Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Khai thác bóc lột phụ nữ là tội lỗi chống lại Thiên Chúa.

Sáng thứ Sáu 15 tháng 6, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những suy tư của ngài dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu, khi Chúa Kitô nói với đám đông dân chúng rằng: “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” và “ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình”.

Bài suy niệm của ngài là một sự phản ánh về nhiều cách thế khác nhau mà những người phụ nữ đang bị khai thác và bóc lột trong xã hội ngày nay. Ngài than phiền về tình trạng nhiều phụ nữ bị lạm dụng, bỏ rơi và một số phụ nữ trẻ phải bán phẩm giá của mình để kiếm sống.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cử tọa của ngài rằng phụ nữ là điều mà người nam còn thiếu để có thể là hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa. Ngài giải thích Chúa Giêsu đã dùng những từ ngữ triệt để, dứt khoát và có tính chất “thay đổi lịch sử” như thế nào. Cho đến lúc đó, người phụ nữ chỉ được coi là công dân hạng hai trong xã hội, họ bị “nô lệ hóa”; và “thậm chí không được hưởng tự do hoàn toàn”.

Giáo huấn của Chúa Giêsu về phụ nữ thay đổi lịch sử. Quan điểm của nhân loại đối với phụ nữ trước Chúa Giêsu và sau Chúa Giêsu đã thay đổi. Chúa Giêsu mang lại phẩm giá cho phụ nữ và đặt họ ngang hàng với nam giới, bởi vì như lời đầu tiên của Ðấng Tạo Hóa cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, cả hai người nam nữ; không phải người nam trước rồi sau đó người phụ nữ thấp hơn một chút. Không! Cả hai! Và khi một người nam không có người nữ bên cạnh - dù như là một người mẹ, như một người chị, như một cô dâu, như một người bạn, hay như một người đồng nghiệp – thì người nam ấy tự chính mình không phải là hình ảnh của Thiên Chúa.

Khi trình bày một cách đặc biệt về những từ ngữ trong Phúc Âm nói về những người đàn ông ham muốn phụ nữ, Đức Thánh Cha Phanxicô than thở về cách thức con người ngày nay đối xử với phụ nữ như các đối tượng của ham muốn tà dâm trên các phương tiện truyền thông; và những hình ảnh phụ nữ bị “làm nhục” hoặc “không mặc quần áo” thường được sử dụng để bán các sản phẩm.

Ngài chỉ ra rằng việc khai thác phụ nữ không xảy ra ở những nơi xa xôi. Nó xảy ở đây, chung quanh chúng ta, nơi chúng ta sống và ở nơi làm việc. Phụ nữ là đối tượng của “não trạng xài và quăng bỏ”, thậm chí không được coi là những con người.

Ðây là một tội chống lại Thiên Chúa Ðấng Tạo Hóa khi loại bỏ người phụ nữ, bởi vì không có phụ nữ, những người nam chúng ta, không thể là hình ảnh của Thiên Chúa. Có một sự tức giận và căm ghét chống lại người phụ nữ, một cơn giận dữ tệ hại. Ngay cả khi người ta không nói ra điều đó. .. Nhưng đã bao nhiêu lần các cô gái phải bán mình như một món đồ dùng rồi bỏ để tìm lấy một công việc? Ðã bao nhiêu lần? Có người nói: “Vâng, thưa cha, tôi biết điều này xảy ra ở một đất nước nào đó. ..” Không, chính ngay ở Rôma này. Không cần đi đâu xa.

Chuyển sang chủ đề bóc lột tình dục phụ nữ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu cử tọa cho biết họ thấy gì khi đi dạo vào ban đêm quanh một số khu vực của thành phố nơi có rất nhiều phụ nữ bao gồm nhiều phụ nữ di cư đang bị khai thác như trong một phiên chợ. Ngài chỉ ra rằng những người nam đến gần các phụ nữ này chào “Hello” với họ nhưng rồi lại hỏi tiếp họ đáng giá bao nhiêu và ru ngủ lương tâm mình rằng những phụ nữ ấy chỉ là gái điếm thôi mà.

Tất cả những điều này xảy ra ở đây, ở Roma này, cũng xảy ra tại mọi thành phố. Các phụ nữ, chúng ta có thể gọi họ là những phụ nữ vô danh, vì sự nhục nhã che phủ gương mặt của họ. Họ là các phụ nữ không biết cười và nhiều người trong họ không biết niềm vui được cho con bú, niềm vui được là một người mẹ. Nhưng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, không cần đi đến những chỗ đó, cũng đã thấy cái tư tưởng tồi tệ loại bỏ phụ nữ, hay coi họ là “những con người thứ cấp”. Chúng ta phải suy tư kỹ về điều này. Khi làm điều này hay nói điều này, khi chấp nhận tư tưởng này, chúng ta khinh bỉ hình ảnh Thiên Chúa, Ðấng đã tạo nên người nam và người nữ giống hình ảnh Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nghĩ về việc buôn bán phụ nữ, khai thác và bóc lột phụ nữ. Người nữ bị chà đạp dưới chân chỉ vì họ là phụ nữ.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng của ngài bằng cách nhấn mạnh rằng trong khi thi hành sứ vụ của Ngài trên dương thế, Chúa Giêsu đã gặp rất nhiều phụ nữ bị khinh bỉ, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị loại bỏ; và với sự dịu dàng Người đã phục hồi phẩm giá của họ. Chúa Giêsu có một người mẹ và “nhiều bạn nữ theo Người để giúp Người trong sứ vụ của mình” và nâng đỡ cho Người.

2. Chúa Giêsu ao ước sự hòa giải

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “hòa giải triệt để” với nhau. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 14 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Phân tích bài Tin Mừng trong ngày (Mt 5: 20-26), Đức Thánh Cha nhận xét rằng Chúa Giêsu đã sử dụng trí khôn con người trong việc tranh luận với các môn đệ. Để đưa họ về với giáo huấn của ngài liên quan đến các mối quan hệ yêu thương, Chúa sử dụng một “ví dụ trong cuộc sống hàng ngày. .. đó là vấn đề lăng mạ”.

Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng

“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười khi nói rằng danh sách những lời lăng mạ mà Chúa Giêsu trích dẫn là kinh điển, đời nào cũng có những kẻ lăng mạ người khác như thế. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng những lời lăng mạ “mở ra một con đường dẫn đến giết người”. Chúng ta loại bỏ những người khác thông qua những lời lăng mạ. Chúng ta cướp mất đi sự tôn trọng họ đáng được hưởng. Khi xúc phạm người khác, chúng ta bịt miệng họ, chúng ta cướp đi tiếng nói của họ.

Những lời lăng mạ rất nguy hiểm bởi vì theo Sách Khôn Ngoan chúng dẫn đến ghen tỵ, là cách ma quỷ bước vào thế giới. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng. “Khi một người khác làm điều gì đó tôi không thích. .. hoặc khi ai đó đe dọa tôi, ghen tị xô đẩy tôi xúc phạm họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thật tốt khi tự hỏi mình:

Hôm nay tôi có xúc phạm ai không? Khi nào tôi dùng đến những lời lăng mạ? Khi nào tôi đóng trái tim của mình với người khác qua sự xúc phạm? Tôi có thể thấy được vị cay đắng của sự ghen tỵ ở đó khiến cho tôi mong muốn hủy diệt người khác để tránh những sự cạnh tranh, và ganh ghét, và những thứ đại loại như vậy. Không dễ tránh xa những những lời lăng mạ người khác. Nhưng chúng ta hãy nghĩ xem thật là đẹp đến mức nào nếu chúng ta không bao giờ sỉ nhục người khác. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta dừng lại vòng lẩn quẩn này.

Khi anh chị em đi dâng Thánh Lễ và anh chị em nhận thức được rằng một trong những anh chị em của mình có điều gì đó không hài lòng với mình, hãy đi và hòa giải với họ và với chính mình. Chúa Giêsu là người triệt để. Hòa giải không giống như một cách cư xử tốt. Không, hòa giải phải là một thái độ triệt để, một thái độ cố gắng tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như của chính mình. Từ xúc phạm đến hòa giải, từ ghen tị với tình bạn - đây là bài học mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta hôm nay.

3. Câu chuyện phép lạ giả tại Agoo, Phi Luật Tân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 vừa được cử hành vào ngày Chúa Nhật trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tức là vào ngày 13 tháng 5. Chủ đề Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới năm nay là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”.

Philip Kosloski, ký giả của tờ Aleteia, cho biết loại tin giả thường thấy nhất trong Giáo Hội là những tin cho rằng Đức Mẹ và Chúa Giêsu đã hiện ra nói điều này, điều nọ. Philip nhận thấy một số lớn các tin giả được người ta tung ra vì tin tưởng ngây thơ rằng tin giả có thể khiến người ta sống đạo đức hơn. Nhưng, đức tin chân chính không thể được xây dựng trên sự dối trá.

Trong chương trình này Như Ý xin trình bày với quý vị và anh chị em một trường hợp gây bối rối và hoang mang rất nhiều cho Giáo Hội tại Phi Luật Tân.

Judiel Nieva sinh năm 1977 là một người nam chuyển giới thành phụ nữ. Cô ta là con thứ 7 trong một gia đình có 8 người con.

Ngay từ thời thơ ấu, nhiều người tin rằng cô ta có một năng lực đặc biệt.

Nieva tuyên bố đã được thị kiến thấy Đức Trinh Nữ Maria vào năm 1987 khi cô mới 10 tuổi. Ngày 31 Tháng Ba, 1989, cô tuyên bố thấy Đức Mẹ hiện ra. Mô tả của Nieva về Đức Mẹ rất khác biệt với những hình ảnh truyền thống.

Cô nói Đức Mẹ mặc một chiếc áo dài màu trắng, đứng trên đỉnh một cây ổi. Trên trán Đức Mẹ có một ngôi sao sáu cánh. Dưới chân Đức Mẹ là một đám mây với 7 cánh hoa hồng. Đức Mẹ khóc và tiên đoán với cô nhiều sứ điệp có tính cánh chung nếu người dân Phi Luật Tân không ăn năn sám hối.

Công chúng ban đầu có khuynh hướng tin vào những tuyên bố của Nieva vì người ta nghĩ rằng một đứa bé còn ít tuổi như thế không thể nghĩ ra các sứ điệp đầy ý nghĩa như vậy. Các tượng Đức Mẹ theo lời mô tả của cô được cấp tốc làm ra với số lượng lớn và được gọi là Đức Mẹ Agoo, là tên của ngôi làng nơi cô sinh sống.

Một trong những bức tượng đó được đặt trong nhà cô và được cho rằng đã khóc ra máu. Cục điều tra quốc gia Phi Luật Tân, sau khi kiểm tra các mẫu lấy trên tượng cả quyết rằng đó là máu người và là loại máu “O”. Báo cáo này khiến người ta còn tin Nieva hơn nữa.

Ngọn đồi nơi cô cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra với cô được đổi tên thành “Apparition Hill”, nghĩa là đồi hiện ra. Hàng trăm ngàn người từ các miền khác của Phi Luật Tân và cả trên thế giới tuôn đến đây. Đức Hồng Y Jaime Lachica Sin cũng đã từng công khai cử hành Thánh Lễ tại địa điểm này.

Vào ngày 06 tháng Ba năm 1993, hơn một triệu người tụ tập để chứng kiến cuộc “thăm viếng” của Đức Trinh Nữ Maria mà cô cả quyết sẽ hiện ra với mọi người chứ không phải với một mình cô.

Nhiều quan chức chính phủ, giới truyền thông và thậm chí cả một giám mục Công Giáo đã tham dự vào những sự kiện tại đây. Nhiều thánh lễ được cử hành tại địa điểm này trước thời điểm được cho là Đức Mẹ sẽ hiện ra. Tuy nhiên, Đức Mẹ đã không hiện ra.

Giáo Hội chịu một sự nhạo báng trong nhiều năm sau đó tên các phương tiện truyền thông về chuyện này.

Một ủy ban thần học được thành lập cấp tốc bởi Đức Giám Mục Salvador Lazo. Cùng năm đó, ngài khẳng định không có yếu tố siêu nhiên trong các tuyên bố của Judiel Nieva.

Tuy thế, Nieva vẫn tiếp tục cho rằng mình được thị kiến thấy Đức Mẹ. Do đó, một ủy ban điều tra thứ hai được thành lập và vào năm 1996 tái khẳng định quyết định được công bố vào năm 1993. Dù thế, Nieva vẫn nổi tiếng như cồn.

Năm 2003, Nieva đóng vai chính trong một bộ phim nhan đề “Siklo”. Trong phim, cô đóng vai một người phụ nữ yêu một người hàng xóm đã có vợ. Bộ phim được dàn dựng nhằm sỉ nhục đức tin Công Giáo đã gây đau khổ cho nhiều người. Một người đã từng thấy Đức Mẹ hiện ra không thể hành động như thế được.

Tháng 7 năm 2003, cô bị một tai nạn xe hơi nhưng cô và cả người tài xế thoát chết trong gang tấc. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 năm 2003 Nieva nói rằng đó là nhờ Đức Mẹ. Ở một quốc gia sùng đạo như Phi Luật Tân, dù dân chúng bị gạt hết lần này đến lần khác, tuyên bố vẫn này khiến cho cô được nhiều người ái mộ, và sự nghiệp điện ảnh của cô tiếp tục đi lên như diều gặp gió.

Hiện nay, cô là sở hữu chủ của một khu nghỉ mát sang trọng tại thành phố La Union và một dãy các nhà hàng ở thành phố quê hương

4. Chứng tá Kitô là muối, và ánh sáng cho đời

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu là muối và ánh sáng cho đời qua các chứng tá cho Chúa Giêsu, chứ đừng thu hút sự chú ý của người khác nơi những giá trị của mình. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 12 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha nói các Kitô hữu được mời gọi để đưa ra các “chứng tá đơn giản như một thói quen” cho Chúa Giêsu. Ngài gọi đó là “sự thánh thiện hàng ngày”.

Chứng tá Kitô giáo, theo Đức Thánh Cha, có thể có nghĩa là tử vì đạo theo gương Chúa Giêsu. Nhưng cũng có một con đường khác hướng đến Chúa Kitô là sống thánh thiện trong những hành động thường nhật của chúng ta, khi chúng ta thức dậy, làm việc và đi ngủ.

“Nó có vẻ như một điều thật quá nhỏ nhặt, nhưng phép lạ được thực hiện thông qua những việc nhỏ như thế.”

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chứng tá Kitô phải được xây dựng trên sự khiêm tốn, chúng ta phải là muối và ánh sáng đơn sơ cho những người khác.

“Muối cho người khác; ánh sáng cho người khác: Bởi vì muối không cung cấp hương vị cho chính nó nhưng phục vụ người khác. Ánh sáng không tự chiếu sáng chính mình mà phục vụ người khác… Các siêu thị bán muối với số lượng nhỏ, không bán từng tấn. Và muối không tự quảng bá chímh mình vì nó không tự phục vụ. Nó tồn tại để phục vụ người khác, bằng cách bảo tồn mọi thứ và tạo ra hương vị. Đây là chứng tá đơn giản.”

Đức Thánh Cha cho biết chứng tá Kitô hàng ngày có nghĩa là trở nên ánh sáng cho người khác, “để giúp họ trong những giờ khắc đen tối nhất của họ.”

“Chúa phán: ‘Anh em hãy là muối; là ánh sáng. ’... Nhưng anh em làm như thế để người khác thấy và tôn vinh Thiên Chúa. Anh chị em thậm chí sẽ không nhận được bất kỳ điều gì. Khi chúng ta ăn, chúng ta không khen muối. Không, chúng ta nói mì ống hoặc thịt quá ngon. .. Khi chúng ta đi ngủ vào ban đêm, chúng ta không nói ánh sáng là tốt. Chúng ta lờ ánh sáng đi, nhưng chúng ta sống bằng ánh sáng. Kitô hữu phải trở thành các chứng nhân ẩn danh.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chúng ta chống lại cách hành động như người Pharisêu được nêu trong bài Tin Mừng, là người cảm tạ Chúa vì sự thánh thiện của người ấy. Ngài nói: “Chúng ta không phải là tác giả của những giá trị riêng mình.”

“Sự thánh thiện hàng ngày” có nghĩa là trở thành muối và ánh sáng cho người khác để vinh quang của Chúa, chứ không phải của mình, được tỏ hiện.

5. Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong việc truyền giáo

Hôm thứ Hai 11 tháng Sáu, nhân lễ kính Thánh Barnabas, trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài trên ba khía cạnh của việc truyền giáo được nhắc đến trong các bài đọc của phụng vụ trong ngày: đó là công bố, phục vụ và tính chất nhưng không.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, các bài đọc được chọn cho lễ kính Thánh Barnabas (Công vụ 11: 21-26; 12: 1-3 và Mátthêu10: 7-13) chứng minh rằng Chúa Thánh Thần là “nhân vật chính” trong việc công bố Tin Mừng. Công bố Tin Mừng không giống như các loại truyền thông khác. Do tác động của Chúa Thánh Thần, việc công bố Tin Mừng có quyền năng “thay đổi con tim”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng có những kế hoạch mục vụ dường như hoàn hảo, nhưng “những kế hoạch ấy lại không có khả năng thay đổi con tim” bởi vì chúng kết thúc nơi chính bản thân mình. “Chúng không phải là các công cụ truyền giáo”, ngài khẳng định.

Công bố Tin Mừng không phải là một thái độ kinh doanh mà Chúa Giêsu gửi đến cho chúng ta. Không, công bố Tin Mừng là một hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đó là lòng can đảm. Lòng dũng cảm thực sự bên trong việc truyền giáo không phải là sự bướng bỉnh của con người. Không, chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta lòng dũng cảm và là người đưa anh chị em tiến về phía trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô xem phục vụ là chiều kích thứ hai của việc truyền giáo. Việc theo đuổi một sự nghiệp hay những thành công “trong Giáo Hội là một dấu hiệu chắc chắn rằng người đó không biết truyền giáo là gì vì người chỉ huy phải là người phục vụ”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng:

“Chúng ta có thể nói những điều tốt đẹp nhưng khi không có sự phục vụ, thì đó không phải là công bố Tin Mừng. Nó có vẻ như thế, nhưng không phải, vì Chúa Thánh Thần không chỉ đưa anh chị em về phía trước để loan báo sự thật của Chúa và sự sống của Ngài, nhưng Chúa Thánh Thần cũng dẫn dắt anh chị em đến với sự phục vụ anh chị em của mình, ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất. Thật kinh khủng khi bạn tìm thấy những người truyền giáo mà lại bắt những người khác phải phục dịch họ và sống một cuộc sống thoải mái của kẻ được cung phụng. Họ giống như các hoàng tử truyền giáo - thật khủng khiếp.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày tính nhưng không như khía cạnh thứ ba của việc truyền giáo vì không ai có thể được cứu chuộc bằng chính những công đức của mình. Chúa nhắc nhở chúng ta, “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10: 8).

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Tất cả chúng ta đã được cứu rỗi cách nhưng không bởi Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, chúng ta phải cho đi nhưng không. Những ai thực hiện công việc mục vụ truyền giáo phải học được điều đó. Cuộc sống của họ phải là nhưng không, phải được trao ban cho tha nhân trong sự phục vụ, trong những lời công bố phát sinh từ Chúa Thánh Thần. Sự thanh bần cá nhân của họ mở lòng họ ra với Thánh Linh Thiên Chúa.