CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY (A) : LẠY NGÀI ! CON TIN

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa ông bà anh chị em, cộng đoàn chúng ta đanghọp nhau cử hành Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật mà màu áo lễ có thể mượn sắc hồng của hoan vui rực sáng để thay sắc tím của khắc khổ u buồn; và từ Chúa Nhật nầy, các anh chị em Dự Tòng trên khắp thế giới đang có những ngày hân hoan náo nức để tiến về Giếng rửa Tội, tiến vào cuộc Tái Sinh thiêng liêng làm con cái ánh sáng trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Trong ý nghĩa ấy, phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay, với sứ điệp Lời Chúa mang trọng tâm “Ánh Sáng” đang khơi gợi chúng ta hãy biến cuộc hành trình đức tin thành một cuộc “hội ngộ” với Đức Kitô là nguồn ánh sáng, một cuộc đổi đời từ bóng tối của lầm lạc đui mù tiến về chân lý của rạng rỡ tin yêu. Thánh lễ hôm nay vừa là một gọi mời vừa là một cơ hội để chúng ta một lần nữa đặt niềm tin vào Thiên Chúa, quay trở về với Thiên Chúa và tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đang hiện diện trong Thánh lễ nầy để ban cho ta ánh quang rạng ngời của chân lý cứu độ.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Thánh lễ.

Giảng Lời Chúa :

Nổi bi đát nhất của một tù nhân đó là ngày vĩnh viễn bị ném vào ngục tối để không còn được nhìn thấy ánh sáng của ban ngày; và giây phút kinh hoàng nhất của môt tên tử tội là phút giây đợi chờ hành quyết để vĩnh biệt ánh sáng cuộc sống và bị đẩy vào đêm đen của miền âm u sự chết !

Quả thật, Ánh Sáng – Bóng Tối đó là hai đối cực tượng trưng cho hai cuộc sống, hai thế giới, hai lãnh vực hoàn toàn đối nghịch nhau, cách xa nhau, triệt tiêu nhau. Và trong ngữ nghĩa Kinh Thánh, Ánh Sáng là tượng trưng cho chân lý và sự sống, cho vinh quang Thiên Chúa, cho niềm tin yêu hy vọng, cho ơn cứu độ…Còn Bóng Tối là quê hương của lầm lạc, tội lối, ma quỷ, gian ác. Nếu Thiên Chúa ngay từ đầu đã dựng nên ánh sáng như thực tại đầu tiên của công trình sáng tạo; thì vào chiều Thứ Sáu, khi Con Chúa tắt hơi trên Đồi Sọ, bóng tối đã bao trùm không gian. Cũng vậy, nếu khi bình minh thức giấc, muôn tiếng chim ca hát để báo tin một ngày mới với cuộc sống mới bắt đầu, thì khi màn đêm buông xuống, có bao nhiêu toan tính đen tối của các thế lực tội ác ra tay hoạt động. Chính vì thế, các Sứ ngôn không ngần ngại loan báo viễn tượng về một “ngày mai rực sáng của thời đại Thiên Sai” để bỏ lại những ngày “lưu đầy sống kiếp lầm than lầm lũi bước đi trong miền âm u tử địa” (Is 9,1). Và khi thời Tân ước đến, Thánh Gioan đã không ngần ngại gọi Đức Kitô là “ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng…là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 3-9).

Sứ điệp phụng vụ hôm nay tập chú vào “huyền nhiệm ánh sáng” để vừa dẫn lối đưa đường các anh chị em dự tòng đến một chọn lựa nghiêm túc : hoặc là ở lại trong bóng tối của lầm lạc và xa cách Thiên Chúa, hoặc là bước tới ngưỡng cửa của đời sống mới trong ánh quang của con cái sự sáng qua bí tích Rửa tội; đồng thời cũng gọi mời tất cả cộng đoàn tín hữu hãy mạnh mẽ tiến bước trên con đường của chân lý phúc âm và loại trừ mọi biểu hiện của cuộc sống ù lỳ trong bóng tối của tội lỗi.

1. Để nhìn thấy ánh sáng cần có “đôi mắt của Thiên Chúa”.

Ánh sáng có rực sáng bao nhiêu, ban ngày có rạng thế nào, thì đối với người mang đôi mắt mù, tất cả cũng chỉ là bóng tối. Cũng vậy, Thiên Chúa có toàn năng làm sao, có nhân hậu thế nào, và ơn cứu độ của Ngài có quí giá cần thiết mấy chăng nữa, mà con người không có được “đôi mắt đức tin” thì mãi mãi cũng chìm sâu trong đui mù lầm lạc. Chính vì thế, điều quan trọng đầu tiên để có được ánh sáng, để nhìn thấy ánh sáng đó chính là “đôi mắt sáng”. Nếu đôi mắt của I-sai ngày xưa chỉ nhìn thấy ‘diện mạo bên ngoài” thì với cái nhìn của Thiên Chúa, tiên tri Samuel đã “nhìn sâu tận đáy lòng”; và vì thế, cậu con trai út Đa-Vít đã được xức dầu tấn phong làm vua Ít-ra-en (BĐ 1). Tất cả chúng ta đều cần được trang bị “đôi mắt của Thiên Chúa”, tức là đôi mắt của lòng tin, cậy mến, là đôi mắt của lòng khiêm hạ, sám hối ăn năn, là đôi mắt của trái tim yêu thương quảng đại. Để có được “đôi mắt sáng thiêng liêng” nầy, chúng ta phải gắng sức thanh lọc cái nhìn, gột rửa phán đoán, tẩy trừ thiên kiến, để ánh nhìn về Thiên Chúa và nhìn đến anh em càng ngày càng rõ nét hơn, trong sáng hơn, chính xác hơn. Cũng chính vì mang nặng những chiếc “mặt nạ cồng kềnh”, những “đôi kính đen” của giả hình, kiêu căng, hợm hĩnh, đầy đố kỵ ghen ghét hận thù, mà với với bao nhiêu dấu lạ cả thể, như với dấu lạ “người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt” trong chuyện kể của Tin mừng hôm nay, những ông biệt phái vẫn không nhận ra “Đấng Thiên Sai Cứu Thế nơi con người Giêsu Na-da-rét” để cuối cùng hè nhau đóng đinh Ngài vào thập giá. Trong khi đó, người mù vừa được chữa lành, bằng một đức tin đơn sơ khiêm hạ, lần đầu tiên diện kiến đã “quỳ xuống thân thưa : “Lạy Ngài Con Tin”. (TM).

Mùa Chay, phải chăng là Mùa để chúng ta vứt bỏ “chiếc mặt nạ cồng kềnh”, “đôi kính đen tăm tối” của cái tôi tội lối, biếng lười, gian dối, ích kỷ, ghen ghét, tham lam…và bao nhiêu tính hư tật xấu khác, để mang lấy “đôi mắt mới của Thiên Chúa” là niềm tin sống động, đức cậy vững bền, đức ái cụ thể, với cõi lòng sám hối khiêm hạ, với nhiệt tình phục vụ yêu thương, với quyết tâm hy sinh từ bỏ…Đó cũng chính là điều mà trong BĐ 2, Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô đã nhắc bảo chúng ta : “xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công bình chân thật…”

2. Để có “đôi mắt của Thiên Chúa” hãy để Thiên Chúa chạm đến :

Nhưng không dễ gì chúng ta tự mình có được “đôi mắt của Thiên Chúa”, đôi mắt sáng thiêng liêng” thật sự để quan chiêm những thực tại thần linh, để nhìn ra những chân lý của ơn cứu độ. Nếu không gặp gỡ Đức Kitô, để Ngài lấy bùn trộn nước miếng xức lên đôi mắt mù, và sau đó vâng lệnh Ngài đi rửa nơi hồ Si-lô-ác, thì mãi mãi anh ta vẫn ngồi lại trong bóng tối mù lòa tội nghiệp. Và vượt qua cái nhìn thể lý với con mắt xác thịt, anh mù từ lúc mới sinh bị cho là “đồ sinh ra trong tội” đó đã lắng nghe tiếng Chúa, đã đón nhận mạc khải của Ngài : “Chính người đang nói với anh đây”, mà anh ta đã thấy được, đã cảm nghiệm được chân lý bằng thái độ giản đơn nhưng đong đầy ý nghĩa sâu sắc trọn vẹn : anh quỳ xuống và thân thưa : “Lạy Ngài con tin”. Trong khi đó, những ông biệt phái trang bị đầy mình những kiến thức thánh kinh và lề luật, nhưng cũng mang đầy những kiêu căng, giả hình và thiên kiến, cùng với trái tim đen tối đầy những mưu thâm chước độc, đố kỵ hận thù…đã mù tịt và điếc lác trước những “dấu lạ” đầy quyền năng và yêu thương của Đấng Cứu Thế, cho dù những dấu lạ đã từng xuất hiện với Ngài từ ánh Sao Bê-lem lúc Ngài chào đời cho đến việc đất động trời lay trên Đồi Sọ khi Ngài tắt thở.

Vâng, phải biết mở lòng ra, phải biết quỳ xuống, phải gặp gỡ Thiên Chúa, phải đối diện với Ngài, phải để Ngài chạm đến. Đó chính là tiếng kèn giục giã của Mùa Chay. Mà Thiên Chúa nào ở đâu xa lạ : Ngài có đây trong bí tích Thánh Thể, Ngài có đây, trong cuộc họp mặt cầu kinh của gia đình, Ngài có đây nơi Tòa Giải tội, Ngài có đây, nơi tràng hạt Mân Côi, Ngài có đây nơi những người ăn xin ta gặp hằng ngày, Ngài có đây trong những nghĩa cử hy sinh và chung thủy của vợ chồng, trong vâng lời hiếu thảo của con cái, trong tha thứ khoan dung của bạn bè…Ngài có đây trong những phục vụ âm thầm nhưng chan chứa yêu thương khiêm hạ, những quyết tâm đầy can đảm nói “không” trước những cám dỗ của ươn lười xác thịt… Và đó chính là sống Mùa Chay, là đang bước đi trong ánh sáng, là trên đường tiến về Phục Sinh.

Và nếu hiểu “Đạo là như thế”, Mùa Chay là như thế, thì chúng ta mãi mãi hoan ca như thánh vịnh đáp ca hôm nay : “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”, hay mạnh mẽ như lời Thánh Phaolô trong cuối BĐ 2 hôm nay : “Tỉnh giấc đi hỡi người đang ngủ ! Từ chốn tử vong trỗi dậy đi nào ! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi !”.