Nước Mỹ được quan niệm là một “melting pot” là nơi tổng hợp sự đa dạng về nguồn gốc chủng tộc, văn hóa, truyền thống. Tất cả được nhào lộn và hòa quyện để tạo nên một thực thể tổng hợp phong phú độc đáo mới. Giáo Hội Công Giáo Mỹ cũng chia sẻ chính đặc tính “melting pot” này trong thành phần giáo sĩ và tu sĩ, để cấu tạo nên một Giáo Hội Công Giáo và một hang giáo sĩ Mỹ năng động, phong phú, đa dạng.

Qua biến cố 30 tháng 4 năm 1975, dân tộc Việt nam đã chứng kiến một cuộc di dời hoặc di tản đặc biệt khỏi quê hương đất tổ, gồm đủ mọi thành phần trong dân chúng (diaspora). Người Công Giáo Việt nam có thể nói là một thành phần chủ lực trong cuộc diaspora đó, tính theo tỷ lệ. Họ đã chứng minh đức tin vững vàng và truyền thống đáng trọng khi đặt chân đến bất cứ vùng đất mới, luôn hòa nhập tích cực vào Giáo hội nơi mình sinh sống. Riêng tại Mỹ, con số hàng giáo sĩ ban đầu di tản theo đoàn giáo dân chỉ là một con số khiêm nhượng. Những ơn gọi tận hiến sau này đã nảy sinh thật phong phú khi các cộng đoàn Công Giáo gốc người Việt bén rễ sâu trong lòng giáo hội Mỹ. Trong những năm cuối của thập niên 80, suốt thập niên 90 và những năm sau đó, con số tân linh mục gốc Việt nam tại Mỹ luôn chiếm kỷ lục, đứng hàng đầu tính theo tỷ lệ các sắc dân. Người Việt nam trong thời gian đó luôn đóng góp từ 20 tới 30 tân linh mục mỗi năm. Hiện nay khi thế hệ trẻ lớn lên, không còn những ơn gọi bắt nguồn từ Việt nam, số tân linh mục gốc Việt vẫn còn khá tốt nhưng đang giảm dần.

Hiện tại chỉ có Chúa Trời Ba Ngôi mới biết chính xác có bao nhiêu linh mục gốc Việt nam đang sống và làm việc tại Giáo hội Mỹ. Không thống kê nào chính xác cho biết con số. Theo phỏng đoán, người ta tính có suýt soát trên 1000 linh mục gốc Việt tại Mỹ. Con số đó được phân loại làm ba thành phần hoặc ba nhóm chính:

1- Nhóm các vị có tuổi, sinh ra lớn lên, học tại chủng viện bên Việt nam và chịu chức linh mục tại Việt nam. Nhóm này gồm các vị đi du học trước 1975 rồi không thể về lại quê hương, các vị di tản ngay 1975, một số LM vượt biên sau này, và một số linh mục tuyên úy quân đội đến sau khi ra tù….Nhóm này là nhóm ít sĩ số nhất và đang giảm dần, vì các ngài đã lớn tuổi, đang hoặc sắp nghỉ hưu, hoặc chuẩn bị đáp lời Chúa gọi về Thiên đàng.

2 - Nhóm các vị sinh ra, lớn lên từ Việt nam, có nguồn gốc ơn gọi hoặc bắt đầu ơn gọi từ Việt nam. Nói chung ơn gọi đã phát sinh từ Việt nam hoặc có hơi hướm ơn gọi từ Việt nam. Họ đến Mỹ bằng nhiều hoàn cảnh khác nhau (vượt biên, đoàn tụ, bảo lãnh…) và tiếp tục ơn gọi đó. Số các vị này học và chịu chức tại Mỹ. Con số của nhóm này hiện nay là đông nhất.

3 - Nhóm hoàn toàn sinh và lớn lên từ Hoa kỳ, hoặc đến Hoa kỳ khi còn rất nhỏ, nói tiếng Việt đôi khi còn trở ngại. Nhóm này lớn lên như Mỹ, thấm nhuần văn hóa Mỹ, dĩ nhiên tu học và chịu chức tại Mỹ. Nhóm này đang từ từ lớn mạnh và đuổi kịp nhóm thứ 2 và sẽ trở thành nhóm đông nhất trong ít năm nữa. Nhóm này trẻ trung hơn nhiều và còn vốn thời gian phong phú, nhưng sự hiểu biết và thấm nhuần truyền thống Việt nam có hạn chế.

Đại hội Emmaus VIII

Cứ hai năm hoặc có khi ba năm, liên đoàn Công Giáo tại Hoa kỳ, tổ chức một đại hội Emmaus là cuộc gặp gỡ huynh đệ cho các linh mục gốc Việt, nội dung bao gồm hội thảo, học hỏi, chia sẻ, cử hành phụng vụ, cầu nguyện chung….Thường trong các đại hội Emmaus, một số giám mục và diễn giả đặc biệt được mời đề trình bày về một số chủ đề. Số linh mục tham dự thường từ 150 tới gần 200 thành viên tham dự. Vì bận rộn, vì ái ngại, vì không liên lạc thông tin, vì xa lạ, một số anh em linh mục Việt nam chưa hoặc không có dịp tham dự đại hội Emmaus.

Riêng năm nay, tại đại hội Emmaus VIII, con số tham dự được ghi nhận là kỷ lục vì cho tới ngày hôm nay, khi bài này được viết, con số linh mục ghi danh tham dự đã vượt số 200. Ngoài ra còn các vị ghi danh vào những ngày cuối, thậm chí bất ngờ nhập cuộc ở giờ phút chót….

Theo quan sát, con số các linh tham gia hội ngộ Emmaus đa số thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Cũng có một số ít hơn anh em thuộc nhóm trẻ, nhóm 3. Cũng dễ hiểu, vì nhóm 3 các linh mục trẻ trung hơn, đa số làm việc cho người bản xứ, đặc biệt ở các tiểu bang xa xôi, ít liên lạc với liên đoàn. Các linh mục trẻ trung này chưa có cơ hội cảm nghiệm nhiều sự gần gũi và truyền thống của anh em linh mục Việt nam và cần được các anh em khác để ý tận tâm giúp hội nhập.

Suy tư: Mỗi lần đi dự hội ngộ Emmaus, tôi có cảm tưởng thật thú vị. Tùy theo cá tính bản chất mỗi người, tôi không nói thay và tôn trọng sự đánh giá riêng của mỗi người. Riêng tôi, tôi không quá đặt nặng hình thức và tìm thấy sự gặp gỡ giữa các anh em linh mục Việt là một ấm áp và phúc lành. Phải thu xếp công việc tại nơi mình đang trách nhiệm, nhờ người khác trông coi giúp mình lúc đi vắng, bỏ tiền mua vé bay….tất cả thật là xứng đáng để đến và gặp gỡ anh em trong tình huynh đệ linh mục, được hun nóng tinh thần và an ủi trong ơn gọi tận hiến… Với những anh em chưa hề thử đến với Emmaus một lần, lời của chính Chúa có thể được mượn là lời mời gọi và giới thiệu: Venite et videte! (Gioan 1:39) Hãy đến mà xem!

Mỗi lần Emmaus được tổ chức ở nơi đâu, các vị trong ban điều hành đều tạo cơ hội cho giáo dân Việt nam gặp gỡ các linh mục trong một thánh lễ đại trào, một buổi tiệc thân mật. Tôi luôn trân trọng tấm gương nhiệt tình đạo đức nơi các giáo dân Việt nam. Anh chị em giáo dân Việt nam luôn niềm nở, quảng đại, nhiệt tình, và diễn tả một tình yêu thương cảm động dành cho các linh mục. Là một trong những linh mục thường xuyên làm việc cho các cộng đoàn người bản xứ ở các tiểu bang xa xôi, tôi cảm thấy ấm áp gặp gỡ đồng hương và cảm mến gương sáng đức tin và tấm lòng quí hóa của người giáo dân Việt nam. Tôi cảm nghiệm từ truyền thống quí hóa đó mà ơn gọi của tôi đã được phát sinh và lớn lên. Đặc biệt tôi cảm nhận và rất trân trọng tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh thời giờ cũng như những đóng góp nhiệt tình của các linh mục trong ban điều hành đã lo lắng, vận động, xếp đặt từng công việc, từng chi tiết, vì lợi ích thiêng liêng và sự thân ái với anh em trong tình huynh đệ linh mục.

Emmaus đó, hành trình cùng rảo bước
Lòng hoang mang, hai người bạn lặng thinh
Vai sánh vai, vị khách lạ thình lình
Qua bàn luận, khơi trí lòng hiểu rộng


Người khách quí, trong phút giây trịnh trọng
Bánh sẻ chia, mở lòng trí u mê
Phút hân hoan, tiếc nuối như ùa về
Sao không sớm nhận ra thầy chí thánh?

Nhưng cũng thỏa, bên thày dù chóng vánh
Lửa nhiệt tâm, đã khơi dậy trong tim
Để từ nay, vực dậy những lặng chìm
Xóa tăm tối, hết nghi nan buồn thảm


Giê su hỡi, cho con được đồng cảm
Một tâm hồn cứu thế mãi bận lòng
Trái tim yêu bàng bạc giữa trời trong
Kề bên Chúa, cùng anh em tiến bước.

Linh mục John B. Trần Tân
Des Moines, IA