Xem hình ảnh TMT & Lê Phước

Rời Dallas lên con đường xuyên bang I-30 vào sáng sớm, theo hướng mặt trời mọc mà đi, chạy khoảng 1:15 giờ thì chúng tôi tới một thành phố có cái tên rất lạ là Sulfur Springs (Lưu Huỳnh Suối.(Note 1)) Từ đó chúng tôi bỏ đường I-30 để rẽ vaò quốc lộ TX-11, đi hướng Đông Nam mà đến thị trấn Winnsboro, khoảng 30 phút sau. Đây là nơi mà Phụ Tỉnh Dòng Chuá Cứu Thế Việt Nam ở Hoa Kỳ sẽ khai mạc một tu viện mới, Tu viện Thánh Anphonsô – Winnsboro, TX. (550 CR 4570 Winnsboro, TX 75494)

Đối với một số không nhỏ người Việt Nam từng là giáo dân cuả các cộng đoàn Công Giáo Dallas và Ft Worth thì có lẽ đây là con đường mà họ thường xuyên phải đi mỗi tuần khi di chuyển từ nơi sinh sống đến nơi sinh hoạt. Từ 20 năm qua giáo dân VN, và nhiều người khác, đã trở nên‘thịnh vượng’ bằng cách thu mua những nông trại nuôi gà trong các ‘vùng sâu vùng xa’ cuả miền Đông Bắc Texas, và mở những tiệm nail trên các thị trấn nho nhỏ trong vùng. Không rõ con số thống kê chính thức là bao nhiêu, nhưng theo những ‘ông chủ bà chủ’ trại gà mà tôi có dịp phỏng vấn thì có đến 100 gia đình người Việt đang định cư ở đây mà con số có đạo là khoảng 80. Những gia đình có đạo thì cứ mỗi Chuá Nhật thường kéo nhau về Dallas để dự lễ, cho con em học tiếng Việt, và tham gia sinh hoạt cộng đoàn.

Thỉnh thoảng các cha Dòng Chuá Cưú Thế từ Dallas cũng có tới dâng lễ cho họ, và mỗi khi như thế thì dù có đạo hay không, mọi người đều đến tham gia, con số tham dự có thể lên tới 300 người, và có cả một ca đoàn đông đảo và hát sốt sắng nữa... Trong nhiều năm các cha DCCT đã đến với họ mỗi tháng 1 lần, nhưng sau đó thì công việc cuả nhà dòng ‘quá tải’ cho nên chương trình mục vụ dành cho họ giảm đi, chỉ còn 3 hay 4 lần một năm vào các dịp đặc biệt mà thôi.

Cho nên với sự kiện một tu viện mới cuả DCCT được khai mạc ngay tại ‘bản địa’ nơi đây, thì nỗi vui mừng cuả những người Việt ‘đi khai hoang lập ấp’ ắt phải là khôn tả! Ngay từ sáng sớm lúc mới đến, chúng tôi đã chứng kiến những bà những cô với những tà áo muôn màu tha thướt đang bận rộn xếp đặt ‘thức ăn nước uống’ và các ‘ông chồng’ cũng ‘xông pha khói lửa’ để nướng heo rừng và chiên gà quay (những món đặc sản cuả vùng). Họ đến từ những nông trại chung quanh, tuy nói là 'chung quanh' cho có vẻ gần, nhưng thường họ phải lái xe tử 30 phút cho đến 2 giờ. Mọi khuôn mặt đều lộ vẻ rực rỡ vui tươi, thấy ai lạ là đon đả chào đón như gặp người nhà… vui như Tết vậy!

Theo Lm Giám Phụ Tỉnh Phêrô Bùi Quang Tuấn thì ‘Bài Xai’ cuả Giám Mục Tyler (Note 2) là ĐC Joseph Strickland, cho phép tu viện góp tay với Giáo Phận để đem tin mừng cho đàn chiên ở xa, tức là những người Công Giáo VN, và cho những người nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ở chung quanh.

“Để hoàn thành xứ mạng loan báo tin mừng cho miền xa xôi như thế” Cha Tuấn nói tiếp, “đòi hỏi nhiều ơn Chuá, tinh thần dấn thân, lòng chân thành yêu Đạo, sống Đạo, truyền Đạo nơi người tu sĩ và sự cộng tác cuả tất cả các ân nhân cuả nhà dòng.”

Bắt đầu thì tu viện chỉ có 1 cha và một thày cư ngụ, nhưng theo lời Cha Tuấn trình bày với Đức Giám Mục trong buổi Lễ, thì chỉ vài tháng tới, nhà dòng sẽ tăng cường thêm linh mục để nới rộng công việc mục vụ cho các dân tộc nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Lời phát biểu cuả ngài làm cho đôi mắt cuả ĐC Joseph Strickland sáng rực hẳn lên, và thấp thỏm ngồi không yên…

Tuy là lần đầu được diện kiến với Ngài, nhưng ĐC Strickland đã chiếm trọn tình cảm cuả mọi người Việt Nam hiện diện trong buổi lễ. Bằng cung cách trẻ trung, cung kính, đạo đức và yêu mến, Ngài không quên ‘cố gắng’ nói vài câu tiếng Việt, và trong túi lại có bọc theo một bản nháp cách nói tiếng Việt nữa. Rõ ràng Ngài yêu mến các em nhỏ, coi chúng là nguồn tương lai cuả ơn thiên triệu và không màng mời các em lên đứng và đối thoại với chúng trong lúc giảng.

Sau lễ tạ ơn là một bữa tiệc ‘ngoài trời’ thân mật. Khuôn viên cuả tu viện là một phong cảnh rừng thông nên thơ, rộng mênh mông. Chúng tôi đã nhân dịp đi tham quan và chụp nhiều tấm hình lưu niệm cho quan khách, trong đó có một cặp ‘dâu rể’ đang kỷ niệm ’25 năm’ hôn phối, xin mạn phép đăng vài tấm hình cuả họ ở sau cùng với mục đích chính là để giới thiệu khu rừng thơ mộng cuả nhà dòng.

Vùng này là nơi bắt đầu khí hậu ‘Pineywoods’ mát mẻ (Rừng Thông, loại thông đổ lá vàng vào muà Thu) cuả Texas (Note 3). Hy vọng rằng nơi đây sẽ là nơi qui tụ cuả các gia đình ‘trại gà’ rải rác khắp nơi để được coi xóc vấn đề tâm linh thường xuyên và là nơi cắm trại lý tưởng cho các đoàn thể từ các vùng khác.

Notes:

Note 1: Sulfur Springs (Suối Lưu Huỳnh) là tên đặt theo một đặc điểm địa dư cá biệt, nơi đây đã có những suối nước có chất lưu huỳnh, nhưng từ năm 1970 thì con suối lưu huỳnh cuối cùng đã bị lấp rồi. Mà có lẽ như thế thì hơn vì có ai mà thích cái mùi ‘trứng thối’ từ dòng nước lưu huỳnh nhỉ? Nhưng có lẽ vì có lưu huỳnh trong đất cho nên khoảng 30 năm trước người ta đã thử trồng hành, loại có chất ngọt hơn cam, nhưng nông phẩm đặc biệt ấy hình như cũng không được ăn khách, chúng tôi không còn nghe ai nhắc nhở đến nữa…

Note 2: Giáo phận Tyler là một giáo phận mới được thành lập năm 1987 tách ra từ giáo phận Dallas, bao gồm vùng Đông Bắc Texas, tức là vùng Pineywoods. Riêng Tyler một thời được mệnh danh là thủ đô hoa hồng vì có nhiều giống hồng quí được gây giống ở đây, người ta đến mua từ khắp nơi, nhưng nay thì việc kinh doanh đã xuống rồi, chỉ còn có một viện bảo tàng là nơi ghi dấu cái ‘vang bóng một thời’ cuả nó mà thôi.

Note 3: Theo cách chia cuả một số sách địa dư, Texas vừa dài vừa rộng bao gồm 7 miền khí hậu khác nhau:

Pineywoods (Rừng Thông, như ở Tyler, Sulfur Springs, Winnsboro…)

Prairies and lakes (Đồng cỏ và hồ nước, như ở Dallas, Ft Worth, Arlington, Wichita Falls…)

Hill country (Vùng Đồi, như ở Austin)

South plain (Đồng bằng miền Nam, như ở Laredo)

Gulf Coast (Bờ Biển, như ở Houston, Corpus Christi…)

Big Bend (Xa mạc Big Bend, trong nội địa cạnh Mexico)

Panhandle plain (Đồng bằng Panhandle, như ở Amarillo)