Ngày thứ hai, 1 tháng 6, trong chuyến đi 3 ngày tại Lỗ Ma Ni của ngài, Đức Giáo Hoàng đã dành cho Đức Mẹ và các con cái trẻ trung và bé nhỏ của Đức Mẹ.



Thực vậy, rời Bucharest bằng phi cơ, Đức Phanxicô đã bay tới Bacau. Và theo dự trù ngài sẽ đáp trực thăng tới Đền Thánh Mẫu nổi tiếng nhất của Lỗ Ma Ni tại Şumuleu Ciuc. Nhưng vì gặp bão, ngài phải dùng xe hơi vượt qua vùng đồi núi để đến kính viếng Đức Mẹ.

Theo Christopher Wells của VaticanNews, Đền Thánh tại Şumuleu Ciuc, là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Đông Âu. Hàng năm, hàng chục ngàn khách hành hương, nhiều người từ Hung Gia Lợi, đã tới đây vào Thứ Bẩy trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để tưởng niệm chiến thắng hồi thế kỷ 16 chống lại lực lượng Thệ Phản được gửi tới đây để cải đạo họ.

Tại đây, Đức Phanxicô đã long trọng cử hành Thánh Lễ và trong bài giảng, ngài cùng tín hữu suy niệm về ý nghĩa của hành hương. Một trong các ý nghĩa này là “trở về nhà như một dân tộc” nhưng là một dân tộc tuy không quên hoặc bác bỏ quá khứ phức tạp và đầy đau buồn, nhưng không lấy chúng làm trở ngại hay cái cớ để không muốn sống với nhau như anh chị em. Một dân tộc được mời gọi và buộc phải sống chung với nhau như khẩu hiệu chuyến đi của ngài: “cùng nhau đồng hành”; trong ý nghĩa này, ngài khuyên tín hữu Lỗ Ma Ni xin Chúa ban ơn “biến các oán hận và bất tín hiện tại và quá khứ thành các cơ hội hiệp thông mới”. Một dân tộc không hoài nhớ những điều đáng lẽ nên hay không nên xẩy ra mà là hướng tới những gì đang chờ đợi họ: một tương lai bao gồm mọi người; muốn thế, họ phải biết “dệt các sợi chỉ tương lai; về phương diện này, ngài khuyên tín hữu Lỗ Ma Ni hãy xin cùng Đức Mẹ “Lạy Mẹ, xin Mẹ dạy chúng con biết dệt tương lai!”.

Lội mưa lội gió

Claire Giangravè của tạp chí Crux thì thuật rằng hôm thứ Bẩy vừa qua, dù ướt át và đầy bùn đất, sau khi vượt qua những ngọn đồi dốc dẫn tới Đền Thánh Mẫu ở miền Đông Transylvania dưới trời mưa như trút nước, thiểu số Công Giáo ngoan cường của Lỗ Ma Ni đã tụ tập rất đông để được thấy Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục György-Miklós Jakubínyi của Alba Iulia, giáo phận Công Giáo lớn nhất của Lỗ Ma Ni, đã giải thích cái lòng ngoan cường trên như sau: “Hai mươi năm trước đây, Thánh Gioan Phaolô II tới thăm xứ sở này lần đầu tiên, nhưng ngài chỉ đến thủ đô Bucharest. Ngài rất buồn về việc không thể đến thăm Transylvania, nơi đa số tín hữu của ngài sinh sống, nhưng ngài hứa nếu được trở lại, ngài sẽ đến thăm chúng con. Thưa Đức Thánh Cha, hai mươi năm sau, Đức Thánh Cha đã chu toàn lời hứa ấy”.

Thực vậy, người Công Giáo ở vùng này, mà phần đông là con cháu dòng dõi Hung Gia Lợi, hằng mong chờ một vị giáo hoàng đến thăm họ cả một ngàn năm nay. Năm 1999, Đức Gioan Phaolô II trở thành vị giáo hoàng đầu tiên tới thăm xứ sở đa phần theo Chính Thống Giáo này sau cuộc ly giáo năm 1054 phân rẽ người Công Giáo và người Chính Thống Giáo.

Kể từ đó, phần lớn người Công Giáo Lỗ Ma Ni sống trong thân phận thiểu số kép: vì đức tin và vì di sản và ngôn ngữ Hung Gia Lợi của họ. Họ chịu bách hại dưới các chế độ Quốc Xã và Cộng Sản và chứng kiến cảnh sự có mặt của họ tại Lỗ Ma Ni giảm dần sau những lần nhiều người trẻ của họ phải ra ngoại quốc kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước Âu Châu khác.

Đền Thánh Mẫu tại Sumuleu Ciuc, tọa lạc gần cánh đồng diễn ra trận đánh lịch sử, trong đó, người Công Giáo đánh trả người của Đế Quốc Ottoman để bảo vệ đức tin của mình, nay tượng trưng cho một nơi hợp nhất về tôn giáo và văn hóa, trong đó, tín hữu từ các nước lân bang tụ họp vào Thứ Bẩy trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Phần Đức Giáo Hoàng, Giangravè thuật rằng gió bão buộc ngài thay đổi kế hoạch vận chuyển vào hôm thứ Bẩy và phải thêm 3 giờ xe băng qua dẫy núi quanh co Carpazi, dẫy núi mà ngài dự tính sẽ vượt qua bằng trực thăng.

Nicolae Dumitrache và Nicole Winfield của Associated Press cho biết thêm, con số tín hữu bất chấp mưa gió tụ tập tại đền Thánh Mẫu lên đến từ 80 tới 100 ngàn người. Mưa ngơi đi đôi chút khi Đức Giáo Hoàng tới Đền Thánh và ngài vội luợn qua đám đông một vòng trên giáo hoàng xa. “Nhưng cụ già 82 tuổi dường như đi không vững sau chuyến đi dài nên phải tựa vào cánh tay của các phụ tá mới có thể vượt qua con đường lầy lội để tiến lên bàn thờ cử hành Thánh Lễ”.


Gặp gỡ giới trẻ và gia đình họ

Sau Thánh Lễ tại Đền Thánh Mẫu Sumuleu Ciuc, nhờ thời tiết khá hơn, Đức Phanxicô đã dùng trực thăng tới phi trường để bay tới Iasi ở đông bắc. Tại đây, ngài đã gặp gỡ giới trẻ, các thiếu nhi và gia đình họ vì 1 tháng Sáu vốn là ngày Nhi Đồng tại Lỗ Ma Ni.

Đức Phanxicô không quên điều ấy. Ngài nói: “hôm nay là Ngày Nhi Đồng tại Lỗ Ma Ni... tôi muốn mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các em, xin Trinh Nữ Diễm Phúc che chở các em dưới tà áo ngài”.

Jim Fair của Zenit tường thuật như thế. Anh cho biết thêm: Đức Giáo Hoàng không quên chức mừng các em. Ngài phát biểu: “Hôm nay là ngày Nhi Đồng tại Lỗ Ma Ni, chúng ta hãy chào mừng các em bằng một tràng pháo tay!... Chúa Giêsu đã đặt các nhi đồng ở giữa các tông đồ của Người; chúng ta cũng muốn đặt các em ở trung tâm. Chúng ta muốn tái khẳng định cam kết của chúng ta trong việc yêu thương các em bằng cùng một tình yêu Chúa đã dùng yêu các em và hết sức cố gắng bảo đảm quyền các em có một tương lai”.

Đức Giáo Hoàng đưa ra nhận định trên trước một đám đông thiếu nhi và gia đình các em tụ tập tại quảng trường trước Dinh Văn Hóa ở Iasi, thành phố lớn thứ hai của Lỗ Ma Ni.

Dựa vào khẩu hiệu của chuyến viếng thăm “cùng nhau đồng hành”, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người cao niên trong việc chia sẻ khôn ngoan và kinh nghiệm cho giới trẻ.

Ngài nhắc lại chứng từ của hai người cao tuổi Elisabeta và Ioan ngỏ cùng cử tọa trước bài nói chuyện của ngài. Gương sáng của họ là cuộc hôn nhân lâu dài với đàn con cháu đông đảo mà người trẻ có thể noi theo. Ngài khuyên họ: “Khi lớn lên, các con đừng quên mẹ các con, bà các con, và đức tin đơn sơ nhưng vững mạnh từng đem lại cho họ sức mạnh và sự trì chí tiếp tục sống và không bỏ cuộc”.

Tuy nhiên, già trẻ đều cần yêu thương và Thiên Chúa. Không có hai yếu tố này, ta không thể sống thực sự trên trái đất. Vì “đời sẽ bắt đầu héo tàn, trái tim ta sẽ ngưng đập và tàn lụi, người già hết mơ người trẻ hết tiên tri khi những cây cầu giữa người lân cận biến mất...”

Ngài nói với cả trẻ lẫn già rằng mỗi người đều nhận được một ơn gọi của Chúa và được thách thức khám phá ra tài năng và khả năng mình nhận được và sử dụng chúng để phục vụ người khác. Nhưng trong tất cả những việc này, chương trình và dự án không hẳn là điều quyết định mà phải để đức tin lớn lên...

Ngài vốn nghĩ Lỗ Ma Ni là “thửa vườn của Mẹ Thiên Chúa và trong chuyến viếng thăm này, tôi hiểu lý do tại sao. Đức Mẹ là bà Mẹ biết khích lệ con cái có những giấc mơ, biết trân qúi các niềm hy vọng của chúng, biết đem niềm vui tới tổ ấm của chúng. Ngài là một Bà Mẹ dịu dàng và chân thực hằng chăm sóc chúng ta. Anh chị em là cộng đồng sống động, triển nở và đầy hy vọng mà chúng ta có thể dâng cho Mẹ chúng ta. Chúng ta hãy dâng hiến cho Mẹ tương lai tuổi trẻ, các gia đình và Giáo hội của anh chị em”.

Đức Giáo Hoàng phát biểu như trên sau khi viếng thăm Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Nữ Vương của Iasi. Đủ thấy Đức Mẹ quả là “tấm phông” trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, ở đâu ngài cũng đến với Đức Mẹ: liên tiếp trong một ngày, ngài viếng hai nơi dâng kính Mẹ: Đền Thánh Mẫu tại Sumuleu Cuic buổi sáng và Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Nữ Vương tại Iasi buổi chiều.

Nhà thờ chính tòa trên, theo Jim Fair, được thánh hiến năm 2005 và thay thế Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà cũ đã trờ nên quá nhỏ đối với nhu cầu của giáo phận. Tại đây, Đức Giáo Hoàng thầm thĩ cầu nguyện, sau đó chúc lành cho các người hiện diện. Rời Nhà Thờ, ngài được Giáo Hoàng Xa chở tới Dinh Văn Hóa gặp gỡ giới trẻ, thiếu nhi và gia đình họ.