy là Thánh Phanxicô Xaviê để Kính Lòng Thương Xót Chúa. Kính mời Quý Đọc Giả theo dõi các bài viết nầy… mà chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng tải trên Vietcatholic.

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO XỨ VĨNH HỘI

Phần I: Đặc Điểm Địa Lý - Thổ Nhưỡng

1: Được sinh ra, và lớn lên theo thời gian. Từ giáo xứ mẹ Thổ Hoàng. Giáo xứ Vĩnh Hội được thành lập năm 1919, nơi hạ lưu của hai con sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu. Thuộc tổng Hương Khê - Phủ Đức Thọ hồi đó, một dãy đất chật hẹp bên sông. Giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu xuôi ngược dọc sông và những lối mòn tắt qua đồi núi. Nơi đây khí hậu hết sức khắc nghiệt là nơi rừng thiêng nước độc, chỉ là nơi núi non trùng điệp và nhiều thú dữ. Thượng nguồn của con sông Ngàn Trươi gắn liền với các chiến tích của cụ Phan Đình Phùng (1885).

Chẳng ai biết cái tên Kẻ Mân náy có từ bao giờ?

Dân cư thưa thớt, họ sống tập trung chủ yếu thành từng nhóm, mỗi nhóm được gọi là một làng, không có dân bản địa. Họ chủ yếu là dân làng vạn từ các xứ Thổ Hoàng, Đức Ninh và một số vùng lân cận về đây lập nghiệp từ các nghề rừng, đánh bắt muông thú, nông nghiệp. Tất cả đều thô sơ nên đời sống kinh tế rất khó khăn.

Phần II: Sự Phát Triển Qua Từng Giai Đoạn

Theo văn khổ của địa phận, từ những tư liệu lịch sử của Cha Phê-rô Phúc để lại.

Đầu thể kỷ XX, năm 1918, cha GB. Nguyễn Liên quê ở Vạn Thành đang quản xứ Thổ Hoàng lúc đó đã đệ trình Đức Cha thành lập giáo xứ Kẻ Mân, gồm 3 giáo họ là Kẻ Mân, Bãi Mốt, Hòa Duyệt. Tổng số nhân danh của ba giáo họ lúc đó là 295 người, họ Kẻ Mân 160 người, họ Bãi Mốt 82 người, và họ Hòa Duyệt 53 người. Đây cũng là ba giáo họ trực thuộc giáo xứ Thổ Hoàng đã có trước năm 1919.

Cơ sở vật chất chưa có gì chỉ là những nhà thờ tạm đơn sơ, tranh - tre - nứa chưa đủ cho người trong họ sinh hoạt.

Theo thư bẩm trình Đức Cha của cha Phê-rô Phúc còn lưu giữ ở địa phận:

1: Giáo họ Kẻ Mân: Khi trước ở Trại Hội, họ sống riêng một vùng toàn đạo cả.

a: Gốc tích giáo họ: Do làng vạn Thổ Hoàng có cố Tổng Quang, cố Tổng Huấn, và cố Bành là những người đầu tiên sang làm nghề cá, thấy thuận tiện nên đã có ý định định cư tại đây để làm ăn. Bổn đạo ở đây lúc đó cũng được chia làm hai phiến, phiến Thủy dân và phiến Lục dân.

Phiến hủy dân chuyên nghề đánh cá trên sông còn phiến Lục dân có người vùng xuôi lên lập nghiệp.

b: Việc giữ đạo trong các giáo họ cũng bình thường, không bỏ xưng tội lâu năm cũng như không tin những điều dối trá, dị đoan nhưng con trẻ học kinh bổn chưa được sốt sắng. Một số thì quá nghèo, một số thì theo cha mẹ đi làm ăn xa.

2: Họ Bãi Mốt: họ này được gọi với 2-3 cái tên như họ Phùng, họ Bồng Sơn…nhưng ngày nay thường được gọi là Trại Mốt (người dân chủ yếu là có đạo và từ miền dưới lên).

a: Gốc tích giáo họ: Trước đời cố Đức ở Nghĩa Yên lên tạu khoảnh đất cho những người có đạo ở. Trước Binh hỏa (độ 1887) thì đông hơn, sau đó do loạn lạc giặc giã đã bỏ chạy đi nơi khác sau cũng không quay về lại.

b: Việc giữ đạo trong giáo họ cũng bình thường, không ai bỏ xưng tội lâu năm cũng như không tin những điều dối trá, dị đoan, và cũng không nghiện rượu chè.

Con trẻ siêng học giáo lý nhưng vì quá nghèo, không có dầu đèn, không đủ ăn nên việc học hành cũng không được như ý. (theo thư bẩm trình Đức Cha của Cha Phê-rô Phúc).

3: Họ Hòa Duyệt: Xưa nay chỉ có một tên, họ ở chung với kẻ ngoại đạo đông hơn, mạnh thế hơn nhưng xem chừng họ vẫn hòa thuận với nhau.

a: Gốc tích lập ra họ này không ai biết cả, toàn người còn trẻ ở lại đây cứ theo đạo cha ông, không biết cha ông giữ đạo như thuở trước. Nên đã có nhiều người bỏ đạo sau họ không trở lại nữa nhà thờ và mọi sự gì cũng chưa có. Số nhân danh còn lại là 52 người, không học hành gì kinh bổn. (theo thư bẩm trình Đức Cha của Cha Phê-rô Phúc).

Khoảng giai đoạn 1925 - 1935

Nghe ông nội của ông Phê-rô Nguyễn Văn Hải trong giáo xứ kể lại rằng: Có cha Tuần, cha Mục, cha Hoan, cha Tính, cha Hữu về coi sóc giáo xứ nhưng cũng được một thời gian ngắn rồi lại chuyển đi.

4: Tình hình của giáo xứ giai đoạn này hết sức khó khăn, phức tạp do các biến cố về chính trị hồi đó và tình hình của giáo xứ gần như vô vọng.

Giai đoạn 1936 - 1945

Trước tình hình của giáo xứ hết sức khó khăn, phức tạp cha GB. Nguyễn Liên đã xin bề trên về lại giáo xứ, để khôi phục và củng cố thêm lòng tin. Nhưng cũng không ai nhớ được Cha về lại từ năm nào? Nhưng năm 1937 đã thành lập thêm được giáo họ Yên Thịnh. Đến năm 1945 Cha lâm bệnh nặng và đã qua đời trên đường đi chữa trị. Vì thương tiếc Cha cộng đoàn đã đưa xác Cha về chôn cất trong khuôn viên của giáo xứ.

Giai đoạn 1945 - 1946 là thời kỳ khó khăn nhất của giáo xứ nói riêng và cả nước nói chung, đó là nạn đói hoành hành đã làm nhiều người chết, một số bỏ làng, bỏ giáo xứ tha phương cầu thực khắp nơi. Cho nên số giáo dân cũng giảm đi đáng kể, nhưng với long tin có Chúa mọi việc trong giáo xứ cũng không có gì xáo trộn lắm.

12 năm trôi qua (1945-1957) cứ cầu nguyện, trông chờ và phát triển bề trên đã cho Cha Gio-an Trương Văn Tạo quê ở Làng Truông về coi sóc giáo xứ.

Nghe các nhân chứng đang còn sống trong giáo xứ kể lại, thời gian này mọi cơ sở vật chất của giáo xứ hầu như xuống cấp nghiêm trọng, thứ thì mục nát, thứ mối mọt, và mất mát, cho nên Cha đã sắm sửa lại tất cả. Đồng thời thành lập được giáo họ Yên Hội vào năm 1958.

Gần hai năm sau tháng 9 năm 1960. Một trận lũ lịch sử trên con sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu đã nhấn chìm tất cả, nhà thờ thì ngập nửa mái vì nước lũ vào quá nhanh nên bà con không kịp thu dọn đồ đạc, tất cả đều bị ướt và trôi nổi khắp nơi. Nhà thờ xiêu vẹo sau trận lũ lịch sử này. Cha xứ quyết định đưa nhà thờ lên cao để tránh lũ, và đã được cộng đoàn đồng tình hưởng ướng.

Vậy là nhiều công việc đều được diễn ra cùng một lúc vào cuối năm 1960-1961.

- Sửa sang lại nhà thờ để có nơi làm lễ

- Chọn địa điểm đặt nhà thờ

- Đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá để lấy mặt bằng

- Một bộ phận dùng thuyền lên đại ngàn để khai thác gỗ

Mọi công việc đều được sắp xếp và tiến hành đồng bộ. Cuối năm 1961 nhà thờ cũng được hoàn thành. Đây là lần thứ hai làm nhà thờ và cũng là lần thứ hai chuyển vị trí. Trên diện tích khoảng 2000m2, tại Cồn Tròn mà hiện nay chúng ta đang sủ dụng, mặt tiền của nhà thờ quay về hướng đông.

Cứ sắm sửa, xây dựng và thời gian cứ trôi đi, trôi đi thật nhanh. Từ năm 1961-1973, đây là thời gian chiến tranh ác liệt ở miền bắc Việt Nam. Làm thiệt hại lớn về người và kinh tế của giáo xứ, sự mất mát lớn lao đó là Cha GB. Trương Văn Tạo qua đời (tháng 11/19973) ở tuổi 91. Vì thương tiếc Cha cộng đoàn đã chôn xác Cha trong khuôn viên của giáo xứ, một lần nữa giáo xứ lại thiếu vắng đứng chủ chăn. Khoảng thời gian này từ (1973-1976) Cha Bang quản xử Thổ Hoàng phụ trách giáo xứ. Từ năm 1976 Cha Thìn phụ trách.

Đến năm 1980, bề trên cho cha già Phê-rô Hồ Đức Hân quê ở Thổ Hoàng về nghỉ hưu tại giáo xứ, đến năm 1982 Cha đã qua đời ở tuổi 100 và phần mộ của Cha cũng được chôn cất tại khuôn viên của giáo xứ. Mọi công việc của giáo xứ lúc đó đều do Cha Giu-se Võ Văn Thìn quê ở Bột Đà quản xứ Thổ Hoàng coi sóc. Ở giai đoạn này nhà thờ cũng đã xuống cấp. Nên đã đề xuất Cha Giu-se Võ Văn Thìn sửa lại nhà thờ và đã được Cha đồng ý. Trong khi tháo giỡ để sửa chữa thì phần gỗ của nhà thờ bị hư hỏng quá nhiều, nên được coi là làm lại tất cả. Đầu năm 1983 thì khởi công và đến cuối năm thì hoàn thành, và đâylà lần thứ ba làm lại nhà thờ. Đầy khó khăn, gian khổ một phần do chính quyền gây khó khăn, một phần do kinh tế của cộng đoàn còn quá yếu. Nhưng cuối cùng cũng đã thực hiện được ước nguyện của cộng đoàn, Tuy không có Cha quản xứ, song với long tin đầy nghị lực, nên đã vượt qua tất cả.

Giai đoạn 1990 - 2010

7 năm sau, năm 1990 số giáo dân trong giáo xứ cũng đã tăng lên theo thời gian là 820 nhân danh của 140 hộ. Vì thế sức mạnh cũng được tăng lên gấp bội, hơn nửa điều kiện kinh tế cũng khá hơn trước, và ước muốn của cộng đoàn là làm lại nhà thờ xây thay cho nhà thờ gỗ. Đề nghị này của cộng đoàn đã được Cha phụ trách Võ Văn Thìn đồng ý, thế là mọi công việc đều được bàn bạc và thống nhất dưới sự điều hành của ông Phê-rô Nguyễn Văn Hứa (trùm xứ) và ông Phê-rô Trần Văn Hậu (trùm họ) lo phần kinh tế, đó là vào đại ngàn khai thác gỗ cũng như các vật liệu như gạch, ngói và nhân lực… Sau 3 năm xây dựng vào năm 1993 ngôi nhà thờ đã được hoàn thành và đây cũng là ngôi nhà thờ xây đầu tiên của giáo xứ, trong niềm hân hoan của toàn thể cộng đoàn.

Mặt tiền của nhà thờ hướng về phía Bắc, có chiều dài 32m, rộng 13m và hiện giờ đang được sử dụng. Đây là lần thứ tư làm lại nhà thờ và lần thứ ba thay đổi vị trí. Cả một chặng đường dài đầy khó khăn, gian nan, thử thách của giáo xứ thường bị gián đoạn vì thiếu đứng chủ chăn, số giáo dân ít ỏi, tiềm lực kinh tế hạn hẹp nhưng đã làm nên kỳ tích như thế này thì quả thật là tràn đầy hồng ân của Chúa.

Giáo xứ chúng con có được như ngày hôm nay quả đúng là hồng phúc mà Chúa đã thương ban. Chúng con hết lòng tri ân quý Cha tiền nhiệm đã dày công vun đắp, đồng hành và xây dựng giáo xứ chúng con qua các thời kì từ sơ khai.

Đến năm 2002, Cha GB. Trần Thanh Đạt quê ở giáo Thuận Nghĩa được bề trên cho phép về quản xứ, trong giai đoạn này mọi cơ sở vật chất của giáo xứ tạm ổn định, nên Cha chỉ sửa lại một số công trình của nhà xứ và xây thêm cho giáo họ Vĩnh Hội một ngôi trường giáo lý 2 tầng, nhà phòng, tượng đài Đức Mẹ vào năm 2003. Đồng thời Cha cũng đã lập thêm được một giáo họ Vĩnh Sơn với 12 hộ và 49 nhân danh. Bên cạnh đó Cha cũng củng cố thêm giáo họ Vĩnh Điền mà Cha Võ Văn Thìn hội tụ năm 1993 và hai cái tên giáo họ Vĩnh Sơn - Vĩnh Điền được bắt nguồn từ đây (2003). Cha GB. Trần Thanh Đạt Đạt coi sóc giáo xứ được 2 năm 7 tháng đến tháng 9 năm 2004 Cha lâm bệnh nặng và qua đời tại quê nhà, phần mộ của Cha được chôn cất trong khuôn viên giáo họ Yên Lưu giáo xứ Thuận Nghĩa.

Đến thời điểm này, giáo xứ Vĩnh Hội đã có năm giáo họ là: Vĩnh Hôi, Yên Hội, Yên Thịnh, Vĩnh Sơn, và Vĩnh Điền. Trải dài trên địa bàn của nhiều xã thuộc huyện Vũ Quang, như xã Hương Thọ, Hương Điền, Hương Quang, Đức Liên. Nhưng số giáo dân đông nhất tập trung ở xã Hương Thọ, đặc biệt có những giáo họ cách trung tâm của giáo xứ khoảng 30k, như Vĩnh Sơn, Vĩnh Điền.

Tháng 3 năm 2005, Cha Giu-se Nguyễn Văn Hiệu quê ở Nghi Lộc tiếp quản giáo xứ, trong giai đoạn này mọi cơ sở vật chất của giáo xứ cũng đang tạm ổn định. Nên Cha đã lo lắng đến cơ sở vật chất của các giáo họ vì tất cả đều bị xuống cấp và đặc biệt là một số giáo họ trong thời gian đó chưa có nhà thờ. Cụ thể là Cha đã làm lại nhà thờ giáo họ Yên Thịnh (2007), và nhà thờ giáo họ Vĩnh Sơn (2008). Cha cũng sửa sang lại nhà thờ xứ và nhà thờ giáo họ Yên Hội, riêng giáo họ Vĩnh Điền vẫn chưa có nhà thờ, bởi vì ở trong lòng hồ Ngàn Trươi nên giáo họ Vĩnh Điền phải dời đi. Năm 2010 Cha được bề trên sắp xếp về coi sóc giáo xứ khác.

Giai đoạn 2010 - 2018

Ngày 10 tháng 8 năm 2010, cha Phê-rô Nguyễn Huy Lưu được bề trên giáo phận sai về quản xứ Vĩnh Hội. Là một Linh Mục trẻ nhận xứ chưa được bao lâu thì một trận lũ lịch sử trên hai con sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu đã làm thiệt hại kinh tế cho huyện Vũ Quang nói riêng và khu vực miền trung nói chung hết sức nặng nề. Vì thế, Cha đã kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm khắp mọi nơi về lương thực, thực phẩm, quần áo cũng như tiền của để giúp đỡ bà con lương giáo trong những ngày lũ. Lại một lần nữa bà con giáo dân nơi đây phải hứng chịu sự ảnh hưởng của thiên tai.

Với tâm tình của vị mục tử lo lắng và trăn trở cho tương lai của giáo xứ Vĩnh Hội, vào năm 2011 Cha đã nới rộng khuôn viên của giáo họ Yên Thịnh và đã xây tường kè bao quanh nhà thờ giáo họ, hết hàng trăm m3 đá. Cha đã xây lại toàn bộ hàng rào và khuôn viên, cùng với hàng chục m3 gỗ để trần lại nhà thờ. Sơn mới lại toàn bộ nhà thờ và xây dựng thêm một nhà phòng 3 gian với đầy đủ tiện nghi trên diện tích 2,400m2.

Hai giáo họ Vĩnh Sơn và Yên Hội cũng được Cha quan tâm sửa sang lại để có nơi thờ phượng tốt hơn. Riêng họ Vĩnh Điền sau khi di dời về nơi ở mới (2013), mặc dù chưa có nhà thờ nhưng Cha cũng cố gắng để lo cho giáo họ có đất, sau đó đã san được mặt bằng và dựng tạm nhà nguyện để có nơi thờ phượng Chúa tạm thời cho cộng đoàn giáo họ.

Sau 2 năm quản xứ, Cha đã lo lắng cho các giáo họ tương đối đầy đủ. Giáo họ Yên Thịnh đã có khuôn viên nhà thờ cố định, giáo họ Yên Hội đang trong quá trình san mặt bằng để chuyển nhà thờ lên cao tránh lũ.

Bước sang năm 2013, để chuẩn bị cho công việc quan trọng cúa giáo xứ Cha đã bàn bạc và thống nhất với Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ quyết định giải tỏa mặt bằng, và công việc giải tỏa diễn ra một các thuận lợi nhờ sự cộng tác của tất cả bà con trong giáo xứ, đặc biệt là những bà con có đất lân cận khuôn viên nhà thờ hiến tặng.

Ngày mùng 3 tết năm Qúy Tỵ (12/02/2013), Cha quyết định đại hội toàn thể cộng đoàn để bàn bạc và thống nhất việc san mặt bằng, đại hội đã đồng tình hướng ứng 100%. Đây là một quyết định táo bạo của Cha dưới sự linh hướng và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian chuẩn bị.

Sáng ngày 02/09/2013, sau tuần đền tạ của giáo xứ thì bắt đầu tiếng ầm ầm của máy đào, máy ủi, xe ben… Liên tục thay ca nhau làm việc cả ngày lẫn đêm. Kết quả là sau 7 tháng 24 ngày đã lấy đi hàng vạn khối đất đá của 2/3 quả đồi và để lại cho giáo xứ một mặt bằng như mong muốn.

Sau việc san lấp mặt bằng là công việc vô cùng vất vả suốt một năm trời của Cha xứ cũng như bà con đó là việc xây bờ kè và đổ táp lô. Chỉ trong vòng 1 năm Cha và bà con trong giáo xứ đã lấy được hàng nghìn m3 đá từ khắp nơi về để xây gần 600m bờ kè có nơi cao chừng 7m - 8m, và đổ được trên 8 vạn táp lô.

Đến ngày 10/10/2015 mọi công việc san lấp mặt bằng và xây bờ kè cũng được gọi là tạm ổn.

Ngày 15/01/2016 hoàn thiện được phần móng của nhà thờ để chuẩn bị cho phần xây.

- Ngày 16/02/2016 lễ đặt viên đá cho ngôi thánh đường do đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục giáo phận chủ sự.

- Ngày 07/03/2016 hoàn thành phần đầu việc xây dựng tượng Chúa Kitô Vua.

- Ngày 14/11/2016 lợp ngói nhà thờ.

- Ngày 11/12/2016 lễ Phong chân phước Cha Malo ở Lào.

Bước sang năm 2017, sự kiện tổ chức đại lễ tạ ơn Chân Phước Cha Malo ngày16/02/2017 do giáo Phận tổ chức dưới sự hướng dẫn của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Đai lễ được tổ chức tại giáo xứ Vĩnh hội đã diễn ra một cách trang trọng, sốt sắng, và đầy thành công với sự tham dự của vị đại diện Tòa Thánh, vị đại diện của đại sứ quán Pháp tai Việt Nam, các vị đại diện của Giáo Hội Lào và một số vị khách ngoại quốc khác cũng như sự có mặt rất đông đủ của bà con ở một số giáo xứ trong giáo phận và giáo hạt. Sự nổ lực hết mình của Cha quản xứ và bà con trong giáo xứ cũng như sự giúp đỡ đầy nhiệt huyết của các anh chị em các giáo xứ bạn đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho tất cả mọi người tham dự Thánh lễ này. Giáo xứ chúng ta cũng rất may mắn vì có phần mộ của Cha Malo Chân phước tử đạo của nước bạn Lào.

Sau những sự kiện đáng nhớ này vẫn tiếp tục công việc xây dựng. Qua đại hội toàn thể cộng đoàn ngày mồng 3 tiết năm Mậu Tuất (2018) đều đồng tâm hợp ý thực hiện hoàn thành 5 mục tiêu chính: Tượng Chúa Ki-tô Vua, đền thánh Cha Malo, nhà thờ, nhà vượt lũ, san ủi mặt bằng quanh nhà thờ. Tất cả các công trình trên đều còn giang dở, vì vậy đang cần sự giúp đỡ của cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ để công trình sớm được hoàn thiện.

Theo cái nhìn thiển cận của chúng tôi khi đã đến nơi nhìn ngắm công trình xây cất Tượng Chúa Kitô Vua hùng dũng giang đôi tay trên ngọn đồi cao như muốn ôm trùm đàn con mỗi ngày tuôn đến Ngôi Đền Thờ vừa mới hoàn thành cùng với những công trình cơn dang dở phía dưới như Nhà Xứ và Nhà Mục Vụ… Chúng tôi có thể nghĩ đến GX Vĩnh Hội, với cơ đồ đang xây dựng, với nhiều bàn tay góp sức và nhất là sự hy sinh và nỗ lực của Linh mục Phêrô Nguyễn Huy Lưu.

Thay Lời Kết:

Giáo Xứ Vĩnh Hội, có thể sau nầy, nếu được phép Đức Đương Kiêm, Giám Mục Tiên Khởi của GP. Hà Tĩnh, Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, ban phép sẽ trở thành Trung Tâm Hành Hương của Giáo Phận. Nơi đây sẽ thu hút nhiều Hành Hương Viên - Đoàn Hành Hương – Du Khách tuôn về nơi đây, nhất là sẽ là nơi thu hút đồng hương chung quanh đến với Đấng là Vua Vũ Trụ… Với những hình ảnh được chèn vào, Quý Đọc Giả có thể cảm nhận cần nhiều bàn tay, nhiều công sức giúp đỡ để có thể sớm hoàn thành cả công trình quy mô như lòng mong ước của đoàn con xứ Vĩnh Hội nói riêng và cả GP Hà Tĩnh nói chung.

TB: Bài kế tiếp, chúng tôi sẽ cho đăng tải về sự “Hình Thành và Phát Triển của 5 Giáo Họ: Yên Hội, Kẻ Mây, bây giờ là Vĩnh Hội, Yên Thịnh, Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền. Kính mời đọc giả đón đọc trong những ngày sắp tới.