Hôm Thứ Sáu 20 tháng Tư năm 2018, Đức Thánh Cha đã đến thăm thành phố Molfetta ở miền Nam nước Ý nhân kỷ niệm 25 năm Đức Giám Mục Tonino Bello qua đời. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mô tả Đức Giám Mục Bello như là một chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, là Đấng đã đến trong thế gian mang theo Tin Mừng của hy vọng và lòng thương xót cho ‘những lều tạm khốn khổ, đau đớn và cô đơn’ nhất.

Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Kitô hữu hãy trở thành những “bưu tá mang hy vọng”; và “những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu” trong thế giới hôm nay.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người khi rời bàn Tiệc Thánh sau Phụng Vụ Thánh Thể, hãy tích cực mang sứ điệp hòa bình và lòng thương xót của Chúa đến trong thế giới hôm nay. Đức Thánh Cha đã đến thăm thành phố Molfetta, ở miền nam nước Ý để vinh danh Đức Cha Tonino Bello, người đã nổi danh là một “mục tử của lòng thương xót” và là Giám Mục của những người bé mọn.

Ngỏ lời với đoàn người đông đảo đến tham dự Thánh Lễ tại khu vực cảng của thành phố duyên hải này, Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời bình luận về các bài đọc trong ngày trong đó tập trung vào hai yếu tố trung tâm của đời sống Kitô: là Bánh Hằng Sống và Lời Chúa.

Bánh cho đời và cho hòa bình.

Khi chỉ ra rằng bánh là lương thực cần thiết cho đời sống và Chúa Giêsu trong Phúc Âm đã trao ban chính mình cho chúng ta để nên Bánh Cho Đời. Đức Thánh Cha nói rằng Phụng Vụ Thánh Thể không chỉ là môt nghi lễ đẹp, nhưng còn là sự hiệp thông tình yêu qua đó Thiên Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu khi đã được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa thì cũng phải biết trao ban chính mình cho tha nhân.

Đức Thánh Cha nói: “Như Đức Cha Tonino Bello đã từng nhắc nhở, các công việc bác ái thôi thì chưa đủ đâu, nếu thiếu tình yêu là căn cội hình thành nên các công việc bác ái ấy, nếu thiếu vắng điểm khởi đầu là Bí Tích Thánh Thể thì mọi dấn thân mục vụ chỉ là một trò loanh quanh không có mục đích mà thôi.”

Sống cho người khác là dấu ấn của Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng sống cho người khác phải là “dấu ấn” của Kitô hữu. Vì thế, “chúng ta có thể treo một biển báo bên ngoài mỗi nhà thờ rằng: ‘Sau Thánh Lễ sẽ không còn ai sống cho riêng mình nữa, nhưng là cho tha nhân.”

Đức Cha Tonino đã sống như thế giữa đoàn chiên. Ngài là một Giám Mục-Tôi Tớ, một Mục tử trước Nhà Tạm “học cách để trở thành của ăn cho dân mình”

“Ngài đã mơ ước về một Giáo Hội đói khát Chúa Giêsu và quyết liệt chống lại những sự thế gian, một Giáo Hội nhìn thấy Chúa Giêsu trong những lều tạm của bất hạnh, đau đớn và cô đơn”.

Khi nhắc lại rằng “Phụng Vụ Thánh Thể không chấp nhận tình trạng ngồi yên bất động”, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi mình xem họ “thích được phục vụ tại bàn tiệc của Chúa, hay đứng lên và phục vụ giống như Chúa? Họ có trao lại cho đời những gì họ đã nhận được trong Thánh Lễ không?”

“Và trong tư cách là Giáo Hội chúng ta có thể tự hỏi mình: Sau bao nhiêu lần Rước lễ, chúng ta đã trở thành một dân tộc hiệp thông chưa?

Bánh cho đời cũng là Bánh cho hòa bình như Đức Cha Tonino đã chủ trương, hòa bình đến với tình huynh đệ, khi “cùng ăn với những người khác”, bởi vì xung khắc và chiến tranh bắt nguồn từ việc người ta không biết đến nhau.

“Chúng ta, những người cùng chia sẻ Bánh hiệp nhất và hòa bình này, được mời gọi để yêu thương từng khuôn mặt, lau từng giọt nước mắt, và trở thành những người kiến tạo hòa bình trong mọi nơi và mọi lúc”

Lời Chúa cứu rỗi chúng ta.

Trở về với chủ đề “Lời Chúa”, Đức Thánh Cha nói rằng chẳng ơn ích gì nếu chỉ “bàn tán xuông về Lời Chúa Giêsu” mà thôi.

Lời của Chúa Giêsu, theo Đức Thánh Cha, “phải đi vào đời, chứ không chỉ ngồi xuống bàn cãi về những gì được và những gì không được làm.”

Đức Thánh Cha nói rằng Đức Cha Tonino đã thúc giục đoàn chiên của ngài biến lời nói thành hành động, an ủi và giúp đỡ những ai không có can đảm để thay đổi.

Suy tư trên bài đọc Thứ Nhất trong đó Chúa Phục Sinh phán cùng ông Saolô và mời gọi ông liều mình vì Ngài: “Đứng lên, đi vào thành và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”, Đức Thánh Cha nói điều trước tiên cần phải tránh là thái độ “không dám đứng dậy”, để chiều theo cuộc đời, để mình bị nỗi sợ tóm lấy. Đức Cha Tonino thường nói “Đứng dậy” bởi vì ta phải đứng thẳng trước mặt Đấng Phục Sinh: “Ta phải đứng và hướng nhìn lên bởi vì người tông đồ của Chúa không thể chỉ hài lòng trong cuộc sống với những thỏa mãn vụn vặt.”

Thiên Chúa mời gọi chúng ta tiến về phía trước và có can đảm để rời khỏi những vùng tiện nghi thoải mái và chấp nhận những rủi ro.

Bưu tá mang hy vọng

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đời người Kitô hữu phải dành cho Chúa và tha nhân.”

Như Đức Cha Tonino thường nói “Trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào gặp phải trong đời, chúng ta luôn được kêu gọi là người mang trong ta niềm hy vọng Phục Sinh, được kêu gọi là những người tôi tớ, chứ không phải những chủ nhân ông của thế giới.”

Đẹp thay những “bưu tá mang hy vọng, những người phân phát đơn sơ và vui vẻ lời tung hô alleluia của Lễ Phục Sinh.”

Cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiện diện hãy khiêm nhường, bởi vì sự khiêm nhường không có nghĩa là ngại ngùng hay thoái thác, nhưng là ngoan ngoãn với Thiên Chúa và từ bỏ chính mình. Một khi chúng ta lột bỏ được thái độ hung hăng, và tự hào thì Lời Chúa sẽ giải phóng chúng ta, cho chúng ta tiến về phía trước. “khiêm nhường và can đảm phải đi đôi với nhau”, nó không làm cho chúng ta thành nhân vật chính hay nhà vô địch vì những năng khiếu của mình, nhưng là những nhân chứng đích thực của Chúa Giêsu trong thế giới.
Source Vatican News - Pope at Mass: Christians are called to be 'couriers of hope'