Lòng Chúa xót thương và biến cố 'Sri-Lanka' đau thương

Ngay đầu tuần Thánh, thứ hai 15.4.2019, thông tin về Vương cung Thánh đường Đức Bà Paris, thủ đô Pháp quốc, bị cháy dữ dội đã làm hầu như cả thế giới ngẩn ngơ, tiếc nuối về một công trình vừa của đức tin Kitô giáo vừa là văn minh, văn hóa của cả nhân loại.

Tuy nhiên, dù đó là công trình đồ sộ, dù nơi đó đã chứng kiến nhiều biến cố và sự kiện lịch sử, dù đó là di vật của trí tuệ đã trải qua hàng thế kỷ, dù giá trị vật chất và tinh thần của nó hết sức lớn..., vẫn không bằng mạng sống của loài người. Chỉ cần sự sống của một sinh linh, đã vô giá. Vì thế, sự sống của hàng trăm con người không thể nói hết, không thể có bất cứ điều gì sánh ví...

Vậy mà chưa đầy một tuần, Chúa Nhật 21.4.2019, ngay ngày đầu mùa tôn vinh Sự Sống, cũng là ngày lễ của Sự Sống, lễ mừng Chúa phục sinh, nhân loại lại chết điếng, từng người công chính như đứt từng đoạn ruột khi phải chứng kiến hàng trăm anh chị em đồng đạo bị thảm sát chỉ trong một ngày.

Sri Lanka nói chung, Thủ đô Colombo của nước này nói riêng, trở thành tên gọi vừa thân thương, vừa đau đớn tận cùng của mọi người công chính trên khắp thế giới khi nghĩ đến, hay chỉ cần nhắc đến.

Chúa Nhật thứ II phục sinh, ngày cuối của tuần Bát nhật phục sinh, Hội Thánh Công Giáo mừng lễ Chúa lòng thương xót trong bầu khí đau buồn về những cái chết hàng loạt vừa mới xảy ra đúng một tuần ấy.

Nhiều người tỏ ra bi quan về đức tin của chính mình. Có Chúa thật không? Những bi thảm diễn ra từng ngày gây nên đau khổ cho không biết bao nhiêu người, làm sao có thể gọi đó là lòng thương xót? Chưa biết có lòng thương xót không, nhưng sự dữ thì khắp thế giới đều chứng kiến. Sự dữ như sờ thấy được!

Là người Công Giáo, chúng ta phải trả lời thế nào cho nhiều anh chị em xung quanh về tình yêu thương xót của Thiên Chúa giữa bối cảnh tan thương này? Hình như sự thật trở thành chướng ngại lớn làm cho các môn đệ của Chúa Kitô gặp khó khăn khi rao giảng về lòng Thiên Chúa xót thương?

Trước khi trả lời bất cứ sự gì, ta phải khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ rằng, Thiên Chúa không làm ra sự dữ. Người không bao giờ muốn có sự dữ. Chính tấm lòng của Thiên Chúa không bao giờ muốn tấn công ai, không bao giờ muốn đẩy ai vào con đường cùng, nhưng chỉ ngự trị sự từ ái, tha thứ, bao dung.

1. Sự dữ xuất phát từ lòng người.

Biến cố quá bi thương của ngày Phục sinh là minh chứng rõ ràng về sự tàn ác mà con người dành cho nhau. Kẻ thủ ác giết người có tính toán, có hệ thống, có kế hoạch. Chúng hành động chính xác đến nỗi những nơi chúng thảm sát là thủ đô và vùng lân cận, là những nhà thờ lớn, trong chính ngày lễ trọng nhất của Kitô giáo, quy tụ đông tín hữu nhất, và giờ giấc các vụ nổ hầu như đồng loạt, chính xác trong cùng một giờ, hoàn tất mọi vụ nổ chỉ trong một ngày.

Điều đáng buồn hơn nữa là, dù biết trước cuộc thảm sát có thể xảy ra, nhưng chính phủ Sri Lanka không có bất cứ hành động nào để ngăn chặn. Họ giữ im lặng đến phút cuối. Họ không có một thông báo hay tuyên bố nào để người dân có thể đề phòng.

Nhờ sự im lặng đến lạ thường của chính phủ mà cuộc thảm sát đã diễn ra thành công đúng như kế hoạch của những kẻ thủ ác, khiến nhiều người nghi ngờ, ngay trong nội bộ quốc gia, có sự kỳ thị tôn giáo. Hay chính phủ cố tình làm ngơ trước những hành động nhằm thanh trừng Kitô giáo?

Sự ác xuất phát từ lòng người. Đó là điều Chúa Giêsu từng cảnh báo: "Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế" (Mc 7, 21-23).

Chính lòng người thù hận đã dẫn đến quá nhiều oan khuất, thê lương. Ngay thời khởi đầu vũ trụ, con người đã giết nhau: Cain giết chính em ruột mình là Abel. Rồi từ đó, lịch sử nhân loại đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc giết hại từ lẻ tẻ đến hàng loạt một cách tàn bạo, đẫm máu, phi nhân tính...

2. Chúa Giêsu, nạn nhân của sự dữ.

Ta không thể hiểu vì sao Chúa không cất sự dữ. Nhưng ta biết chắc, tội ác trong lòng người đã không tha chính Con Thiên Chúa làm người.

Chúa Giêsu, Đấng đã bị loài người loại trừ, thì Thiên Chúa dùng chính sự chết và sống lại của Người để cứu độ loài người, cho phép những kẻ mang phận người cùng được phục sinh, được thừa hưởng cơ nghiệp vĩnh cửu của Người trong nhà Thiên Chúa, trong sự sống trường tồn của Thiên Chúa.

3. Vài điểm giáo lý.

- Sự dữ là vô cùng đáng sợ. Nhưng nhìn về khía cạnh tích cực, sự dữ nhắc nhở ta về thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình, để ta luôn sẵn sàng cho bất cứ lúc nào, nếu phải kết thúc hành trình đời mình.

- Dù Thiên Chúa không muốn sự dữ xảy ra. Nhưng trong trường hợp sự dữ đã xảy ra, Thiên Chúa có thể rút ra từ sự dữ, những điều tốt lành. Thậm chí, Người còn lấy ra từ sự dữ những giá trị thánh, giá trị hằng sống, giá trị cứu độ, giá trị vĩnh cửu... Chính cái chết của Chúa Giêsu là bằng chứng.

- Qua sự dữ mà ta đang phải đối mặt, Chúa có thể giáo dục ta như người cha dùng roi để đánh con mình. Qua sự dữ mà ta kiên trung chịu đựng, đức tin của ta mạnh mẽ hơn, lòng cậy trông vững vàng hơn, tình yêu mến ngày càng hoàn thiện hơn.

- Chúng ta cần ghi nhớ: Chúa công bằng vô cùng. Bởi khi một người gặp phải nhiều khổ đau ở đời này, họ sẽ không hoặc giảm việc đền tội mà họ phải gánh chịu ở đời sau.

Tôi tin rằng, Chúa có cách của Chúa để dành phần ưu ái, dành sự yêu thương cho những nạn nhân của những vụ thảm sát, kể cả khi họ qua đời hay còn sống. Nhất là những cuộc thảm sát diễn ra giữa lúc họ làm nghĩa vụ thờ phượng và đang biểu lộ cách cao nhất lòng tin tưởng vào Chúa trong thánh lễ Phục sinh mà họ đang tham dự.

- Trong Hội Thánh, giáo lý về đến tội thay là một giáo lý đẹp. Chúa Kitô vô tội đã đền tội thay cho cả loài người. Cũng vậy, biết bao nhiêu người hy sinh chính mình đền tội thay cho những kẻ tội lỗi. Và tất cả những người được chọn làm vật tế sinh, làm của lễ đền tội, Chúa sẽ có cách của Chúa để trả lại cách cân xứng những gì mà họ phải chấp nhận.

Vì thế, tôi tiếp tục tin rằng, chính vì tội lỗi của tôi, của mọi người, của cả thế gian này, mà nhiều anh chị em đã phải đau khổ. Nhìn vào những gì họ phải chịu, tôi nhận ra rằng, Thiên Chúa tố cáo tội ác của tôi nơi chính họ, để tôi sống tốt hơn, đẹp lòng Chúa hơn. Từng ngày sống trong đời, tôi phải phục sinh chính mình như Chúa muốn.

4. Nội dung Tin Mừng trong lễ kính Chúa lòng thương xót.

Tin Mừng khả dĩ giúp ta vững tin hơn. Thánh Gioan ghi nhận, có đến hai lần Chúa Phục sinh hiện ra với các tông đồ. Cả hai lần, Chúa đều mạc khải dấu Thánh giá trên thân thể Phục sinh của Người. Thậm chí, Chúa còn mời: “Tôma, hãy xỏ ngón tay của con vào lổ đinh trên tay Thầy đây, hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thầy”.

Chúa Kitô không tự nhiên mà Phục sinh, nhưng Phục sinh từ trong đau khổ, Phục sinh từ trên Thánh giá. Hôm nay, dù đã sống lại, đã chiến thắng khải hoàn, thân xác Phục sinh chói ngời đã cùng quyền năng Thiên Chúa bước vào vô biên, bước vào vĩnh cửu, nhưng bây giờ hiện ra với môn đệ, thân xác Phục sinh rạng ngời ấy vẫn còn y nguyên dấu của thánh giá.

Rõ ràng Phục sinh không giết chết Thánh giá. Chúa không xóa dấu tích Thánh giá. Dấu Thánh giá vẫn theo Chúa ngay cả khi Chúa đã Phục sinh.

Bởi Thánh giá vẫn còn nguyên vẹn trong ơn Phục sinh, nên dù hôm nay Chúa đã Phục sinh, thì cuộc đời vẫn còn đó đầy dẫy những khổ đau, những thách thức mà lòng người phải cam chịu.

Dù trải qua quá nhiều mất mát, tôi tin rằng lòng thương xót của Chúa mãi mãi vẫn chan đầy. Lòng thương xót đã từng trao ban trong quá khứ. Chắc chắn, lòng thương xót ấy như dòng suối cuồn cuộn chảy mãi, sẽ vững bền, sẽ trường tồn đến muôn đời.