Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha an ủi cậu bé có người cha quá cố là người vô thần

Trong chuyến viếng thăm giáo xứ Thánh Phaolô Thánh giá, trong khu phố Corviale của Rôma, Đức Thánh Cha đã gặp các tín hữu trước khi cử hành Thánh Lễ chiều Chúa Nhật 15 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Ba mùa Phục sinh.

Như thường lệ trong các chuyến viếng thăm các giáo xứ trong giáo phận Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nơi trước thánh lễ khoảng 2 tiếng đồng hồ để gặp gỡ anh chị em giáo dân. Ngài đến giáo xứ Thánh Phaolô Thánh giá lúc 4 giờ chiều.

Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các trẻ nhỏ trong các lớp học giáo lý, cũng như những người cao tuổi, người nghèo, và các thành viên bị bệnh trong giáo xứ; và sau đó giải tội cho nhiều người.

Những người quẫn bách phải ở vị trí trung tâm của giáo xứ

Trong cuộc gặp gỡ với người cao tuổi, Đức Thánh Cha nói về “bổn phận” của giáo xứ phải có mặt để giúp đỡ người dân” vì những người quẫn bách là trung tâm của giáo xứ, và trung tâm của Tin Mừng. Mọi người đều phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời, nhưng nỗi buồn và những khó khăn của chúng ta không cho phép chúng ta đánh mất đi niềm hy vọng hay niềm vui của chúng ta, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để “cứu chuộc” những vết thương của chúng ta bằng những vết thương của Ngài.” Điều này, Đức Thánh Cha nói, là niềm vui của chúng ta, “Chúa Giêsu đã trả giá cho chúng ta, Ngài gần gũi chúng ta, Ngài muốn những gì là tốt lành cho chúng ta.”

Khả năng hoán cải con tim của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu chuyến viếng thăm của ngài với phần hỏi đáp cùng với một số trẻ em của giáo xứ. Trong một trao đổi thú vị, Đức Thánh Cha hứa sẽ trả lời câu hỏi “đoạn Kinh Thánh nào ngài yêu thích nhất” nếu như các trẻ con trong giáo xứ hứa đọc đoạn Kinh Thánh này khi về nhà. Đức Thánh Cha cho biết câu chuyện hoán cải của Thánh Matthêu, trước khi theo Chúa Giêsu là một người thu thuế là một trong những câu chuyện ngài thích thú nhất. Câu chuyện này “cho thấy quyền năng hoán cải con tim của Chúa Giêsu.”

Tất cả đều là con của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha cũng trả lời câu hỏi của một em bé gái: “Chúng ta ở đây là những người đã chịu phép rửa tội, chúng ta là con cái Thiên Chúa. Nhưng những người không chịu phép rửa thì sao?”. Đức Thánh Cha đáp: “Tất cả chúng ta đều là con cái Chúa, dù là được rửa tội hay không, người tốt hay người xấu. Cả những người theo mafia, cho dù họ thích hành động ‘như con cái ma quỉ’. Chúa tạo dựng nên tất cả mọi người. Ngài yêu thương tất cả mọi người, và đặt trong con tim tất cả mọi người lương tâm để họ nhận ra điều gì là tốt, và phân biệt nó với những gì là xấu xa.” Nhưng khi chúng ta chịu phép rửa tội, Ngài nói, “Thánh Thần Chúa bước vào lương tâm đó, và củng cố sự thuộc về Thiên Chúa của con”, và trong một nghĩa nào đó, “ngài làm cho con trở nên một người con gái của Thiên Chúa hơn”.

Thiên Chúa có “trái tim của một người cha”

Cuối cùng, một cậu bé, quá xúc động ràn rụa nước mắt, đã không thể đặt câu hỏi của mình - vì vậy Đức Giáo Hoàng kêu cậu bé đến gần và nói thầm trong tai ngài. Sau đó ngài hỏi cậu bé có cho ngài lặp lại câu hỏi của cậu không. Đức Thánh Cha tóm tắt lại câu hỏi của cậu:

“Cậu bé khóc vì cha mình”, là người vừa mới chết cách đây không lâu, “và cậu bé đã có can đảm để nói về điều đó trước mặt chúng ta, vì tình yêu mà cậu dành cho cha mình trong tâm hồn”, cậu bé hỏi liệu cha cậu, một người không có niềm tin, có được lên thiên đàng không. “Cha con là một người đàn ông tốt”, cậu bé nói với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nghĩ như cậu. Ngài nói: “Đây là một chứng tá thật đẹp” khi con trai của một người đàn ông có thể gọi ông là người tốt.

Trả lời câu hỏi của cậu bé, Đức Thánh Cha nói chỉ có Thiên Chúa mới có thể biết ai là người được lên thiên đường. Tuy nhiên, người cha của cậu bé dù là người vô thần đã cho cả 4 người con của mình được rửa tội. Một tín hữu cho con mình được rửa tội là điều dễ hiểu, một người vô thần cho cả 4 người con của mình được rửa tội thì hẳn phải là người tốt. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa có trái tim của một người cha nhân hậu sẽ không để cho một người tốt như vậy bị lìa xa khỏi Ngài.”

2. Niềm vui làm cho chúng ta tươi trẻ

Trong bài giảng của Đức Thánh Cha vào Chúa Nhật tại giáo xứ Thánh Phaolô Thánh Giá tại Roma, Đức Thánh Cha nói về niềm vui mà các môn đệ cảm thấy khi các ngài được xem thấy Chúa Phục Sinh.

“Chính niềm vui làm cho chúng ta luôn tươi trẻ!”

Tuổi trẻ và niềm vui là những chủ đề nổi bật trong chuyến viếng thăm giáo xứ của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Phaolô Thập giá, nằm về phía tây nam của thành phố Rôma.

Nổi tiếng “vì niềm vui”

Trong bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha tập trung vào Lời Chúa trong Phúc Âm. Đức Thánh Cha dẫn giải rằng: Các môn đồ biết rằng Chúa Kitô đã sống lại, nhưng sự thật này chưa ăn sâu vào tâm lòng các ngài – các ngài chấp nhận sự thật bằng trí tuệ, nhưng các ngài chưa tin. “Có lẽ các ngài muốn chôn giữ chân lý này trong tâm trí mình! Đức Thánh Cha đặt vấn nạn tại sao các ngài vẫn nghi ngờ, mặc dù câu trả lời đã tìm thấy trong Tin Mừng là: “các ngài vô cùng hoan hỷ và kinh ngạc.”

Điều này cũng xảy ra cho chúng ta, Đức Thánh Cha nói khi có ai đó báo cho chúng ta một tin vui mà chúng ta khó tin được. “Chúng ta nắm bắt điều đó một cách chắc nịt, bởi vì nếu điều này là thực thì đó là một niềm vui to lớn.” Các môn đệ không chỉ tin, mà còn xác tín; vì như Đức Thánh Cha nói đây thực là “sự mới mẻ, một mới mẻ” được đề cập trong Phúc âm, đây thực là một món quà của Chúa.

Được trẻ hóa bởi Chúa Kitô phục sinh

“Chúng ta có thói quen” sống hoài trong “tội lỗi,” Đức Thánh Cha nói tiếp “Tội lỗi làm chúng ta già đi; nhưng Chúa Giêsu sống lại, sống động, làm chúng ta tươi trẻ lại! “Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là chân lý chính yếu của đức tin của chúng ta. “Chúng ta hãy xin ơn để tin rằng Chúa Kitô hiện đang sống và đã sống lại!” Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xưng tội, nơi đó chúng ta được canh tân, hồi phục; và tầm quan trọng của việc Rước Lễ. Đức Thánh Cha hỏi mọi người: “Khi bạn hiệp thông, bạn nắm chắc được rằng Chúa Kitô đang sống trong bạn, Ngài thực sự đã sống lại?” Sự hiệp thông không chỉ đơn giản là lãnh nhận một mẩu bánh đã được truyền phép, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Không, đó chính là Chúa Giêsu! Chúa Kitô đang sống, đã sống lại giữa chúng ta, và nếu chúng ta không tin điều này, chúng ta đã không và sẽ không bao giờ là người Kitô hữu tốt”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình bằng mời gọi chúng ta cầu nguyện cho niềm vui của chúng ta sẽ không bị mai một đi; vì ân huệ được “đụng chạm vào Chúa Giêsu” qua đời cầu nguyện; lãnh nhận các Bí Tích; hầu nhận được ơn tha thứ, làm mới lại Giáo Hội qua các việc săn sóc các bệnh nhân, thăm viếng các tù nhân và những người cần đến chúng ta giúp đỡ, săn sóc trẻ em và các người lớn tuổi. Đức Thánh Cha nói: “Nếu chúng ta muốn làm một điều gì đó tốt lành, chính Chúa Giêsu phục sinh là Đấng hối thúc chúng ta làm điều đó. Đó là niềm vui, và niềm vui làm cho chúng ta tươi trẻ! “

3. Một nữ tu người Úc bị chính quyền Phi Luật Tân bắt vì điều tra những vi phạm nhân quyền

Nữ tu Patricia Fox, 71 tuổi, người Úc thuộc dòng Nữ Tử Sion, đã bị bắt tại Phi Luật Tân vì tham gia vào một cuộc điều tra nhân quyền quốc tế về tình trạng của người bản địa và các nông dân nghèo

Hôm thứ Hai 16 tháng Tư, Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân nói chính quyền nước này đã bắt giữ nữ tu Patricia Fox và cáo buộc chị đã tham gia vào “các hoạt động chính trị bất hợp pháp”. Nữ tu Patricia Fox đang tham gia vào một cuộc điều tra về tình trạng nhân quyền ở phía nam đất nước này.

Nữ tu Patricia Fox, là điều phối viên khu vực của dòng Nữ tử Sion, đã được đưa tới văn phòng di trú ở Manila và dự kiến sẽ bị trục xuất khỏi đất nước này trong vài ngày tới đây.

Làm việc với người nghèo và người bản địa

Người nữ tu 71 tuổi này đã tham gia vào một sứ mệnh nhân quyền quốc tế tại đảo Mindanao miền Nam nơi chị đã phục vụ như là một nhà truyền giáo trong 27 năm qua, đặc biệt là làm việc với người bản địa và nông dân nghèo khó.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã áp đặt thiết quân luật trên đảo Mindanao hồi tháng 5 năm ngoái, sau khi các nhóm Hồi Giáo quá khích tấn công thành phố Marawi. Hơn một trăm người đã chết trong các cuộc đụng độ khi lực lượng chính phủ chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát thành phố.

Thiết quân luật trên đảo Mindanao

Mindanao từ lâu đã bị chìm đắm trong các cuộc xung đột, khi các chính phủ liên tiếp đã mở các cuộc hành quân chống lại các cuộc nổi dậy của cộng sản, cũng như của các tổ chức Hồi giáo.

Phần lớn người Hồi giáo ở Phi Luật Tân sống trên đảo Mindanao và các hòn đảo xung quanh, nhưng sự bất ổn về chính trị đã khiến khu vực trở thành điểm nóng nơi bọn buôn lậu ma túy, những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc và các nhóm cực đoan có thể hoạt động mạnh trong khu vực

4. Đức Hồng Y Ernest Simoni quả quyết trừ quỷ từ xa bằng mobile phone cũng có hiệu quả như thường

Khóa học và hội nghị về trừ tà tại Vatican diễn ra từ 16 đến 21 tháng Tư đang thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông Công Giáo.

Buổi chiều ngày thứ Hai 16 tháng Tư, cử toạ đã nghe một bài thuyết trình rất sôi nổi của Đức Hồng Y Ernest Simoni, là Tổng Giám Mục Shkoder-Pult, Albania.

Từ năm 1946 cho đến cuộc cách mạng lật đổ cộng sản tại Đông Âu, Albania bị cai trị bởi một chế độ hà khắc và thù nghịch với tôn giáo quyết liệt nhất trong khối cộng sản. Hậu quả là Giáo Hội tại quốc gia này vẫn còn đang trong tiến trình phục hồi; và hiện nay, Giáo Hội vẫn còn thiếu linh mục một cách trầm trọng.

Chính Đức Hồng Y Ernest Simoni là một thí dụ điển hình cho thấy sự tàn bạo của cộng sản Albania. Ngày 24 tháng 12 năm 1963, Đức Hồng Y Ernest Simoni, lúc đó còn là một linh mục, đã bị bắt vì dám cử hành lễ cầu hồn cho tổng thống Mỹ Kenedy. Ngài bị kết án tử hình nhưng sau đó được giảm án còn chung thân khổ sai và phải lao động cải tạo trong tù suốt 28 năm. Khi quốc gia này thoát khỏi họa cộng sản, ngài mới được trả tự do.

Đức Hồng Y Ernest Simoni cho biết trong bối cảnh Giáo Hội Albania thiếu linh mục trầm trọng như vậy, các linh mục trong tổng giáo phận của ngài phải trừ quỷ qua điện thoại cầm tay trước các nhu cầu ngày càng gia tăng.

“Có những linh mục trong tổng giáo phận của tôi đang thực hiện phép trừ quỷ qua điện thoại di động của họ. Tạ ơn Chúa, dù làm từ xa như thế, vẫn có hiệu quả như thường.”

Đức Hồng Y Ernest Simoni cho biết thêm trong các trường hợp không thể đến tận nơi, các linh mục đọc các lời nguyện giải phóng (prayers of liberation), là một phần của nghi lễ trừ tà, qua điện thoại di động.

Giáo sư Giuseppe Ferrari cũng xác nhận tính hiệu quả cuả các lời cầu nguyện trừ tà qua điện thoại di động. Ông nói:

“Các linh mục cầu nguyện với mọi người qua điện thoại để trấn tĩnh họ. Một số nhà trừ quỷ nói rằng điều này vẫn có hiệu quả. Làm như thế có chính thống không, có đúng hay không thì tôi không biết”.

Tuy nhiên, giáo sư Giuseppe Ferrari khích lệ các linh mục nếu có thể được nên đến tận nơi, và chỉ trừ tà qua điện thoại di động trong trường hợp bất khả kháng.

Ông giải thích như sau:

“Những người bị quỷ ám thường có những hành vi bạo lực đối với những người xung quanh và những hành vi này phải được ngăn chặn trong quá trình trừ quỷ. Nếu bạn không có ở đó, bạn khó có thể khống chế các khiá cạnh thể lý”.

Khoảng 250 linh mục đến từ 50 quốc gia đang tham dự hội nghị năm nay tại trường đại học Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ ở Rôma khi các Giám Mục từ khắp nơi trên thế giới báo cáo sự gia tăng nhu cầu trừ quỷ.

Khóa học về trừ quỷ bắt đầu vào năm 2004, và kể từ đó số linh mục tham dự mỗi năm đã tăng hơn gấp đôi.

Đầu năm nay, một linh mục người Ái Nhĩ Lan, là cha Pat Collins, cho biết các yêu cầu về trừ quỹ đã tăng lên một cách lũy tiến và cho biết các nhà lãnh đạo Giáo hội tỏ ra lúng túng trước tình trạng này.

Cha Pat Collins nói: “Có nhiều người tin rằng họ đang bị khống chế bởi một thế lực tà ác. Tôi nghĩ trong nhiều trường hợp, họ lo sợ vớ vẩn thôi. Nhưng khi họ hướng đến Hội Thánh và kêu cứu, Giáo Hội lại không biết phải làm gì với họ và cuối cùng là giới thiệu họ với một nhà tâm lý học hay một ai đó, và cuối cùng trong tiến trình lòng vòng đó, nạn nhân bị bỏ rơi không được ai giúp đỡ.”

Trong chương cuối cùng của tông huấn mới, Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan), Đức Giáo Hoàng nhắc đến ma quỷ nhiều lần, và khẳng định rằng đó không phải là “chuyện thần thoại” và các Kitô hữu cần phải có tinh thần chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ.

Ngài nói: “Chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một huyền thoại, một biểu trưng, một biểu tượng, một hình dung từ hoặc một ý tưởng”.

“Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến sự mất cảnh giác, gây ra những bất cẩn và cuối cùng dễ bị tổn thương hơn.”

5. Fides: Các linh mục tiếp tục bị tấn công ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Lại có thêm hai linh mục khác bị tấn công ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Theo tin tức được gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, linh mục giáo xứ của nhà thờ kính Thánh Isidoro Bakanja ở quận Seka-Mbote của Boma, là cha Pierre Mavinga và cha phó của ngài, đã bị tấn công vào tối ngày 10 Tháng Tư.

Boma là tỉnh nằm ở phía cực tây của Cộng hòa Dân chủ Congo.

Cha Mavinga cho biết “Khoảng 8 giờ tối hàng chục những người dữ dằn trùm đầu, một số mặc quân phục, đã tràn vào nhà xứ của chúng tôi. Chúng đã bắn chỉ thiên bằng đạn thật để thị uy trước khi lôi chúng tôi ra đánh đập. Chúng lấy đi điện thoại, máy tính và tiền của chúng tôi”.

Cha Mavinga hiện đang nằm trong bệnh viện vì những vết thương trong cuộc tấn công này. Vụ tấn công hai linh mục tại Bomba xảy ra chỉ hai ngày sau vụ giết cha Étienne Sengiyumva, linh mục tại Kitchanga ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trong thời gian qua Giáo Hội Công Giáo đã bị cả chính phủ lẫn các nhóm vũ trang đe doạ mặc dù Giáo Hội Công Giáo đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đã làm tê liệt Cộng hòa Dân chủ Congo.

Các giám mục đã làm trung gian thương thảo cho một hiệp định vào ngày 31 tháng 12 năm 2016 trong đó chính phủ hứa tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2017. Chính phủ đã nuốt lời, không thực hiện hiệp định này khiến người Công Giáo tổ chức một loạt các cuộc biểu tình phản đối.

6. Ngoại trưởng Tòa Thánh ca ngợi các nữ tu dấn thân chống nạn buôn người và thúc đẩy hòa giải

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã tham dự một cuộc hội thảo do Đại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp với Toà Thánh, Liên hiệp các Bề Trên Dòng Tu, và Tổ chức Đoàn kết với Nam Sudan tổ chức để vinh danh các hoạt động của các nữ tu dấn thân chống nạn buôn người và thúc đẩy hòa giải

Cuộc hội thảo có chủ đề là “Làm thế nào để các nữ tu dấn thân cho công lý, hòa bình và chống buôn người có thể góp phần hiệu quả hơn trong việc đề ra các chính sách ở cấp quốc gia và quốc tế?”

Những người tham gia đã nói về công việc của các chị em phụ nữ ở Châu Phi, Mỹ Latinh, Châu Á và Trung Đông, trong việc kiến tạo hòa bình và mang lại nhiều quyền lợi hơn cho các phụ nữ ở một số nước nghèo hay các nước đang phải sống trong bạo lực hay trong một bối cảnh kinh tế xã hội bất lợi.

Chống lại nạn mại dâm, khiêu dâm và buôn người

Các nữ tu hoạt động chống lại nạn buôn người, mại dâm và ngành công nghiệp khiêu dâm trên không gian mạng đã nói lên sự cần thiết phải giáo dục các cháu bé cũng như làm việc với các chính phủ và mọi thành phần trong xã hội để bảo vệ các nạn nhân và truy tố những kẻ phạm pháp.

Các nữ tu đã chia sẻ những câu chuyện đầy bi kịch và cảm động khi ở bên cạnh những người đang sống giữa chiến tranh và xung đột, đôi khi bị nhắm đến như các mục tiêu, bị cướp, hãm hiếp hay những người toan tính tự tử vì không vượt qua được những thất vọng trong cuộc sống.

7. Vị Hồng Y đầu tiên của Vatican được chào đón tại Arab Saudi

Đức Hồng Y Jean-Louis Pierre Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã đến thăm thủ đô Riyadh của Arab Saudi hôm thứ Bảy 14 tháng Tư, Saudi Press Agency, cơ quan thông tấn chính thức của nước này đã cho biết như trên.

Ra đón Đức Hồng Y tại sân bay quốc tế Vua Khalid có Hoàng tử Mohammed bin Abdurrahman bin Abdulaziz, Phó Thống đốc Riyadh và Tiến sĩ Mohammed bin Abdul-Kareem Al-Issa, Tổng thư ký Liên đoàn Hồi giáo Thế giới.

Đức Hồng Y Tauran là vị Hồng Y đầu tiên của Vatican được chào đón tại Arab Saudi.

Vatican và Arab Saudi không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng đã có một số cuộc gặp gỡ quan trọng giữa các quan chức của Saudi và Tòa thánh để thảo luận các vấn đề thế giới và đối thoại liên tôn.

Tháng 11 năm 2007, vua Abdullah của Arab Saudi đã là quốc vương đầu tiên của quốc gia này viếng thăm Vatican, chấm dứt mối quan hệ lạnh nhạt giữa các nhà lãnh đạo Saudi Arab và Vatican trong suốt 1400 năm.

Vatican đã nhiều lần đề nghị xây dựng một nhà thờ Công Giáo ở một nơi nào đó tại Arab Saudi, trích dẫn Công ước Najran vào thế kỷ thứ 7 do Muhammad ký kết với các cư dân Kitô giáo trong thế giới Ả-rập.

Ngày nay có một số lượng lớn những lao động nước ngoài là các Kitô hữu, và hàng tuần họ phải vượt biên giới tới một quốc gia lân cận để dự lễ.

Trong bài diễn văn trước ngoại giao đoàn vào tháng Giêng 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thẳng thắn yêu cầu Arab Saudi cho phép xây dựng một nhà thờ Công Giáo và đối xử bình đẳng với các Kitô hữu đang lao động tại đây.

Trước Đức Hồng Y Tauran, Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi đã là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite đầu tiên đến thăm Saudi Arabia trong chuyến viếng thăm lịch sử hôm 14 tháng 11 năm ngoái, 2017 tại ‘miền đất của tiên tri Môhamét’

Chuyến viếng thăm này là để đáp lại lời mời chính thức từ vua Salman Salman, hoàng thái tử, và nhân vật đứng thứ hai tại Saudi Arabia là Mohammad bin Salman.

Đây là chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tới vương quốc của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo Wahhabi.

Gần đây, quốc gia này đã đưa ra một loạt các cải cách kinh tế và xã hội, bao gồm việc mở các sân thể thao và cho phụ nữ được lái xe, cũng như những nỗ lực đầu tiên để giải phóng các quan điểm cực đoan Hồi giáo.

Hoàng thái tử là một người đang háo hức thực hiện “Vision 2030”, là một chương trình cải tổ sâu rộng về kinh tế và văn hóa xã hội.

Trong chuyến thăm Riyadh lần này, Đức Hồng Y đã thảo luận với các nhà cầm quyền Saudi Arabia về tương lai của Giêrusalem và hòa bình tại Thánh Địa cũng như trong toàn vùng Trung Đông.

8. Lược sử Arab Saudi cận đại

Vào đầu thế kỷ thứ 18, vùng đất ngày nay là Arab Saudi bị chia thành nhiều quốc gia nhỏ do hàng loạt các tiểu vương cai trị. Một trong những tiểu vương này là Mohammed ibn al-Saud. Ông ta cai trị một vùng đất rất nhỏ nhưng lại có một tham vọng rất lớn. Ông đã tiếp xúc với giáo trưởng Hồi Giáo Sunni là Muhammed ibn al-Wahhab, là người có một cách giải thích Hồi Giáo rất cực đoan.

Một liên minh được thành lập. Wahhab đã tạo ra những hào quang Hồi Giáo chung quanh Saud; và sau những cuộc chiến đẫm máu, đầu thập niên 1800, những huyền thoại Hồi Giáo này đã giúp Saud thâu tóm được toàn bộ mảnh đất Arab Saudi như ta thấy ngày nay. Đổi lại, Saud để Wahhab tự do truyền bá thứ Hồi Giáo cực đoan của y và hình thành ra những luật lệ Hồi Giáo rất khắc nghiệt vẫn tồn tại cho đến nay.

Mảnh đất Arab Saudi, nơi các tín hữu Hồi thấm nhuần một thứ Hồi Giáo cực đoan, đã sinh ra hàng loạt những trào lưu khủng bố Hồi Giáo, tiêu biểu là al-Qaeda, hầu áp đặt lên thế giới chủ nghĩa Hồi Giáo Wahhabi và những luật lệ man rợ đi kèm với nó.

Hàng triệu Kitô hữu đang sống tại Arab Saudi. Họ không được quyền thờ phượng công khai, không được có những biểu tượng Kitô Giáo, không được có những tài liệu liên quan đến Kitô Giáo và thường xuyên bị công an tôn giáo bách hại.

Ngày nào dòng họ Saudi còn tiếp tục cai trị quốc gia này, tình trạng trên vẫn không thể được cải thiện.