TRÊN CHUYẾN MÁY BAY CHỞ Đức Giáo Hoàng- Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn đến Iraq, đã xác nhận ngài sẽ du hành tới Nhật Bản vào tháng 11 và mô tả bức tường được xây ở biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ là kết quả của nỗi sợ hãi khiến mọi người hành động phi lý.



Đức Phanxicô đang trên đường đến Panama, và mặc dù ngài thường không trả lời các cuộc phỏng vấn chính thức hoặc các cuộc họp báo trên các chuyến bay đi ra của mình, vào thứ Tư, ngài đã cung ứng một số lời tuyên bố với một số nhà báo đi cùng ngài khi ngài đích thân chào hỏi từng người họ.

Nói chuyện với một nhà báo người Ý gần đây có tới Tijuana, Mễ Tây Cơ và là người nói với Đức Giáo Hoàng rằng bức tường đề xuất của chính quyền Trump được dự kiến sẽ nới ra tới tận đại dương, mô tả nó như là một "chuyện điên", Đức Giáo Hoàng đã trả lời: "nỗi sợ khiến chúng ta ra hóa khùng."

Crux đã gửi cho Đức Phanxicô một thông điệp từ tổng giám mục mới được phong chức của Mosul, Irak, người muốn xin Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Ngài nói với một nụ cười "Có, nhưng chính họ nói với tôi bây giờ không phải lúc. Chắc chắn, họ đã đánh nhau. Nhưng đó là lý do tại sao tôi gửi Quốc vụ khánh tới đó... Tôi muốn đi, và trong lúc chờ đợi, tôi theo dõi tình hình chặt chẽ".

[Đức Phanxicô đang nhắc đến một chuyến đi vào dịp Giáng Sinh đến Iraq của Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin, Quốc vụ Vatican và phụ tá ngoại giao hàng đầu của ngài.]

Một trong những thành viên trong đoàn tùy tùng của ngài đã nói với Crux ngay sau đó "để đưa ra một dấu hiệu hòa bình, Đức Giáo Hoàng dám lên cả mặt trăng".

Đức Tổng Giám Mục Michael Najeeb Mousa đã được Đức Hồng Y Raphael Sako tấn phong vào Thứ Sáu tuần trước, và việc bổ nhiệm ngài được coi là một dấu hiệu hy vọng. Tuy nhiên, 95% thành phố đã bị ISIS phá hủy, điều này có nghĩa là Đức Cha Mousa không còn nơi nào để sống và không còn nhà thờ nào còn lành lặn. Ngài nói với Crux rằng ngài có kế hoạch sống ở Karamles gần đó cho đến khi ngài có thể có sẵn "một phòng".

Trò chuyện với một nhà báo Nhật Bản, Đức Phanxicô đã xác nhận điều mà lâu nay người ta đồn đại: ý định đến thăm Nhật Bản vào tháng 11. Tuy nhiên, ngài không đưa ra bình luận nào về việc dừng lại ở Bắc Triều Tiên, giống như ngài đã làm ở Cuba trên đường tới Mễ Tây Cơ vào tháng 2 năm 2016 để tổ chức một cuộc họp lịch sử với Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga.

Người ta cũng biết rõ: Đức Giáo Hoàng quan tâm đến tình hình ở bán đảo Triều Tiên và khi ngài đến thăm Hàn Quốc vào tháng 8 năm 2014, người ta cũng đồn rằng ngài có thể đến gần biên giới chia cắt hai quốc gia.

Cristina Cabrejas, một nhà báo người Tây Ban Nha của hãng tin EFE, đã trình bầy với Đức Phanxicô một miêu tả của báo tranh trẻ em về cậu bé 14 tuổi xuất phát từ Mali bị chết đuối năm 2015, trong một trong những vụ đắm tàu tệ hại nhất ở Địa Trung Hải. Từ lâu, Đức Phanxicô vốn quan tâm đến số phận của những người di cư, vì chuyến đi đầu tiên của ngài là đến đảo Lampedusa của Ý, cảng nhập cảnh vào châu Âu của nhiều người chạy trốn khỏi Châu Phi và Trung Đông. Nó diễn ra ngay sau khi một con tàu bị chìm vào năm 2013, khiến Đức Giáo Hoàng xúc động tận cõi lòng.

Mặc dù có thể là không đáng tin, nhưng có tin đồn nói rằng Đức Phanxicô đã yêu cầu Quốc vụ khanh tổ chức chuyến đi đó và được cho biết là rất phức tạp, vì ngài đang chuẩn bị phải tới Brazil dự Ngày Giới trẻ Thế giới ngay sau đó. Tuy nhiên, người ta cho rằng Đức Giáo Hoàng đã từ chối không chấp nhận câu trả lời không và đã mua cho mình một vé máy bay tới Lampedusa dưới tên riêng của ngài, là Jorge Mario Bergoglio. Alitalia, hãng hàng không theo lịch sử vốn đưa Đức Giáo Hoàng thực hiện các chuyến đi nước ngoài, đã cho Vatican biết chuyện và chuyến đi trở nên không phức tạp.

Cậu bé trong bức ảnh được trình bày trước Đức Giáo Hoàng, gần đây được nhận dạng bởi một bác sĩ pháp y (forensic) người Ý đang làm việc để nhận dạng các thi thể của các vụ tai nạn xảy ra, đã khâu điểm học bạ của mình vào túi quần, nghĩ rằng, vì chúng tốt, chúng sẽ phục vụ em như một hộ chiếu và mở cho em cánh cửa đến một cuộc sống mới.

Cabrejas đã đưa cho Đức Giáo Hoàng một cuốn sách của bác sĩ pháp y, và khi ngài đưa nó cho một người giúp ngài, Đức Phanxicô đã yêu cầu vị này "giữ nó ở một nơi thuận tiện, vì tôi muốn nói về điều này trên đường về".

Giáo hoàng rất thoải mái và có tâm trạng tốt, dành thời gian cho từng nhà báo, thậm chí ký một tấm bưu thiếp cho con trai của một phóng viên, một em bé sẽ lãnh nhận phép thêm sức từ tay ngài vào thứ Bảy khi cha em vắng mặt.

Một dấu hiệu khác cho thấy tâm trạng tốt của ngài là nhiều câu chuyện vui mà ngài đã kể trong gần một giờ chào hỏi mọi người. Một trong số chuyện vui đó là với phóng viên kiêm nhiếp ảnh người Mỹ Scott King of Fox, người đã nói với Đức Giáo Hoàng "chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha", nghe thế, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra câu đáp hài hước rất tiêu chuẩn của ngài: "Cho tôi hay chống lại tôi?"

Được Crux yêu cầu tránh đi du lịch vào tháng 1 năm sau và thay vào đó là vào tháng 2, vì truyền thống đi du lịch đầu năm mới làm gián đoạn thời gian nghỉ hè của gia đình, Đức Phanxicô cười, xin lỗi và nói "tôi không chắc mình sẽ còn sống tới năm sau hay không", một điều ngài đã nói nhiều lần trước đây.