Chúa Nhật Phục Sinh, năm B
Ga 20, 1 – 9

Người ta thường dùng thị giác để nhận biết người này, người nọ và sự vật xung quanh như cây cối, núi đồi, sông suối, mặt trời, mặt trăng, tinh tú vv…Tuy nhiên, về đời sống thiêng liêng, con người không thể dùng thị giác để thấy nhưng phải nại tới đức tin. Sứ điệp Phục Sinh xác quyết, loan báo công khai, rõ ràng, dứt khoát Đức Giêsu sống lại, Ngài vẫn sống và đang hoạt động trong thế giới, trong cuộc đời của chúng ta…

Vâng, Chúa Giêsu đã bị bắt, bị kết án tử hình và bị đóng đinh trên Thập giá, nhưng ngày thứ ba Ngài đã Phục Sinh như lời Ngài đã loan báo trước. Thân xác của Đức Giêsu sống lại vào buổi sáng Phục Sinh hoàn toàn khác với thân xác Đức Giêsu đã được an táng vào buổi chiều ngày thứ sáu. Đây không phải là một thân xác được hồi sinh như thân xác của Lazarô và thân xác của con bà góa thành Naim đã được Chúa Giêsu làm cho sống lại. Nhưng thân xác của Đức Giêsu Phục Sinh là thân xác vinh quang đến nỗi bà Maria Mađalêna tưởng Ngài là người làm vườn,bà chỉ nhận ra Chúa Phục Sinh khi Chúa gọi tên bà...Thân xác sáng láng, vinh quang của Chúa sống lại khiến các môn đệ là những người thân tín, sống gần gũi với Chúa nhất, vẫn không nhận ra Ngài khi Ngài đứng trên bờ hồ buổi sáng tinh mơ vv...Thánh Phaolô đã so sánh thân xác trước và sau Phục Sinh giống như một hạt giống và một cây non. Ngài viết :” Vật con người gieo chỉ là một hạt giống chứ không phải là một cái cây có đầy đủ cành lá. Khi xác thân bị an táng là nó đã chết, còn khi sống lại thì nó trở thành bất tử.Khi bị an táng, nó xấu xí và yếu đuối, nhưng khi sống lại, nó trở thành xinh đẹp và mạnh mẽ. Khi bị an táng, nó là một thân xác vật chất, nhưng khi sống lại, nó sẽ thành một thân thể tinh thần ( 1 Co 15, 37. 42-44 ). Cũng trong chương này, thánh Phaolô tiếp tục giải thích :” Sự thật là Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết.Đó là một bảo đảm cho thấy rằng những ai ngủ yên trong cõi chết sẽ được sống lại. Bởi vì do một người mà sự chết đã đến thì tương tự như vậy, sự sống lại từ cõi chết cũng sẽ do một người mà đến.Vì mọi người đều phải chết do kết hợp với Adam, thì cũng tương tự như thế, mọi người sẽ được sống lại với Đức Kitô...Cũng như chúng ta đã mặc lấy hình tượng của người được dựng nên từ đất, thì chúng ta cũng sẽ mặc lấy hình tượng của Người từ trời xuống ( 1 Co 15, 20 – 22, 49 ).Thánh Phaolô còn khuyến dụ, nhắc nhở chúng ta đừng đợi đến khi chúng ta chết mới thông dự vào sự Phục sinh và quyền năng của Đấng sống lại. Nhưng ngay bây giờ, lúc này, chúng ta vẫn thông dự vào Sự Sống lại và quyền năng của Đức Giêsu Phục Sinh.Tất cả những gì chúng ta phải làm là mở tung cõi lòng với Đức Giêsu...

Vâng, điều chúng ta phải làm ngay bây giờ và ngay giây phút này là sống yêu thương, hiệp nhất, quảng đại, hy vọng, cậy trông và làm những việc bác ái, những việc tỏa sáng là khi đó chúng ta đang tham dự vào Sự Phục Sinh và quyền năng của Đấng Phục Sinh. Thánh Phêrô khi vào mồ thấy các dấu chỉ như khăn liệm, băng quắn vv...nhưng không ra Đức Giêsu đã sống lại...Tuy nhiên với các dấu chỉ và bằng đức tin của mình, Gioan khi vào mồ đã tin Đức Giêsu Kitô đã sống lại. Đức Giêsu sống lại vẫn dùng các dấu chỉ để chứng tỏ sự hiện diện của Ngài giữa nhân loại. Liệu chúng ta có dùng con mắt đức tin của chúng ta để mau mắn nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa chúng ta ? Chúng ta có sẵn sàng trở thành những dấu chỉ tình thương để làm chứng cho người ta thấy Chúa sống lại đang ở trong chúng ta không ?

Tin Mừng Phục Sinh là “ Không có gì có thể hủy diệt chúng ta được dù là tội lỗi, thử thách, ươn hèn, sự chết.Tin Mừng Phục Sinh còn là “ Chúa sống lại đã chinh phục mọi người, chúng ta cũng làm được như vậy nếu chúng ta biết đặt tin tưởng nơi Ngài. Tin Mừng Phục Sinh là “ Hễ có chiều Thứ Sáu Tuần Thánh thì cũng có Chúa Nhật Phục Sinh. Điều quan trọng là “ Chúng ta hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con “. “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình thương của người hiến mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại thật như lời Chúa đã hứa. Alléluia. Alle1luia.Alle1luia !


Gợi ý để chia sẻ

1.Tại sao lại nói :” Nếu có chiều Thứ Sáu Tử Nạn, thì cũng có Chúa Nhật Phục Sinh ?”.
2.Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa Phục Sinh khi nào và bằng cách nào ?
3.Tại sao bà Maria Mađalêna lại khóc ?
4.Sứ điệp Phục Sinh là gì ?
5.Nhờ gì chúng ta nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh ?