10. KHÔNG BIẾT BẰNG TRẮC

Một người nọ làm tiệc mời thầy giáo trường làng, ông thầy giáo này uống tràn cung mây như chưa bao giờ được uống, vợ của chủ nhà nhìn thấy liền vội vàng đứng dậy nhắn bảo người rót rượu cố ý cầm nghiêng bình rượu trước mặt khách, để ngụ ý nói cho khách biết là đã hết rượu, để ông ta biết mà không uống nữa.

Ông thầy giáo trường làng này rượu đã đến lúc cao hứng, nên không có chút gì là cảm giác, vợ của chủ nhà chịu không nổi nên vào trong phòng ngủ hét lớn:

- “Mau mời ông thầy giáo ngừng lại, ngay cả bình nghiêng (đồng âm với chữ bằng trắc) mà cũng không biết !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 10:

Ở đời có những người thấy rượu thì như mèo thấy mỡ, như kẻ si tình gặp được giai nhân, uống không biết mệt mỏi, đôi lúc làm mất đi nhân cách của mình và làm cho người khác thấy khó chịu...

Ở đời cũng có những người khi dọn tiệc mời khách thì cảm thấy đau lòng và không được vui, vì khách ăn uống quá nhiều...

Có vài người Ki-tô hữu khi vào trong nhà thờ thì đọc hết kinh này đến kinh khác, đọc từ kinh trái tim Chúa Giê-su đến kinh trái tim Đức Mẹ, đọc từ kinh thánh Giu-se đến kinh cầu cho các đẳng, từ kinh thánh An-tôn cho đến kinh Bảy Sự.v.v... họ đọc kinh mà y như là sợ Chúa nghe không hiểu nên phải đọc cho thật nhiều, đọc cho xôm trò, đúng là họ không biết “vần bằng vần trắc” trong cầu nguyện...

Đọc nhiều kinh chưa chắc Chúa đã nghe, nhưng nếu chúng ta biết dùng tâm hồn mà đọc, thì dù chỉ một kinh thôi, Thiên Chúa cũng “nghe” rất rõ và rất mau đáp lại lời của chúng ta cầu nguyện...

“Vần bằng vần trắc” trong cầu nguyện chính là “miệng đọc tâm suy”, và đó cũng là bí quyết của cầu nguyện vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info