Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ.

2- ĐTC xác định tiêu chuẩn "cha “giải tội tốt”.

3- ĐGH Phanxicô chào đón khách hành hương Trung Quốc trong khi cảnh vệ cố tình ngăn cản họ.

4- Nhận định của ĐHY Vincent Gerard Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình.

5- Các nhà lãnh đạo tôn giáo Triều Tiên kêu gọi tránh xung đột sau quyết định của Toà án truất phế bà Park.

6- Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao.

7- Giám mục Giorgio Bertin nói về cuộc khủng hoảng do nạn đói ở Somalia.

8- Các Giám mục Bolivia chống dự luật cho phép phá thai vì nghèo khổ.

9- Tòa Âu Châu phán quyết: Việc cấm khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc là không kỳ thị.

10- Thánh Ca Mùa Chay: Trên Đỉnh Đồi Xa.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ.

Thời gian Mùa Chay là dịp tốt giúp đến gần Chúa Giêsu, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong đối thoại thân tình, tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt giúp trông thấy gương mặt của Ngài cả nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật hôm qua, 19/3/2017, tại Roma.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay hôm nay giới thiệu với chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria (x. Ga 4,5-42). Cuộc gặp gỡ xảy ra trong khi Chúa Giêsu đi ngang qua Samaria, nơi dân cư bị người Do thái khinh rẻ. Chúa Giêsu đến bên cạnh một cái giếng để xin nước uống từ một phụ nữ đến kín nước. Và từ lời xin này bắt đầu một cuộc đối thoại. “Làm sao một người Do Thái mà lại hạ cố xin điều gì đó từ một phụ nữ Samaria?” Chúa Giêsu trả lời: nếu chị biết tôi là ai và ơn tôi cho chị, thì chị sẽ là người xin, và tôi sẽ cho chị “nước hằng sống”, một nước thoả mãn mọi cái khát, và trở thành suối nguồn không thể cạn trong con tim người uống nó (cc. 10-14). Khi người đàn bà nhận ra rằng người đang nói là một ngôn sứ, chị tín thác cuộc sống riêng tư cho ngài, và đặt ra các câu hỏi tôn giáo… Bà bị đánh động bởi lòng tôn trọng lớn lao mà Chúa Giêsu có đối với mình và khi Ngài nói với bà về lòng tin đích thực như là tương quan với Thiên Chúa Cha “trong tinh thần và trong chân lý”. Bà trực giác được rằng người đó có thể là Đấng Cứu Thế, và Chúa Giêsu xác nhận: “Chính Ta, là người đang nói với chị” (c. 26) - đây là điều rất hiếm.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, nước trao ban sự sống vĩnh cửu đã được đổ tràn đầy trong tim chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội; khi đó Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta tràn đầy ơn thánh Ngài. Thời gian Mùa Chay này là dịp tốt để tiến tới gần Ngài, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong một cuộc đối thoại tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt để trông thấy gương mặt của Ngài nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ. Như thế chúng ta có thể canh tân trong chúng ta ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, giải khát nơi suối nguồn Lời Chúa và của Thần Khí của Ngài, và như vậy cũng khám phá ra niềm vui trở thành tác nhân của hoà giải và dụng cụ của hoà bình trong cuộc sống thường ngày.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người, ĐTC đã bày tỏ tình liên đới với nhân dân Peru bị lũ lụt tàn phá. ĐTC cũng đã chào các tín hữu cùng khách hành hương đến từ nhiều nơi trong Italia và trên thế giới, và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho Ngài.

- Đức Thánh Cha xác định tiêu chuẩn cha “giải tội tốt”.

ĐTC nhắn nhủ các cha giải tội gắn bó với Chúa Kitô qua kinh nguyện, biết phân định và ý thức rằng tòa giải tội chính là nơi loan báo Tin Mừng. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17/3/2017 dành cho 700 người gồm các LM trẻ và chủng sinh sắp thụ phong LM tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức trong những ngày qua.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khai triển 3 điều kiện để trở thành cha “giải tội tốt”:

- Trước tiên phải là người bạn đích thực của Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Điều này trước tiên có nghĩa là phải vun trồng đời sống cầu nguyện, luôn cầu xin Chúa ơn bác ái mục tử, ơn có khả năng hiểu những vết thương của người khác để chữa lành, ơn khiêm tốn, và luôn xin ơn Thánh Linh là Thánh Thần Phân Định và cảm thương.

- Tiếp đến, cha giải tội tốt là người của Thánh Linh, người biết phân định. Cha giải tội không dạy đạo lý riêng của mình, nhưng luôn luôn thực thi thánh ý Chúa, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.

- Sau cùng, ĐTC nói, cha giải tội tốt là người ý thức rằng tòa giải tội cũng là nơi thực sự để loan báo Tin Mừng. Thực vậy, không có sự loan báo Tin Mừng nào chân chính hơn là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa từ bi thương xót.

Tòa Giải tội cũng là nơi huấn luyện. Tuy cuộc đối thoại giữa cha giải tội với hối nhân thường ngắn ngủi, nhưng Cha giải tội được kêu gọi phân định xem đâu là điều hữu ích nhất và đâu là điều cần thiết cho hành trình thiêng liêng của anh chị em đến xưng tội. Đôi khi cần phải tái loan báo cho họ những chân lý sơ đẳng nhất của đức tin, những nền tảng của đời sống luân lý, luôn ở trong tương quan với sự thật, sự thiện và thánh ý Chúa.

- ĐGH Phanxicô chào đón khách hành hương Trung Quốc trong khi cảnh vệ cố tình ngăn cản họ.

ĐGH Phanxicô đã chào đón và chúc lành cho một nhóm khách hành hương đến từ Trung Quốc khi họ bước qua hàng rào cản để đến với ngài trong buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư 15 tháng 3 vừa qua. Trong số những người chen lấn, có những người đã quỳ gối để đến với ĐGH, tay cầm cờ Trung Quốc và giữa tiếng khóc nức nở, họ đã xin ĐGH làm phép một tượng Đức Mẹ Fatima mà họ đã mang theo vào Quảng Trường Thánh Phêrô.

Lúc đầu, các Cảnh Vệ Thụy Sĩ đã ngăn cản không cho họ đến gần ngài, nhưng ĐGH đã kịp thời can thiệp. Ngài đã dành vài phút tiếp chuyện với nhóm hành hương và dành thời gian cho các em nhỏ có mặt trong nhóm.

Được biết Trung Quốc chỉ cho phép sinh hoạt Công Giáo đối với cái gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước, một công cụ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và bác bỏ quyền của Tòa Thánh Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục cũng như cai quản các ngài. Giáo Hội Công Giáo trung thành với ĐGH không phải là hoàn toàn bí mật, nhưng luôn phải đối diện với khó khăn, chống đối liên tục từ phía nhà nước.

Liên hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican đã bị cắt đứt vào năm 1951, hai năm sau khi Đảng Cộng Sản nắm quyền và trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc. Trong những năm gần đây, với thiện ý của ĐGH Phanxicô, Tòa Thánh đang cố gắng tìm một giải pháp để tái lập ngoại giao với Trung Quốc.

- Nhận định của ĐHY Vincent Gerard Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình.

Ngày 11 tháng 3 vừa qua, tổ chức thanh niên Công Giáo CYM Events và Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales tổ chức đại hội “Flame 2017” (Ngọn lửa 2017) tại sân vận động Wembley ở Luân đôn, thủ đô Anh quốc, với sự tham dự của gần 10 ngàn người trẻ. Chủ đề của đại hội là “10 ngàn lý do”, khuyến khích người trẻ là một phần của 10 ngàn lý do để tin, để hy vọng và cầu nguyện.

Trong dịp này, ĐHY Vincent Gerard Nichols, TGM giáo phận Westminster và cũng là Chủ tịch HĐGM Anh và xứ Wales đã trả lời một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo tiếng Đức Die Zeit, trong đó ngài đã có những nhận định về việc ĐGH Phanxicô nói rằng: Giáo Hội nên xét xem Chúa Thánh Thần có đang yêu cầu các linh mục kết hôn không.

Theo ĐHY, truyền thống vững chắc về luật độc thân của linh mục không thay đổi, dù cho ĐGH Phanxicô nói rằng Giáo Hội nên suy tư về việc truyền chức cho những người có gia đình. ĐHY nghĩ rằng ý kiến của ĐGH cho thấy ngài có một tinh thần cởi mở với những soi sáng của Chúa, và ĐHY nghĩ là ĐGH muốn nói đến một sự cởi mở để tìm ra các giải pháp. ĐGH không nói là “tôi muốn có các Linh mục kết hôn, tôi muốn các nữ phó tế… (mà) Ngài đang nói “chúng ta đừng sợ!” ĐHY khen ngợi đường hướng cởi mở này, nó cho thấy ĐGH là nhà lãnh đạo tốt, ngài đưa ra điều tốt nhất cho dân, trái ngược với những lãnh đạo kém cỏi, nói về sợ hãi.

Theo ĐHY Nichols, dù đã có một số người kết hôn làm linh mục ở Anh, điều đó không có nghĩa là nó là một luật phổ biến. Ngài nói: “Tôi nghĩ truyền thống về một linh mục, đến và dâng hiến trọn cuộc đời cho Giáo Hội rất có ý nghĩa đối với những người trên đường phố. Họ nói: ‘đó là linh mục của chúng ta. Không của ai khác. Đó là của chúng ta’. Họ biết linh mục ở đó là vì họ.”

- Các nhà lãnh đạo tôn giáo Triều Tiên kêu gọi tránh xung đột sau quyết định của Toà án truất phế bà Park.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo, Tin Lành và Phật giáo đang yêu cầu dân chúng Triều Tiên đoàn kết và tôn trọng bản án của Toà án Hiến pháp về việc biểu quyết buộc tội Tổng thống Park Geun-hye. Bà Park đã bị Quốc hội tố cáo vào tháng 12 năm ngoái, vì cho phép bạn của bà ta là Choi Soon-sil, can thiệp vào công việc của quốc gia để để quyết định các chính sách và bổ nhiệm các viên chức, nhận hối lộ hàng triệu đô la đút lót từ các công ty Triều Tiên để họ được quyền lợi về mặt pháp luật.

Toà đã tuyên án và Park bị truất quyền Tổng thống, trong vòng hai tháng quốc gia sẽ chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới. Trong những tháng gần đây đã có những cuộc biểu tình của hàng triệu người kêu gọi TT Park từ chức, cũng như hàng chục ngàn người đã tụ họp để lên tiếng ủng hộ bà ta. Điều đáng quan tâm là bản cáo buộc dẫn tới xung đột giữa hai phe và sự đối nghịch gay gắt này có thể làm suy giảm việc phát triển của Triều Tiên.

Chính vì lý do này, ĐC Iginus Kim Hee-joong, Chủ tịch HĐGM Triều Tiên đã đưa ra một thông cáo trong đó Ngài tuyên bố rằng "Bản án của Tối Cao Pháp Viện không thể làm thỏa mãn mọi người. Xung đột, chia rẽ và bất tuân quyết định của toà án sẽ dẫn tới tai họa mà thôi." Hội đồng Kitô giáo (Tin Lành) của Triều tiên (Christian Council of Korea) cũng đã yêu cầu tất cả người dân chấp nhận kết quả của Tòa án.

- Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong một phiên họp diễn ra vào hôm 10 tháng 3, Quốc hội của Cộng hòa Myanmar (Miến Điện) đã đồng thuận thông qua đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Trước đó, bằng một tuyên bố vào hôm 24 tháng 2, Bộ trưởng U Kyaw Tin cho biết Chính phủ mới hiện do Liên đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD) cầm quyền sẽ bắt đầu mở quan hệ ngoại giao với 7 quốc gia, trong đó có thánh quốc Vatican.

Vatican đã gửi đề nghị lập quan hệ ngoại giao đến Bà Daw Aung San Suu Kyi – Cố vấn Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mynammar vào hôm 8/ 2/2017, thông qua Đức TGM Paul Tsang in-Nam – hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Thái Lan, kiêm Khâm sứ tại Myanmar.

Dưới sự hướng dẫn của ĐHY Charles Bo của TGP Yangon và cũng là vị Hồng Y đầu tiên của Myanmar, Đức TGM Khâm sứ Tsang in-Nam đã có buổi hội kiến chính thức với Bà Aung San Suu Kyi tại nhà của Bà ở Nay Pyi Taw, thủ đô hành chính của Myanmar. Cuộc hội kiến này cũng có sự tham dự của ĐHY Bo (vì ngài vốn có một tình bạn sâu sắc với ngài thủ tướng), cùng với Cha Maurice Nyunt Wai - thư ký điều hành của HĐGM Myanmar.

- Giám mục Giorgio Bertin nói về cuộc khủng hoảng do nạn đói ở Somalia

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, các bệnh dịch bắt nguồn từ nạn đói đã giết chết hàng chục trẻ em trong hai tháng vừa qua tại một bệnh viện của chính phủ ở Mogadishu, thủ đô Somalia. Nạn hạn hán nghiêm trọng đã đưa Somalia đến bờ vực của nạn đói. Hiện tại có khoảng 6.2 triệu người ở Somalia cần được giúp đỡ, gần một nửa dân số của đất nước này.

Đức Giám Mục Giorgio Bertin, Giám Quản Tông Tòa của Mogadishu đã nói về sự tuyệt vọng của người dân trong nước do hậu quả của hạn hán và tình trạng mất an ninh. Ngài cho biết, "Đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ... vì hai mùa mưa cuối cùng đã không xảy ra ở một số vùng của Somali, nhưng cụ thể đối với trường hợp của Somali thì vấn đề hạn hán lại gắn liền với tình trạng mất an ninh.

Khi được hỏi về phản ứng của Giáo Hội đối với cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức Giám Mục Bertin cho biết Caritas Somalia và các đối tác CRS và Trocaire, cũng như các tổ chức từ thiện Công Giáo khác và các Nữ tu Consolata, đã có những nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng. Vị Giám Quản Tông Tòa nói rằng dân chúng "cảm thấy rất tuyệt vọng". Họ nhìn thấy những con cừu, dê, lạc đà chết trên các đồng ruộng, và khi họ nhìn thấy các động vật chết, họ biết rằng mai đây rồi cũng sẽ tới phiên họ.

- Các Giám mục Bolivia chống dự luật cho phép phá thai vì nghèo khổ.

HĐGM Bolivia phản đối lại dự luật của Quốc hội, đưa ra những nguyên nhân khác nhau để cho phép phá thai. Trong số các lý do, có lý do nghèo khổ cùng cực.

Trong thông tin gửi đến hãng tin Fides, các Giám mục Bolivia nói: “Đề xuất này đã bóp méo hệ thống tư pháp hình sự, xem sự nghèo khổ như một lý do để không bị trừng phạt đối với các tội phạm như giết trẻ sơ sinh, như thể nghèo khổ là một biện minh đầy đủ để vi phạm bất kỳ luật pháp nào.

Cuộc cải cách nằm trong dự án Bộ luật mới về Hệ thống Hình sự của nước này dự kiến cho phép phá thai trong 8 tuần đầu của thai kỳ, chỉ một lần, nếu thai phụ sống trên đường phố hay ở trong hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực không có đủ nguồn lực để chu cấp cho mình và cho gia đình. Điều luật này cũng quy định là phụ nữ có thể phá thai nếu đã là mẹ của 3 đứa con hay hơn nữa và không thể nuôi nấng chúng, hoặc nếu thai phụ là một sinh viên.

Dự án cũng quy định sự gián đoạn mang thai có thể xảy đến bất cứ thời gian nào của thai kỳ, nếu cần thiết để ngăn chặn một nguy hiểm hiện tại hoặc tương lai đối với sự sống hay sức khỏe của người phụ nữ và khi các thai nhi được xác định có những dị tật không thích hợp với sự sống.

Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng việc phá thai “là bạo lực đối với thân thể phụ nữ, để lại những hậu quả nặng nề trong tâm lý nữ giới, thường là không thể chữa trị.” Các Giám mục tuyên bố rằng: “Nhà nước có trách nhiệm tạo ra các chính sách công nhằm cải thiện cuộc sống của người dân cũng như các chính sách giáo dục ủng hộ phụ nữ mang thai và phòng chống bạo lực.”

- Tòa Âu Châu phán quyết: Việc cấm khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc là không kỳ thị

Tòa án Âu Châu đã phán quyết rằng lệnh cấm đeo khăn che mặt của người phụ nữ Hồi giáo không vi phạm luật kỳ thị tôn giáo hay niềm tin cá nhân, nếu luật ấy là điều lệ nội bộ của công ty quy định.

Phán quyết này liên quan đến vụ một phụ nữ Hồi giáo bị cho nghỉ việc vì đã từ chối không chịu bỏ khăn che mặt nơi làm việc. Bà Samira Achbita được công ty G4S ở Bỉ Quốc muớn làm tiếp viên năm 2003. Vào thời gian đó công ty chưa có điều lệ cấm công nhân mang trong người những thứ gì bày tỏ quan điểm của mình về chính trị, triết lý hay tôn giáo. Nhưng đến năm 2006 Ban Giám Đốc công ty ban hành điều lệ cấm công nhân không được mang thứ gì trên người để bày tỏ quan điểm chính trị, triết lý hay tôn giáo của mình.

Bà Samira Achbita chống lại lệnh trên nên bà đã bị công ty cho thôi việc. Bà đã nộp đơn kiện công ty ở Bỉ và nội vụ đã được tòa án Cộng Đồng Âu Châu xử. Theo phán quyết của Tòa Án Cộng Đồng Âu Châu thì việc công ty đưa ra điều lệ nội bộ như thế là không vị phạm sự kỳ thị. Tuy nhiên, toà án cũng giải thích thêm rằng việc cấm khăn che mặt cũng có thể là vi phạm kỳ thị, nhưng là kỳ thị gián tiếp, tức là chỉ với người đó là phụ nữ Hồi Giáo, còn là hợp pháp đối với người khác vì chủ đích của công ty là muốn có chính sách trung lập đối với mọi khách hàng.

Chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em cùng nghe một bản thánh ca mùa chay, viết về những đớn đau, tủi nhục mà Chúa Giêsu đã phải chịu gánh lấy trên đồi Canvê để cứu rỗi nhân loại. Bài thánh ca mang tựa đề: Trên Đỉnh Đồi Xa, sáng tác Thiên Như, được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Như Ý.