Nguyên bản: The church in ruins
Fr. Ed Tomlinson

Thật đau lòng khi thấy Nhà thờ Đức Bà, trong số những Nhà thờ Chính toà Công Giáo phương Tây mang tính biểu tượng nhất, bị ngọn lửa thiêu rụi trên màn hình tivi tối hôm qua. Điều đó làm tôi khóc. Thảm họa này là một sự mất mát thực sự của di sản văn hóa và lịch sử thế giới. Đối với các Kitô hữu đích thực, điều đó còn tồi tệ hơn. Nó cũng tượng trưng cho sự mất mát di sản tôn giáo của chúng ta. Đau lòng làm sao khi nghĩ đến cửa sổ hoa hồng tuyệt đẹp này chẳng hạn, tồn tại hơn 800 năm, bùng nổ dưới sức nóng dữ dội và mù quáng của ngọn lửa. CẬP NHẬT: Ca ngợi Chúa - cửa sổ này đã sống sót. Mặc dù những cái khác thì không.

Một vài người đã khiển trách tôi trên các phương tiện truyền thông xã hội vì đã dám nói rằng đám cháy này có vẻ là một điềm báo gở. Một dấu chỉ thời đại khủng khiếp. Một hồi chuông cảnh tỉnh thế giới phương Tây đã có tất cả nhưng gần như loại trừ Chúa Kitô và đức tin; hướng đến một thế giới mới không còn chấp nhận nền văn hóa và văn minh đã truyền cảm hứng cho viên ngọc kiến trúc này. Tôi vẫn giữ lời nói của mình bất chấp những lời chỉ trích như vậy. Hình ảnh của Nhà thờ chính toà tráng lệ này, bị tước đi vẻ đẹp bên trong của nó, và hiện đang đứng đấy như một cái vỏ sò rỗng tuếch không còn là nó trước đây, vẫn khiến tôi xem như một biểu tượng sâu sắc về những gì đã xảy ra với Kitô giáo, cả bên trong lẫn bên ngoài, trong những thập kỷ gần đây.

Tôi cũng bị chỉ trích vì nói rằng đây không phải là một sự cố biệt lập, trong khi chúng ta chưa thể biết nguyên nhân của vụ cháy vào lúc này. Bởi vì các thiệt hại cho di sản Kitô giáo của Pháp đã lan rộng và tàn phá kể từ đầu năm. Các phương tiện truyền thông chính thống dường như không có xu hướng đưa tin về nó nhiều nhưng nhiều nhà thờ đã bị đốt cháy và phạm thánh trên khắp nước Pháp bởi những kẻ thù với đức tin.

Vào tháng Ba, Nhà thờ St. Sulpice ở Paris đã bị hư hại do hỏa hoạn. Vào tháng Hai, cây thánh giá trung tâm ở Nhà thờ Notre Dame des Enfants ở Nimes đã bị vấy bẩn bằng phân người và nhà tạm bị cạy ra để ném Mình thánh vào đống rác hôi thối. Cùng tháng đó, Nhà thờ Thánh Alain ở Lavaur đã bị hư hại bởi hỏa hoạn cùng với khoảng 20 nhà thờ khác trên khắp nước Pháp. Ngoài ra, các bức tượng đã bị đập vỡ và các nhà tạm bị phá huỷ để xúc phạm đến Mình thánh Chúa. Mỗi một trường hợp phá hoại đáng buồn này đã chạm đến chính con tim của đạo Công Giáo ở Pháp.

Trong bối cảnh đó, quả là chính đáng khi tự hỏi liệu vụ cháy mới nhất này có thể là một cuộc tấn công khác? Tôi hy vọng là không. Có nhiều khả năng đây là một tai nạn. Sự thật có thể hiện lên nếu không bị che đậy. Nhưng điều không thể phủ nhận, khi chúng ta nghĩ đến một ngôi nhà thờ khác bị hư hại ở Pháp, đó là sự thù địch ngày càng tăng và sự khinh miệt biểu lộ đối với các Kitô hữu hiện nay là có thật. Điều đó có nghĩa là chúng ta có nguy cơ mất mát nhiều hơn một số tòa nhà lịch sử, đó là sự phá hủy có hệ thống triết lý Do Thái-Kitô từng truyền cảm hứng, giờ gây nguy hại cho toàn bộ văn hóa và di sản của phương Tây. Cuộc chiến văn hóa là có thật và sự mất mát của Nhà thờ Đức Bà là một cú đánh khác vào sự nghiệp Kitô giáo.

Xin Chúa cho ngọn lửa này làm cho các kẻ thù của Giáo hội tạm dừng để suy nghĩ. Xin Chúa mọi người bắt đầu đánh giá cao hơn các di sản tôn giáo và văn hóa của chúng ta và nhận ra giá trị và đóng góp của Giáo hội cho xã hội văn minh. Xin Chúa đem lại một sự thay đổi giọng điệu trước ấn tượng rất sai lầm và không công bằng được đưa ra trong thời gian qua, cho rằng người Công Giáo luôn là những kẻ xấu. Sự thật là có quá nhiều sự thờ ơ đối với đau khổ của các Kitô hữu trong thời khắc hiện tại, nhưng cũng có rất nhiều thù hận và thù địch. Làm sao chúng ta có thể truyền cảm hứng về một sự hà hợp xác thực hơn trong xã hội biết quan tâm chăm sóc và tôn trọng cả các Kitô hữu nữa?

Thảm họa thường mang đến điều tích cực bất ngờ. Và đó là một tin tốt lành khi Tổng thống Macron hứa tái thiết nhà thờ Đức Bà và một tỷ phú người Pháp đã cam kết đóng góp 100 triệu Euro cho công việc này. Nỗi sợ duy nhất của tôi đó là công việc này không tỏ ra là đồng cảm với tầm nhìn ban đầu, nỗi sợ hãi có cơ sở bởi sự kiện là Macron đã tuyên bố rằng việc tân trang sẽ diễn tả “các giá trị hiện đại” - nếu nó phản ánh thế giới trần tục và chương trình hiện tại của nó kỳ quặc và không phù hợp với một cấu trúc Kitô giáo lịch sử. Thời gian sẽ trả lời. Phải chăng chúng ta sẽ thấy một cái gì đó hiện đại và tàn bạo? Hoặc một sự xây dựng lại đầy thiện cảm theo phong cách và tầm nhìn của cái gì đã có trước và đã ban cho chúng ta ngôi Nhà thờ tuyệt đẹp này? Và tôi không chỉ nói đến các tòa nhà.


Source:Catholic Herald