Khoảng thời gian 100 năm qua kể từ năm 1917 tới năm 2017 được kể là thời kỳ tóm lược bản tin mừng đầu hết (protoevangelium), lúc Thiên Chúa nói với con rắn rằng “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người đàn bà”. Cuộc chiến 100 năm qua nói lên giai đoạn rõ nét nhất của mối thù này. Nó bắt đầu năm 1917 với cả việc mạc khải của Đức Mẹ Fatima lẫn cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga vô thần. Trong 100 năm qua, cái cơ thể kitô giả vô hình kia đã mặc lấy hình thức kệch cỡm nhất của nó trong chủ nghĩa duy vật vô thần, hiện thân nơi các chính phủ theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản khắp nơi trên thế giới. Con rắn đã trở thành Con Thủy Quái Leviathan. Trước “Cách Mạng Tháng Mười”, tại Fatima, Đức Mẹ đã cảnh cáo về Nước Nga rồi, hồi tháng 7 năm 1917; ngài nói rằng “Nước này sẽ gieo rắc các sai lầm của nó ra khắp thế giới, gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội”. Những điều khác, như ta biết, nay đã thành lịch sử.

Trong tháng và năm kỷ niệm lần thứ 100 Cách Mạng Tháng Mười này, thiển nghĩ nên nhớ lại “đại họa Satan” như lời Đức Piô XII từng mô tả, từng giáng xuống thế giới qua các mưu chuớc thâm độc của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Điều này đặc biệt quan trọng khi giai cấp ưu tú và cảm tình viên văn hóa Tây Phương, đã từ lâu, vốn đang tìm cách tối thiểu hóa các tội ác của chủ nghĩa Mácxít, điều mà tờ The New York Times làm gần đây qua “hàng loạt những hồi ức thân thương và nuối tiếc về những ngày xưa thân ái của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ 20” như nhận định của tờ The Federalist. Có lẽ nay là lúc duyệt lại những trò tồi bại của “thế kỷ đỏ” bằng cách đọc những tác phẩm như The Black Book of Communism (Sách Đen về Chủ Nghĩa Cộng Sản) hay Quần Đảo Gulag của Solzhenitsyn, xem những cuốn phim như The Killing Fields.

Thế còn chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 thì sao? Chỉ cần đọc các hàng tít lớn của báo chí về Venezuela. Trước đây không lâu, Venezuela vốn là một nước thịnh vượng, giầu nhờ dầu hỏa, một phép lạ của chủ nghĩa xã hội! Nay, sau 18 năm của chủ nghĩa Mácxít Chavez-Maduro, nó là đáy hỏa ngục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người trong nước có nguy cơ chết đói, buộc phải ăn trộm ăn cắp, ăn cả các con thú trong sở thú… Điều đáng buồn, đấy không phải là những khác thường của trải nghiệm xã hội chủ nghĩa mà là chuyện thường tình của trải nghiệm này. Tuy nhiên, các món đó có thể hợp khẩu vị hơn là cỏ và vỏ cây ở quốc gia nhà tù Bắc Hàn. Các sự kiện của lịch sử cho thấy những tên mị dân Cộng Sản từng sát hại tới 140 triệu người (như Tiến Sĩ Paul Kengor trích trong The Politically Incorrect Guide to Communism) từ Lenin tới Stalin tới Mao tới Pol Pot tới Kim Jong-un tới Chavez tới Che và Fidel. Danh sách còn dài. Dù sao, Lenin có lần nói rằng bạn phải đập vài chiếc trứng mới làm được món trứng chiên; 140 triệu chiếc trứng đã bị đập, để làm một món trứng chiên!

Ngược lại, Giáo Hội chưa bao giờ bị lừa bởi những trò bịp bợm của chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Ngay từ đầu, hết thông điệp này đến thông điệp nọ đã phê phán ý thức hệ sai lầm của Marx và Hegel. Thực vậy, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói rõ: “Giáo Hội vốn bác bỏ các ý thức hệ toàn trị và vô thần có liên hệ với ‘chủ nghĩa cộng sản’ hay ‘chủ nghĩa xã hội’ thời nay” (số 2425).

Sách Giáo Lý vắn tắt chỉ có thế, nhưng các thông điệp của các vị giáo hoàng thì nhiều chi tiết hơn và thẳng thừng lên án.
Năm 1846, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố Qui Pluibus (Về Đức Tin và Tôn Giáo), đánh thẳng vào Marx, người sẽ cho công bố Tuyên Ngôn Cộng Sản vào năm 1848. Đức Piô IX viết về “lý thuyết Cộng Sản không thể nói được”, một lý thuyết : “hết sức trái nghịch với chính luật tự nhiên. Vì nếu lý thuyết này được chấp nhận, thì đây là ngày tàn hoàn toàn của luật lệ, chính phủ, tư hữu của mọi người và thậm chí chính xã hội con người cũng sẽ sụp đổ theo”. Ngài cảnh cáo chống lại “các kế sách đen tối nhất của những con người đội lốt chiên mà thực ra bên trong là những con chó sói săn mồi”.

Năm 1878, Đức Giáo Hoàng Leo XIII viết về các sự ác của chủ nghĩa xã hội trong Quod Apostolici Muneris (Về Chủ Nghĩa Xã Hội). Ngài bắt đầu thông điệp bằng cách nói tới “nạn đại dịch chết người đang lan vào chính kết cấu xã hội con người và dẫn nó tới bờ tiêu diệt”.Sau đó, Đức Leo XIII đơn cử “nhóm người, dưới nhiều danh xưng khác nhau và gần như man rợ, gọi là người xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, hay hư vô chủ nghĩa, và là những người, rải rác khắp thế giới, và liên kết với nhau bằng những mối dây găn bó chặt chẽ trong một liên minh xấu xa, không còn cách dấu diếm trong các cuộc họp bí mật nữa, nhưng, một cách công khai và dạn dĩ đã tiến thẳng ra ánh sáng ban ngày, và mưu toan đem lên hàng đầu điều chúng đã đặt kế hoạch từ lâu, tức việc lật đổ mọi xã hội dân sự bất kể thuộc loại nào”.

Thông điệp cũng cảnh giác rằng các người xã hội chủ nghĩa tìm cách tiêu diệt hôn nhân và gia đình. Đối với các người xã hội chủ nghĩa, không thể có bất cứ lòng trung thành gắn bó nào đối với Thiên Chúa và gia đình, mà chỉ trung thành gắn bó với Nhà Nước đầy quyền năng mà thôi. Đức Giáo Hoàng Leo quả quyết rằng “Nền tảng của xã hội này trước hết hệ ở cuộc kết hợp bất khả tiêu của chồng và vợ phù hợp với sự cần thiết của luật tự nhiên”. Ấy thế nhưng, “các lý thuyết xã hội chủ nghĩa mưu toan gần như hoàn toàn tiêu hủy cuộc kết hợp này”.

Mười ba năm sau, tức năm 1891, Đức Giáo Hoàng Leo XIII lại công bố một thông điệp nữa về lao động và tư bản và giai cấp lao động trong Rerum Novarum, văn kiện nền tảng của giáo huấn xã hội Công Giáo thời hiện đại. Ngài viết: “Để sửa chữa các sai lầm này, các người xã hội chủ nghĩa, dựa trên lòng ghen ghét người giầu của người nghèo, mưu toan dẹp bỏ quyền tư hữu…” Giáo Hội tuyên bố điều này “hoàn toàn không công chính”, và “phương thuốc họ đề nghị rõ ràng chống lại công lý. Vì, mọi người, do bản chất của họ, đều có quyền sở hữu tư làm của riêng”.

Chủ nghĩa xã hội xây dựng trên ý niệm tham của người (coveting), vi phạm các điều răn thứ chín và thứ mười. Rerum Novarum chỉ rõ điều đó: “Thẩm quyền thiên luật qui định thêm bằng cách ngăn cấm ta, bằng những từ ngữ nghiêm khắc nhất, không được tham muốn những của vốn thuộc về người khác”. Chủ nghĩa xã hội cũng được xây dựng trên ý niệm sai lầm là đấu tranh giai cấp. Ở đây nữa, Đức Giáo Hoàng Leo XIII bác bỏ sai lầm của nó: “ý niệm cho rằng giai cấp này tự nhiên thù nghịch giai cấp kia, và người giầu và người lao động, từ bản chất, vốn đã được định phải sống trong cảnh tranh chấp lẫn nhau. Quan điểm này phi lý và sai lầm đến chỗ trực tiếp mâu thuẫn với sự thật”.

Cũng như trong các thông điệp trước đó, Đức Leo XIII, một lần nữa, đã bênh vực các định chế gia đình và hôn nhân chống lại các cuộc tấn công của chủ nghĩa xã hội: “gia đình… có các quyền lợi và nghĩa vụ đặc thù đối với chính nó, hoàn toàn độc lập đối với Nhà Nước. Do đó, ý kiến tranh cãi cho rằng chính phủ dân sự nên có quyền can thiệp vào và thi hành quyền kiểm soát chặt chẽ đối với gia đình và gia hộ là một sai lầm lớn lao và nguy hại”.

Năm 1931, Đức Giáo Hoàng Piô XI ban hành thông điệp Quadragesimo Anno nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp Rerum Novarum, thông điệp mà nó gọi là “Đại Hiến Chương” của giáo huấn xã hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Piô thẳng thừng quả quyết rằng “Ta đưa ra lời tuyên bố sau đây: bất kể được coi như một lý thuyết, hay một sự kiện lịch sử, hoặc một phong trào, chủ nghĩa xã hội… hoàn toàn xa lạ đối với sự thật của Kitô Giáo”. Ngài còn đi xa hơn bằng cách quả quyết rằng “Giống mọi sai lầm khác, nếu chủ nghĩa xã hội chứa đựng một sự thật nào đó, thì nó vẫn dựa vào một lý thuyết về xã hội con người của riêng nó mà thôi và không thể hòa giải với Kitô Giáo chân chính. Chủ nghĩa xã hội tôn giáo, chủ nghĩa xã hội Kitô Giáo, là những hạn từ mâu thuẫn; không ai một lúc vừa là người Công Giáo tốt vừa là người xã hội chủ nghĩa đích thực”.

Nhưng còn chủ nghĩa xã hội nhẹ nhàng (socialism-lite) thì sao? Đức Piô cũng bác bỏ cả hình thức này nữa một các khá sức tích: “Ta cũng tập trung chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội một lần nữa để phê phán và thấy mọi hình thức của chúng, cả hình thức được biến cải hơn cả, đều sa lạc khỏi các giới điều của Tin Mừng”. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII sau đó cũng đã lặp lại điểm vừa nói trong thông điệp Mater et Magistra năm 1961; ngài nói: “Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nhấn mạnh hơn nữa việc chống chọi hết sức nền tảng giữa chủ nghĩa cộng sản và Kitô Giáo, và làm mọi người hiểu rõ rằng không một người Công Giáo nào có thể ủng hộ ngay cả hình thức xã hội chủ nghĩa ôn hòa”.

Nói cho ngay, Đức Piô cũng đòi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản cực đoan phải tôn trọng nhân phẩm của người lao động, tức những người “không thể bị mua bán như một món hàng”. Ngài chỉ rõ: điều cần không phải là một phản ứng quá đáng, như các người xã hội chủ nghĩa đề nghị, nhằm tiêu diệt toàn bộ hệ thống thị trường tự do, nhưng đúng hơn, “phương thuốc thứ nhất và cần thiết nhất là cải tổ nền luân lý”. Lập trường của Giáo Hội luôn luôn là một phương thức quân bình, bảo vệ quyền lợi của cả chủ nhân lẫn công nhân qua việc quay về với đức ái Kitô Giáo và quan tâm đến người lân cận của mình.

Đức Giáo Hoàng Piô để lại lời phê phán nghiêm khắc nhất của ngài đối với “đại dịch Cộng Sản”. Ngài mô tả nó bằng những dòng và những đoạn như: “cuộc đấu tranh giai cấp không ngừng nghỉ và cuộc tận diệt tuyệt đối quyền tư hữu”; “sử dụng mỗi một và mọi phương tiện, cả các phương tiện bạo động nhất”; “sự độc ác và bất nhân của nó”; “cuộc sát hại và tiêu diệt kinh hoàng”; “nó công khai thù nghịch đối với Giáo Hội Thánh Thiện và với chính Thiên Chúa”; “đặc điểm vô đạo đức và vô đạo lý của chủ nghĩa cộng sản”; “dùng bạo lực và sát hại, nó tìm cách tiêu diệt cả xã hội”; “dọn đường cho việc lật đổ và tiêu diệt xã hội”.

Đức Giáo Hoàng Piô XI chưa lấy làm đủ. Năm 1937, ngài ban hành một thông điệp khác, Divini Redemptoris, về chủ nghĩa cộng sản vô thần. Ngài không cần gìn giữ ý tứ chi nữa. Ngài khuyên “các tín hữu đừng để mình bị đánh lừa! Chủ nghĩa cộng sản sai lầm từ nội tại, và không ai sẵn sàng muốn cứu nền văn minh Kitô Giáo lại có thể hợp tác với nó trong bất cứ việc gì”. “Nó là một hệ thống đầy sai lầm và ngụy biện”. Thông điệp này nhằm trực tiếp vào “mối nguy hiểm cận kề” đặt ra bởi “chủ nghĩa cộng sản Bônxêvích và vô thần, nhằm lật nhào trật tự xã hội và phá hoại chính các nền tảng của nền văn minh Kitô Giáo”.

Chủ nghĩa cộng sản đặc biệt xảo quyệt khi nó “cướp mất mọi phẩm giá của con người nhân bản”. “Không hề có sự thừa nhận bất cứ quyền lợi nào của cá nhân trong mối tương quan của họ với tập thể”. Trong tập thể, “mọi hình thức tư hữu đều bị nhổ rễ”. Tập thể cai trị cả hôn nhân lẫn gia đình. “Không hề có sợi dây hôn phối nào … mà lại không lệ thuộc ý muốn võ đoán của cá nhân hay tập thể”. Hãy nghĩ tới các “cuộc ly dị bằng postcard”. Việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản vốn được nâng đỡ bởi việc “tuyên truyền ma quái của con cái bóng tối” và “âm mưu giữ im lặng” của báo chí không Công Giáo, một phần “do các lực lượng trong bóng tối, từ lâu, vốn âm thầm làm việc để lật đổ trật tự xã hội Kitô Giáo”.

Năm 1991, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Centesimus Annus nhân kỷ niệm năm thứ 100 của thông điệp Rerum Novarum. Nó nhắc lại giáo lý Công Giáo dạy rằng vấn đề gốc rễ của chủ nghĩa toàn trị hiện đại là sự phủ nhận phẩm giá siêu việt của con người nhân bản. “Chủ nghĩa xã hội coi con người cá thể chỉ là một yếu tố, một phân tử trong cơ thể xã hội, đến nỗi lợi ích của cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sự vận hành của bộ máy kinh tế xã hội”. Chủ nghĩa quân phiệt và cuộc đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác được dẫn khởi từ “cùng một gốc rễ, tức là chủ nghĩa vô thần và sự khinh miệt đối với con người nhân bản, những chủ nghĩa đặt nguyên tắc bạo lực lên trên nguyên tắc lý trí và luật pháp”. Như Đức Cha Fulton Sheen từng khôn ngoan nhận xét, “Chủ nghĩa cộng sản cố gắng thiết lập một điều bất khả: tình huynh đệ con người mà không có tình phụ tử Thiên Chúa”.

George Orwell biết rất rõ sự lừa dối của xã hội chủ nghĩa này, qua việc thích ứng câu thần chú trong Animal Farm (Trại súc vật), “Mọi động vật đều bình đẳng”. Mầu cờ đích thực của họ cuối cùng đã bị lật tẩy. Đây là một thứ doublethink (chấp nhận các ý kiến trái ngược nhau cùng một lúc, nhất là do nhồi sọ chính trị) của Đảng. Nó gợi nhớ một cách kỳ lạ thứ crimethink (thổ ngữ được ý thực hệ của đảng sàng lọc) và cảnh sát suy nghĩ của năm 1984 đối với môi trường duy chính xác chính trị (political correctness) hiện nay tại các khuôn viên đại học Mỹ và trong các chính phủ châu Âu. Bức tường Bálinh có thể đã sụp đổ và Liên Bang Xô Viết đã bị giải thể nhưng chủ nghĩa Mác văn hóa vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những tiên phong tiến bộ của cánh tả tiếp tục là những người thừa kế ý thức hệ của những người theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản thế kỷ XX. Họ tiếp tục cuộc cách mạng bằng cách tiếp nhận “các lỗi lầm của Nga” và tấn công quyền tư hữu, thị trường tự do, tự do cá nhân và tự do ngôn luận, hôn nhân truyền thống và gia đình, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Có thể tại thời điểm này không có một “Đế Quốc Ma Qủy” (Evil Empire), một nhà nước toàn trị duy nhất, nhưng có một trạng thái tâm thức toàn trị hiện diện; sự thúc đẩy độc đoán trong các phương tiện truyền thông và các hệ thống giáo dục, chính phủ và tư pháp của chúng ta. “Big Brother” (Tay Anh Chị) vẫn đang rình rập đâu đó.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có hy vọng. Giáo hội đã chiến thắng chủ nghĩa cộng sản Xô viết. Và, Chúa Kitô đã ban cho chúng ta sự bảo đảm hồng phúc này: các cửa hỏa ngục sẽ không chiếm ưu thế đối với Giáo hội. Trong những ngày ảm đạm năm 1917, giữa Thế chiến I, và việc phóng ra đủ thứ tệ nạn của chủ nghĩa cộng sản vô thần, Đức Trinh Nữ Maria đã hứa, “cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng”. Đúng thế, con Thủy Quái sẽ tiếp tục bất ngờ tấn công và hoành hành, nhưng các đầu của nó đã bị nghiền nát.