Chúa Nhật III Phục Sinh
Cv 5,27b-32. 40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19

Hôm nay, cộng đoàn chúng ta cử hành Chúa Nhật III Phục Sinh. Trong thánh lễ này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về chủ đề niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh qua ba điểm: Tin là gặp gỡ Đấng Phục Sinh; Tin là yêu mến Người, và cuối cùng tin là làm chứng cho Người.

1- Tin là gặp gỡ Đấng Phục Sinh

Toàn bộ sứ điệp Tin Mừng được viết lại dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh. Kitô Giáo khởi đi từ biến cố này. Quả thế, khi chứng kiến Chúa Giêsu chết trên thập giá, các Tông Đồ nghĩ rằng: Mọi sự kết thúc nơi nấm mồ. Họ tản mác và về quê tìm nghề sinh sống. Nhưng biến cố phục sinh đã làm thay đổi mọi sự.
Chúa Kitô hiện ra với các Tông Đồ để củng cố đức tin cho họ. Ban đầu, thấy Chúa họ cứ tưởng là ma. Sau những lần gặp gỡ trực tiếp, xem thấy tay chân và các dấu đinh Chúa, họ mới nhận ra: “Chúa đó.” Từ kinh nghiệm gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, các Tông Đồ đã gắn bó và dấn thân cho Người.
Như thế, đức tin chính là gặp gỡ và gắn bó với Đấng Phục Sinh. Ngày hôm nay, Người tiếp tục hiện diện và tỏ mình ra cho chúng ta qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta có thể đến để gặp gỡ và sống thân tình với Đấng Phục Sinh.

2- Tin là yêu mến Đấng Phục Sinh

Trong Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Chúa Giêsu không đòi hỏi gì ngoài lòng yêu mến. Người hỏi ông đến ba lần. Điều này cho thấy tình yêu là điều kiện tiên quyết, là quan trọng nhất để làm Tông Đồ của Chúa. Tin vào Đấng Phục Sinh là yêu mến Người trên hết mọi sự, với một tình yêu hiến dâng, quảng đại, không tính toán và vô điều kiện.

Lòng yêu mến đó phải được thể hiện qua việc tín thác vào Chúa và làm theo Lời Chúa dạy. Thật vậy, sau một đêm vất vả mà không thu được kết quả gì, Đức Kitô bảo các ông: “Cứ thả lưới bên phải thuyền, thì sẽ bắt được nhiều cá.” Vâng lời Thầy, Phêrô và các môn đệ thả lưới. Phép lạ đã xảy ra; họ “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy cá.” Phép lạ này là kết quả của sự tín thác vào Chúa. Như thế, nếu không có Chúa, mọi cố gắng của con người chỉ là “công dã tràng xe cát biển đông.” Ai tín thác vào Chúa, người đó sẽ gặt hái những hoa quả tốt đẹp.

Thánh Phêrô trong bài đọc I cho chúng ta một nguyên tắc để phân định và tín thác vào Chúa. Đó là nguyên tắc: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người phàm” (Cv 5,29). Đây là tiêu chuẩn giúp chúng ta hành xử khi sống trong một xã hội vô thần, nếu luật dân sự trái nghịch với luật tự nhiên và Thiên luật, chúng ta có bổn phận khước từ và chống lại luật dân sự để tuân theo luật tự nhiên và Thiên luật. Ví dụ như luật về hôn nhân, gia đình, phá thai, chết êm dịu…

3- Tin là làm chứng cho Đấng Phục Sinh

Tất cả những ai đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh đều đã cảm thấy nhu cầu và bổn phận loan báo Người cho kẻ khác
.
Các người phụ nữ là những người đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh, họ đã trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên của Người.

Hai môn đệ Emmaus sau khi gặp và nhận ra Đấng Phục Sinh, họ đã mau mắn quay trở lại báo tin cho các bạn biết.

Các Tông Đồ khác cũng thế, sau khi gặp Đấng Phục Sinh, mỗi người một phương, bất chấp bạo quyền và khó khăn, họ hăng say rao giảng Tin Mừng.

Cũng thế, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho người khác trong môi trường sống hôm nay. Cánh đồng truyền giáo còn mênh mông, trên thế giới cứ ba người, thì có hai người chưa biết Chúa. Trên đất nước Việt Nam, người Công Giáo chỉ có khoảng 8-9% dân số. Như thế, còn rất nhiều người chưa biết Chúa. Lời mời gọi truyền giáo trở thành cấp thiết. Chúng ta có bổn phận truyền giáo cho những người chưa nhận biết Chúa. Truyền giáo phải trở thành nhu cầu thiết yếu của người Kitô hữu và chúng ta phải có xác tín như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16)!

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta một đức tin vững vàng, trung kiên và nhất là biến đổi chúng ta trở thành những nhà truyền giáo nhiệt thành cho Chúa Kitô Phục Sinh. Amen!