Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tổng thống Pháp vinh danh cha Jacques Hamel

Hôm 26 tháng 7, Tổng thống Emmanuel Macron đã đến tham dự buổi lễ khánh thành “bia đá cho hòa bình và tình huynh đệ” để vinh danh Cha Jacques Hamel nhân dịp kỷ niệm một năm ngày ngài bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết.

Hai tên bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã cắt cổ họng vị linh mục 85 tuổi vào ngày 26 tháng 7 năm 2016, trong khi ngài đang cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray.

Tổng thống Macron nói: “Khi giết cha Hamel ngay tại bàn thờ, hai tên khủng bố đã tìm cách gieo rắc lòng khao khát trả thù và trả đũa nơi những người Công Giáo ở Pháp. Nhưng chúng đã thất bại.”

Macron cảm ơn những người Công Giáo Pháp vì họ “tìm kiếm nơi đức tin và lời cầu nguyện sức mạnh để tha thứ” và cảm ơn những cư dân của thành phố đã “đưa ra một tấm gương cho cả nước Pháp, khi khước từ khát vọng trả thù và trả đũa, và lựa chọn cùng nhau bước đi trên con đường hoà bình.”

Tổng thống Macron nói Pháp không phải là “vương quốc của thuyết tương đối”. Ông nhấn mạnh rằng: “Tại trung tâm của luật pháp và những luật lệ của chúng ta, có một cái gì đó không thể thương lượng được đã được hình thành bởi lịch sử của chúng ta, điều mà chúng ta không thể thỏa hiệp, là một cái gì đó thánh thiêng: là điều làm cho chúng ta trở nên những con người nhân bản, đó là tình yêu, hy vọng, sự chăm sóc người khác. Cha Hamel đã thể hiện tất cả những điều này.”

2. Dù đã chết, cha Jacques Hamel vẫn sống trong lòng người

Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của Rouen nói trong bài giảng của ngài hôm 26 thág 7 rằng “dù đã chết, cha Jacques Hamel vẫn sống trong lòng người”.

Đức Tổng Giám Mục đã nói như trên khi ngài cử hành Thánh lễ nhân kỷ niệm một năm ngày vị linh mục quá cố bị hai tên khủng bố Hồi Giáo IS sát hại.

Thánh lễ kỷ niệm được tổ chức tại giáo xứ St. Étienne du Rouvray, nơi Cha Hamel bị giết trên bàn thờ hồi năm ngoái. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có mặt trong thánh lễ để vinh danh cha Jacques Hamel.

3. Cháu bé Charlie Gard đã qua đời

Cháu bé Charlie Gard đã qua đời vào ngày 28 tháng 7, ngay sau khi được chuyển đến một trung tâm chăm sóc dành cho những người chờ chết. Cái chết của cháu bé đã gây ra một làn sóng phản đối tại Luân Đôn. Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ cáo buộc các quan tòa đã tuyên án tử hình cho một đứa bé vô tội khi truyền cho bệnh viện rút các dây truyền sinh.

Charlie Gard đã là trung tâm của một cuộc tranh cãi trên thế giới với một bên là cha mẹ của cháu bé, và những người ủng hộ họ trong đó có Đức Giáo Hoàng, tổng thống Donald Trump, nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác và nhiều người khác nữa; và bên kia là các bác sĩ ở bệnh viện Great Ormond Street và các quan toà ở London. Những điểm chính trong cuộc tranh cãi này là đạo đức y khoa, lời thề Hippocrates của các lương y, ai là người có quyền quyết định sự sống chết của một người khác, và xa hơn thế nào là ‘đáng sống’, thế nào là ‘gánh nặng của xã hội’.

Hôm thứ Hai 24 tháng 7, luật sư Grant Armstrong, đại diện của cha mẹ cháu bé là hai anh chị Chris Gard và Connie Yates nói với quan tòa rằng “thời gian đã hết” sau các báo cáo y tế mới nhất. Ông Armstrong nói rằng “cơn ác mộng của cha mẹ cháu bé đã được xác nhận” vì thế họ chấm dứt các tranh cãi pháp lý để cứu mạng con mình.

Cha mẹ cháu bé đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng cho phép họ đưa Charlie về nhà. Lời yêu cầu này cũng bị tòa án từ chối.

4. Các Giám Mục Venezuela cực lực phản đối cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến

Hôm Chúa Nhật 30 tháng 7, Tổng thống Nicolás Maduro đã tổ chức cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến nhằm viết lại hiến pháp của quốc gia này.

Chế độ xã hội chủ nghĩa này đã cấm tất cả các cuộc biểu tình từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8. Bộ trưởng tư pháp đe dọa những người biểu tình có thể bị tù từ năm đến mười năm nếu tham gia vào các cuộc tụ tập phản đối. Tuy nhiên nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn người vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngày 27 tháng 7, các giám mục của Venezuela đã nhắc lại sự phản đối của các ngài đối với trò hề dân chủ này và kêu gọi người dân Venezuela thuộc mọi quan điểm chính trị tẩy chay cuộc bầu cử này nhưng không nên sử dụng bạo lực.

Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Hội đồng Giám mục Venezuela đã viết trên mạng Tweeter rằng: “Nguyện xin Đức Trinh Nữ Coromoto rất thánh, là quan thầy của Venezuela, xin giải thoát đất nước chúng con khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội”.

Tại biên giới Venezuela và Colombia, cha Jose David Canas, linh mục chính xứ của giáo xứ Thánh Giuse của Colombia, nằm ngay trên đừng biên giới với Venezuela đã thuê một căn nhà để làm nơi tá túc cho những người Venezuela đang lũ lượt bỏ ra nước ngoài tìm đường sống.

Cha Canas cho biết: “Ý tưởng thuê chỗ này, căn nhà này là để mang lại một chút tiện nghi tối thiểu cho những ai trên đường đến một nơi nào đó. Bất cứ ai qua đây cũng đều được tặng chút gì đó một miếng bánh mì, một ly cà phê, một bữa trưa. Họ được tặng chút gì đó vào buổi sáng. Và vì vinh quang Chúa, chúng tôi trao tặng từ 1,000 đến 1,200 bữa ăn mỗi ngày.”

5. Đức Hồng Y Pietro Parolin nói còn quá sớm để đánh giá khả năng lãnh đạo của tổng thống Trump

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhận xét rằng còn quá sớm để đánh giá khả năng lãnh đạo của Tổng thống của Trump.

Chính quyền của tổng thống Trump có rất nhiều sự “khác biệt và độc đáo” đến nỗi cần có “thời gian để tìm ra một đánh giá cân bằng”, Đức Hồng Y đã nói như trên trong một cuộc phỏng vấn với tờ Il Regno.

“Thời gian là cần thiết để đánh giá; ta không thể vội vàng. Bất kỳ phán quyết nào vào lúc này cũng là quá vội vã, ngay cả khi sự thể hiện của tính chất bất định có thể gây ngạc nhiên đối với nhiều người.”

Đức Hồng Y đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chống lại những biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo trên thế giới và nói rằng “làm giảm sự ấm lên toàn cầu có nghĩa là cứu căn nhà chung mà tất cả chúng ta đang sống, và giảm sự bất bình đẳng và nghèo đói mà sự nóng lên của hành tinh vẫn tiếp tục gây ra.”

Đức Hồng Y Parolin sẽ thăm Nga trong tháng Tám, cũng thảo luận về tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa Nga và phương Tây:

Nỗ lực để hiểu nhau không có nghĩa lấy quan điểm của người khác làm quan điểm của mình. Nhưng đó là một sự kiên nhẫn, xây dựng, thẳng thắn, và đồng thời, đối thoại trong niềm tôn trọng.

6. Tổng Giám Mục Phi Luật Tân tố cáo Tổng thống Rodrigo Duterte để mặc cho nạn cờ bạc gia tăng

Đức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, đã cáo buộc chính phủ nước này thất bại trong việc hạn chế cờ bạc bất hợp pháp.

Đức Cha Oscar Cruz, là Giám Mục đã nghỉ hưu của tổng giáo phận Lingayen-Dagupan, nói rằng Tổng thống Rodrigo Duterte đã không thi hành hàng loạt những lời hứa lớn nhỏ trong chiến dịch tranh cử của mình. Ngay cả chuyện ngăn cấm cờ bạc bất hợp pháp cũng không làm nổi.

Trước những lời cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, người đứng đầu văn phòng chính phủ chịu trách nhiệm về vấn đề cờ bạc bất hợp pháp cũng thừa nhận rằng số lượng hoạt động cờ bạc bất hợp pháp vẫn tiếp tục tăng, mặc dù Duterte hứa rằng cảnh sát sẽ trấn áp cờ bạc bất hợp pháp.

7. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói việc cải tổ hệ thống y tế tại Mỹ cần được tiếp tục

Chủ tịch Ủy Ban Công lý và Phát triển Nhân Văn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng “nhiệm vụ cải cách hệ thống chăm sóc sức khoẻ vẫn còn phải được tiếp tục” sau khi thất bại trong nỗ lực bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.

Đức Cha Frank Dewane của giáo phận Venice, Florida, nói: “Hệ thống y tế hiện nay không bền vững về mặt tài chính, thiếu sự bảo vệ cho người nghèo và sự bảo vệ quyền lương tâm cho các y sĩ, và nhiều người nhập cư không thể tiếp cận được.”

Đức Cha Dewane nói rằng một luật mới có thể chấp nhận được nếu nó bảo vệ quyền lợi của những người thụ hưởng Medicare, cung cấp bảo hiểm đầy đủ cho người nghèo và người nhập cư, giải quyết cuộc khủng hoảng trong thị trường bảo hiểm và bảo vệ quyền lương tâm của các y tá và bác sĩ.

Ngài kết luận rằng:

“Sự vĩ đại của đất nước chúng ta không thể được đo lường bởi sự thịnh đạt của những người giàu có nhưng phải được thể hiện qua cách chúng ta chăm sóc cho những người nghèo”.

8. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ viện trợ 4.8 triệu Mỹ Kim cho các Giáo Hội Công Giáo ở Đông Âu

Tiểu ban Trợ giúp Giáo Hội ở Trung và Đông Âu thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã trao tặng hơn 4.8 triệu đô la cho 206 dự án.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, Chủ Tịch Tiểu Ban nói rằng: “Là một gia đình trong đức tin, chúng ta cùng đứng chung với những người làm việc không mệt mỏi để tái xây dựng lại Giáo Hội ở Trung và Đông Âu. Họ là những người vẫn tiếp tục đối mặt với các thách đố để vượt qua những hậu quả bi đát của hàng thập kỷ áp bức chính trị và tôn giáo.”

Khoản tài trợ này được quyên góp tại nhiều giáo phận Hoa Kỳ hôm Thứ Tư Lễ Tro. Trước đó, tiểu ban đã trao cho các Giáo Hội Đông Âu hơn $ 2.3 triệu tiền trợ cấp vào tháng Giêng năm 2017 và 4.7 triệu đô la vào tháng 6 năm 2016.

9. Lần đầu tiên người Hồi Giáo đông hơn các Kitô hữu tại Nigeria

Trong thống kê mới nhất tại Nigeria, lần đầu tiên trong lịch sử, số người Hồi Giáo đã đông hơn số tín hữu của tất cả các hệ phái Kitô. Quốc gia này có 186 triệu dân. Người Hồi giáo giờ đây chiếm đến 50%; trong khi số tín hữu Kitô chỉ có 40%. 10% dân số vẫn giữ niềm tin bản địa.

Phản ứng trước diễn biến này nhà lãnh đạo hàng đầu ở quốc gia đông dân nhất châu Phi nói rằng Kitô giáo và Hồi giáo đang tham gia vào một “cuộc chạy đua giành giật các linh hồn.”

Đức Hồng Y John Onaiyekan của thủ đô Abuja, Nigeria, đã đưa ra nhận xét như trên trong một buổi lễ tấn phong giám mục. Ngài nói rằng, sứ vụ của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. “Chính trong ánh sáng này, tôi không ngần ngại tuyên bố rằng tôi muốn 'Kitô hóa Nigeria' bằng tất cả các phương tiện thuyết phục hòa bình.”

Ngài nói tiếp rằng: “Nhưng tôi cũng biết rằng có những người khác cũng có cùng khao khát, liên quan đến đức tin của họ”. “Do đó tôi tôn trọng quyền của những người tuyên bố rằng họ muốn 'Hồi Giáo hóa Nigeria'.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:

“Vì thế, chúng ta hãy tham gia vào cuộc chạy đua giành giật các linh hồn người Nigeria - một cuộc tranh đua hợp pháp, nhưng phải được tiến hành nghiêm chỉnh với các quy tắc liên quan đến bất bạo động, công lý, tự do và chân thành trước mặt Thiên Chúa. Điều này không chỉ có thể, mà còn cần thiết, để hòa bình ngự trị trên đất nước chúng ta.

Phúc âm hóa, truyền bá Tin Mừng không phải chỉ làm tăng các số liệu thống kê về số người Công Giáo. Chúng ta cũng phải nỗ lực để tạo ra một con số đông đảo các chứng nhân cho Chúa Kitô, cho sự thật, công lý và tình yêu; một con số đông đảo những người nam nữ có thiện chí có thể hợp tác với nhau hầu tạo ra một tác động tích cực trong xã hội chúng ta.”

10. Quốc Hội Ukraine đề nghị bắt đầu các phiên họp bằng Kinh Lạy Cha

Một số nhà lập pháp Ukarine đã đề nghị các buổi họp Quốc Hội nên được bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha để cầu nguyện xin Chúa che chở cho quốc gia đang bị thế giới lãng quên. Ukraine đang là miếng mồi ngon cho Nga và là đối tượng cho các mặc cả quốc tế giữa các nhà lãnh đạo cường quốc và tổng thống Putin.

Trong chuyến viếng thăm Ukraine của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương than thở rằng quốc gia ngài đang ở “vào thời điểm khi cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một đề tài bị lãng quên, một cuộc chiến bị phản bội”.

Các nhà lãnh đạo Tin Lành và Công Giáo lên tiếng ủng hộ đề nghị này. Tuy nhiên, Giáo Hội Chính Thống thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tỏ ra không tán thành. Đức Thượng Phụ Anthony Pakanych nói: “Mong muốn của các thành viên Quốc Hội chỉ cho thấy một nhận thức thực tế là nếu không có hy vọng nơi Thiên Chúa thì chúng ta không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Nhưng chúng ta đang sống trong một quốc gia tuyên bố giữa thái độ bình đẳng đối với các tôn giáo, do đó, chúng tôi không tán thành đề nghị này.”

11. Các linh mục Congo kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho hai linh mục bị bắt cóc

“Chúng tôi vô cùng kinh hoàng khi hai người anh em của chúng tôi bị bắt cóc và yêu cầu họ phải được phóng thích vô điều kiện”. Các linh mục triều tại giáo phận Butembo-Béni đã nói như trên trong cuộc họp báo liên quan đến vụ bắt cóc hai linh mục tại Butembo.

Cha Charles Kipasa và cha Jean Pierre Akilimali đã bị bắt cóc vào ngày Chúa Nhật 16 tháng 7. Một số những người vũ trang đã bắt giữ các ngài tại giáo xứ Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần Bunyuka ở vùng ngoại ô thành phố Butembo.

Các linh mục giáo phận Butembo-Béni đã tham dự tuần tĩnh tâm với Đức Cha Melchisédech Sikuli Paluku là Giám Mục bản quyền. Sau tuần tĩnh tâm, các ngài đã tổ chức họp báo kêu gọi những kẻ bắt cóc trả tự do cho hai linh mục, và than thở về tình trạng mất an ninh trong khu vực.

12. Hội Đồng Giám Mục Pakistan lên án vụ tấn công khủng bố tại Lahore

Trong một diễn biến bi thảm 26 người bị giết và 52 người khác bị thương trong một vụ tấn công khủng bố diễn ra hôm thứ Hai 24 tháng 7. Các nhà thờ tại thành phố Lahore đã được đặt trong tình trạng báo động cao độ sau vụ tấn công này. Các thánh lễ Chúa Nhật 30 tháng 7 đã diễn ra với đầy âu lo.

Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Pakistan đã lên án một cuộc tấn công này do bọn khủng bố Hồi Giáo Tehreek Taliban gây ra. Đa số những người bị giết là các nhân viên cảnh sát.

Kẻ tấn công, là một thiếu niên, đã lái một chiếc xe gắn máy chất đầy chất nổ lao vào một trạm kiểm soát của cảnh sát.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục nhận xét rằng:

“Các nhóm cực đoan đang sử dụng tuổi trẻ của chúng ta để phá hoại. Chúng ta phải đoàn kết lực lượng bất chấp sự khác biệt chính trị, tôn giáo, hay văn hoá của chúng ta để cứu con cái chúng ta khỏi sự dữ nghiêm trọng này.”

13. Nữ tu Canada đầu tiên làm phép cưới

Với sự chấp thuận của giám mục bản quyền và của Vatican, chị Pierrette Thiffault, một nữ tu của Dòng Chúa Quan Phòng, đã là nữ tu đầu tiên trong Giáo Hội Canada làm phép cưới cho một đôi tân hôn. Biến cố này đã diễn ra tại giáo phận Rouryn-Norand, thuộc tỉnh Quebec vào ngày 22 tháng 7.

Bộ Giáo Luật hiện hành cho phép một giám mục chỉ định một người không có chức thánh làm phép cưới Công Giáo, với sự chấp thuận của Vatican, ở những nơi thiếu linh mục. Đức Cha Dorylas Moreau đã đề cử nữ tu Thiffault, là người đã nhận được sự cho phép chính thức từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Giáo phận Rouryn-Norand, nằm ở tây bắc Quebec, chỉ có 20 linh mục phục vụ một lãnh thổ trải dài hơn 23,300 cây số vuông. Nhiều linh mục phải đảm trách nhiều giáo xứ khác nhau ở các vùng nông thôn, nơi đa số dân là người Công Giáo.

14. Một nhóm nữ quyền quá khích đánh bom Tòa Nhà Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ

Một nhóm nữ quyền quá khích đã nhận trách nhiệm về vụ nổ làm rung chuyển các văn phòng của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ ngày 25 tháng 7.

Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ đã đưa ra một tuyên bố nói rằng vụ đánh bom này là một “thông điệp thù hận”. Các giám mục cho rằng vụ nổ này tiêu biểu cho một mức độ bạo lực tổng quát trong xã hội Mễ Tây Cơ.

Đức Cha Alfonso Miranda Guardiola, Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ, nói rằng vụ đánh bom này “mời gọi chúng ta suy nghĩ một cách triệt để về những cố gắng nhằm tái thiết xã hội chúng ta ngõ hầu có bảo đảm an ninh tốt hơn cho mọi công dân”.

15. Hội Đồng Giám Mục Chilê bày tỏ thất vọng trước việc Quốc Hội cho phép phá thai

Các giám mục Công Giáo Chilê đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Quốc Hội nước này bỏ phiếu chấm dứt các hình phạt hình sự đối với việc phá thai. Các ngài cũng lên tiếng cam kết tiếp tục ủng hộ cho chính nghĩa phò sinh.

Hội Đồng Giám Mục Chilê đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt là Quốc Hội gồm đa số là những người tự nhận mình là người theo đạo Thiên Chúa lại thông qua luật cho phép giết các thai nhi vô tội. Các ngài đã nhắc nhở các chính trị gia về tuyên bố của họ vào năm 2015, trong đó họ nói rằng “chính quyền chính là người đầu tiên được kêu gọi chứng minh sự gắn bó giữa những lời lẽ đạo đức mà họ tuyên bố và chức vụ công quyền mà họ nắm giữ”.

Các giám mục khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho sự tôn trọng sự sống và cho việc hoán cải của những người ủng hộ phá thai. Đống thời, các Giám Mục cũng lên tiếng khích lệ anh chị em giáo dân và các tổ chức Công Giáo tích cực hỗ trợ cho các phụ nữ mang thai đang gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tham gia tích cực vào các phong trào phò sự sống; và chỉ hỗ trợ cho những ứng cử viên chính trị ủng hộ phẩm giá con người.