Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Chile

Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15 tháng Giêng đến 22 tháng Giêng năm 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13 tháng Giêng1 năm 2017:

- Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15 tháng Giêng năm 2018 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

- Sáng thứ ba, 16 tháng Giêng năm 2018, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các Giám Mục Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, Ðức Thánh Cha viếng với tư cách riêng Ðền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các Linh Mục cùng dòng tại đây.

- Sáng thứ tư, 17 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Ðền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

- Sáng thứ năm, 18 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

2. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Peru

- Sáng thứ sáu, 19 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, Ðức Thánh Cha viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

- Sáng thứ bẩy, 20 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, Ðức Thánh Cha chủ sự buổi phụng vụ kính Ðức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

- Sáng Chúa Nhật 21 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt các thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Chile tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều Chúa Nhật 21 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ Hai, 22 tháng Giêng năm 2018.

3. Ðức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq bị tai nạn do trận động đất.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với nhân dân hai nước Iran và Iraq về những thiệt hại do trận động đất xảy ra hôm Chúa Nhật 12 tháng 11 năm 2017.

Trong điện thư do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, Ðức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc khi nghe tin về trận động đất kinh hoàng gây nên thiệt hại cho hai quốc gia Iran và Iraq và ngài bảo đảm với họ về sự cầu nguyện liên đới của ngài.

Ðức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau với những người đang thương khóc các người thân bị thiệt mạng, ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời và phó dâng họ cho lòng từ bi của Ðấng Toàn năng.

Ðức Thánh Cha cũng cầu xin ơn an ủi và sức mạnh cho những người bị thương tích, các đội cứu trợ và chính quyền địa phương tham gia vào công tác cứu trợ khẩn cấp và nố lực phục hồi.

Vùng bị thiệt hại nặng nhấy là tỉnh Kermanshah ở miền tây Iran, thuộc dãy núi Zagros phân cách Iran và Iraq. Dân cư tại vùng này sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt.

Cơ quan Bác ái MONA, một chi nhánh của cơ quan cứu trợ bác ái của Giáo hội ở Trung đông và Bắc Phi đã kêu gọi người dân hợp ý cầu nguyện với Caritas Iran và Iraq cho những người bị thương tổn vì trận động đất. Trên Twitter của MONA hôm 13 thán 11 năm 2017 có viết: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các anh chị em của chúng ta ở Iran và Iraq sau trận động đất tàn phá kinh hoàng xảy ra ở vùng biên giới.”

Theo báo cáo của các đội cứu hộ, hiện đã có hơn 450 người chết và hàng ngàn người bị thương. Dân chúng ở vùng này đang ở trong các lều tạm, nhiều người ngủ ngoài trời, giữa tiết trời giá lạnh, vì sợ một trận động đất khác.

4. Diễn đàn Hồi giáo - Công Giáo: “Tự do tôn giáo phải được bảo vệ”.

Từ ngày 6 đến 8 tháng Mười Một năm 2017, tại Berkeley, California đã diễn ra cuộc gặp gỡ lần thứ tư của Diễn đàn Hồi giáo-Công Giáo với chủ đề “Phát triển con người toàn diện: Lớn lên trong Phẩm giá. Nhãn quan Kitô giáo và Hồi giáo”. Diễn đàn do Hội đồng Toà thánh về Ðối thoại Liên tôn và một nhóm học giả Hồi giáo quốc tế thành lập năm 2008. Khi ấy, những người tham dự đã cùng ký tên trong bức thư ngỏ “Một Tiếng nói chung”, gửi cho Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và các vị lãnh đạo Kitô giáo khác, nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại dựa trên các giá trị chung của hai niềm tin tôn giáo.

Toà thánh Vatican cho biết, kết thúc cuộc gặp gỡ tại Berkeley nói trên, Diễn đàn Hồi giáo-Công Giáo đã công bố một tuyên ngôn chung “khẳng định mọi người đều có phẩm giá và giá trị bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay địa vị xã hội”... và “quyết liệt lên án bất cứ mưu toan nào nhằm phân loại bất cứ ai hoặc gán cho họ tội ác của tập thể vì những hành động của các cá nhân trong số họ”.

Tuyên ngôn khẳng định: “người Kitô hữu và người Hồi giáo tin rằng tự do lương tâm và tôn giáo là những quyền con người quan trọng nhất”; vì thế “chúng ta có nghĩa vụ chung là phải tôn trọng, bảo vệ và cổ vũ các quyền đó”.

Kitô giáo và Hồi giáo đều dạy rằng “Thiên Chúa ban cho mọi người một phẩm giá không thể chuyển nhượng, từ đó phát sinh các quyền con người cơ bản khác, cũng như nghĩa vụ của các chính phủ là phải bảo vệ những quyền ấy”.

Các tham dự viên cũng nói rằng tôn giáo có “các nguồn lực tinh thần, trí tuệ và đạo đức” để giúp các cá nhân và cộng đồng phát triển và lớn lên theo cách tôn trọng mọi người và bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi tin rằng những bất an, xung đột và sự phổ biến vũ khí đã gây ra những trở ngại nghiêm trọng cho việc thực thi ý muốn của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với hạnh phúc và sự phát triển trong hoà bình và an ninh của nhân loại. Ðó là lý do tại sao chúng tôi cho rằng về phương diện đạo đức chúng tôi có nghĩa vụ phải lên án chiến tranh và nạn buôn bán vũ khí vốn tạo điều kiện dễ dàng cho chiến tranh, và thay vì thế hãy sử dụng những nguồn lực của nhân loại để phát triển cá nhân và tập thể của chúng ta”.

Gặp gỡ lần thứ nhất của Diễn đàn Hồi giáo - Công Giáo diễn ra tại Vatican từ ngày 4 đến 6 tháng 11 năm 2008 với chủ đề “Yêu mến Thiên Chúa, yêu thương người thân cận”.

Gặp gỡ lần thứ hai được tổ chức tại Al-Maghtas, Jordan, từ 21 đến 23 tháng 11 năm 2011 với chủ đề “Lý trí, Ðức tin và Con người: nhãn quan Kitô giáo và Hồi giáo.”

Gặp gỡ lần thứ ba diễn ra tại Vatican từ ngày 2 đến 4 tháng 12 năm 2014 với chủ đề “Kitô hữu và người Hồi giáo: Tín đồ sống trong xã hội”.

5. Ðến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên - những người đã phục vụ Giáo hội.

Hôm 03 tháng 11 năm 2017, Ðức Hồng Y Theodore E. McCarrick, nguyên giám mục thủ đô Washington, đã được nhận giải thưởng thánh Katharine Drexel do tổ chức Trợ giúp tu sĩ cao niên (SOAR) trao. Giải thưởng này vinh danh các cá nhân và tổ chức có đóng góp đáng kể cho Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt cho các tu sĩ nam nữ Hoa kỳ.

Phát biểu trong buổi lễ, Ðức Hồng Y McCarrick đã ghi nhận công ơn của các tu sĩ trong việc giáo dục các thế hệ trẻ và chăm sóc người nghèo khổ, đau bệnh và di dân. Ðức Hồng Y chía sẻ rằng ngài được các nữ tu, rồi các tu sĩ dòng Tên dạy dỗ. Ngài làm chứng về sự phục vụ của các tu sĩ đối với những người khốn khổ. Hiện nay Ðức Hồng Y sống tại nhà hưu dưỡng Jeanne Jugan ở Washington, do các nữ tu dòng Tiểu Muội Người nghèo điều hành với lòng hiếu khách và nhân từ. Ðức Hồng Y nói rằng chúng ta không bao giờ có thể cám ơn các tu sĩ nam nữ cho đủ vì đời sống phục vụ của họ. Ngài nhắc rằng qua sự phục vụ họ đã đưa Chúa Kitô đến với người dân và làm “điều lớn lao cũng như điều bé nhỏ” cho người khác.

Ðức Hồng Y Donald W. Wuerl, hiện là Giám mục Washington cũng cám ơn các cộng đoàn tu sĩ, không chỉ về việc giáo dục các thế hệ học sinh biết đọc biết viết, dạy họ phân biệt tốt xấu, nhưng còn thành lập những trường học, bệnh viện và cơ sở bác ái Công Giáo đầu tiên trong các cộng đoàn trên toàn quốc.

Nữ tu Kathleen Lunsmann dòng Trái tim vô nhiễm Ðức Maria và là chủ tịch SOAR, cám ơn moi người đã trợ giúp cho hoạt động của nhóm. Sơ cho biết, trong năm 2017, SOAR đã giúp 1.2 triệu đô la cho 70 cộng đoàn dòng tu khắp Hoa kỳ, để sửa chữa các hệ thống báo cháy, nhà tắm và mua các giường đặc biệt cho các tu sĩ cao niên. Sơ chia sẻ: “Hơn bao giờ hết, các dòng tu nam nữ hiện nay thật sự cần sự giúp đõ của chúng ta trong việc chăm sóc cho các tu sĩ cao niên.” Sau các trận bão Harvey, Irma and Maria vừa qua, SOAR cũng giúp 45,000 đô la cứu trợ khẩn cấp cho các dòng trong vùng bị thiệt hại vì thiên tai.

Jane Sullivan Roberts, đối tác của một công ty luật ở Washington được trao giải thưởng thánh Elizabeth Seton - giải thưởng trao cho những người nổi bật về vai trò lãnh đạo và quảng đại trong cộng đoàn Công Giáo theo tinh thần của thánh Elizabeth. Roberts kể rằng chính mình cũng được các nữ tu dòng Dâng mình ở tiểu học và học trung học ở trường các nữ tu dòng Thương xót. Các nữ tu đã dạy Roberts cách cầu nguyện và suy nghĩ. Các nữ tu gieo trồng các chân lý vững chắc, Thiên Chúa tốt lành và yêu bà và có kế hoạch cho đời bà và chúng ta đều là con Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Robert lưu ý rằng các tu sĩ nam nữ đã làm việc với một khoản trợ cấp và bây giờ chi phí cho hưu dưỡng và chăm sóc sức khỏe gia tăng, do đó chúng ta cần phổ biến sự việc là bây giờ đến lượt chúng ta giúp đỡ họ.

6. Ðức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi gia tăng ý thức về những hiểm họa đe dọa các đảo ở Thái Bình Dương và tìm biện pháp đối phó.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11 tháng 11 năm 2017, dành cho 46 vị thuộc Diễn đàn các vị lãnh đạo các Ðảo trong Thái Bình Dương.

Ðức Thánh Cha nói đến những lo âu của mọi người, đặc biệt là các dân tộc sống tại các đảo vừa nói. Họ dễ bị tổn thương vì những hiện tượng môi trường và khí hậu ngày càng xảy ra thường xuyên và gia tăng cường độ. Ðặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng cao làm biến mất những hải đảo, và sự suy thoái các hàng rào san hô, một hệ thống môi sinh ở biển rất quan trọng.

Ðức Thánh Cha nhắc lại lời báo động cách đây 35 năm của các Giám Mục Philippines: “Ai đã biến thế giới biển khơi tuyệt vời thành những nghĩa trang dưới nước không còn sự sống và màu sắc nữa?”. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự suy thoái môi trường, nhưng đáng tiếc là có nhiều nguyên nhân do cách hành xử thiếu khôn ngoan của con người gây nên, gắn liền với những hình thức khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân bản, tạo nên những hậu quả đi tới tận lòng sâu của các đại dương”.

Ðức Thánh Cha tuyên bố ủng hộ nỗ lực của các vị lãnh đạo các đảo trong Thái Bình Dương gây ý thức mạnh mẽ hơn trong dư luận thế giới trước các hiểm họa môi sinh đe dọa sự sống còn của các hải đảo trong Thái Bình Dương, và kêu gọi sự sộng tác và liên đới quốc tế, đạt tới một chiến lược chung, đối phó với các hiện tượng đe dọa môi trường, không cho phép dửng dưng trước những vấn đề trầm trọng như sự suy thoái môi trường tự nhiên và sức khỏe của các đại dương, gắn liền với sự suy thoái nhân bản và xã hội mà nhân loại ngày nay đang phải trải qua”.

Nhắc đến Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu đang nhóm tại thành phố Bonn bên Ðức, gọi là COP-23, Ðức Thánh Cha cầu mong rằng Hội nghị này cũng như các Hội nghị kế tiếp sẽ giúp bảo vệ “Những vùng đất không biên cương” của chúng ta, như những hải đảo trong các đại dương.

7. Ðức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia.

Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư viết tay để cám ơn Edwin Restrepo, một lính thủy quân lục chiến người Colombia đã về hưu vì bị thương tật trong cuộc nội chiến tại quốc gia này.

Trong chuyến viếng thăm Colombia hồi tháng 9 năm 2017, Ðức Giáo hoàng đã gặp anh Restrepo tại sân bay Catam, khi ngài chào các người lính và các sĩ quan cảnh sát bị tàn phế trong cuộc chiến. Khi Ðức Giáo hoàng đi ngang qua Restrepo, anh đã cúi đầu về phía trước để xin ngài chúc lành. Ðức Giáo hoàng muốn tặng cho cho người thương binh trẻ chiếc mũ “chỏm” trắng của ngài. Ðức Giáo hoàng đã tặng cho anh một tràng hạt Mân côi. Ðể đáp lại thiện ý của Ðức Giáo hoàng, Restrepo nói với ngài anh muốn tặng ngài một thứ gì biểu trưng cho quân đội và anh đã tặng cho ngài chiếc mũ lưỡi trai lính của anh mà anh nghĩ là thứ tốt nhất.

Hôm 18 tháng 10 năm 2017, Ðức Giáo Hoàng đã viết thư cám ơn người thương binh trẻ và đảm bảo rằng ngài cầu nguyện cho tất cả những người đã và đang hy sinh mạng sống vì hòa bình của quốc gia và vì nhân dân. Hôm thứ năm, 09 tháng 11 năm 2017, lá thư của Ðức Giáo Hoàng đã được Ðức cha Fabio Suescún Mutis, Giám mục Castrense và giám đốc chuyến viếng thăm Colombia của Ðức Giáo Hoàng, trao cho anh lính và đọc. Lá thư cũng được Hội đồng Giám mục Colombia công bố.

Trong thư Ðức Giáo Hoàng nói với Restrepo rằng ngài mang chiếc mũ lưỡi trai lính của anh trong suốt hành trình ở Colombia, vì nó nhắc ngài về sự hy sinh và lòng yêu nước của các quân nhân Colombia, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến vừa kết thúc với các chiến binh Mác-xít. Ðức Giáo Hoàng cho biết hiện nay ngài giữ chiếc mũ trên một bàn thờ trong văn phòng nhỏ của ngài ở Roma. Ngài cho biết ngài thường cầu nguyện ở đó. Và mỗi khi cầu nguyện, ngài cầu nguyện cho Restrepo, cho các đồng đội đã hy sinh và bị thương của anh.

Restrepo ngạc nhiên về việc làm của Ðức Giáo Hoàng, đặc biệt vì anh chưa bao giờ nói với ngài tên của anh. Anh không bao giờ nghĩ đến điều này. Ðối với anh, đó là một trong những hành động đẹp nhất mà anh trải nghiệm. Anh cho biết mình sẽ giữ lá thư của Ðức Giáo Hoàng trong một tấm khung và đặt nó trong văn phòng nhỏ của anh, cạnh chuỗi tràng hạt Ðức Giáo Hoàng tặng cho anh.

Restrepo bị mất chân trái, một phần của tay phải và thị lực vào năm 2004, khi anh đạp trúng một quả mìn chống người trong cuộc hành quân ở vùng nông thôn Colombia. Khi đó anh chỉ mới 19 tuổi và đang hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dù bị mù, hiện nay Restrepo đọc bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị và đang hoàn thành chứng chỉ luật. Anh nói: Tôi muốn tiếp tục giúp đỡ những thành viên của quân đội chúng tôi. Có nhiều người không được lãnh lương hưu trí thích hợp và tôi muốn tranh đấu nhân danh họ.”

8. Bỏ ý định phá thai nhờ sự trợ giúp của nhóm ủng hộ sự sống.

Cuộc tranh luận về “Luật về trật tự công cộng liên quan đến các phòng khám kế hoạch hóa gia đình” do nghị sĩ Rupa Huq chủ trì tại Westminster Hall. Nghĩ sĩ Huq là người đang vận động để cấm những cuộc canh thức cầu nguyện ủng hộ sự sống bên ngoài dưỡng đường Marie Stopics ở Ealing và những nơi khác. Những người phản đối bên ngoài các viện phá thai bị mô tả như quấy nhiễu các phụ nữ với những hình ảnh, biểu ngữ của họ.

Trong cuộc tranh luận này, Sir Edward Leigh, một nghị sĩ Công Giáo nổi tiếng thuộc đảng Bảo thủ đã trình bày chi tiết về áp lực mà các phụ nữ phải chịu khi phá thai. Ông đã đọc chứng từ của một phụ nữ về việc bà đã thay đổi quyết định phá thai nhờ buổi canh thức bên ngoài dưỡng đường.

“Ðứa con của tôi hiện giờ được 3.5 tuổi. Nó là một bé gái tuyệt vời, hoàn hảo và là tình yêu của cuộc đời tôi. Hôm nay tôi muốn các nghị sĩ ở đây, đang kêu gọi tạo nên những vùng đệm (nơi không được tổ chức các hoạt động chống phá thai), hãy nhận ra rằng con gái tôi sẽ không được sống ngày hôm nay nếu các nghị sĩ đã thực hiện điều họ muốn.Tôi chưa bao giờ từng muốn thực hiện phá thai nhưng tôi cảm thấy áp lực rất nhiều từ những người xung quanh tôi, những người đã đề xuất nó như một giải pháp không lý trí chút nào.”

Trên đường vào dưỡng đường Marie Stopes ở Ealing, một phụ nữ đã gặp thai phụ này trong thoáng chốc và nói với thai phụ rằng bà ta luôn ở đó nếu thai phụ cần bà ta. Thai phụ đi vào dưỡng đường và lòng vẫn không vui vì mình ở đó để phá thai, nhưng bị áp lực rất lớn bởi nhóm người đi với bà để bà phá thai.

Thai phụ kể tiếp: “Khi đã ở trong dưỡng đường, trong khi nhóm người cùng đi không để ý, tôi đã nhảy qua cửa sổ của tầng trệt và băng qua 3 hàng rào để chạy thoát. Tôi đã nói chuyện với người phụ nữ tôi gặp ở cổng, người đã ngỏ ý giúp đỡ khi tôi cần để giữ lại đứa con của tôi và điều này mang lại cho tôi sự tự tin để rời bỏ nơi phá thai. Tôi không hề gặp thấy bất cứ sự tấn kích nào từ những người bên ngoài dưỡng đường ở Ealing, đang muốn giúp đỡ. Họ có tờ rơi nói về sự phát triển của một đứa trẻ, một thai nhi, trong những giai đoạn đầu.

Việc dự định đưa ra những vùng đệm là một ý kiến tồi tệ bởi vì các phụ nữ như tôi, họ sẽ làm gì? Bạn biết là, không phải mọi phụ nữ đi vào các phòng khám thật sự muốn phá thai. Có áp lực rất lớn, có lẽ họ không có khả năng tài chính để lo cho chính họ và con của họ, hay họ cảm thấy không có chọn lựa khác. Những người bên ngoài này đưa ra các chọn lựa khác.”

Peter Williams, nhân viên điều hành của tổ chức “Quyền sống” nói: “Thật là điều tốt khi nghe cách công khai từ một trong các phụ nữ, người đã giữ lại con của họ nhờ sự ủng hộ họ đã nhận được từ buổi canh thức ủng hộ sự sống bên ngoài các phòng phá thai. Các vùng đệm sẽ lấy đi chọn lựa này của các phụ nữ và thay vào đó, họ sẽ bị bỏ lại với các chiến lược buôn bán đầy áp lực của một ngành kỹ nghệ trả tiền cho nhân viên để thuyết phục các phụ nữ phá thai.”