Abu Bakr al-Baghdadi đã bị Hoa Kỳ giết chết vào ngày 27 tháng 10 vừa qua. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS nhìn nhận cái chết của tên này và công bố rằng quyền lãnh đạo tổ chức khủng bố giờ đây được trao lại cho Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, một tên vô danh tiểu tốt, không ai biết hắn là ai. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, bọn khủng bố Hồi Giáo IS cho thấy chúng vẫn có khả năng tung ra các cuộc tấn công khủng bố ở nhiều nơi trên thế giới. Vụ chặt đầu 11 Kitô hữu đúng vào ngày Giáng Sinh đã khiến nhiều người âu lo. Hôm 27 tháng 12, thông tấn xã CNN có bình luận nhan đề “Terrorists are using crypto to pay for attacks. It's time to stop them.” - “Những kẻ khủng bố đang sử dụng crypto để trả tiền cho các cuộc tấn công. Đã đến lúc phải ngăn chặn chúng.”

Có một số từ mới quá, chúng ta không có từ tương đương trong tiếng Việt nên xin được giữ nguyên ở dạng tiếng Anh và xin được giải thích như sau: Trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu hóa, hệ thống tiền tệ của các quốc gia như hiện nay USD, Euro, AUD…có một trở ngại rất lớn là lệ phí ngân hàng, và hệ thống hối xuất chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các giao dịch quốc tế. Đó là chưa kể hai bên đối tác phải chờ đợi hệ thống quan liêu của ngân hàng thực hiện các bước cần thiết. Chính vì thế, thay cho tiền giấy, từ năm 2009, người ta đã bắt đầu sử dụng Bitcoin – tiền kỹ thuật số, có thể hiểu là như vậy. Đồng thời với Bitcoin, một hệ thống các chương trình điện toán được thảo chương và ngày càng được hoàn thiện để cho phép các giao dịch có thể được thực hiện trên cơ sở cá nhân với nhau. Kỹ thuật này gọi là Blockchain. Giao dịch giữa hai cá nhân được thực hiện trực tiếp không thông qua hệ thống ngân hàng hay các định chế tài chính khác. Trực tiếp như ta gởi email cho nhau vậy. Cố nhiên, như trong trường hợp ta gởi email, email của ta không thể đi thẳng từ thiết bị của ta (computer, smart phone, tablets…) sang thiết bị của người nhận, nhưng qua một hệ thống các máy trung chuyển; việc giao dịch Bitcoin cũng phải qua các blocks trung chuyển, nên mới gọi là Blockchain. Để bảo đảm an ninh, các giao dịch được mã hóa và giải mã nên hệ thống tiền tệ mới này được gọi là cryptocurrency.

Kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009, người ta ngày càng quan tâm về mặt kinh tế và ý thức hệ việc hoàn thiện hệ thống tiền riêng cho Internet, và sự ưa chuộng hệ thống tiền mới này đã được nhân lên hàng ngàn lần. Giao dịch tiền kỹ thuật số dựa trên kỹ thuật Blockchain nhắm đến việc làm cho hệ thống tài chính của chúng ta miễn phí, công bằng và minh bạch hơn. Nhưng ở nơi viễn kiến của những người thiện chí mong mỏi sự cải thiện trên hệ thống tài chính truyền thống, thì bọn tội phạm có tổ chức lại thấy đó là những cơ hội cho chúng.

Chắc chắn, hệ thống tài chính truyền thống thường xuyên được sử dụng bởi những kẻ buôn bán ma túy và những kẻ khủng bố, nhưng cryptocurrencies có một số thuộc tính đặc biệt hấp dẫn đối với các hoạt động bất hợp pháp. Không giống như việc thanh toán qua ngân hàng giao dịch blockchain diễn ra chỉ trong vài phút. Không có một thẩm quyền trung ương nào để giải quyết các tranh chấp, và việc giao dịch là không thể đảo ngược được. Tiền có thể được chuyển ngân rất nhanh chóng. Công ty an ninh mạng CipherTrace nhận xét rằng đúng là chỉ có một phần nhỏ các giao dịch Bitcoin liên quan đến bọn tội phạm, nhưng “gần như tất cả hoạt động thương mại chợ đen đều được giao dịch qua cryptocurrencies.”

Một lĩnh vực quan trọng nhiều lần bị tấn công là việc trao đổi cryptocurrency, thực hiện bởi các công ty cho phép khách hàng mua bán các tài sản kỹ thuật số. Họ “nắm tiền”, vì vậy họ có vai trò nhạy cảm nhất. Các doanh nghiệp này khét tiếng về các thực hành đen tối như không thẩm tra đầy đủ các hoạt động giao dịch bất hợp pháp, bắt chẹt các bên mua bán, và tràn lan các mâu thuẫn lợi ích với khách hàng. Trao đổi cryptocurrency đầy rẫy những gian lận và không ngừng bị tấn công. Nhiều tài sản bị mất, số tiền đang trong tình trạng hiểm nghèo còn nhiều hơn thế.

Bắc Triều Tiên là một ví dụ. Một báo cáo hồi tháng Ba từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phát hiện ra rằng chế độ Kim Chính Ân của Bắc Triều Tiên đã khai thác các lỗ hổng trong giao lưu cryptocurrency để né tránh lệnh cấm vận và tài trợ cho các tham vọng quân sự của họ. Cho đến nay, đó là một thành công lớn. Giữa tháng Giêng năm 2017 và tháng Chín năm 2018, các điện tặc được nhà nước bảo trợ đã đánh cắp số tiền trị giá 571 triệu Mỹ Kim trong các giao dịch cryptocurrency khắp Á châu, theo một ước tính được trích dẫn trong báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Bắc Triều Tiên không phải là quốc gia bất hảo duy nhất tìm cách tấn công cryptocurrencies. Venezuela đã thăm dò việc tạo cryptocurrency riêng của mình để vượt qua lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt.

Các tác nhân không phải là quốc gia cũng đang không ngừng phát triển chiến thuật của họ. Hoa Kỳ đã buộc tội hai người Iran sử dụng Bitcoin trong một chiến dịch tống tiền kỹ thuật số. Viện Nghiên cứu Truyền Thông Trung Đông, một tổ chức nghiên cứu và phân tích, đã quan sát thấy một sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng cryptocurrency để quyên góp cho các tổ chức thánh chiến Hồi Giáo thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Người sáng lập của Telegram đã bênh vực chính sách của công ty và phát biểu trong một cuộc phỏng vấn “60 Minutes” năm 2016 rằng ông đang cố gắng làm nhiều hơn để ngăn chặn các nhóm khủng bố sử dụng dịch vụ này.

Các chiến binh trong khu vực đang sử dụng cryptocurrencies để gây quỹ cho các vụ tấn công, mua vũ khí, và các thiết bị khác, cũng như hỗ trợ cho gia đình của họ. Elip, một công ty phát triển các công cụ để theo dõi cách cryptocurrencies được sử dụng cho các hoạt động tội phạm, đã phát hiện ra rằng Hamas, tổ chức vũ trang cực đoan Palestine, đã triển khai một phương pháp để làm cho những đóng góp cho họ gần không thể lần ra được bằng cách cung cấp mỗi người truy cập một địa chỉ Bitcoin khác nhau để gửi tiền cho họ.

Dàn dựng một cuộc tấn công khủng bố có thể chỉ mất một vài ngàn đô la. Với cryptocurrencies, bọn tội phạm có thể kiếm được tiền gần như ngay lập tức bằng cách lừa đảo người dùng, tấn công các doanh nghiệp hoặc thao túng thị trường tài chính. Đối với các hackers do nhà nước bảo trợ, những người có nguồn tài nguyên gần như không giới hạn, tiềm năng này có thể còn lớn hơn nhiều.


Source:CNN