1. Giáo hội Hàn Quốc ca ngợi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, kêu gọi tha thứ và hòa giải.

“Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên là một bước tiến hòa bình mới cho Hàn Quốc, cho Châu Á và toàn thế giới. Tôi cầu nguyện và ban phước lành cho hai vị lãnh đạo. Trong dịp này tôi không khỏi tưởng nhớ lại những khoảng khắc đau buồn cuả cuộc chiến Cao Ly mà hàng triệu người vẫn còn phải sống trong cảnh bi thương vì gia đình bị chia cắt hai bên biên giới. Hôm nay là một niềm hy vọng mới. “

Đó là lời cuả đức cha Lazzaro You Heung-sik, Giám mục Daejeon và là Chủ tịch Ủy ban mục vụ xã hội cuả Agenzia Fides, trong lời bình luận về hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un.

Hội nghị thượng đỉnh đã công bố một chiều hướng tổng quát là “một sự thay đổi lớn” ở bán đảo Triều Tiên và sự giải giới vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên “sẽ bắt đầu rất sớm”.

Đức Giám Mục Lazzaro You nói với Agenzia Fides: “Tôi cảm thấy hạnh phúc bởi vì, với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu cuả một thời đại mới của Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh đổi mới tất cả mọi thứ. Cái tinh thần mới mà chúng ta đang cảm thấy ngày hôm nay tại Hàn Quốc là tinh thần ‘Hy Vọng’, Chúng ta phải chú ý đến những dấu hiệu của thời đại và hướng về tương lai đang chờ đón chúng ta. Các dấu hiệu ngày hôm nay thì rất đáng khích lệ và chúng ta cảm tạ Chúa vì điều này “.

Đức Giám Mục cũng lên tiếng ghi nhận sự kiên trì của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In: “Ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống một năm trước với một mục đích rõ ràng là hòa bình và giảm căng thẳng. Ông đã xây dựng mối quan hệ với các cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ với một mục tiêu là hoà bình. Hôm nay chúng ta đang nhìn thấy những thành quả đầu tiên của sự kiên định đó “.

Đức cha Lazzaro kết luận: “Đằng sau những tuyên bố về ý định và cam kết bằng lời nói, chúng ta phải chờ đợi những việc làm, chúng ta chờ đợi những lời nói hoa mỹ được đưa vào thực hành. Nghĩa là bắt đầu con đường tha thứ và hòa giải. Đó là hy vọng của chúng ta và mong muốn của chúng ta cho tương lai của Hàn Quốc”

2. Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn: Thượng đỉnh Singapore quả là một sự kiện lịch sử.

Sứ Thần Tòa Thánh tại Nam Hàn và Mông Cổ là Tổng Giám Mục Alfred Xuereb đã ca ngợi cuộc họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Tổng Thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un là một “sự kiện lịch sử” và Giáo Hội đặt rất nhiều “hy vọng và tin tưởng”. Tuy nhiên, Đức Sứ Thần Tòa Thánh cũng cảnh báo rằng chúng ta mới chỉ là bước đầu của một hành trình dài.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, từ Hán Thành, Đức Tổng Giám Mục Xuereb nói rằng nhân dân Triều Tiên và Giáo Hội địa phương đã rất nóng lòng chờ đợi “những sự kiện lịch sử này”. Ngài mô tả cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un “mở ra một trang sử rất quan trọng cho bước đầu của một hình trình dài và gian nan” tiến về hòa bình.

Đồng thời Đức Tổng Giám Mục Xuereb cũng nói rằng “Chúng ta có hy vọng bởi vì bước đầu này rất tích cực, rất tốt” và chúng ta đã đổi từ tranh luận và những từ ngữ như “bắn phá và cuồng nộ” hoặc “ tiêu diệt hoàn toàn Bắc Hàn” ra những lời lẽ mang tính hòa giải hơn để nói về hòa bình.

Sứ thần Tòa Thánh nói rằng Giáo Hội Triều Tiên đang sống trong những sự kiện này với “niềm tin tưởng vĩ đại”. Ngài cho biết Nhà Thờ Chính Tòa Công Giáo ở Hán Thành đã tổ chức cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình và hòa giải vào mỗi ngày Thứ Ba. Ngài cũng cho biết là các Giám Mục Công Giáo ở Nam Hàn đã đề xuất làm một tuần chín ngày từ ngày 17 đến ngày 25 tháng Sáu để cầu nguyện cho hòa bình, hòa giải và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Sau thượng đỉnh lịch sử này và trong không khí thân thiện hòa giải hơn được nảy sinh, Đức Tổng Giám Mục Xuereb nói rằng Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo của Bắc Hàn.

Ngài nói “Tòa Thánh mong muốn được ủng hộ bất cứ một sáng kiến nào đưa đến đối thoại và hòa giải và cũng nhân cơ hội này mang Tin Mừng của Chúa Kitô đến Bắc Hàn.”

3. Anh chị em giáo dân Singapore cũng cầu nguyện cho cuộc họp Trump-Kim

Trước thềm cuả cuộc bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un vào ngày 12 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo cuả Singapore là Đức Cha William Goh đã kêu gọi người Công Giáo và các Kitô hữu khác hợp nhau tại nhiều nhà thờ ở Singapore để cầu nguyện cho hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên diễn ra ngày 12 tháng 6. Sáng kiến cầu nguyện này là để thực hiện lời kêu gọi cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 10 tháng 6.

Đức Cha Goh đã gọi cuộc họp lịch sử này là một “ân sủng dư dật của Chúa”. Lời cầu nguyện đặc biệt cho hội nghị thượng đỉnh được đọc như sau: “Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện ơn soi sáng cho các nhà lãnh đạo chính trị để làm việc vì hòa bình, công bằng và trật tự xã hội trên thế giới. Xin cho đây là sự khởi đầu của một nỗ lực liên tục để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ, thoát khỏi gánh nặng của sự sợ hãi và sự nghi ngờ. Xin cho các quốc gia học được cách tin tưởng nhau và làm việc hướng tới hòa bình thế giới cho tất cả nhân loại “.

Thêm vào, Đức Tổng Giám Mục Goh cũng kêu xin sự can thiệp của Đức Trinh Nữ Maria.” Mẹ là Gương mặt công lý và Trí tuệ của chúng con: chúng con xin giao phó hội nghị này cho mẹ. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn các nhà lãnh đạo và các quan chức.”

Tưởng cũng nên nhắc lại hôm Chúa Nhật, ngày 10 tháng 6, trong buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi sau: “Trong tình bạn và trong lời cầu nguyện, tôi ước ao một lần nữa với một ý nghĩ đặc biệt đến với những người Hàn Quốc yêu quý. Những cuộc nói chuyện diễn ra trong những ngày sắp tới tại Singapore có thể đóng góp vào sự phát triển của một thơì kỳ tích cực, đảm bảo một tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và cho toàn thế giới”.

4. Vatican phát hành tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Vùng Amazon

Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng vùng Amazon vào năm 2019, vừa được phát hành hôm thứ Sáu vừa qua 8/6/2018 tại Vatican, kêu gọi “một Giáo hội với khuôn mặt Amazon” tìm kiếm “một mô hình phát triển dựa trên sự thay thế bị tách rời để đạt được một sự đoàn kết đạo đức bao gồm trách nhiệm về một hệ sinh thái đích thực, tự nhiên và nhân bản. “

Sự chuẩn bị cho Thượng Hội đồng đặc biệt của Hội đồng Giám mục tại lưu vực sông Amazon qua những học hỏi là nhằm cung cấp mọi dữ kiện đầy đủ cho Thượng Hội Đồng sẽ được nhóm họp vào tháng 10 năm 2019, với chủ đề: “Con đường mới cho Giáo hội và cho một sinh thái học tích phân” cho vùng Amazon.

Trong tiến trình này việc “lắng nghe những người dân bản địa và các cộng đồng sống trong vùng Amazon... có một tầm mức quan trọng cho sự tồn vinh của Toàn Giáo hội.”

Thượng Hội đồng Amazone cho rằng, Thượng Hội Đồng phải vượt lên trên “những giới hạn của Giáo Hội địa phương tại Amazon, bởi vì Thương Hội Đồng tập trung vào Giáo Hội phổ quát, cũng như về tương lai của toàn bộ hành tinh.”

Theo bản Báo cáo của Devin Watkins thì tài liệu tập trung vào ba phần:

- Tài liệu là lời mời gọi Giáo hội “nhìn nhận” bản sắc và tiếng kêu van của lưu vực sông Amazon, để “phân biệt” con đường hướng tới sự thay đổi mục vụ và sinh thái; “hành động” hoặc đồng hành theo những đường hướng mới cho một Giáo Hội với diện mặt Amazon.

Văn kiện cung cấp một loạt các câu hỏi cho các giám mục của khu vực để chia sẻ mối quan tâm mục vụ và sinh thái của họ trước Thượng Hội đồng.

Văn hóa chất thải

Tài liệu cho hay rừng nhiệt đới Amazon là “lá phổi của hành tinh và là một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn nhất thế giới.” Khu vực này đã và đang bị hủy diệt bởi “một cuộc khủng hoảng sâu rộng” gây ra do “tác nhân con người đã kéo dài từ lâu nay” bởi một nền “văn hóa chất thải bừa bãi “.

“Amazon là một vùng có đa dạng sinh học phong phú; nó là một vùng tập trung nhiều sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo; nó là một tấm gương của cả nhân loại, cần bảo vệ sự sống, đòi hỏi những thay đổi về cơ cấu trúc, cá nhân của mọi người, từ mọi quốc gia, và toàn Giáo Hội.”

Bằng cách tập trung vào Amazon, Thượng Hội đồng Giám mục hy vọng sẽ xây dựng một nhịp cầu cho các sinh vật khác trên thế giới, như tại các lưu vực Congo, Hành lang sinh học Meso Mỹ Châu và các khu rừng nhiệt đới tại Châu Á Thái Bình Dương.

Con Người bị khai thác

Tài liệu cũng phản ánh về sự đa dạng văn hóa xã hội của khu vực, đặc biệt là tác động của “lợi ích kinh tế mở rộng” đối với các dân tộc bản địa.

Tài liệu cho rằng việc khai thác gỗ bừa bãi, ô nhiễm nước và buôn bán ma túy đã khiến cho người dân địa phương có nguy không thể sinh tồn nổi tại địa bản mà phải di dời về các đô thị mà sống.

“Sự tăng trưởng quá mức của các hoạt động nông nghiệp và khai thác gỗ ở Amazonia không chỉ làm thương tổn đến sự phong phú về sinh thái của khu vực, rừng nhiệt đới và vùng biển mà còn làm cho dân chúng đã nghèo lại càng nghèo thêm cả về mặt xã hội lẫn văn hóa của họ.

Bộ mặt Amazon của Giáo hội

Theo tài liệu thì Giáo Hội Công Giáo, “được mời gọi để đào sâu thêm danh tính của mình cho phù hợp với thực tế của từng lãnh thổ và phát triển phần tâm linh của mình bằng cách lắng nghe sự khôn ngoan của các dân tộc của mình.”

Phản ánh cùng nhiều nền văn hóa tại khu vực Amazon, Giáo hội hy vọng Thượng Hội đồng Giám mục sẽ tìm ra những cách thức mới để khai triển một “diện mạo Amazon của Giáo hội”. Giáo hội hy vọng có thể đáp ứng “trước những tình huống bất công trong khu vực, chẳng hạn như chủ nghĩa khai thác thực dân của các công nghiệp, các dự án cơ sở hạ tầng gây tổn hại đến hệ sinh thái, áp đặt các mô hình văn hóa và kinh tế xa lạ trên cuộc sống của các sắc tộc nơi đây!”

Vì vậy, thông qua sự tập trung vào thực tế địa phương và về sự đa dạng của các phạm vi cấu trúc thực nghiệm của khu vực, Giáo hội được mời gọi chống lại trào lưu toàn cầu hóa qua sự thờ ơ và đồng loạt quảng bá rộng rãi qua các phương tiện truyền thông để tiến tới một mô hình kinh tế thường không tôn trọng các sắc dân tại Amazon hoặc tại các lãnh thổ của họ.”

5. Vài nét về rừng nhiệt đới Amazon

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Hai khu rừng nhiệt đới tiếp theo, ở Congo và Indonesia, kết hợp lại cũng không bằng.

Lưu vực Amazon bao gồm 7 triệu cây số vuông, trong đó có 5.5 triệu cây số vuông được rừng nhiệt đới bao phủ. Khu vực này bao gồm lãnh thổ thuộc 9 quốc gia, trong đó 60% rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Ba Tây, 13% thuộc Peru, 10% thuộc Colombia, và phần còn lại thuộc về Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp.

Đây là một vài hình ảnh giúp ta hình dung rừng Amazon lớn đến cỡ nào: Diện tích rừng Amazon có thể bao phủ 40 tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ; hay là 40% lục địa Nam Mỹ.

Sông Amazon là con sông lớn nhất thế giới. Nó có hơn 1,100 nhánh, trong số đó 17 nhánh dài hơn 1600 km. Những nhánh này sẻ ngang, sẻ dọc khu rừng Amazon.

Vấn nạn lớn nhất trong khu vực này là tình trạng khai thác thiên nhiên bừa bãi, gây ra những thiên tai nghiêm trọng mà chung cuộc là những người nghèo trong khu vực phải lãnh đủ. Bên cạnh đó còn có tệ nạn cướp bóc đất đai của người nghèo và bóc lột nhân công, đặc biệt là nhân công trẻ em.

Ngày 12 tháng 2 năm 2005, nữ tu Dorothy Mae Stang, người Mỹ, là một thành viên của dòng nữ Notre Dame de Namur bị sát hại tại Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, thuộc lưu vực sông Amazon của Brazil. Sơ Dorothy đã nỗ lực đấu tranh cho người nghèo và môi trường, và trước đó đã nhận được những lời dọa giết từ những người khai thác gỗ và các chủ đất. Nhiều bộ phim đã được làm để ca ngợi chị; và án phong thánh tử vì đạo cho chị đang được tiến hành tại Bộ Tuyên Thánh của Vatican.

6. Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức của ba Giám Mục Chí Lợi

Ngày 11 tháng 6, Phòng Báo Chí Tòa Thánh chính thức công bố: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận sự từ chức của ba vị giám mục Chí Lợi là Đức Cha Juan de la Cruz Barros Madrid của Osorno, Đức Tổng Giám Mục Cristián Caro Cordero của Puerto Montt và Đức Cha Gonzalo Duarte García de Cortázar, SS.CC, của Valparaíso. Đồng thời, ngài đã bổ nhiệm các vị giám quản cho cả ba giáo phận vừa kể. Các giáo phận này chính thức trống toà chờ chỉ thị của Tòa Thánh.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng năm 2015, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Barros làm giám mục Osorno, gây ra làn sóng chống đối dữ dội, vì Đức Cha bị tố cáo là che đậy tội ấu dâm khét tiếng của người dìu dắt mình là Cha Karadima, đến nỗi một số lớn dân biểu Chí Lợi cũng đã góp tiếng phản đối. Dù vậy, Đức Phanxicô hết lòng và công khai bênh vực Đức Cha, ít nhất 3 lần khác nhau.

Theo nữ ký giả San Martín của tờ Crux, tháng 5 năm 2015, nhân dịp cựu phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Chile dự buổi triều kiến chung ở Rôma, Đức Phanxicô đã tuyên bố rằng: giáo hội Chí Lợi là đã “đánh mất cái đầu” khi để cho một nhóm chính trị gia phán xét một giám mục “mà không có bất cứ chứng cớ nào”. Ngài còn nói thêm: “Hãy dùng đầu mà suy nghĩ, đừng để bị xỏ mũi lôi đi bởi những người cánh tả đã tạo ra thứ chống đối này”.

Những người cánh tả trên chắc chắn là 51 dân biểu quốc hội Chí Lợi, phần lớn thuộc chính phủ xã hội chủ nghĩa của Tổng Thống Michelle Bachelet, những người từng ký kiến nghị chống lại việc bổ nhiệm Đức Cha Barros.

Lần thứ hai là chuyến viếng thăm Chí Lợi hồi tháng Giêng năm nay. Tại Iquique, miền Bắc Chí Lợi, Đức Phanxicô nói với các nhà báo rằng: “ngày nào nhận được bằng chứng chống Đức Cha Barros, tôi sẽ xem xét. Hiện chưa có một bằng chứng nào chống lại ngài cả, tất cả chỉ là vu khống”.

Lần thứ ba, là lúc từ Chí Lợi trở lại Rôma, trong cuộc họp báo trên không, Đức Phanxicô qủa quyết rằng: sau khi Đức Cha Barros nhận giáo phận, cuộc điều tra các lời tố cáo đã “tiếp tục, nhưng không có chứng cớ gì cả... Tôi không thể kết án ngài, vì tôi không có chứng cớ; nhưng tôi tin chắc ngài vô tội”.

Đức Cha Barros là vị giám mục 61 tuổi được chấp thuận đơn từ chức trước nhất trong số 34 đơn từ chức tập thể của toàn thể hàng giám mục Chí Lợi.

Dường như ngài là vị giám mục duy nhất mà việc từ chức có liên hệ trực tiếp với cuộc khủng hoảng che đậy. Việc từ chức của hai vị giám mục kia phần nào có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn vì cả hai vị đều đã trên 75 tuổi, là tuổi buộc phải đệ đơn từ chức, theo giáo luật.

7. Linh mục bị bắn chết trong nhà nguyện ngay trước giờ lễ ở Nueva Ecija, Phi luật Tân

Cha Richmond Nilo thuộc giáo phận Cabanatuan đã bị bắn chết bởi hai tay súng lạ mặt vào hôm Chúa Nhật 10 tháng 6 tại nhà nguyện Neustra Senora de la Nieve ở Zaragoza. Nguồn tin cảnh sát tỉnh Neuva Ecija đã cho biết như trên.

Cha Nilo, 40 tuổi ở Zaragoza đã bước lên sau bàn thờ để sẵn sàng dâng lễ vào lúc khoảng 6:05 chiều thì bị hai tay súng lạ mặt bắn chết ngài xuyên qua cửa sổ bốn lần.

Văn phòng truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Phi luật Tân đã đưa ra bản tin trên mạng xã hội. Cha Jetts Jetanove, cha giám quản của giáo phận Cabanatuan đã nói rằng: “Chúng tôi lên án cuộc tấn công cha Nilo cũng như chúng tôi là những Kitô hữu lên án tất cả mọi hành vi giết người, bạo lực và mọi hình thức bất công.”

Cha Nilo là linh mục thứ ba bị sát hại sau vụ tấn công ngày 29 tháng Tư, giết hại cha Mark Ventura, 37 tuổi và vụ phục kích ngày 5 tháng 12 năm 2017 sát hại cha Marcelito Paez, 72 tuổi tại thị trấn Jaen thuộc thành phố Nueva Ecija.

8. “Hãy Hiến Tặng Hết Mình”, văn kiện mới nhất của Tòa Thánh về thể thao

Ngày 1 tháng Sáu, 2018, Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống đã công bố một văn kiện mới tựa là “Hãy Hiến Tặng Hết Mình. Một Văn Kiện về Quan Điểm Kitô Giáo Đối Với Thể Thao và Con Người Nhân Bản”.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi cho Đức Hồng Y Kevin Farrell, Bộ Trưởng Thánh Bộ, bức thư như sau:

Gửi Hiền Huynh Đáng Kính Hồng Y Kevin Farrell

Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Với niềm vui, tôi được tin về việc xuất bản văn kiện “Dare il meglio di sé” (“Hãy Hiến Tặng Hết Mình”) theo quan điểm Kitô giáo về thể thao và con người nhân bản, Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống đã soạn thảo với mục đích làm nổi bật vai trò của Giáo Hội trong thế giới thể thao và cách thể thao có thể là một công cụ của cuộc gặp gỡ, đào tạo, truyền giáo và thánh hóa.

Thể thao là nơi gặp gỡ, nơi mọi người ở mọi bình diện và điều kiện xã hội đến với nhau để đạt được mục tiêu chung. Trong một nền văn hóa bị thống trị bởi chủ nghĩa cá nhân và khoảng cách giữa thế hệ trẻ và người cao tuổi, thể thao là một lãnh vực đặc tuyển mà quanh đó, người ta gặp gỡ không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc ý thức hệ, và là nơi, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui thi đua để cùng đạt một mục tiêu với nhau, tham gia vào một đội, nơi thành công hay thất bại được chia sẻ và khắc phục; điều này giúp chúng ta bác bỏ ý tưởng chinh phục một mục tiêu bằng cách chỉ tập chú vào chính mình. Việc cần người khác không chỉ bao gồm các đồng đội mà còn cả các nhà quản trị, huấn luyện viên, người ủng hộ, gia đình; nói tóm lại, tất cả những người, với cam kết và tận tâm, làm ta có thể “hiến tặng hết mình”. Tất cả những điều này làm cho thể thao trở thành một chất xúc tác cho các kinh nghiệm về cộng đồng, về gia đình nhân loại. Khi một người cha chơi với con trai, khi trẻ em chơi với nhau trong công viên hoặc ở trường, khi một vận động viên ăn mừng chiến thắng với những người ủng hộ mình, trong tất cả các môi trường này, chúng ta đều có thể thấy giá trị của các môn thể thao như là một nơi hợp nhất và gặp gỡ giữa con người. Chúng ta đạt được các kết quả tuyệt vời, trong thể thao cũng như trong cuộc sống, cùng nhau, như một đội!

Thể thao cũng là một phương tiện đào tạo. Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta phải hướng mắt ta về giới trẻ, bởi vì diễn trình đào tạo càng bắt đầu sớm, sự phát triển toàn diện của con người qua thể thao càng trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta biết các thế hệ mới nhìn vào các vận động viên và nhận được cảm hứng từ họ xiết bao! Do đó, sự tham gia của tất cả các vận động viên ở mọi lứa tuổi và bình diện là điều cần thiết; vì những người dự phần vào thế giới thể thao là điển hình của các nhân đức như đại lượng, khiêm tốn, hy sinh, kiên trì và vui tươi. Tương tự như vậy, họ nên đóng góp vào tinh thần nhóm, tôn trọng, thi đua lành mạnh và liên đới với những người khác. Điều chủ yếu là tất cả chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của các điển hình trong thực hành thể thao, vì luống cày tốt trên đất màu mỡ rất thuận lợi cho mùa thu hoạch, miễn là nó được vun trồng và công việc được thực hiện đúng cách.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của thể thao như một phương tiện truyền giáo và thánh hóa. Giáo Hội được kêu gọi trở thành dấu chỉ của Chúa Giêsu Kytô trong thế giới, cũng nhờ các môn thể thao thực hành trong các nguyện đường, giáo xứ, trường học, và hiệp hội… Mọi dịp đều tốt cho việc loan báo sứ điệp của Chúa Kitô, “bất kể lúc thuận lợi hay lúc không thuận lợi” (2 Tm 4: 2). Điều quan trọng là mang lại, là truyền đạt niềm vui này qua các môn thể thao, không là gì khác ngoài việc khám phá ra các tiềm năng của con người kích thích chúng ta bộc lộ vẻ đẹp của sáng thế và của con người nhân bản, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Thể thao có thể mở đường dẫn tới Chúa Kitô ở những nơi hoặc môi trường, trong đó, vì nhiều lý do khác nhau, không thể công bố Người cách trực tiếp; và những người thực hành một môn thể thao như một cộng đồng, với một chứng từ vui tươi, có thể là sứ giả của Tin Mừng.

Hiến tặng hết mình trong thể thao cũng là một lời mời gọi vươn tới sự thánh thiện. Tại cuộc gặp gỡ gần đây với giới trẻ để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, tôi đã bày tỏ niềm xác tín này: tất cả những người trẻ hiện diện ở đó, đích thân hoặc qua các mạng xã hội, đều có ước muốn và hy vọng được cống hiến hết mình họ. Tôi đã sử dụng cùng một cách phát biểu này trong Tông Huấn gần đây, nhắc nhớ rằng Chúa có cách độc đáo và chuyên biệt mời gọi mỗi người chúng ta vươn tới sự thánh thiện: “Điều quan trọng là mỗi tín hữu biện phân được con đường riêng của mình, họ rút ra được điều tốt nhất của mình, những hồng phúc có tính bản thân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim họ”(Gaudete et exsultate, 11).

Chúng ta cần phải làm sâu sắc thêm mối liên kết chặt chẽ giữa thể thao và cuộc sống, vốn có thể soi sáng lẫn nhau, sao cho nỗ lực vượt qua chính mình trong một môn thể thao cũng đóng vai trò kích thích để ta luôn cải thiện như một con người, trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Với sự giúp đỡ của ơn thánh Thiên Chúa, việc theo đuổi này đặt chúng ta trên con đường có thể dẫn chúng ta đến sự viên mãn của cuộc sống mà chúng ta gọi là sự thánh thiện. Thể thao chính là một nguồn rất phong phú gồm các giá trị và nhân đức giúp chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Giống như các vận động viên trong quá trình huấn luyện, việc thực hành thể thao giúp chúng ta cho đi điều tốt nhất của chúng ta, khám phá ra các giới hạn của chúng ta mà không sợ hãi, và đấu tranh hàng ngày để cải thiện. Bằng cách này, “trong chừng mực mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, họ sẽ mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta” (sđd., 33). Do đó, đối với các vận động viên Kitô giáo, sự thánh thiện sẽ hệ ở việc sống các môn thể thao như một phương tiện gặp gỡ, đào tạo nhân cách, làm chứng và công bố niềm vui làm Kitô hữu với những người xung quanh mình.

Tôi cầu xin Chúa, nhờ sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, để văn kiện này có thể phát sinh ra hoa trái dồi dào, cả trong cam kết giáo hội đối với thừa tác vụ thể thao và ngoài cả phạm vi của Giáo Hội nữa. Tôi yêu cầu tất cả các vận động viên và công nhân mục vụ tự nhận ra mình trong “đội” vĩ đại của Chúa Giêsu vui lòng cầu nguyện cho tôi, và tôi gửi họ phước lành tự đáy lòng tôi.

Thành phố Vatican, ngày 1 tháng 6 năm 2018

Lễ nhớ Thánh Giustinô Tử Đạo