Theo ký giả Gerard O’Connell của tạp chí America, chuyến đi Lỗ Ma Ni của Đức Phanxicô vào ngày mai, 31 tháng 5, là một “hành vi cân bằng tế nhị giữa 3 chiều kích: chiều kích nhà nước vì Lỗ Ma Ni là một nước cộng hòa mới tái lập nền độc lập năm 1990; chiều kích đại kết vì 86 phần trăm dân số theo Chính Thống Giáo; và chiều kích mục vụ để củng cố đức tin của anh chị em Công Giáo của ngài, hiện gồm hai cộng đồng: cộng đồng nghi lễ Latinh (4 đến 6 phần trăm dân số) và cộng đồng nghi lễ Hylạp (ít hơn 1 phần trăm dân số).

Lỗ Ma Ni đứng ở ngã ba đường của Trung, Đông và Đông Nam Âu Châu. Một đất nước gần lớn bằng Đức Quốc, cùng biên giới với Bảo Gia Lợi (Bulgaria), Ukraine, Hung Gia Lợi (Hungary), Moldovia và Serbia và có đường duyên hải dọc Biển Đen (Black Sea).

Trong các thế kỷ qua, Lỗ Ma Ni được cai trị bởi nhiều đế quốc khác nhau, trong đó có các đế quốc Rôma, Ottoman và Áo Hung (Austro-Hungarian). Trong chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (Russian-Turkish), nó chiến đấu bên cạnh Nga và giành được độc lập năm 1877.

Nó đứng về phía quân Đồng minh trong Thế chiến I và trong hiệp ước hòa bình sau đó đã giành được Transylvania. Trong Thế chiến II, ban đầu nó đứng về phía Đức nhưng đổi phe khi Hồng quân đến. Nó nằm dưới sự thống trị của cộng sản trong thời kỳ hậu chiến và được cai trị bởi Nicolae Ceaușescu từ năm 1965 cho đến khi một cuộc nổi dậy đẫm máu làm hơn 1,100 người chết đã đưa đến việc ông này mất quyền và bị hành quyết, cùng với người vợ Elena Ceaușescu vào ngày Lễ Giáng sinh năm 1989.

Lỗ Ma Ni đã thiết lập liên hệ ngoại giao với Tòa thánh vào năm 1920, nhưng mối liên hệ đã bị phá vỡ sau Thế chiến II khi những người cộng sản lên nắm quyền và chỉ được khôi phục lại vào năm 1990 sau cuộc Cách mạng Lỗ Ma Ni.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dành ba ngày ở đây: ngày đầu tiên ở Bucharest, căn cứ của ngài cho toàn bộ chuyến viếng thăm; ngày thứ hai bao gồm các chuyến viếng thăm đền thờ Thánh Mẫu tại Sumuleu-Ciuc, mà người Hung Gia Lợi (Hungary) gọi là Csiksomlyo, và là thành phố lớn thứ hai của đất nước, Iasi. Ngài sẽ dành ngày thứ ba cho Blaj, nơi ngài sẽ phong chân phước cho bảy giám mục tử đạo của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp theo nghi lễ Đông phương, những vị đã chết dưới cuộc đàn áp khắc nghiệt của cộng sản giữa các năm 1950 và 1970.

Chiều kích nhà nước của chuyến viếng thăm của ngài sẽ diễn ra vào ngày đầu tiên tại Bucharest, một thành phố có khoảng hai triệu người đã có từ năm 1459 và từng được biết đến với tên là “Little Paris” (Tiểu Paris). Đây là thủ đô của đất nước từ năm 1862 và là trung tâm văn hóa, tài chính và thương mại của nó. Ở đó, tại dinh tổng thống, Đức Phanxicô sẽ gặp tổng thống của đất nước, ông Klaus Iohannis, và nữ thủ tướng đầu tiên của nước này, Viorica Dăncilă, trước khi ngỏ lời với quốc gia và các thẩm quyền chính trị và dân sự của nó.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc, Đức Phanxicô dự kiến sẽ đề cập đến không những lịch sử đất nước mà cả hai mối quan tâm chính của nó hiện nay nữa: nghèo đói và di dân. Mức nghèo của Lỗ Ma Ni là một trong những mức cao nhất ở Châu Âu - khoảng 40% và thậm chí cao hơn ở khu vực nông thôn nơi có 45% dân số sinh sống. Tuổi trẻ thất nghiệp ở mức 15 phần trăm. Kể từ khi Lỗ Ma Ni gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2007, khoảng 16% dân số - 3,6 triệu người, phần lớn trẻ tuổi - đã di cư sang các các nước trong Liên Hiệp Âu Châu.

Chiều kích đại kết của chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ được chú ý vào buổi chiều cùng ngày khi ngài gặp Đức Thượng phụ Daniel, nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Lỗ Ma Ni, lần đầu tiên. Sau đó, ngài sẽ gặp Công đồng thường trực của giáo hội Chính thống giáo, công đồng mà ngài cũng sẽ ngỏ lời trước khi cầu nguyện với vị Thượng phụ tại nhà thờ chính tòa mới của giáo hội Chính thống giáo ở thủ đô.

Thánh Gioan Phaolô II đã trở thành giáo hoàng đầu tiên đến thăm Lỗ Ma Ni vào tháng 5 năm 1999 và được chào đón nồng nhiệt vì vai trò của ngài trong việc làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản. Mối liên hệ của ngài với Thượng phụ Teoctist đặc biệt thân thiện; các vị đã ký một tuyên bố chung cam kết hợp tác để tăng cường các liên hệ giữa người Công Giáo Lỗ Ma Ni và Kitô hữu Chính thống. Có một sự thiện chí hiển nhiên giữa hai nhà lãnh đạo đến nỗi vào cuối buổi cử hành Thánh lễ tại thành phố Bucharest, đám đông đã hô vang, “hợp nhất, hợp nhất”.

Tình hình đã thay đổi kể từ đó, và có một số giám mục ít có tâm thức đại kết hơn trong công đồng ngày nay.

Cha Francisc Dobos, phát ngôn viên của tổng giáo phận Công Giáo Bucharest, nói với các phóng viên ở Rôma rằng dù cuộc đối thoại giữa các giáo hội Chính thống và Công Giáo Đông phương rất “cởi mở và hòa bình”, nhưng hiện “cứng ngắc hơn” so với trước đây và có lẽ ít“sinh hoa trái” hơn. Các liên hệ Chính thống giáo đặc biệt căng thẳng với Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, một giáo hội mà các thành viên chịu thiệt hại nặng nề dưới sự cai trị của cộng sản ở Lỗ Ma Ni và tài sản của họ bị tịch thu và trao cho Chính thống giáo.

Giám mục Brian Farrell, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hợp nhất Kitô giáo, nói với tờ America, “mối liên hệ của chúng ta với người Lỗ Ma Ni sinh động và tích cực; họ tham gia mọi hoạt động đại kết; họ là thành viên của [Hội đồng các Giáo hội Thế giới] và cũng hoạt động khá tích cực trong đó”. Ngài lưu ý rằng Thượng phụ Daniel đã từng làm việc cho Hội đồng các Giáo hội Thế giới, với tư cách là giáo sư tại viện đại kết Bossey và trước khi ngài trở thành Thượng phụ, từng dẫn đầu phái đoàn Chính thống Lỗ Ma Ni tới lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Thượng phụ Daniel nói trong một bữa ăn trưa tổ chức cho các phái đoàn đại kết tại lễ nhậm chức của Đức Bênêđíctô vào tháng 4 năm 2005 rằng “Chính thống giáo sẽ luôn biết ơn Đức Gioan Phaolô II vì ngài đã mở ra rất nhiều cánh cửa. Nhưng chúng ta không bao giờ hiểu được ngài; ngài là một triết gia. Nhưng khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói, chúng tôi hoàn toàn hiểu ngài vì ngài là một nhà thần học”.

Đức Giám Mục Farrell, người đã gặp Thượng phụ gần đây, cho biết người Chính thống giáo Lỗ Ma Ni “rất cởi mở và thân thiện đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, và Thượng phụ nói với Đức Cha rằng “ngài rất mong chờ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng”.

Chiều kích mục trong chuyến Đức Phanxicô viếng thăm người Công Giáo ở vùng đất này khởi đầu sau cuộc gặp gỡ với người Chính thống giáo.

Trong một lá thư mục vụ gửi cho đoàn chiên của mình vào hôm trước của chuyến viếng thăm, Đức cha László Böcskei của Oradea Mare đã viết rằng “Đức Thánh Cha đến để ôm hôn và để khuyến khích mọi cộng đồng Công Giáo vốn kiên trì trong các thời kỳ khó khăn, giữ vững đức tin và trung thành với Rôma và người kế vị Thánh Phêrô”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành ba Thánh lễ trong chuyến viếng thăm của ngài: Thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ Chính tòa Công Giáo Thánh Giuse ở Bucharest vào ngày 31 tháng 5, giống Đức Gioan Phaolô II. Sáng hôm sau, ngài sẽ du hành khoảng 200 dặm bằng máy bay đến đền Đức Mẹ Şumuleu Ciuc ở Đông Transylvania, tại chân dãy núi Carpathian, là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm và cử hành Thánh Lễ ở đó. Vào ngày cuối cùng, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại Blaj, một thị trấn nằm cách Bucharest khoảng 200 dặm, là trung tâm tôn giáo và văn hóa chính của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Lỗ Ma Ni.

Người Công Giáo Hung Gia Lợi (Hungary) đặc biệt phấn khởi về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại đền Thánh Mẫu này, vốn là biểu tượng của sự hợp nhất thiêng liêng đối với họ. Thực thế, hơn một nửa số người Công Giáo Lỗ Ma Ni là người Hung Gia Lợi và tập trung ở Transylvania, vốn thuộc Hung Gia Lợi cho đến năm 1920. Nhưng sau Thế chiến I, nó đã chuyển sang tay Lỗ Ma Ni và năm 1947 trở thành một phần của Lỗ Ma Ni. Người Hung Gia Lợi sống ở đó được liên kết chặt chẽ với Hung Gia Lợi bằng ngôn ngữ, di sản lịch sử văn hóa và liên hệ gia đình; họ sử dụng các bản văn phụng vụ Hung Gia Lợi và nhiều người có hai quốc tịch.

Đức Giám Mục András Veres, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hung Gia Lợi, nói với hãng tin Công Giáo của nước ngài: “tôi coi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Csíksomlyó là một sự kiện lịch sử .... Đối với người Hung Gia Lợi ở vùng đó, việc Đức Giáo Hoàng đến đó là một niềm vui lớn”. Ngài tuyên bố rằng tất cả các giám mục Hung Gia Lợi sẽ tham dự buổi cử hành, và ngài khuyến khích mọi người Hung Gia Lợi cũng làm như vậy để sự kiện này sẽ là một buổi lễ tuyệt vời cho mọi người Hung Gia Lợi tại đền thánh cổ xưa này”. Các chuyến xe lửa đặc biệt từ các thành phố Hung Gia Lợi và Lỗ Ma Ni sẽ đưa mọi người đến đền thờ.

Sau khi cử hành Thánh Lễ tại đền thờ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ du hành bằng máy bay khoảng 100 dặm nữa đến Iasi ở Đông Lỗ Ma Ni. Sau một buổi cầu nguyện riêng trong nhà thờ chính tòa, ngài sẽ gặp gỡ hàng ngàn người trẻ và gia đình từ cả các cộng đồng Lỗ Ma Ni và Hung Gia Lợi và mọi tín ngưỡng và dự kiến sẽ khuyến khích họ cùng nhau làm việc trong hợp nhất và liên đới.

Trong ngày cuối cùng của ngài ở Lỗ Ma Ni, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ trở lại Transylvania để cử hành Thánh lễ tại Câmpia Libertății (“Cánh đồng Tự do”) ở Blaj, nơi vào năm 1848, khoảng 40,000 người Lỗ Ma Ni đã tụ tập để phản đối Transylvania trở thành một phần của Hung Gia Lợi. Ở đó, ngài sẽ phong chân phúc cho bảy giám mục Công Giáo Hy Lạp đã bị cầm tù và chết như những người tử vì đạo sau Thế chiến thứ hai khi họ từ chối gia nhập Giáo hội Chính thống. Các tài sản giáo hội của họ đã bị chính quyền tịch thu, và nhiều giáo sĩ khác bị tống vào tù.

Việc phong chân phúc cho bảy giám mục, mà một trong số đó được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bí mật phong chức Hồng Y, sẽ là một khoảnh khắc vinh quang cho các thành viên của giáo hội này từng chịu đựng rất nhiều vì lòng trung thành của họ đối với Tòa Phêrô.

Cuối buổi chiều hôm đó, Đức Phanxicô sẽ gặp cộng đồng Rôma của Blaj, trước khi đáp chuyến bay trở về Rôma.