1. Nhờ một cây thánh giá của Chân phước Xavier Seelos, cậu bé Carson Joseph đã sống sót sau khi bị xuất huyết não.

Khi Carson Joseph chào đời vào đầu tháng 3 năm 2019, các bác sĩ thông báo với cha mẹ cậu bé rằng cậu chỉ sống được vài giờ nữa thôi. Cậu bé chào đời rất khó khăn với làn da tái xanh và sau khi kiểm tra, các bác sĩ kết luận chú bé bị tổn thương thần kinh và đang bị xuất huyết não.

Đáng báo động, một khối u thật lớn sưng phồng ngăn chặn một bên tai, và các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ nên gọi báo cho các thành viên gia đình để cho họ biết con trai họ sẽ không qua khỏi đêm đó. Trải qua hai lần sảy thai, cha mẹ đã dâng lên những lời cầu nguyện của họ lên Chúa, tờ Daily Mail số ra ngày 16 tháng 11 cho biết như trên.

Vào giữa đêm, Thẩm phán Dennis Waldron, đã đến thăm gia đình để cầu nguyện cho cậu bé, ông lấy một cây thánh giá chạm vào người cậu bé. Thật đáng kinh ngạc, ngày hôm sau, Carson bé nhỏ đã có thể tự mình thở. Khối u biến mất, hiện tượng xuất huyết não cũng biến mất. Các xét nghiệm cũng tiết lộ rằng không có dấu hiệu tổn thương thần kinh và chỉ 14 ngày sau, đứa trẻ sơ sinh rời bệnh viện về nhà.

Cha mẹ của Carson, là Michelle và Brandon, mô tả sự cải thiện đáng kể về sức khỏe của con trai họ là một phép lạ. Tổng giáo phận New Orleans, Louisiana, hiện đang điều tra vụ này.

Thẩm phán Waldron là một tình nguyện của trung tâm Chân phước Xavier Seelos, một linh mục truyền giáo đã chết khi chăm sóc người bệnh ở New Orleans. Cây thánh giá ông luôn mang theo bên mình thực sự đã được sử dụng bởi Cha Seelos trong thế kỷ 19.

Bé Carson đang phát triển mạnh và hiện đã được tám tháng tuổi.

2. Tòa án Pháp bắt đầu xử vụ hai đứa bé mới nứt mắt ra đã dám đốt nhà thờ chính tòa thành phố Éauze

Hai trẻ vị thành niên 15 năm đã bị bắt giam vào hôm thứ Ba tại Gers. Hai tuần sau vụ cháy tại nhà thờ St. Luperc ở Éauze. Cả hai đều nhìn nhận đã gây ra vụ cháy này. Tuy nhiên, chúng nói rằng đám cháy là ngoài ý muốn, và chúng sững sờ trước những hậu quả do hành động của chúng gây ra.

Theo lời khai của hai đứa bé này, chúng đã vào nhà thờ để tránh cái lạnh và sương mù. Sau đó, một trong số hai đứa thắp một ngọn nến và đặt trên đầu một bức tượng Đức Mẹ Fatima. Đứa kia thì lấy cây thánh giá và thắp nến khắp nơi chung quanh thánh giá. Sau đó, chúng đã bỏ đi mà không tắt nến. Qua báo chí chúng phát hiện ra rằng hành động này của chúng đã biến thành một đám cháy. Chúng không dám ra trình diện, nhưng cuối cùng bị bắt khi cảnh sát bắt tay vào cuộc điều tra.

Công tố viện cho biết chúng sẽ bị triệu tập trước tòa án trẻ vị thành niên vào ngày 29 tháng Giêng và bị truy tố vì gây “thiệt hại cho một tòa nhà dùng làm nơi thờ phượng”.

Thiệt hại trong nhà thờ là rất nghiêm trọng. Bức tượng Đức Mẹ Fatima làm bằng nhựa chứ không phải làm bằng các vật liệu khó gây cháy khác. Nội thất nhà thờ bị đốt cháy. Khói đã làm đen tất cả các bức tường.

Thị trưởng thành phố Éauze, là ông Michel Gabas, tỏ ra nghi ngờ lời khai của hai đứa bé này. Ông nói: “Ngay cả lời khai ấy là đúng đi chăng nữa nó, cũng cho thấy hành vi bất kính với Đức Mẹ khi đặt cây nến trên đầu bức tượng, và đó là lý do gây ra vụ cháy.”

“Khói bao phủ các bức tường, một bức tranh, các cửa sổ hoa hồng, kính màu và thậm chí cả cây đàn phong cầm”. Theo ông, thiệt hại lên tới 150,000 euro. “Tất cả mọi thứ phải được làm sạch bên trong trước khi nhà thờ có thể được mở cửa trở lại.”

Văn phòng Công tố viên cho biết họ tin rằng hai đứa bé này cố ý đốt nhà thờ chính tòa. Các nhà điều tra tìm ra trên một cánh cửa dòng chữ viết: “Satan mạnh hơn Chúa”. Nét chữ trên tường phù hợp với nét chữ của một trong hai nghi can.

3. Dù ngân sách Tòa Thánh ở mức báo động, Đức Thánh Cha vẫn quảng đại trao tặng 100,000 € cho nạn nhân động đất Albania

Ngân sách điều hành của Tòa Thánh là khoảng 300 triệu € hàng năm. Tình trạng thâm thủng đã lên đến mức báo động sau khi tổng trưởng Kinh Tế của Tòa Thánh, là Đức Hồng Y George Pell, phải trở về Úc vì các cáo gian cho rằng ngài đã lạm dụng tình dục 2 thiếu niên trong ca đoàn nhà thờ chính tòa St. Patrick. Thâm hụt của Tòa Thánh đã tăng gấp đôi trong năm 2018 lên khoảng 70 triệu euro (tương đương 76,7 triệu Mỹ Kim).

Dù thế, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn hào hiệp trao tặng ngay cho các nạn nhân động đất ở Albania 100,000 €.

Thông cáo báo chí của Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện cho biết như sau:

Vào đêm 25 tháng 11 vừa qua, một trận động đất lớn đã xảy ra ở bờ biển phía bắc Albania, thuộc khu vực thành phố Durres. Đến nay, hàng chục người đã thiệt mạng và ít nhất 600 người bị thương, nhưng vẫn còn nhiều người bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Trận động đất đã gây ra các thiệt hại to lớn – nhiều tòa nhà sụp đổ và hàng trăm người đã bị mất nhà cửa - và trận động đất có thể cảm nhận được ở các khu vực khác của Albania và trên bờ biển Adriatic.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định gửi khoản đóng góp đầu tiên trị giá 100,000 €, thông qua Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, để giúp đỡ dân chúng trong giai đoạn khẩn cấp này ngay lập tức.

Qua hành động này, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ sự gần gũi về tinh thần và sự hỗ trợ hiền phụ đối với người dân và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng. Số tiền này sẽ được sử dụng trong các giáo phận bị ảnh hưởng bởi trận động đất để cứu trợ và hỗ trợ các công việc, theo thỏa thuận với Sứ thần Tòa Thánh ở Albania.

Trong buổi Triều yết chung hôm Thứ Tư 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi muốn gửi lời chào và sự gần gũi của tôi đến người dân Albania thân yêu, những người đã chịu đựng rất nhiều trong những ngày này. Albania là quốc gia đầu tiên ở châu Âu mà tôi muốn đến thăm. Tôi gần gũi với các nạn nhân, và tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người bị thương, và cho các gia đình. Xin Chúa ban phép lành cho những người mà tôi rất yêu mến.”

Sự đóng góp của Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, đi kèm với lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho người dân Albania, là một phần của các hoạt động cứu trợ đang được kích hoạt trên khắp Giáo Hội Công Giáo và liên quan đến nhiều tổ chức bác ái Công Giáo, và các Hội Đồng Giám Mục.

4. Chỉ trong năm nay đã có 9 linh mục bị bắt cóc tại bang Enugu của Nigeria

Chỉ từ đầu năm nay đến nay, và chỉ nội trong bang Enugu của Nigeria, chưa kể các bang khác, đã có 9 linh mục bị bắt cóc. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết như trên trong bản tin ngày 28 tháng 11.

Cha Malachy Asadu, một linh mục thuộc Giáo phận Nsukka, ở bang Enugu, miền nam Nigeria đã được thả ra hai ngày sau khi bị bắt cóc. Cảnh sát đã xác nhận như trên hôm 27 tháng 11, và nói rằng vị linh mục đang trong tình trạng sức khỏe tốt.

Cha Asadu bị bắt cóc vào ngày 25 tháng 11 trên đường từ Nsukka trở về Imilike sau khi kết thúc một cuộc họp của giáo phận tại Nhà thờ Thánh Teresa, ở Nsukka.

Vụ bắt cóc ngài diễn ra đúng chín ngày sau khi một linh mục khác, là cha Teofilo Ndulue, đã bị bắt cóc vào ngày 16 tháng 11, và sau đó được thả ra ba ngày sau.

Đây là linh mục thứ chín bị bắt cóc ở bang Enugu năm 2019.

Trong số các trường hợp cuối cùng, Fides đặc biệt lưu ý trường hợp cha Arinze Madu, Phó Hiệu trưởng Chủng viện “Nữ vương các Tông đồ” ở Imezi-Owa, bang Enugu, bị bắt cóc vào ngày 28 tháng 10 và được thả vào ngày 30 tháng 10.

Thật không may, những vụ bắt cóc như thế không phải lúc nào cũng kết thúc với việc các linh mục được trả tự do. Vào ngày 20 tháng 3, người ta tìm thấy thi thể của cha Clement Rapuluchukwu Ugwu, linh mục chính xứ San Marco, tại Obinofia Ndiuno, trong vùng Ezeagu, ở bang Enugu. Ngài đã bị bắt cóc vào ngày 13 tháng 3.

Nhân dịp đó, Đức Cha Callistus Onaga, Giám mục Enugu, đã lên tiếng phàn nàn về sự thất bại của cảnh sát trong việc giải cứu Cha Ugwu. Cảnh sát bảo đảm rằng họ đang theo dấu những kẻ bắt cóc, trong khi những người này, vẫn tiếp tục lặng lẽ rút tiền từ tài khoản của Cha Ugwu.

Các giáo sĩ của Giáo phận Enugu đã xuống đường biểu tình để đòi hỏi thêm an ninh sau khi Cha Paul Offu, bị giết vào tối thứ Năm ngày 1 tháng Tám. Vị linh mục, cha sở nhà thờ thánh Giacôbê Tông đồ ở Ugbawka, đã bị giết bởi một nhóm người có vũ trang tự xưng là “những người chăn cừu Fulani” khi ngài lái xe dọc theo đường Ihe-Agbudu đến Awgu.