Nhân Lễ Thăng Thiên năm nay, Cha Antôn Đinh Minh Tiên, Dòng Đa Minh Việt Nam, có bài suy niệm về ngày lễ đăng trên trang mạng Trung Tâm Học Vấn Đa Minh (https://catechesis.net/chua-nhat-vii-phuc-sinh-nam-c-chua-thang-thien/). Chúng tôi đọc bài suy niệm này do một người bạn giới thiệu vì lưu ý tới một đoạn gây bối rối cho anh. Anh hỏi ý kiến chúng tôi. Chúng tôi cũng hết sức bối rối và vì không phải là một người thông thạo thần học, nên đã cố gắng tìm tòi xem có sách nào dạy giống như cha Đinh Minh Tiên hay không, nhưng chưa tìm ra. Đành xin hỏi chính Cha Đinh Minh Tiên vậy.

Đoạn gây bối rối ấy như sau: “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính; không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời”.

Thiển nghĩ đây là điều mới mẻ đối với vốn giáo lý khiêm nhường của chúng tôi và của đại đa số tín hữu Công Giáo Việt Nam. Quả tình chúng tôi chưa bao giờ được nghe dạy như thế. Chỉ được dạy: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa nhập thể, và cứ như thế mãi mãi, nghĩa là Người là người thực sự chứ không khoác nhân tính như người ta khoác một chiếc áo để có thể giũ bỏ dễ dàng. Đã đành thân xác của Người đã biến đổi với biến cố Phục Sinh, không còn lệ thuộc không gian và thời gian nữa, nhưng vẫn có thể “ăn uống” bên bờ Hồ Galilê với các tông đồ, một cách rất người, chứ “không phải ma”. Người đã về trời với thân xác ấy.

Và điều khiến chúng tôi bối rối thêm là Cha Đinh Minh Tiên không hề trích dẫn bất cứ nguồn nào để hỗ trợ cho điều ngài viết.

Thành thử, thực sự chúng tôi ước ao được Cha Đinh Minh Tiên cho hay nguồn ngài dựa vào để quả quyết như thế.

Chứ theo tầm hiểu giới hạn của chúng tôi, điều mà thần học gọi là sự kết hợp ngôi vị (hypostatic union) nơi Ngôi Hai Thiên Chúa từ lúc nhập thể là vĩnh viễn (xem Archbishop Michael Sheehan, Apologetics and Catholic Doctrine, 2001 Edition, Wagga Wagga, NSW, 2650, Australia, p. 378-379).

Vả lại, sự hiểu biết thông thường cho hay: điều Thiên Chúa làm có bao giờ Người giũ bỏ, như giao ước ký với Dân Do Thái chẳng hạn, Giáo Hội ngày nay coi nó không bao giờ bị thu hồi, phương chi là việc Người “assume” (tiếp nhận) bản tính con người hay nhân tính. Làm sao Người giũ bỏ như chiếc áo mặc mà một số dị giáo vốn dạy?

Không biết Cha Đinh Minh Tiên có cùng hiểu như chúng tôi ý kiến của Thánh Irênê, một trong các giáo phụ tiên khởi khi ngài viết trong Against Heresies 1:10:1 [A.D. 189]:

“Vì Giáo Hội... đã nhận được từ các tông đồ và các môn đệ của các ngài đức tin vào một Thiên Chúa, Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất cùng biển khơi và mọi loài trong chúng; và vào một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng trở nên xác phàm để cứu rỗi chúng ta; và vào Chúa Thánh Thần, Đấng công bố qua các tiên tri các chế độ và việc xẩy ra, và việc sinh hạ từ một trinh nữ, và cuộc khổ nạn, cùng sống lại từ cõi chết, và việc xác lên trời [bodily ascension] của Chúa qúy yêu của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, và việc từ trời Người xuống trong vinh quang Chúa Cha để tái lập mọi sự; và sự sống lại của mọi xác thịt của toàn thể nhân loại, để trước Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và Thiên Chúa cùng Đấng Cứu Rỗi và là Vua chúng ta, phù hợp với sự chấp thuận của Chúa Cha vô hình, mọi đầu gối của những kẻ ở trên trời và dưới đất cũng như dưới lòng đất đều cùng bái lậy”.

Xác Chúa Giêsu lên trời rồi lại bị Người giũ bỏ sao, vậy thì cái xác ấy dấu đi đâu?

Chưa hết, Kỳ Họp V của Công Đồng Canxêđoan ghi như sau: “Các thẩm phán cao qúy nhất và vinh quang nhất nói: Dioscorus nhìn nhận rằng ông chấp nhận biểu thức hai bản tính, nhưng không có hai bản tính. Nhưng Tổng Giám Mục hết sức thánh thiện là Lêô nói rằng có hai bản tính trong Chúa Kitô được kết hợp một cách không thể thay đổi, không thể phân rẽ, không thể hỗn độn trong Chúa Con duy nhất được sinh ra là Chúa Cứu Thế của chúng ta. Qúy vị chọn ai, Lêô hết sức thánh thiện hay Dioscorus?

“Các vị giám mục hết sức đáng kính hô vang: chúng tôi tin như Lêô. Những người nói ngược là các người theo Eutyches.Lêô đã trình bầy đức tin đúng.

“Các thẩm phán cao qúy và vinh quang nhất nói: vậy hãy thêm vào định tín, phù hợp với phán đoán của giáo phụ thánh thiện nhất là Lêô của chúng ta, rằng có hai bản tính kết hợp với nhau một cách không thể thay đổi, không thể tách biệt, không thể hỗn độn, trong Chúa Kitô”.

Bách Khoa Từ Điển Công Giáo, ấn bản đầu thế kỷ 20 nói đến việc bản tính nhân loại của Chúa Kitô được thờ lạy với cùng một sự thờ phượng như bản tính Thiên Chúa của Người; hình thức thờ lạy này được gọi là latria trong tiếng La Tinh... Vì bản tính nhân loại là bản tính thực chất và đích thực của Chúa Kitô, nên bản tính nhân loại và mọi phần của nó đều là đối tượng của việc thờ phượng gọi là latria này. Nếu bản tính nhân loại không còn nữa thì nói chuyện thờ lạy làm chi?

Viết như Cha Đỗ Minh Tiên, hình như việc chúng ta thờ lạy Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, như phương thức hiện nay, là điều sai lầm. Thánh “Thể” còn đâu để mà tôn thờ!

Mong được cha Đinh Minh Tiên soi sáng.