Chương 5: Thờ Phượng

Trong biệt ngữ của Công Giáo, các nghi lễ và nghi thức khác nhau của Giáo Hội được gọi chung là “phụng vụ”, tiếng La Tinh là Liturgia do tiếng Hy Lạp leitourgia, nghĩa là “việc” chỉ việc chung của nhà nước nhân danh dân mà làm. Trong tôn giáo La Hy, từ ngữ này được dùng để chỉ nghi lễ thờ cúng do một tư tế thực hiện nhân danh dân chúng, và từ đó, nó đã được du nhập vào từ vựng Công Giáo để chỉ việc thờ phượng công cộng của Giáo Hội. Trung tâm điểm của phụng vụ Công Giáo là Lễ Tạ Ơn, hay Thánh Lễ, được cử hành mọi ngày quanh năm, trừ Thứ Sáu Tuần Thánh, khi buổi thống hối được cử hành để tưởng niệm sự đau khổ của Chúa Kitô trên Thập Giá. Cả dịp này, các người thờ phượng cũng được rước lễ bằng Bánh và Rượu đã được truyền phép trong Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh. Thánh Lễ Chúa Nhật là cao điểm của mỗi tuần, được gọi là “tiểu Phục Sinh” vì nó cử hành chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết vào ngày Phục Sinh. Người Công Giáo ngày nay được coi là chu toàn bổn phận phải dự Thánh Lễ Chúa Nhật bằng cách dự Thánh Lễ tối thứ Bẩy, gọi là “Lễ vọng”.

Đối với đại đa số người Công Giáo trên thế giới, Thánh Lễ Chúa Nhật là trải nghiệm hàng đầu của họ về Giáo Hội. Phần lớn người Công Giáo không mấy chú ý tới các thăng trầm của Vatican hay hội đồng giám mục trong nước của họ, và thậm chí, một số rất đông đến việc gặp giám mục địa phương cũng không có. Họ biết những gì Giáo Hội dạy về phá thai, hay hôn nhân đồng tính, hay án tử hoặc di dân, nhưng phần lớn không thèm để ý tới cuộc tranh luận chính trị ở thế giới bên ngoài. Thay vào đó, họ quay sang Thánh Lễ để tìm của nuôi dưỡng thiêng liêng, sự an ủi, tình hiệp thông, hy vọng dành ít nhất một giờ mỗi tuần cho thánh nhan Thiên Chúa và tình đồng hành với gia đình đức tin của họ. Nếu một người Công Giáo nào đó cảm thấy thoải mái đối với Thánh Lễ Chúa Nhật tại giáo xứ địa phương, thì chắc chắn họ cũng cảm thấy thoải mái đối với Giáo Hội nói chung.

Có lẽ người Công Giáo dành thì giờ tranh luận về phụng vụ nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác. Một phần, vì ai cũng đi Lễ ít nhất một lần nào đó, nên tự nhiên họ cảm thấy mình có quyền có một ý kiến gì đó về nó. Một phần, cũng vì người Công Giáo, trong xương tủy, cảm thấy đây là điều đáng kể hơn cả, vì dù gì, mục tiêu tối hậu của Giáo Hội là dẫn người ta tiến sâu hơn vào mối tương quan với Thiên Chúa, và đối với đa số tín hữu, việc này một là diễn ra tại Thánh Lễ hai là chẳng diễn ra ở nơi nào khác. Thành thử, nhiều lượng thời gian và năng lực phi thường đã được đổ vào các vấn đề như có phải giang tay hay không khi đọc Kinh Lạy Cha, phải qùy hay đứng khi rước Lễ, rước Lễ bằng lưỡi hay bằng tay, và nên thưa “và cũng ở cùng cha” hay nên thưa “và ở cùng tinh thần cha” lúc linh mục ngỏ lời “Chúa ở cùng anh chị em!”. Những cuộc tranh luận như thế được gọi đùa là “các cuộc chiến phụng vụ”.

Lịch phụng vụ Công Giáo được tổ chức ra sao?

Đạo Công Giáo phát khởi trong một xã hội nông nghiệp, nơi việc đổi mùa là sự kiện nền tảng của cả sinh hoạt bản thân lẫn sinh hoạt xã hội. Giáo Hội cũng đánh dấu sự đổi mùa này bằng cách tổ chức năm thành các mùa phụng vụ khác nhau dựa vào những khoảnh khắc quan trọng của điều được gọi là “lịch sử cứu rỗi”, tức kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho thế giới. Để phù hợp với óc tưởng tượng bí tích của Giáo Hội, mỗi mùa phụng vụ có bộ biểu tượng và hình ảnh riêng của nó, gồm mầu sắc riêng trên lễ phục được linh mục mặc để cử hành Thánh Lễ và các trang trí trong nhà thờ cũng như tại các gia đình Công Giáo.

Có tất cả 6 mùa phụng vụ chính trong lịch Công Giáo:

Mùa Vọng: Mùa chuẩn bị cho việc Chúa Cứu Thế đến này bắt đầu 4 Chúa Nhật trước Lễ Giáng Sinh (chữ Advent của tiếng Anh chỉ việc đến). Về phương diện thần học, nó được hiểu không chỉ như thời kỳ mong đợi Chúa Giêsu hài đồng sinh ra mà thôi, mà còn theo nghĩa cánh chung tức chuẩn bị đón ngày Người đến lần thứ hai, để phán xét sau cùng và khởi đầu vương quốc Thiên Chúa trên trần gian. Biểu tượng chính của thời kỳ này là vòng hoa mùa vọng, vòng hoa xanh hoài với 4 cây nến. Nói một cách tổng quát, một cây nến được đốt lên mỗi tuần trong Mùa Vọng, kết thúc với cả 4 cây cùng được đốt lên trong phụng vụ sau cùng trước Lễ Giáng Sinh.

Mùa Giáng Sinh: Theo truyền thống, trong Giáo Hội La Tinh, ngày 25 tháng 12 đã được chỉ định để đánh dấu ngày sinh của Chúa Kitô, có lẽ vì đây là ngày hội của cổ Rôma mừng ngày đông chí. Ngày sinh thực sự của Chúa Kitô không ai rõ, dù nhiều học giả Thánh Kinh tin rằng phấn chắc nó xẩy ra vào cuối mùa Xuân. Dù sao, Lễ Giáng Sinh, tiếng Anh là Christmas, nghĩa là Thánh Lễ Chúa Kitô, là cử hành lớn của Kitô Giáo mừng sự Nhập Thể, nghĩa là việc Con Thiên Chúa mang lấy xác phàm nhân. Theo truyền thống, trong Giáo Hội La Tinh, Mùa Giáng Sinh kéo dài tới lễ Hiển Linh, tức ngày 6 tháng Giêng, nhưng hiện nay, nó kéo dài tới tận Lễ Chúa Kitô chịu Phép Rửa, tức Chúa Nhật sau Lễ Hiển Linh. Màu truyền thống của Mùa Giáng Sinh là trắng và vàng.

Mùa Thường Niên: Trong tiếng La Tinh “ordinal” chỉ số thứ tự, thành thử kiểu nói tiếng Anh “ordinary time” (mùa thường niên) nghĩa đen là “các tuần lễ được đánh số”. Hai thời kỳ này được gọi là “ordinary” cũng là theo nghĩa thứ tự, tức là chúng không tưởng nhớ bất cứ biến cố đặc thù nào trong lịch sử cứu rỗi. Chúng thường bao gồm 33 hay 34 tuần lễ trong năm. Nhóm thường niên đầu tiên diễn ra từ Mùa Giáng Sinh tới Mùa Chay, nhóm thường niên thứ hai diễn ra từ Lễ Hiện Xuống tới Mùa Vọng. Mùa Thường Niên được chấm phá bởi các ngày lễ như Lễ Mình Máu Thánh, Lễ Chúa Kitô Vua, và Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như một lô ngày lễ các thánh. Xanh lá cây là mầu của các thời kỳ này.

Mùa Chay: Là mùa thống hối chính của năm Công Giáo, Mùa Chay là thời kỳ chuẩn bị cho Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh. Nó bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro, khi linh mục xức tro lên trán người Công Giáo để nhắc họ nhớ rằng “là bụi đất, con sẽ trở về bụi đất”. Thông thường, tượng chịu nạn và ảnh tượng các thánh trong các nhà thờ Công Giáo sẽ được che bằng vải mầu tím, trong khi một số biểu thức hân hoan bị bỏ khỏi Thánh Lễ, và các lễ phục của các linh mục và phó tế mặc cũng ảm đạm hơn. Người Công Giáo được khuyến khích đi xưng tội trong Mùa Chay và nhịn ăn thịt vào các ngày thứ Sáu. Như đã nói ở chương 1, nét truyền thống trong văn hóa Công Giáo là hy sinh một điều gì đó trong Mùa Chay. Tất cả các phong tục này nhằm phát huy tinh thần hy sinh và thống hối, như một cách để thanh tẩy mình cho cao điểm phụng vụ Phục Sinh sắp tới.

Tuần Thánh: Tuần lễ trước lễ Phục Sinh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá, nhắc nhớ việc Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem. Một trong các trình thuật sự đau khổ của Chúa Kitô, gọi là “khổ nạn”, được đọc trọn vẹn trong Chúa Nhật Lễ Lá. Sau đó, trong tuần, Thứ Năm Tuần Thánh đánh dấu Bữa Ăn Tối Sau Cùng của Chúa Giêsu, được truyền thống coi như việc thiết lập ra Phép Thánh Thể. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh cũng bao gồm nghi thức tưởng nhớ việc Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ nhằm dạy tinh thần khiêm nhường và phục vụ, giả thiết phải nằm ở tâm điểm cuộc sống của người Kitô hữu. Ngày hôm sau, Thứ Sáu Tuần Thánh, nhắc nhớ sự chết của Chúa Kitô trên Thập Giá, mà truyền thống vốn cho đã diễn ra khoảng lúc 3 giờ chiều. Người ta mong người Công Giáo kiêng thịt và chỉ ăn một hay hai bữa ăn nhẹ vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày kế tiếp, Thứ Bẩy Tuần Thánh, là ngày Chúa Kitô an nghỉ trong mồ.

Mùa Phục Sinh: Lễ Phục Sinh là lễ hội lớn mừng sự sống lại của Chúa Kitô, đánh dấu sự chiến thắng của Người đối với sự chết và lời hứa sự sống đời đời cho những ai bước theo Người. Ngày Lễ Phục Sinh thay đổi tùy năm, do lịch mặt trăng đã sử dụng từ trước thời cận đại ấn định. Thánh Lễ vọng Phục Sinh được cử hành vào đêm giữa Thứ Bẩy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh, tiếp theo là chính Thánh Lễ Phục Sinh. Mùa phụng vụ Phục Sinh kéo dài 50 ngày sau đó, và bao gồm Lễ Thăng Thiên, khi Chúa Kitô sống lại lên trời sau một thời gian vắn vỏi lưu lại trần gian, và Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ của Chúa Giêsu, như đã được sách Tông Đồ Công Vụ mô tả. Mầu trắng là mầu truyền thống trong Mùa Phục Sinh, trừ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khi mầu phụng vụ là mầu đỏ, tượng trưng cho các lưỡi lửa của Chúa Thánh Thần trên đầu các môn đệ.

Hành vi thờ phượng nào của Công Giáo quan trọng nhất?

Nhất định là Thánh Lễ. Chữ Anh chỉ Thánh Lễ là “mass”; chữ này phát sinh từ câu La Tinh ở cuối Thánh Lễ khi linh mục đọc: “Ite, missa est”. Sách Lễ của các nước nói tiếng Anh dịch là: Go forth, the Mass is ended (Nghi Thức Thánh Lễ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch là: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an). Thoạt đầu, đây chỉ là cách giải tán, nhưng với thời gian, hạn từ “missa” mang một nghĩa sâu xa hơn. Ý niệm này trở thành có nghĩa: người thờ phượng không chỉ được giải tán mà còn được “ủy quyền”, lên đường mở rộng cảm nghiệm Thánh Lễ trong chính đời sống họ và trong sứ mệnh đang tiếp diễn của Giáo Hội trong thế giới. Xét chung, chỉ có người Công Giáo La Tinh gọi là Thánh Lễ. Người Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương thường gọi là phụng vụ thánh hay một kiểu nói khác.

Hành vi thờ phượng chính của Công Giáo này diễn biến qua nhiều năm tháng, một phần nhờ tiếp nhận các yếu tố từ các nền văn hóa chung quanh. Thí dụ, phần lớn các học giả phụng vụ tin rằng “nghi thức nhập lễ” khi chủ tế và các nhà lãnh đạo tiến lên bàn thờ không phải là thành phần trong cấu trúc nguyên thủy, nhưng là một điều hấp thụ được từ thực hành của Đế Quốc Rôma. Ấy thế nhưng, tại tâm điểm của nó, người ta tin Thánh Lễ bắt nguồn từ Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô với các môn đệ, khi Chúa Giêsu bẻ bánh, chia sẻ rượu và truyền cho họ “hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”.

Điều gì diễn ra trong Thánh Lễ?

Thánh Lễ được chia thành 5 phần chính:

1. Nghi thức nhập lễ: Linh mục chủ tế tiến vào cùng với phó tế, nếu có, và những người giúp lễ, trong khi cộng đoàn hát thánh ca. Ở phần lớn các nơi, cả bé trai lẫn bé gái đều được phép làm trẻ giúp lễ, nhưng một số giáo phận chỉ dành vai trò này cho các bé trai mà thôi, coi nó như con đường có tiềm năng dẫn tới chức linh mục, là chức chỉ người nam mới được lãnh nhận. Đôi khi, nhiều người khác nữa cũng tham gia cuộc rước, như các người đọc sách Thánh và các thừa tác viên Thánh Thể, tức các người giúp linh mục cho rước lễ. Sau khi đoàn rước đã tới bàn thờ, Kinh Thống Hối được cộng đoàn đọc cũng như các lời cầu nguyện ngợi Khen Thiên Chúa.

2. Phụng vụ Lời Chúa: Trong các Chúa Nhật, có ba bài đọc Sách Thánh, một bài từ Cựu Ước, một bài từ Tân Ước (thường là các thư của Thánh Phaolô) và rồi một bài từ một trong bốn sách Tin Mừng (Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan). Trong khi hai bài đầu có thể do các người đọc phụ trách, nhưng bài Tin Mừng thì được linh mục hay phó tế đọc. Sau đó, linh mục sẽ giảng. Rồi Cộng Đoàn đọc Kinh Tin Kính và “các lời nguyện giáo dân” hay những lời cầu xin Thiên Chúa vì các nhu cầu khác nhau.

3. Phụng vụ Thánh Thể: Sau khi bánh và rượu đã được đặt trên bàn thờ, linh mục dâng lời cầu nguyện trên của lễ. Rồi ngài bắt đầu một trong bốn Kinh Nguyện Thánh Thể, được coi như lúc chủ chốt của Thánh Lễ. Phần này gồm Kinh epiclesis, tức lời cầu xin nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, các của lễ trở thành mình và máu Chúa Kitô, và trình thuật lập phép Thánh Thể và lời truyền phép, nhắc lại Bữa Tiệc Ly và đọc các lời của Chúa Giêsu trên bánh và rượu. Phần này kết thúc bằng “tụng ca” (doxology), tức kinh nguyện ngợi khen để cảm tạ Thiên Chúa đã ban hồng phúc Thánh Thể.

4. Nghi thức hiệp lễ: Sau khi đọc Kinh Lạy Cha với nhau, cộng đoàn trao đổi “dấu bình an”, thường bằng cách bắt tay nhau và nói với nhau “Bình an ở với bạn”. Sau một kinh nguyện ngắn khác, linh mục hiệp lễ trước rồi ngài cùng với các thừa tác viên Thánh Thể sẽ cho cộng đoàn hiệp lễ. Ngày nay, ở phần lớn các nơi, người Công Giáo đứng khi hiệp lễ, thường nhận Mình Thánh vào tay. Nhiều nơi cho hiệp lễ “dưới cả hai hình” nghĩa là vừa nhận bánh thánh đã truyền phép vừa uống rượu đã truyền phép.

5. Nghi thức kết lễ: Sau lời giải tán ngắn, linh mục, phó tế, và những người khác thường diễn hành khỏi bàn thờ, đi xuống lòng nhà thờ để ra ngoài nhà thờ hay vào phòng áo lễ, trong khi cộng đoàn hát bài thánh ca cuối cùng.

Trong Thánh Lễ, ngôn ngữ nào được sử dụng?

Khi các Kitô hữu tiên khởi tụ họp nhau để thờ phượng, họ sử dụng ngôn ngữ họ vẫn nói hàng ngày, nghĩa là ở Trung Đông, họ dùng tiếng Aram, còn ở phần lớn các nơi khác, họ dùng tiếng Hy Lạp. Khi Kitô Giáo đâm rễ vào Đế Quốc Rôma, tiếng La Tinh trở thành ngôn ngữ tiêu chuẩn của việc thờ phượng và vẫn mãi là thế cho tới tận Công Đồng Vatican II, giữa thập niên 1960. Sau Vatican II, người ta được phép dùng ngôn ngữ bình dân (vernacular) để cử hành Thánh Lễ, nghĩa là ngôn ngữ nói của người bình dân. Tuy nhiên, bản văn nền tảng của Thánh Lễ vẫn được viết bằng tiếng La Tinh và vì tính rất quan trọng của Thánh Lễ trong đời sống Công Giáo, nên vấn đề phải dịch sao cho đúng nhất các bản văn La Tinh này sang các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới là một vấn đề được tranh luận gay go.

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho phép việc cử hành rộng rãi Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh, từng được dùng trước Vatican II. Ngài xác định rằng Thánh Lễ hậu Vatican II bằng tiếng bình dân là “hình thức thông thường” của việc cử hành Thánh Thể, còn Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh là “hình thức ngoại thường” và cho phép các linh mục cử hành Thánh Lễ kiểu cũ cách tư riêng bất cứ lúc nào các ngài muốn, còn cử hành nó cách công khai thì bất cứ khi nào có một nhóm giáo dân ổn định yêu cầu. Quyết định này được coi không những như một nhượng bộ đối với những người Công Giáo gắn bó với Thánh Lễ cũ, mà còn là một biểu thức tượng trưng nói lên xác tín của Đức Bênêđíctô rằng các cải tổ do Vatican đưa vào không có ý định triệt tiêu các lớp lang cũ hơn của truyền thống trong Giáo Hội.

Thánh Lễ có y hệt như nhau ở khắp nơi không?

Dù bạn không muốn đẩy quá xa việc so sánh, nhưng Đạo Công Giáo hơi giống quán ăn McDonalds của tôn giáo có tổ chức. Cả hai đều là những nhãn hiệu hoàn cầu có lần từng chiếm gần như độc quyền trên lãnh địa của mình, nhưng hiện nay, đang đối đầu với một cuộc cạnh tranh gắt gao từ nhiều phía khác nhau. Trong cả hai định chế, các đại lý (franchises) cũ đang rất chật vật nhưng họ thấy một phát triển nổ bùng ở các địa điểm mới. Cả hai cũng cố gắng pha chế thực đơn tiêu chuẩn với nhiều yếu tố khác nhau hợp với khẩu vị địa phương.

Trong Đạo Công Giáo, Thánh Lễ thường là nơi sự căng thẳng giữa thực hành phổ quát và việc thích ứng địa phương đạt tới độ sôi sục. Các yếu tố căn bản, như nghi thức dâng lễ và các lời truyền phép, phải như nhau ở khắp mọi nơi, bất kể Thánh Lễ được cử hành ở đâu hay sử dụng ngôn ngữ nào. Các khía cạnh khác, như loại âm nhạc chấm phá cho nghi lễ, phong thái diễn thuyết được linh mục dùng trình bầy bài giảng, nhà thờ trang trí ra sao, và cả tác phong của người tham dự nữa, tất cả có thể và thực đã phản ảnh nhiều phong tục của địa phương. Diễn trình lên khuôn phụng vụ để nói với kinh nghiệm của các nền văn hóa khác nhau được gọi là “hội nhập văn hóa” (inculturation) và việc tranh luận về các giới hạn của nó là bận bịu không cùng của người Công Giáo.

Về phương diện thần học, người ta tin rằng mọi Thánh Lễ đều sinh cùng một ơn ích thiêng liêng, và nhiều tác giả viết về phụng vụ, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đều cẩn trọng trong việc quá nhấn mạnh tới việc “trình diễn” như thể Thánh Lễ là một vở kịch, có hại cho ý nghĩa thần học thực sự của nghi lễ. Ấy thế nhưng, về phương diện hiện sinh, “cảm giác” về Thánh Lễ có thể và quả có khác nhau.