Sau khi Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, bị kết án 6 tháng tù treo, Sandro Magister, ký giả kỳ cựu về Vatican đã có bài nhận định sau với tựa đề Dopo le condanne dei cardinali Pell e Barbarin. Chiesa sotto assedio, smarrita – “Sau những vụ kết án các Đức Hồng Y Pell và Barbarin, Giáo Hội bị vây hãm và sững sờ” đăng trên tờ L’Espresso của Ý ngày 11 tháng Ba, 2019.

Ở Úc, Đức Hồng Y George Pell đã bị kết án tù. Tại Pháp, Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, đã bị kết án sáu tháng tù treo. Đương nhiên, không thể loại trừ trường hợp các Hồng Y và Giám Mục nổi tiếng khác phải chịu sự phán xét của các tòa án thế tục, bị buộc tội lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc che đậy.

Đối với Giáo Hội Công Giáo, điều này mở ra những vấn đề nghiêm trọng rất đáng chú ý, đặc biệt là khi đối mặt với những điều này chúng ta không thể hiện được sự tự tin về cách thế đối phó với những vấn nạn này.

Đặc biệt, có ba vấn nạn sau.

1. Nếu người ta đòi truy tố chính Đức Giáo Hoàng thì sao?

Cả hai Đức Hồng Y Pell và Barbarin đều bị kết tội dựa trên các bằng chứng chẳng có chút thuyết phục nào, cả hai đều bị kết tội trong một phiên tòa thứ hai sau khi phiên tòa thứ nhất kết thúc mà không đưa ra bản án có tội. Đối với Đức Hồng Y Barbarin, ngay cả công tố viên cũng đã yêu cầu tha bổng cho ngài. Cả hai vị Hồng Y đều nói rằng các ngài vô tội, và đã nhất mực đòi kháng cáo.

Tuy nhiên, trong phạm vi Giáo Hội, như một sự thận trọng, khi phiên tòa vẫn đang được tiến hành, Đức Hồng Y Pell đã được yêu cầu không được thực thi các thừa tác vụ công khai và không được tiếp xúc với các trẻ vị thành niên. Và vài ngày trước đây, Đức Hồng Y Barbarin đã tuyên bố từ chức, và chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng không có chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận đơn từ chức của ngài.

Trong trường hợp Đức Hồng Y Pell, người ta đã thông báo rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ mở một tiến trình điều tra giáo luật. Và có khả năng điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Đức Hồng Y Barbarin.

Nhưng đó là loại tiến trình nào? Và được tiến hành ra sao? Theo những hướng dẫn chung, liên quan đến các giám mục bị coi là có tội hoặc lơ là không giải quyết đến nơi đến chốn trong các vấn đề lạm dụng, Đức Phanxicô đã công bố vào tháng 6 năm 2016 một tông thư có tên “Come una maadre amorevole”, trong đó - như ngài đã giải thích trong cuộc họp báo trên đường từ Ái Nhĩ Lan trở về Rôma vào ngày 26 tháng 8 năm 2018 – “nhiều người nói rằng nên thành lập hẳn một tòa án đặc biệt cho việc xét xử các giám mục,” một lần cho tất cả. Tuy nhiên, ngay sau đó, chính Đức Phanxicô đã khẳng định rằng “điều này là không thể thực hiện được”, và đã chọn cách dùng đến một bồi thẩm đoàn được thiết lập cho từng trường hợp một. Đức Phanxicô đã đưa ra một trường hợp làm ví dụ - là trường hợp của Tổng Giám Mục Anthony Sablon Apuron của đảo Guam, bị kết án sơ thẩm bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin nhưng chính Đức Phanxicô xét đơn kháng cáo, với sự trợ giúp của một ủy ban các chuyên gia về giáo luật.

Các thủ tục cho đến nay vẫn chưa rõ ràng và đầy lúng túng. Tháng 11 năm ngoái, Đức Phanxicô đã cấm Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ không được bỏ phiếu để hình thành nên một tổ chức giáo dân độc lập được trao nhiệm vụ tiến hành các điều tra sơ khởi về các giám mục bị điều tra. Giải pháp thay thế được Đức Hồng Y Blase Cupich đưa ra là giao nhiệm vụ điều tra ban đầu cho Tổng Giám Mục của giáo tỉnh cũng chưa thể thành luật, mặc dù Đức Hồng Y Cupich đã đưa điều này ra một lần nữa trong Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội từ 21 đến 24 tháng Hai, được triệu tập với mục đích duy nhất là chiến đấu chống tai ương lạm dụng tính dục.

Những người chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Cupich đưa ra nhiều lý do, trong đó có quan ngại sâu xa rằng việc giao phó cuộc điều tra đầu tiên cho vị Tổng Giám Mục của giáo tỉnh - hoặc cho một giám mục khác - có nguy cơ dẫn đến tai tiếng là đưa bản án trở lại vào tay các giáo sĩ, những người đồng hội đồng thuyền với nhau, có thể bị cám dỗ để hỗ trợ lẫn nhau.

Nhưng chưa hết đâu. Nếu người ta buộc tội chính Đức Giáo Hoàng thì sao? [Ngày 13 tháng Chín, 2011, một nhóm luật sư trình lên Tòa án Quốc tế Hình sự tại The Hague một cáo trạng dài 80 trang đòi truy tố Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và ba vị Hồng Y của giáo triều Rôma về tội che đậy lạm dụng tính dục ]

2. Tiến trình tố tụng theo giáo luật nên diễn ra thế nào? bình thường hay hành chánh?

Trong trường hợp của McCarrick, ngày 15 tháng 2 vừa qua, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra phán quyết về việc tước bỏ tư cách giáo sĩ khi kết thúc một tiến trình tố tụng giáo luật hành chánh, có nghĩa là một tiến trình được đơn giản hóa và vắn tắt.

Bộ Giáo Lý Đức Tin hầu như luôn luôn tiến hành theo thủ tục ngoại thường này, trong hàng ngàn trường hợp thuộc thẩm quyền của mình liên quan đến các vấn đề lạm dụng. Với McCarrick, điều này khiến cho có thể nhanh chóng đạt được bản án cho hồi tục, trước khi Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội được triệu tập tại Vatican từ ngày 21 đến 24 tháng Hai. Nhưng điều này dẫn đến một bất lợi nghiêm trọng: đó là không thể tái cấu trúc trong bối cảnh tư pháp, mạng lưới những người đồng lõa hay những ai đã có sự ưu ái đối với đương sự, trong nhiều năm qua, và đâu là những ai trong hàng giáo phẩm từ lâu vẫn biết về những hành vi sai trái của đương sự.

Vấn đề được nhiều người nêu ra là tiến trình tố tụng theo giáo luật trong trường hợp của Đức Hồng Y Pell nên diễn ra thế nào? bình thường hay hành chánh?

Bộ Giáo Lý Đức Tin chắc chắn sẽ chờ đợi kết quả của tiến trình kháng cáo của Đức Hồng Y Pell trước khi đưa ra các quyết định riêng của mình. Phiên điều trần sơ bộ được tổ chức trong hai ngày 5 và 6 tháng Sáu. Cần nhớ rằng trong những trường hợp liên quan đến lạm dụng tính dục, Tòa Thánh thường tiến hành theo tiến trình tố tụng hành chánh sau khi một tòa án thế tục đã đưa ra phán quyết của nó.

Trong những trường hợp như thế này, Tòa Thánh đã quen với việc lấy phán quyết của tòa án thế tục làm cơ sở cho nhận định của mình. Và do đó, nếu tiến trình kháng cáo của Đức Hồng Y Pell thất bại tại Úc, thì điều này thường sẽ dẫn đến một bản án của Giáo Hội trục xuất Đức Hồng Y Pell khỏi hàng giáo sĩ.

Đây là lý do tại sao các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell khăng khăng yêu cầu Tòa Thánh không được áp dụng tiến trình tố tụng hành chánh đối với thân chủ của họ, nhưng phải tiến hành theo trình tự giáo luật thông thường, không bị chi phối bởi kết quả của các phiên tòa thế tục ở Úc. Nói cách khác, đó là một tiến trình tố tụng tự chủ hơn, tự do hơn, có chủ quyền hơn.

3. Phán quyết kiểu nào cũng chết

Và điều gì sẽ xảy ra khi Tòa Thánh đưa ra phán quyết về trường hợp Đức Hồng Y Pell?

Nếu đó là một bản án kết tội, cho cân xứng với những gì có thể được quyết định bởi tòa phúc thẩm Úc, thì sẽ có những tràng pháo tay từ dư luận thế tục, cũng như từ những nhà vô địch của phe “không khoan dung” trong Giáo Hội.

Nhưng chắc chắn sẽ có những chống đối ngay trong lòng Giáo Hội được đưa ra bởi những người cho rằng đây là sự thất bại của các quyền cơ bản là có được một phiên tòa công bằng, những người nhìn ra sự thiếu nhất quán trong các cáo buộc, và nhận định rằng đây là một hành động hủy hoại Giáo Hội khi khom lưng khuất phục trước các thế lực thế tục.

Nếu thay vào đó là phán quyết cho rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, trái với bản án có thể được quyết định bởi tòa án Úc, sẽ có những người ngưỡng mộ quyền tự trị và lòng can đảm của Giáo Hội khi đề cao công lý.

Nhưng chắc chắn sẽ có những phản ứng gay gắt không chỉ từ dư luận thế tục mà thôi, nhưng ngay cả từ hàng ngũ của Giáo Hội, những người sẵn sàng buộc tội chính Giáo Hội mình là bao che cho các tội lỗi lạm dụng tính dục.

Đây chính xác là những gì đã được cựu thẩm phán của tòa án liên giáo phận Pierre Vignon viết bằng giấy trắng mực đen liên quan đến trường hợp Đức Hồng Y Barbarin. Vị linh mục này là người đã công khai kêu gọi Đức Hồng Y Barbarin từ chức vào mùa hè năm ngoái, trước khi phiên tòa thứ hai kết thúc, và sau khi phiên tòa đầu tiên đã kết thúc với phán quyết Đức Hồng Y vô tội.

Ngài linh mục Pierre Vignon viết như sau:

“Tôi đã được hỏi nhiều lần về việc tôi sẽ phản ứng thế nào nếu Đức Hồng Y được tòa án tuyên bố vô tội. Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Lương tâm của một Kitô hữu không cần phải chờ bản án của tòa án để biết phải làm gì. Nếu Hồng Y Barbarin không bị kết án, thì dù thế nào đi nữa, ông ta không còn xứng đáng có thể trình diện trước mặt các nạn nhân.”

Và đó cũng là thông điệp của bộ phim “Grâce à Dieu”, chủ đề và mục tiêu không ai khác ngoài Đức Hồng Y Barbarin, được trình chiếu ngay trước khi tòa án Lyon tuyên án ngài.

Trở lại trường hợp của Hồng Y Pell, có một số người thậm chí sợ rằng chính phủ Úc - dưới áp lực của dư luận - có thể giải thích phán quyết Đức Hồng Y vô tội của Tòa Thánh như một sự lên án ngầm hệ thống tư pháp Úc, và kết quả là phá vỡ quan hệ với Tòa Thánh vì tự ái chủ quyền quốc gia.

Cho dù các kết quả bi thảm này có xảy ra hay không, Giáo Hội thực sự đang trong thời kỳ bị vây hãm.


Source:L’Espresso