ĐỨC MARIA GƯƠNG MẪU CHO CUỘC SỐNG ĐỨC TIN

LTS : Để thêm tư liệu học hỏi, suy tư và cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, xin giới thiệu phần III trong tác phẩm “LUC, L’ ÉVANGILE DE LA JOIE” của tác giả Pierre Dumoulin, được nữ tu
(MTG.QN) chuyển ngữ.


Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."

Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Luca 1,26-38)

Trải qua mọi thời đại, Đức Trinh Nữ Maria luôn luôn là kiểu mẫu tuyệt vời nhất về đức tin. Tin mừng thánh Luca đã viết về cuộc đời Mẹ như một tuyệt tác : từ khởi đầu của Tin Mừng Luca, tiếng tán tụng của Elisabeth “Phúc cho Mẹ là Đấng đã tin” đã gợi đến những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Chân phước Hồng Y Newman xác tín rằng :

“Mẹ Maria là kiểu mẫu của chúng ta về việc đón nhận đức tin cũng như về việc sống đức tin. Mẹ không chỉ đón nhận những mầu nhiệm đức tin mà Mẹ còn chiêm niệm các mầu nhiệm ấy. Mẹ không chỉ ghi nhớ các mầu nhiệm đức tin mà Mẹ còn đưa nó vào cuộc sống ; Mẹ đón nhận và Mẹ làm cho đức tin lớn lên, Mẹ vận dụng lý trí để hiểu, nhưng Mẹ tin. Không như Zacharia, trước tiên là suy luận rồi mới tin, còn Mẹ, trước tiên là tin và nhờ tình yêu và sự tôn thờ Thiên Chúa, Mẹ suy luận điều Mẹ tin.

Như thế Mẹ là kiểu mẫu của đức tin của chúng ta : Từ những người bình dân cho đến các tiến sĩ Hội Thánh là những người đã tìm kiếm cân nhắc, phân định để tin vào Tin Mừng, để phân biệt sự thật và lạc thuyết, để thấy trước các sai trái của các lý lẽ lầm lạc, để chống lại những gì làm phương hại đến đức tin là sự kiêu ngạo, cuồng tín, và cũng để chống lại những người ngụy biện và cải cách. Thật ra đó là một đề tài lớn có thể viết thành cả một cuốn sách… Và khi nói về đức tin, chúng ta không thể không nói đến Đức Maria”.

1. Biến cố truyền tin (1, 26-38): tin trước hết là thưa “vâng”

a. Ba lời đối thoại của Sứ thần

Luca kể về cách mà sứ thần Gabriel nói chuyện với Đức Maria và xin sự ưng thuận của Mẹ đối với chương trình của Chúa nơi Mẹ. Bản văn này trước tiên không phải là một trình thuật lịch sử mà là một bài học đức tin cho các môn đệ của mọi thời đại, những người muốn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có Đức Maria có thể làm chứng cho cuộc đối thoại được linh ứng này, Mẹ đã làm điều ấy để mời gọi chúng ta bước vào huyền nhiệm của đời sống nội tâm của mình. Do đó, chúng ta có thể đọc lại văn bản này bằng cách để cho sứ thần nói với chúng ta, để cho sứ thần chào chúng ta nhân danh Thiên Chúa qua 3 lần mà sứ thần ngõ lời với Đức Maria. Nhờ thế, chúng ta sẽ khám phá ra hành trình đức tin, hành trình này sẽ được mở ra cho tất cả những ai cố gắng để cho mình được soi sáng bởi sự hiện diện của Thiên Chúa, và chú tâm đến Lời của Ngài.

- Mở lòng ra cho niềm vui của Thiên Chúa : “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”

Khi Thiên Chúa đến viếng thăm là Ngài luôn trao ban một niềm vui trào dâng chan chứa. Vâng, chúng ta được đầy ân sủng trong Đức Kitô, và Thiên Chúa ở với chúng ta. “Trong Đức Kitô, tự cõi trời Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” (Ep 1,3). Chúng ta hãy để cho lòng mình lắng đọng và lắng nghe những lời chào này của sứ thần ngay lúc khởi đầu của giờ cầu nguyện, để trái tim của chúng ta được mở ra cho tình yêu vô vàn của Thiên Chúa, Đấng luôn nhìn các con cái của Ngài với lòng nhân hậu, vì chính trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không ngừng tiến bước trong đức tin.

- Đừng sợ gì cả : “Đừng sợ, vì bạn được nghĩa cùng Thiên Chúa”.

Chính sự hiện diện của Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi, khỏi những lo âu vì chúng ta biết rằng chúng ta được yêu thương. Thiên Chúa đã tặng ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Nếu Ngài đã yêu chúng ta đến thế, làm sao chúng ta có thể còn có chút nghi ngờ về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta là những kẻ tội lỗi “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8,35)

- Xin ơn Chúa Thánh Thần : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà”.

Chính trong ân huệ của Chúa Thánh Thần mà chúng ta sẽ tìm thấy giải pháp cho mọi nỗi lo âu, tìm thấy câu trả lời cho mọi vấn nạn: Chính Ngài làm cho mọi điều dường như không thể trở nên có thể “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Luca 1, 37). Trước tiên Chúa Thánh Thần sẽ thay đổi cái nhìn của chúng ta, Ngài thay đổi nhận thức của chúng ta về các tình huống, nếu chúng ta tín thác cho Ngài Ngài sẽ lo lắng cho chúng ta theo ý định yêu thương của Chúa Cha. Do đó, tất cả mọi lời cầu nguyện có thể được đọng lại trong một tiếng van xin “Xin ban cho con Thánh Thần của Ngài”. Thật vậy, chính Ngài làm cho mọi hoạt động của con người được triển nở, chính Ngài thánh hiến mọi sự. Ba giai thoại của giây phút truyền tin này chính là nền tảng cho mọi lời cầu nguyện, cho việc lắng nghe Thiên Chúa và cho tất cả mọi cuộc đối thoại với Ngài.

b. Ba phản ứng của Đức Maria

Câu trả lời của Mẹ là trường học đích thực cho đời sống nội tâm.

- Bối rối, thắc mắc, sợ hãi : Mẹ cảm thấy hoang mang.

Sự hoang mang của Mẹ là dấu chỉ của một sự khiêm hạ thật sự : Thái độ của Mẹ chứng tỏ Mẹ có khả năng để cho mình tự vấn bởi các sự kiện, Mẹ biết đặt lại vấn đề trong cả những điều bé nhỏ, để nhận ra sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự bất xứng của Mẹ đối với Ngài. Đức tin được phát sinh bởi sự khiêm hạ trước sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi sự ngưỡng mộ trước một kỳ công vượt quá trí hiểu của chúng ta.

- Nhận thức bằng niềm tin sẽ làm nảy sinh các câu hỏi : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, … vì …?”

Da-ca-ri-a đã nghi ngờ lời của Sứ thần và đã xin một dấu chỉ “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ?”, Mẹ không giống với Da-ca-ri-a, Mẹ đã không chút nghi ngờ, nhưng trí khôn Mẹ tự vấn để có thể thích nghi với hoàn cảnh và từng bước hoàn thành ý định của Thiên Chúa : “Làm sao để sống thánh ý Ngài hôm nay ?” Câu hỏi của Mẹ thể hiện quyết định mạnh mẽ của Mẹ để luôn luôn yêu mến Thiên Chúa bằng tình yêu tinh tuyền. Mẹ không né tránh lời loan báo của sứ thần, nhưng Mẹ phải đối mặt với một vấn đề nan giải: làm thế nào để dung hòa giữa việc làm mẹ và sự trinh tiết? Thiên Chúa không yêu cầu Mẹ từ bỏ sự lựa chọn trinh tiết của mình, và đối với những chọn lựa của chúng ta cũng vậy, vì quyết định hiến dâng chính mình thuộc về chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ dùng chúng ta theo cách thức của Ngài. Đức tin đòi hỏi một sự sẵn lòng lớn lao để mỗi ngày chấp nhận "cách thức" của Thiên Chúa. Chính trong thánh ý Chúa mà Mẹ tự đọc lại đời mình. Mẹ đã hiến mạng sống của mình cho Chúa, Mẹ không nghĩ rằng lại có lúc phải đặt lại vấn đề về quyết định căn bản của Mẹ, vì vậy câu hỏi của Mẹ là làm thế nào để dung hòa cam kết của Mẹ với những gì Sứ thần yêu cầu. Sống Đức tin là chấp nhận một cuộc sống không an toàn, một cuộc sống mạo hiểm, một cuộc chiến giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của chúng ta khi chúng ta thực sự nhận ra đâu là thánh ý Ngài. Đó là việc thực sự đón nhận ý Chúa chứ không phải chỉ đón nhận trong ý tưởng hoặc bị ép buộc. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể biến cuộc sống của chúng ta thành kỳ công của Thiên Chúa khi chúng ta cố gắng thực hiện những chương trình của Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta.

- Thưa tiếng “xin vâng” : “Xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền.”

Mẹ đã nói “hãy làm cho tôi”. Không chỉ là “trên tôi” hay là “qua tôi” : đức tin là trao tặng chính bản thân mình. Điều mà Thiên Chúa yêu cầu, điều mà Ngài muốn làm việc, cắt tỉa, nhào nặn, điêu khắc, đó chính là cuộc sống của chúng ta, là linh hồn, là ý muốn, là lòng ước ao, là suy nghĩ, là ý tưởng, là cảm xúc của chúng ta...

Chúng ta không chỉ là công cụ Chúa dùng để làm ích cho người khác : trái tim của chúng ta còn là chất liệu mà Thiên Chúa làm việc và Ngài tiếp tục tạo dựng chúng ta, bằng cách tôn trọng tự do của chúng ta. Chính tâm hồn chúng ta cần được huấn luyện, điều chúng ta là thì quan trọng hơn điều chúng ta làm. Sự vâng phục của đức tin trước hết là việc lắng nghe và yêu mến Lời toàn năng của Thiên Chúa. Ngài thì thầm trong nơi sâu thẳm của linh hồn, chúng ta cần phải không ngừng chú tâm để lắng nghe tiếng Ngài. Tất cả mọi sự kháng cự đối với thánh ý Ngài đều mang lại thất bại và đau khổ.

Để cho Chúa hoạt động không có nghĩa là hoàn toàn thụ động, ngược lại, điều đó đòi hỏi một nổ lực lớn lao để quên đi chính mình và hoàn toàn sẵn sàng cho tác động của Ngài, hoàn toàn phó mình trong tay Đấng Tạo Hóa, Đấng “điều khiển cuộc đời chúng ta trong tình yêu của Ngài”. Thái độ này được gọi là “tận hiến” trong đức tin.

Mặt khác, thuật ngữ Hy lạp sử dụng thức động từ “optatif” để diễn tả niềm mong muốn của Đức Maria. Kiểu từ ngữ này nhằm bày tỏ một ước muốn chứ không phải một sự chấp nhận thụ động : “Tôi thật sự ước mong điều ấy được thực hiện nơi tôi theo lời sứ thần !”

c. Tiếng thưa “xin vâng” của chúng ta

Thiên Chúa nói với chúng ta và chúng ta có thể lắng nghe Ngài nói với chúng ta qua lời của sứ thần và thực hiện lời đó trong cuộc sống chúng ta.

Đức Maria mời gọi chúng ta đáp trả lời Thiên Chúa bằng tiếng thưa “xin vâng trọn vẹn, tuyệt đối, không đổi thay”. Chúng ta cần thường xuyên lập lại và nói lời này cùng với Mẹ “Con thật sự ước mong điều ấy được thực hiện nơi con theo lời sứ thần”. Lạy Chúa, trong sâu thẳm linh hồn con, với tất cả bầu nhiệt huyết con ước ao được biến đổi nhờ ân sủng của Ngài. Đối với Đức Maria, tiếng “xin vâng” đối với thánh ý Thiên Chúa, tiếng “Amen” này, không chỉ đơn thuần là sự bằng lòng mà nó còn là tiếng nói của trái tim, là một đáp trả của tình yêu. Chúng ta có thể hiệp thông sự tận hiến chính mình với sự tận hiến tuyệt đẹp của sơ Lucia ở Fatima :

“Lạy Mẹ con xin trao phó chính mình con cho sự chở che của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, con xin tận hiến đời con cho Mẹ và nhờ Mẹ con tận hiến mình cho Thiên Chúa với cùng những lời của Mẹ « Xin Ngài hãy thực hiện nơi con theo lời của Ngài, ước muốn của Ngài và vinh quang của Ngài ».

Cùng với Đức Maria, chúng ta được mời gọi đáp trả lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, khi chúng ta biết lắng nghe Ngài, khi chúng ta biết dâng hiến cho Ngài những gì chúng ta là trong hiện tại, những gì chúng ta có trong quá khứ và những gì chúng ta sẽ trở nên trong tương lai. Chúng ta cũng có thể thực hiện sự dâng hiến này với những lời nguyện của thánh Pio Năm Dấu :

“Lạy Chúa, con xin trao quá khứ của con cho lòng thương xót của Ngài ; Con xin trao tương lai của con cho sự quan phòng của Chúa. Và con xin dâng hiến hiên tại của con cho tình yêu của Ngài”.

Và khi chúng ta có những âu lo, chúng ta hãy đọc lại lời của sứ thần Gabriel : các lời của sứ thần cũng được nói với mỗi chúng ta vì Đức Maria là Mẹ chúng ta. Chính khi chúng ta chia sẻ niềm vui của Mẹ cũng chính là cách chúng ta có thể thay đổi hoàn toàn cách đọc kinh « Kính mừng Maria ». Từ đó tự đáy lòng chúng ta sẽ vang vọng lời nguyện của Thánh Ignatio như gồm tóm tất cả sự đáp trả của Đức Maria

“Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen”.

2. Viếng thăm (1, 39-56) : Trao ban niềm vui bằng đời sống đức tin

“Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.”

Trong cuộc viếng thăm, Đức Maria vội vã đến với bà Êlisabét để chia sẻ với bà sự hiện diện của Đấng đang ở nơi Mẹ. Mẹ không đến chỉ để trò chuyện, nhưng Mẹ đến để phục vụ. Niềm tin thúc đẩy Mẹ phục vụ người khác. Nhưng trong chốc lát, hay có thể nói việc phục vụ này đồng thời trở nên một cuộc chia sẻ những điều sâu kín trong đời sống tâm linh, một mối tình chung giữa hai tâm hồn với Thiên Chúa. Sự trao đổi ấy được thể hiện trong cùng một lời khen ngợi với hai cung giọng : hai người nữ đã để cho lòng mình tràn ngập lòng biết ơn và niềm vui, họ ngợi khen Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của một cuộc sống đức tin, Thánh Ignatiô đã nói : “Con người được dựng nên để ca ngợi Thiên Chúa, tôn thờ Ngài và phục vụ Ngài”. Từ thế kỷ XII thánh Hildegarde đã viết “Con người, thụ tạo của Thiên Chúa, cần phải luôn luôn ca tụng Ngài, bởi vì linh hồn họ được tạo dựng để sống trong sự ca ngợi, giống như các thiên thần”. Chính thánh nhân cũng nói thêm rằng : “Khi chọn duy một mình Chúa là tiêu đích, con người tiến gần hơn tới cuộc tạo thành ánh sáng”.

a. Trở về nguồn

Đức Maria đã đón nhận lời loan báo của sứ thần. Từ đây Mẹ mang lấy nơi Mẹ Ngôi Lời, Lời Thiên Chúa. Không chần chờ, Mẹ đã lên đường. Tin Mừng Luca kể lại : Mẹ ra đi “vội vã”. Không phải là Mẹ ra đi để kiểm tra dấu chỉ đã được loan báo cho Mẹ nhưng Mẹ vâng phục không do dự lời mời gọi đầy tế nhị của Sứ Thần đã nói với Mẹ :

“Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai…”. Mẹ đã hiểu ý nghĩa của những lời này : Mẹ biết rằng chỉ có một người duy nhất trên thế gian có thể chia sẻ niềm vui của Mẹ, Mẹ biết rằng chỉ có một trái tim có khả năng đón nhận niềm vui ấy. Mẹ cần phải loan báo cho Eelisabét Tin Vui : Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Mẹ mang Thiên Chúa trong lòng, Mẹ làm lan tỏa niềm vui và bởi vì niềm vui nơi Mẹ ngập tràn, Mẹ trở nên một nhà truyền giáo, Mẹ là nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên.

Mẹ “chỗi dậy”, Mẹ lên đường “đến miền núi vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa”. Tất cả mọi chi tiết trong trình thuật thánh này đều quan trọng. Mẹ “chỗi dậy”, từ ngữ này được thánh sử Luca sử dụng là từ ngữ mà chúng ta có thể dịch là “phục sinh”, một sự sống mới đang ở nơi Đức Trinh Nữ, một sự thay đổi trọn vẹn đã được thực hiện nơi Mẹ. Mẹ ra đi “vội vã” bởi như thánh Phaolô đã nói “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). Được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, Mẹ phải ra đi. Một năng lực mạnh mẽ thôi thúc Mẹ, Mẹ vội vã lên miền núi cao, đến những nơi cô tịch, nơi mà Thiên Chúa trở nên gần gũi. Cuộc đi lên này không phải chỉ mang tính không gian bên ngoài. Như Môisen đã nói chuyện với Thiên Chúa trên núi Sinai, như Elia gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Horeb, như Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, Mẹ bắt đầu lên đường thực hiện một cuộc hành hương qua các con đường của miền núi cao, con đường mà trước đây các tổ phụ Áp-ra-ham, Isaac và Jacob, đã đi qua để vào Đất Thánh, từ miền Bắc miền Nam (Itraen). Con đường của các đền thờ lớn và những nơi mà Itraen đã chiến thắng : Sichem, Bêthel, Silô, Gilgal, Gabaon, Giêrusalem. Và đặc biệt ngoài cuộc hành hương mang tính biểu tượng đậm nét lịch sử của dân Chúa, Mẹ hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là tâm điểm của linh hồn Mẹ. Thánh sử Luca đã ghi rõ rằng khi đi đến một thành thuộc chi tộc Giuđa Mẹ phải đi ngang qua con đường của những miền cao. Theo Truyền thống nguyên thủy, Giuđa là nơi thiết lập ngai vua Melkisêđê thời Abraham, sau đó là vua Đavit, và cho đến thời của Thánh Giuse.

Như thế, Mẹ đã đi lên miền núi thánh để trở về nguồn của Truyền thống được mạc khải. Chính nơi đó, Mẹ đã gặp Eelisabét, dòng dõi Aaron, tư tế của Giao ước được ký kết trên núi Sinaï. Do đó, không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi nơi chốn của cuộc gặp gỡ cho đến hôm nay vẫn được gọi là “Ain Karim”, "cội nguồn của vườn nho" ..., vì trong Kinh thánh vườn nho tượng trưng cho Israel.

b. Cuộc gặp gỡ giữa Cựu ước và Tân ước

Mẹ Maria đã đến nơi, Êlisabét đã tiếp đón Mẹ. Mẹ là Đức Trinh Nữ sẽ sinh con; Êlisabét, người nữ son sẻ sẽ sinh con. Cả hai người nữ trở nên những người mẹ nhờ ân sủng Thiên Chúa nhưng mỗi người mỗi cách khác nhau. Ngang qua họ hai thế giới được gặp nhau: Thế hệ của Giao ước cũ mà người ta thường cho là son sẻ, vì không còn ngôn sứ nào trong Itraen từ hàng trăm năm nay, đã gặp gỡ thế hệ Giao ước mới là Thiếu nữ và Trinh Nữ. Ngôn sứ Isaia đã loan báo tình mẫu tử này trong một đoạn Kinh thánh nổi tiếng :

“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en....” (Is 7, 14)

Và trước niềm vui sướng của Êlisabét, làm sao có thể không đề cập đến một văn bản khác của ngôn sứ Isaia đã bảo với dân Itraen ? “Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ,...” (Is 54, 1) ?

Trước tiên là những người con trong bụng của hai người mẹ đã nhận ra nhau. Và Luca đã viết về cha mẹ của Gioan Tẩy Giả là Dacaria và Êlisabét rằng “cả hai đều là những người công chính”. Do đó, Gioan Tẩy Giả là biểu tượng cho hoa quả của sự công chính của Israel, Gioan đã nhận ra và chào đón Đấng Cứu thế, Thiên Chúa Tình yêu, Hoàng tử Hòa bình ... Ngày đó, trên sườn núi của Giu-đa, “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.”, như trong lời ca của thánh vịnh (Ps 85, 11), vì công lý phải đi tiền phong cho Đấng cứu độ : “và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người.” (Ps 85, 14). Ngay từ trong bụng mẹ, vị ngôn sứ cuối cùng đã reo lên vui sướng vì gặp Đấng Messia mà các tiền nhân từng mong đợi.

Chúng ta cũng nhận ra rằng chính tên gọi của các nhân vật này gợi lên sự nhiệm mầu của cuộc gặp gỡ ấy. Êlisabét (nghĩa là “Thiên Chúa đã thề hứa”) và Dacaria (nghĩa là “Thiên Chúa đã nhớ đến”) đã sinh ra Gioan (nghĩa là “Thiên Chúa xót thương”). Thật vậy, chính khi Thiên Chúa nhớ đến lời thề hứa của mình là lúc Ngài tỏ lòng thương xót dân Ngài. Như vậy tất cả Cựu ước có thể được gồm tóm trong ba điều : “Thề hứa’, “Nhớ lại”, và “Xót thương”.

Còn đối với tên gọi Maria, không ai có thể dịch được tên ấy một cách chính xác : tên gọi ấy có thể mang ý nghĩa “Thiên Chúa vinh quang”, hoặc “người nữ tán dương”, hoặc cũng có thể “người nữ được nhìn đến, người đáng thán phục”, hay có thể chỉ đơn giản là “Người phụ nữ”. Tên gọi Giuse, hôn phu của Đức Maria nghĩa là “Thiên Chúa đã cho thêm”, loan báo ân sủng tràn đầy mà Thiên Chúa ban cho dân Người. Người con được sinh ra từ Đức Maria được gọi là Giêsu (nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”), như Giosuê, đã chinh phục Đất Hứa, hoặc như Isaia, vị ngôn sứ lớn mà đôi khi chúng ta gọi là Tin mừng thứ năm vì sứ điệp của sách ngôn sứ này gần gũi với sứ điệp của Tân ước. Như thế chẳng phải là nhờ Chúa Giêsu mà lời hứa được thực hiện sao ? và chẳng phải chính Ngài đã mở ra cho dân Chúa một con đường để dẫn đến quê hương đích thật là Thiên Đàng sao ?

c. Để ngụp lặn trong niềm vui:

Đức Maria đã thốt lên với Êlisabét lời chào mà chính Mẹ đã nghe nơi sứ thần : “Mừng vui lên!”, và lời Sứ thần thêm vào: Bởi vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Từ đây chính Đấng hiện diện nơi Mẹ đồng hành với Mẹ ở khắp mọi nơi và trở nên nguồn mạch của niềm vui cho những ai nhận biết Ngài: Sự hiện diện của Thiên Chúa đã làm cho Gioan Tẩy Giả nhảy lên trong bụng mẹ vì vui sướng như Đavit trước đây đã nhảy mừng trước Hòm Bia Giao Ước khi tiến vào thành Giêrusalem (2 Sam 6,14.21)…. Đức Maria là Hòm Bia của Giao Ước mới, đã tiến vào thành Giuđa, và “số sót lại của Itraen”, được viếng thăm, nhảy mừng hoan hỷ.

Huyền nhiệm của cuộc gặp gỡ ấy vẫn được lặp lại nơi tất cả những ai đi vào con đường của cầu nguyện. Ai đợi chờ Thiên Chúa với tất cả tâm hồn và nỗ lực sống công chính sẽ tạo nên một “vị tiền hô”, với một trực giác tâm linh có khả năng nhận ra những cuộc viếng thăm của Thiên Chúa và lòng sẽ trào tràn niềm vui vì sự hiện diện của Ngài. “Chúa đang đến!”. Chúa đến cho tất cả “những kẻ tìm kiếm Ngài”, vượt ra khỏi sự cằn cỗi của quá khứ già nua, vượt ra khỏi sự vô sinh của quá khứ cũ của mình. Đi vào trong cầu nguyện nghĩa là hướng mọi chú tâm về với Đấng đang ở trong cõi thâm sâu lòng mình, nhận ra sự hiện diện của Ngài, lắng nghe lời chào của Ngài, lời chào của một vị Thiên Chúa gần gũi với con người.

Như thế, hôm nay và mãi mãi, Giáo Hội tinh tuyền luôn mang Chúa Kitô đến cho con người: Nhờ Giáo Hội, Ngài đến và Ngài nói với những ai lắng nghe Ngài. Ai sẽ nghe được tin vui này để cho “người Con” nhảy mừng trong lòng họ? Ai có thể để cho tim mình rung nhịp hòa cùng với điệu nhảy của sự ca ngợi nội tâm để rồi được đầy Thánh Thần và thốt lên “Chị thật có phúc!”? Như Đức Maria và Êlisabét, sống đức tin là để cho lòng mình được tràn ngập niềm vui nhờ sự hiện diện của Đấng đến viếng thăm linh hồn. Ai cũng bất xứng trước ân sủng của Thiên Chúa nhưng những ân huệ kỳ diệu của Ngài sẽ lại được trao ban cho những tâm hồn khiêm hạ rộng mở để đón chờ hồng ân. Với Êlisabét, bà ngỡ ngàng tự hỏi “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”

Êlisabét không lấy mình làm trung tâm, bà không kiêu căng vì mình đã nhận ra Chúa, nhưng bà tuyên xưng đức tin của Đức Maria “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Thiên Chúa đến với chúng ta bởi niềm tin của người khác. Ngay cả trong những lúc cầu nguyện thầm kín nhất, người tín hữu không nên quên rằng “tất cả các tiền nhân của chúng ta đã để lại cho chúng ta những dấu tích đức tin”. Tin Mừng luôn luôn được truyền lại cho chúng ta qua Giáo Hội, Giáo Hội trên trời và Giáo Hội trần thế: được gọi là sự hiệp thông của “Các Thánh cùng thông công”. Sự hiệp thông này không chỉ có ở nước trời mai sau mà còn ở trần gian này, đó là sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa.

Khi một ai đó nhắm mắt lại, tưởng như họ đang đơn độc một mình, nhưng nếu họ để cho tâm trí lùi về trong quá khứ, và họ sẽ khám phá ra trong sâu thẳm của con người họ là một niềm vui bừng cháy trước sự hiện diện vô biên của Thiên Chúa ở nơi tâm hồn mình và trong lòng thế giới. Còn chúng ta, làm sao ngày hôm nay chúng ta có đủ ơn Chúa để cầu nguyện ? Bởi vì một ngày nào đó, Giáo Hội sẽ đến thăm ta ngang qua một khuôn mặt, một tiếng nói, Giáo Hội mang cho ta Đấng Cứu Độ, chuyển đến ta lời chào của niềm vui của Phúc Âm : “Mừng vui lên !”

d. Đức Maria dạy cho chúng ta ba lời cầu nguyện nền tảng

Qua thái độ và lời nói của Đức Maria Mẹ dạy cho con người ba lời cầu nguyện nền tảng đời sống kitô hữu. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã cầu nguyện, nhưng chính Đức Maria sẽ gợi cho chúng ta những sự phong phú của cầu nguyện.

Đó là lời cầu nguyện của trái tim. Đức Maria đã không ngừng hướng lòng mình về sự hiện diện của Chúa Giê-su Đấng đang sống trong Mẹ, Mẹ đi lên những miền núi cao. Với tất cả vui mừng và năng động, niềm tin của Mẹ đã làm Mẹ trở nên người mang lấy Chúa Kitô cho những người khác : Mẹ làm lan tỏa hồng ân của Đấng đang sống trong Mẹ cho những tâm hồn sẵn sàng đón nhận hồng ân, Mẹ làm lan tỏa cho họ hồng ân của Đấng mà Mẹ chiêm ngắm mỗi phút giây. Như một người mẹ luôn quan tâm đến con cái, Mẹ đã không ngừng nói với con cái Mẹ về một sự thông hiệp tuyệt vời được mở ra cho những ai biết cầu nguyện bằng trái tim. Người tín hữu sống trong Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa sống trong họ thì cái nhìn của họ, sự hiện diện của họ, lời cầu nguyện của họ sẽ chiếu tỏa sự hiện diện của Thiên Chúa, và nhờ họ tâm hồn người khác sẽ cải hóa dẫu họ không ý thức được điều đó. Đức tin được truyền đi bởi sự lây lan, sự tỏa sáng. Mẹ đã chia sẻ niềm vui của mình với bà Êlisabét, Mẹ truyền cho bà niềm vui ơn cứu độ mà Mẹ đã nhận được nơi sứ thần : người ta không thể cho niềm vui nào khác ngoài niềm vui nhận được từ Thiên Chúa. Lời cầu nguyện, sự lắng nghe sẽ làm nảy sinh đức tin trong tâm hồn và đức tin ấy sẽ trở nên tình mến trong cuộc gặp gỡ với tha nhân. Đức tin luôn luôn tỏa lan, đức tin không thể che dấu được…

Lời kinh “Kính mừng” : một lời tuyên xưng đức tin :

Chúng ta khám phá ra rằng lời kinh « Kính mừng» vừa đồng thời là một lời nguyện từ Kinh thánh vừa là một lời nguyện hướng đến Ba Ngôi. Phần đầu tiên của Kinh Kính mừng lập lại lời chào của Sứ Thần, là sứ giả của Thiên Chúa, là người nói nhân danh Thiên Chúa nên lời của Sứ Thần chính là lời của Thiên Chúa Cha : “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Câu tiếp theo là lời của Êlisabét thưa với Mẹ khi Bà được đầy ơn Thánh Thần, thế thì lời của Êlisabét lại chính là lời của Chúa Thánh Thần : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”; chúng ta đã thêm vào lời này tên gọi của Đấng Cứu thế “Giêsu”, và chúng ta tuyên xưng với toàn thể Giáo hội rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và người thật, không có thể tách rời nhau trong sự duy nhất của ngôi vị Thiên Chúa, do đó, Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa theo như lời tuyên tín của công đồng Êphêxô năm 431. Đối với chúng ta là những kẻ tội lỗi, Mẹ là cánh cửa dẫn vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tín thác hoàn toàn cho Mẹ những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta : “bây giờ” và “trong giờ lâm tử”.

Magnificat : một lời cầu nguyện ngợi khen.

Đó là một lời nguyện dài của Đức Maria. Những lời ngợi ca này không chỉ là của Mẹ vì thánh ca Tin Mừng này được linh ứng cho cả các thế hệ tương lai và có thể là Đức Maria đã lấy lại từ một lời nguyện cổ và làm cho hòa hợp. Như thế, kinh Magnificat là một trường học cầu nguyện cho Giáo Hội nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần mà chúng ta cần phân tích từng câu một. Đó là một Thánh Thi tuyệt vời nhất trong lịch sử : Nếu sự thinh lặng của trái tim là nguồn gốc của đức tin thì sự khen ngợi chính là lời diễn tả đức tin. Lời khen ngợi là nghĩa cử của sự khiêm hạ, là bổn phận của các loài thụ tạo đối với Đấng Tạo Hóa, nó được tuôn tràn từ những tâm hồn đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ khởi đầu của Tin Mừng chúng ta đã nghe vang lên trên môi miệng của Mẹ lời ngợi ca mang tính ngôn sứ, loan báo ơn cứu độ : đó là lời ca ngợi trước hồng ân cứu độ… Như thế Mẹ chính là người đầu tiên không thấy mà tin.

e. Còn chúng ta ?

Khi Luca kể cho chúng ta về Biến cố Truyền Tin, Thăm Viếng và Lời ngợi ca Magnificat, thánh sử giới thiệu cho chúng ta Đức Maria như một kiểu mẫu đầu tiên cho các tín hữu. Đức tin trước tiên là lắng nghe sự hiện diện của Thiên Chúa. Sẵn lòng với các lời mời gọi của Ngài cách vui tươi và đầy nhiệt huyết. Đức tin cũng chính là một sự thay đổi, một cuộc ra đi, một sự từ bỏ chính mình, một cuộc lên đường. Và đồng thời đức tin đòi hỏi ta nhận ra ở nơi thẳm sâu linh hồn mình một chiếc neo để bám víu : chiếc neo đó chính là sự hiện diện thường hằng và rực sáng của Thiên Chúa trong ta. Đức tin làm bật ra nơi ta câu hỏi để thưa với Đấng đang hiện diện trong ta “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?”

Tự bản chất, đức tin vô hình, nhưng nó lại được thể hiện qua hai cách thức : một cách nào đó để nói chuyện với người khác, để chào hỏi họ, để Thần khí hoạt động nơi họ đồng thời để thực hiện một nghĩa cử yêu thương mà không cần phải khoe khoang. Điều đó đòi hỏi ta có một tương quan với Thiên Chúa, Đấng sẽ làm cho người khác nếm cảm được sự hiện diện của Ngài nơi chúng ta như lời cha sở họ Ars “ở đâu có các thánh đi qua, ở đó có Thiên Chúa”. Và Mẹ Calcutta cũng đã viết :

‘Hoa trái của thinh lặng là CẦU NGUYỆN .
Hoa trái của cầu nguyện là ĐỨC TIN .
Hoa trái của Đức tin là TÌNH YÊU .
Hoa trái của tình yêu là PHỤC VỤ .
Hoa trái của phục vụ là BÌNH AN”
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

3. Tin là trở nên người môn đệ

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa …

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Luca 2, 22-28.33-35)
“Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!". Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?". Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Luca 2,41-50)

“Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.”. Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Luca 8,19-21)

“Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!". Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Luca 11, 27-28)

Các câu trả lời này đã nói với chúng ta về sự vĩ đại thật sự của Đức Maria trước tiên không phải vì tước vị làm mẹ nhưng vì Mẹ sống tâm tình của người môn đệ ngay cả trước lúc Truyền Tin và dọc theo suốt chiều dài cuộc sống của Mẹ. Thánh Luca ghi nhận ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ và cho đến khi kết thúc cuộc đời trần thế, với sự khiêm hạ, Mẹ luôn ghi khắc Lời trong lòng Mẹ để rồi Mẹ sinh ra Lời. Mẹ đã thi hành thánh ý của Cha: cuộc đời Mẹ chỉ là một tiếng "Fiat" theo lựa chọn của Chúa, để ý Ngài được biết đến và được đón nhận. Đức tin dẫn vào những con đường bất ngờ, không thể tưởng tượng được theo suy nghĩ của con người, nó dẫn đến những cuộc vượt qua bất ngờ, để tìm kiếm một ý muốn mà đôi khi không phải là ý của chúng ta, nhưng chúng ta muốn đưa ý muốn ấy vào cuộc đời chúng ta.

a. Những chi tiết về một cuộc sống giản dị

Những mục đồng đã vội vàng đến thăm máng cỏ Bêlem. Vào thời Chúa Giêsu những người này bị một số dân thành thị loại trừ. Tuy nhiên việc họ hiện diện ở Bêlem gợi nhớ cho chúng ta về thời niên thiếu của vua Đavit, trước khi được ngôn sứ Samuel xức dầu, Đavit đã chăn giữ đoàn vật (1 Sam 16). Nghề nghiệp chăn chiên thường được xem như một dấu chỉ của việc Thiên Chúa dẫn dắt dân Người, Ngài là « Mục Tử Itraen » (x.Tv 80(81) và 22(23). Lúc này, khi mà các mục đồng đến thờ phượng Chúa Giêsu, chẳng có gì khác lạ xảy ra nên Maria không thể hiểu hết được tất cả những điều ấy, nhưng đến mãi sau này Mẹ mới có thể hiểu được khi Mẹ suy gẫm Lời Thiên Chúa. Dấu chỉ mà sứ thần loan báo cho các mục đồng cũng như cho Đức Maria thật đơn giản dẫu nó mang đầy tính biểu tượng : một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. Điều đó cho thấy Thiên Chúa đã làm người trong sự nghèo khó, không quyền oai, Ngài chỉ như một trẻ thơ cần được chăm sóc, hơn nữa Ngài còn được bọc trong khăn và đặt vào trong máng cỏ là máng ăn của các súc vật ở Bêlem, mà tên gọi có nghĩa là “nhà bánh mì”. Trong cái giản dị của cuộc sống thường nhật, qua chứng nhân của các mục đồng, Mẹ chiêm ngắm lời Kinh thánh được ứng nghiệm, Mẹ học được bài học tuyệt vời về Thiên Chúa qua cái thường nhật của cuộc sống đã được thắm đẫm hồng ân. Như Đức Maria chạy đến giúp đỡ cho Êlisabét, các mục đồng với tâm hồn rộng mở đã vội vã chạy đến Bêlem để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa nơi gương mặt trẻ sơ sinh mà chính cha và mẹ của hài nhi đang tôn thờ.

Theo thánh Luca, khi họ đến nơi, trước tiên họ gặp Đức Maria, Thánh Giuse, rồi mới đến Hài Nhi. Thứ tự này chẳng phải là một sự tình cờ : vì chính nhờ bởi Đức Maria mà họ khám phá ra sự hiện diện của Chúa chí Thánh…
Tám ngày sau, Thánh Gia cử hành lễ cắt bì cho Hài Nhi như người ta vẫn thường làm cho mọi con trai đầu lòng. Đức Maria và Thánh Giuse đã hoàn tất theo luật định. Như thế dấu chỉ thuộc về dân tộc Do thái đã được ghi khắc trong thân thể Chúa Giêsu, Ngài thừa hưởng lời hứa dành cho Abraham và cho dòng dõi của ông. Và hơn thế nữa ngày hôm đó, ngày 1 tháng 1, đối với thế hệ tương lai, cũng trở thành ngày lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Cũng vậy 40 ngày sau, dịp dâng con trong Đền thờ cũng là dịp “thanh tẩy” Đức Maria đã hoàn toàn trinh khiết, Cha và Mẹ Hài nhi mang lễ vật của mình đến để chuộc lại Người con đầu lòng để tưởng nhớ những đứa trẻ được cứu thoát ở đất Ai cập trong đêm Vượt Qua. Một cách khiêm tốn, các ngài đã chấp nhận sự nghèo hèn của mình bằng việc chỉ hiến dâng “hai con chim bồ câu nhỏ”, là lễ vật được ấn định đối với những người thiếu thốn nhất.

Do đó liệu các thế hệ tương lai, có hiểu được cái nghèo khó của gia đình Nagiarét, liệu chúng ta có biết được sự trung thành của các ngài đối với lề luật, có thấy được sự khiêm nhường của đức Nữ trinh Vô Nhiễm đã chấp nhận để cho mình cũng giống như tất cả các bà mẹ khác được coi là « không thanh sạch » sau khi sinh Con trẻ ? Nhưng ngang qua những điều đơn giản ấy mà phụng vụ kitô giáo đã cử hành những ngày lễ trọng đại : Lễ Giáng Sinh,

Lễ Mẹ Thiên Chúa (Đầu năm mới), lễ Dâng Hiến… Chính sự trung thành trong những việc nhỏ đã làm nên sự vĩ đại của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse. Không huy hoàng, không chiến thắng, các ngài đã trung trung thành hoàn tất cách khiêm tốn các bổn phận của cuộc sống hằng ngày, ngay cả trong những suy nghĩ nhỏ nhất, những ham muốn nhỏ bé nhất và những cử chỉ đơn sơ nhất, các ngài đã sống vì tình yêu của Thiên Chúa.

b. Cuộc sống hằng ngày của Đức Maria

Trong sách “thời thơ ấu của Chúa Giêsu” của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô, ngài đã nhìn nhận rằng cuộc sống thường nhật mà Mẹ Maria đã trải qua là một cuộc sống không có những phép lạ (“non-signe”).

Vì những dấu chỉ duy nhất được trao cho Mẹ cũng như cho chúng ta chính là cuộc sống thường nhật : một chuyến đi, một trẻ chào đời, các khăn tả, một gia đình trẻ, có gì khác hơn cái thường nhật đâu ? Thật thế, các mục đồng chỉ biết có một điều : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người”. Đối với kẻ có niềm tin, tất cả mọi sự đều trở nên những dấu chỉ mà không cần đi tìm những biến cố lạ thường, còn đối với những ai thiếu niềm tin, họ đòi sự lý giải, ngay cả trong những phép lạ xảy ra. Những người chăn chiên đến viếng thăm Chúa Giêsu, ông Siméon bồng ẳm Hài Nhi : Đó là những sự kiện nói nên lời (tiếng pháp : événements-paroles ; tiếng hy lạp : Rema) mà Đức Maria đã mang lấy nó và suy ngẫm trong lòng. Và lúc Chúa Giêsu 12 tuổi, việc Ngài ở lại trong Đền thờ như một sự kiện mang tính ngôn sứ tiên báo về cái chết và sự Phục sinh của Đấng Cứu Độ : vì 21 năm sau Chúa Giêsu sẽ phải chết đi, và cho đến ngày thứ ba Ngài sẽ trở về nhà của Cha Ngài. Như thế cuộc sống thường nhật cũng thật bình thường và hơn nữa chính thái độ khó hiểu của chàng Thiếu niên (Giêsu) cũng giống như bao đứa trẻ khác. Chẳng phải điều đó cũng thường xảy ra trong các gia đình sao ? Và thánh sử kết luận rằng : “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”.

Khi người thiếu niên thành Nadareth đến tuổi trưởng thành, Ngài tách xa gia đình, Ngài dường như không theo đường lối của Mẹ và Cha Ngài. Ngài không cho cha mẹ ngài bất cứ một ưu tiên nào khác, Ngài từ chối đón nhận cha mẹ : Ngài ngồi giữa các môn đệ nhưng dường như lúc này chỉ có các môn đệ là đáng kể. Đức Maria đón nhận tất cả những điều đó từ người Con mà Mẹ thương mến. Mẹ bị quên lãng trong suốt cuộc sống công khai, nhưng Mẹ lại đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu, trung thành với Ngài dẫu Mẹ không hiểu cách cư xử của người Con và sự lãng quên của mọi người. Chính những điều đó đã làm cho Đức Maria lớn lên trong đức tin và trở nên Mẹ Giáo Hội ! Vì ngay cả khi Mẹ không hiểu, Mẹ vẫn yêu, Mẹ tin tưởng, Mẹ bước theo….

Nếu cuộc đời của Mẹ không có những đặc quyền, không có những phép lạ thì chính điều đó sẽ giúp chúng ta, dẫu chúng ta là ai đi chăng nữa, dẫu chúng ta không là những nhà huyền bí, chúng ta có thể đi vào trong tương quan với Chúa Giêsu nếu chúng ta dám trở nên người môn đệ của Ngài như Đức Maria. Khi nhìn ngắm Đức Maria, tất cả mọi người có thể trở thành những kẻ nghe lời Thiên Chúa và giữ lời Ngài…, để sinh ra Ngài. Thánh Têrêxa ngưỡng mộ cuộc sống đơn giản ấy của Đức Maria và trong bài thơ cuối cùng (bài thơ 54) chị đã viết “Mẹ ơi, tại sao con mến Mẹ” :

Mẹ ơi khi ngắm nhìn đời Mẹ trong từng trang Kinh thánh,
Con dám ngước trông Mẹ và ước đến gần Mẹ
Làm con Mẹ dường chẳng mấy khó khăn
Vì Mẹ cũng chết như con và đau khổ giống con…

Nơi Na-da-rét Mẹ tràn đầy ân sủng
Nhưng Mẹ từng qua cuộc sống thật khiêm nghèo
Không xuất thần, không phép lạ kèm theo,
Mẹ dọi sáng cuộc đời nơi dương thế.

Ở trần gian bao tâm hồn thơ trẻ
Ngước lên Mẹ không sợ hãi lao lung
Bởi có Mẹ Đấng khôn sánh, khâm sùng
Dẫn đoàn con về vùng Trời bất diệt

Dẫu biển trần triền miên muôn triệu sóng
Nhưng với Mẹ con vững mái tay chèo
Theo chân Mẹ con muốn sống khiêm nghèo
Theo lối nhỏ về Trời với Mẹ yêu.

c. Tâm hồn Đức Maria

Luca đã lập đi lập lại hai lần ở chương 2 câu 19 và câu 51 “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Nếu như các biến cố của thời thơ ấu của Chúa Giêsu chỉ có thể được Đức Maria kể lại vì Mẹ là nhân tố chính trong mầu nhiệm cứu độ, ai có thể là chứng nhân về những điều đó ? Đối với Mẹ các biến cố này trở nên Lời Thiên Chúa để Mẹ lắng nghe, để Mẹ ghi nhớ, để Mẹ dần dần đón nhận như là thánh ý Thiên Chúa và chia sẻ cho các môn đệ. Cho đến dưới chân Thập Giá và ngay cả cho đến lúc Mẹ về trời, Mẹ đã sống trong niềm tin mà không hiểu những gì đã xảy ra mặc dù Mẹ đã hiến dâng trọn vẹn, từng ngày để hiểu biết và nhận ra chân lý. Mẹ không giải thích, Mẹ chỉ ghi nhớ, Mẹ không ngừng sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa trong Mẹ. Đó chẳng phải là thái độ của người môn đệ sao ? Để cho tâm hồn được Thiên Chúa tôi luyện nhờ việc chiêm niệm các biến cố và để cho các biến cố này trở nên Lời của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta. Để làm theo Ý muốn ấy, chúng ta cần điều chỉnh ước muốn của chúng ta, chúng ta cần tôn trọng Ý muốn ấy và không bao giờ diễn giải theo ý chúng ta hoặc theo ý người khác. Như Đức Maria, chúng ta cần học lắng nghe Thiên Chúa bằng ba phương thế : Thiên Chúa nói với chúng ta trong tâm hồn, nơi người khác và qua các sự kiện… Chính vì vậy lòng sùng kính Kitô giáo đã tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, Trái tim đầy ân sủng, Trái tim để cho Thiên Chúa thực hiện điều Ngài muốn, Trái Tim hoàn toàn nên một với Trái Tim Con của Người. Thật vậy, chính khi suy niệm về những câu cuối cùng của trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng mà thánh Gioan Eudes đã được thúc đẩy để sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vì thánh Luca nói với chúng ta về trái tim của Đức Mẹ là để hướng lòng chúng ta về với trái tim Chúa Giêsu, Đấng “Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29).
“Nếu chỉ có một người Mẹ của Đức Ki-tô sinh ra Ngài trong con người bằng xương bằng thịt, thì tất cả mọi người được mời gọi sinh ra Đức Ki-tô trong đức tin. Vì tất cả mọi linh hồn được đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa khi linh hồn ấy không có gì đáng chê trách và sống trong sạch”. (Thánh Ambroise).

Chuyển ngữ : Nt. Maria Diệu Hiền (MTG. Qui Nhơn)