TRUYỀN GIÁO TRONG CÁC THÀNH PHỐ LỚN

TRỞ VỀ NGUỒN

Gérard Donnadieu

Giai đoạn lịch sử I : Nhìn vào lịch sử, chúng ta biết rằng giữa Kitô giáo và thế giới Roma đã có một đoạn tuyệt lâu dài chỉ vì người Kitô muốn được tự do sống đạo «trong tinh thần và chân lý», tự do đón nhận Tin Mừng và thoát khỏi những kinh kệ theo truyền thống dân ngoại, chỉ vì họ đòi phải phân biệt giữa giá trị tinh thần với giá trị trần thế, giữa Thiên Chúa và César. Sự đòi khỏi này không nhằm từ chối quyền bính hợp pháp của hoàng đế và của chính quyền, nhưng chủ yếu họ không muốn nhìn nhận và bái thờ César như vị thần minh. Họ đã phải trả giá những đòi hỏi này bằng ba thế kỷ bị bách hại hầu tuyên chứng đức tin của họ vào Thiên Chúa, vào Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Giai đoạn lịch sử II : Thời kỳ thứ hai bắt đầu khi các hoàng đế Roma thấy không thể xóa bỏ được Kitô giáo bằng bách hại, họ lại tìm cách lợi dụng Kitô giáo, vì thế mới có các sắc lệnh khoan hồng của hoàng đế Constantin năm 313 và của hoàng đế Théodose năm 380, biến Kitô giáo thành tôn giáo chính thức của đế quốc Roma. Hòa ước của hoàng đế Constantin đã tạo nên một hình thức giao ước đặc biệt giữa ngai vàng và bàn thờ, kéo dài trên một ngàn năm trong lịch sử của Tây Phương, và đã khai sinh ra xã hội kitô giáo với nhiều trang sử rực rỡ chen lẫn những trang sử thật đen tối !

Giai đoạn Lịch sử III : Một trong những chia rẽ đau thương nhất của xã hội kitô khởi đầu từ những Cải Cách của Tin Lành với chủ trương đa tôn giáo, rồi tiếp đến là Thế Kỷ Ánh Sáng, nở rộ nhất vào thế kỷ XIX, sản sinh ra các chế độ dân chủ còn tồn tại mãi tới ngày nay dưới nhiều dạng thức tục hóa. Tự nó, phong trào tục hóa rất mờ tối, vì nếu một đàng nó giải phóng Giáo Hội ra khỏi những liên hệ nguy hiểm với quyền bính chính trị, thì đàng khác nó yểm trợ một hình thức văn hóa truyền thông và thương mại mỗi ngày một tách xa các giá trị kitô. Tuy nhiên, giữa văn hóa mới này, người ta vẫn tự hỏi về ý nghĩa của đời sống, của sự sinh tồn, và do đó về giá trị tôn giáo, về niềm tin, về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Giai đoạn lịch sử IV : Người ta nhận ra sự thay đổi này rõ rệt nhất trong các thành phố lớn. Và đó là điều đức hồng y Jean Marie Lustiger đã nói đến trong lá thơ về «Việc Phúc Âm Hóa Paris ». Ngài viết : «Thế giới đô thị mới này có quyền nghe chúng ta rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu : Chúng ta có bổn phận truyền bá Phúc Âm cho dân chúng đông dảo của các thành phố lớn » Như thời đại truyền giáo đầu tiên, mặc cho nhũng cuộc bách hại đẫm máu, các Kitô hữu đã can đảm dấn thân truyền giáo tại các thành phố lớn Antioche, Corinthe, Éphèse, Alexandrie và Rome.

Vì thế xã hội cởi mở và đa dạng hôm nay đem đến cho Kitô giáo một cơ may hiếm có. Gạt bỏ mọi dính líu đặc quyền đặc lợi với các thế lực chính trị, Kitô giáo phải thấy bổn phận và khả năng của mình làm triển nở trong xã hội dân sự những sức men nồng về trách nhiệm, về tự do và về tình huynh đệ mà tự bản thân Kitô giáo là người cưu mang. Kitô giáo vì thế có bổn phận trình bày tốt hơn cho mọi giới nam, nữ, cao niên và trẻ tuổi Sứ Điệp của Tin Mừng. Nói theo lời khuyên của thánh Phêrô là «với sự dịu dàng nhưng cương quyết » chúng ta phải rao giảng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Và như vậy, chúng ta rút ưu khuyết điểm của ba giai đoạn lịch sử nói trên, hầu mở ra một giai đoạn lịch sử thứ bốn của Kitô giáo : Giai đoạn mà theo lời của nhà xã hội học Paul Willaime, chắc chắn có nhiều cơ may để trở thành « tôn giáo là tương lai của tôn giáo » (La religion de l’avenir de religion).

(Viết theo Gérard Donnadieu, giáo sư của Ecole Cathédrale, đăng trong PointCath’, số 7,01.04, tr. 1-2). (Giaoxuvnparis.org)