Mới đây, tôi có dịp gặp một linh mục đang phục vụ tại Lào. Nhìn dáng người thấp bé, da ngăm đen, giọng nói từ tốn của cha, tôi có một chút suy nghĩ: nước Lào nghèo, ít tài nguyên, nhiều cư dân có cuộc sống chưa “văn minh”, phương tiện giao thông và nhiều điều khác vẫn còn non kém; thế mà cha đã đến đó...Tôi liền thực hiện một cuộc “phỏng vấn bỏ túi” với linh mục đang phục vụ tại Lào này.

- Kính thưa cha, xin cha cho biết sơ qua về giáo xứ tại Lào mà cha đang phục vụ?

- Giáo Hội Công Giáo Lào là một Giáo Hội còn non trẻ, rất ít người có đạo nên việc truyền giáo như là bước đầu để khai phá, là đi tìm con chiên, tìm nhân sự để cho có nhiều người biết Chúa và tin vào Chúa nhiều hơn.

Giáo xứ mà tôi đang phụ trách có rất ít người Lào theo đạo Công Giáo, chỉ khoảng 500 giáo dân, và những giáo điểm nhỏ lẻ thì có 300 người, 200 người, thậm chí chỉ có 50 người đạo Công Giáo. Trong khi đó, một tỉnh Savanakhet chỉ có một linh mục 80 tuổi mà phải phụ trách 15 giáo xứ, còn tôi thì trẻ tuổi nên được coi sóc một giáo xứ và 9 giáo điểm, nên việc truyền giáo phải đi xa trong phạm vi 160 km.

- Thưa cha,về khó khăn và những thuận lợi trong công cuộc truyền giáo này, thì sao ạ?

Nhân sự còn rất ít. Người Việt sang đây sinh sống còn khó khăn về chỗ ở, công ăn việc làm...nên tôi phải kiên trì để tìm con chiên trong số họ. Có một số anh em công nhân Việt Nam ở các giáo phận Vinh, Bùi Chu, Thái Bình, Hà Nội, Huế sang Lào làm việc, đã cộng tác đắc lực với tôi trên đất nước này nên lòng tôi ấm lại, mang một tâm tình vui tươi trên cánh đồng truyền giáo.

- Là một linh mục người Việt, cơ duyên nào cha được sai đi đến đây ạ?

Một cha giáo người Lào là An tôn Pôn-Sơ-Vanh, là bạn học với cha Pet Nguyễn Văn Mễn, GP Long Xuyên, tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, từ mối quan hệ này, cha Mễn muốn giới thiệu tôi sang Lào. Tôi sang thăm Lào “tiền trạm” hai tháng rồi trở về, sau đó, xin phép Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giáo phận Long Xuyên, và được Đức Cha ký giấy gởi tôi sang phục vụ truyền giáo. Có đến đây tôi mới thấy nơi này con chiên thật khát khao được dâng thánh lễ, mong muốn được có mục tử ở bên, biết bao!

- Đối tượng cha phục vụ truyền giáo mang một “dáng dấp” thế nào ạ?

- Đó là những học sinh nghèo, mong được học hành đến nơi đến chốn; người già cả thì cho thuốc chữa bệnh, cho một cái áo ấm mùa đông... chỉ nho nhỏ thôi nhưng với một tâm tình giới thiệu chân dung Đức Kitô Phục Sinh đầy yêu thương. Còn riêng những anh chị em người Việt sống bên Lào thì tôi chỉ có mục vụ thăm viếng, dâng thánh lễ, kinh sáng kinh tối và trợ giúp giáo lý hay một vài sinh hoạt có tính tôn giáo mà thôi!

- Khó khăn là vậy, cha có được sự trợ giúp của các tổ chức khác không?

Khi đi sang đây, tôi mang tâm tình của một người được Chúa dẫn đưa, đồng hành và cùng làm việc nên việc truyền giáo trong bảy năm qua có kết quả tốt đẹp như hiện đang nuôi dưỡng ơn gọi là mười thầy người Lào trong việc học hành, ăn ở; những em dự tu được học hành và hướng dẫn đúng về ý nghĩa ơn gọi.

Không có một sự trợ giúp chính thức nào; mỗi lần về Việt Nam thì nhận được ít bổng lễ từ Đức Cha của giáo phận Long Xuyên, khi về Lào thì san sẻ lại; dư dả thì không có, nhưng thiếu thốn thì vẫn vui vì có Chúa ở cùng. Và chị hỏi thì tôi trả lời, nếu có muốn giúp đỡ công việc truyền giáo này thì liên hệ với Tòa Giám Mục Long Xuyên và nói rằng “giúp cha Điền, đang đi truyền giáo bên hạ Lào”.

- Xin cảm ơn Cha. Kính chúc cha luôn thành công với những bước chân được sai đi, để giới thiệu Đức Kitô Phục Sinh cho nhiều người trên đất nước anh em.