Nhân dịp VietCatholic mở các Websites cho các giáo phận Việt Nam, các giáo xứ và Hội Đoàn, xướng ngôn viên Kim Thúy của Chương Trình Phát Thanh Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phỏng vấn LM Trần Công Nghị về viễn tượng và khả năng về hoạt động mới này. Sau đây là bài phỏng vấn đã được phát thanh trong tuần qua.

Kim Thúy: Kính thưa qúi vị thính giả, Kim Thuý đang được hân hạnh tiếp truyện với Cha Trần Công Nghị, là giám đốc mạng lưới điện toán toàn cầu VietCatholic, một hệ thống thông tin và lưu trữ tài liệu Giáo Hội Công giáo hết sức hữu dụng mỗi ngày có tới trên 10,000 người sử dụng Website này. Hôm nay chúng tôi sẽ xin ngài trình bày cho biết về tương lai trao đổi thông tin Công giáo với Giáo Hội Công Giáo tại quê hương Việt Nam của chúng ta.

Con xin kính chào Cha.


Cha Nghị: Chào Kim Thúy, và xin chào qúi vị thính giả đang lắng nghe chương trình phát thanh của chúng tôi.

Kim Thúy: Thưa Cha, nghe rằng VietCatholic mới phát động một chương trình hết sức quan trọng là mở các Trang Internet Websites miễn phí cho các giáo phận, các giáo xứ và các Hội Đoàn Công Giáo ở Việt Nam, đây là điều hết sức phấn khởi. Nhưng trước khi đi vào chủ đề này, con xin hỏi Cha là Giáo Hội nhận định thế nào về tầm quan trọng của thế giới truyền thông và đặc biệt là internet trong việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho thế giới hôm nay?

Cha Nghị: Cuộc cách mạng trong truyền thông trong thế giới hôm nay, đã đem con người lại gần nhau, và trong tích tắc, những gì xẩy ra nơi này thì nơi khác đã nghe được, thấy được và cảm được, Những hình ảnh và ý tưởng cùng với sự truyền đạt nhanh chóng ngay cả từ lục địa này sang lục địa khác, đưa đến những hệ quả sâu sắc, cả tích cực lẫn tiêu cực về nhiều lãnh vực, ngay đối với sự phát triển về phương diện tâm lý, đạo đức, và xã hội của cá nhân, cấu trúc và hoạt động của xã hội, sự giao lưu giữa các nền văn hóa, sự cảm nhận và truyền đạt các giá trị, thế giới quan, ý thức hệ và niềm tin tôn giáo.

Câu hỏi mà Giáo Hội và chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đưa ra trên phạm vi đạo đức là truyền thông có vai trò gì đóng góp vào sự hình thành nhân bản thực sự và giúp cá nhân cũng như các dân tộc nâng cao phẩm giá cao trọng của con người hay không, Và Giáo Hội và phải tận dụng phương tiện truyền thông, nhất là internet để tuyên giáng Tin Mừng Cứu độ của Đức Giêsu tới mọi nơi và mọi nền văn hóa khác nhau.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Sự bùng nổ của kỹ thuật thông tin đã gia tăng khả năng truyền thông của một số cá nhân và tập thể có thuận lợi lên gấp nhiều lần. Internet có thể phục vụ con người khi tự do và dân chủ được dùng có trách nhiệm, mở rộng những chọn lựa có thể trong cuộc sống muôn mầu, mở ra những chân trời giáo dục và văn hóa, phá tan chia rẽ, đề cao sự phát triển con người trong nhiều cách thế khác nhau. Cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa thực hiện bởi Internet và các phương tiện truyền thông có thể là "một phương tiện thuận lợi cho việc xây dựng nền văn minh tình thương loài người”.

Kim Thúy: Trước những lời khuyến cáo của Đức thánh Cha như vậy thì, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có những dự tính gì không về vấn đề này, thưa Cha?

Cha Nghị: Đúng vậy, Đức Thánh Cha trong tông thư về Internet, Ngài đã khuyến khích các Hội Đồng Giám Muc các quốc gia hãy tận dụng “việc sử dụng Internet của Giáo Hội và vai trò của Internet trong đời sống Giáo Hội. Và dĩ nhiện, trong cuộc họp vào tháng 10 năm qua của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các giám mục Việt Nam cũng ý thức sâu xa về vấn đề này, nhưng dĩ nhiên còn có những cản trở chưa thể vượt qua, không phải là về vấn đề nhân dự hay tài lực, mà là sự hạn chế của chính quyền CSVN đối việc sử dụng internet. Cách đây mấy năm VietCatholic đã thực hiện cho Hội Đồng Giám Mục VN một trang web lấy tên là vietbishops.org và hoạt động được 1 năm, nhưng sau đó, bị đình chỉ vì nhiều lý do và không thề phát thông tin lên mạng được. Hiện nay, VP thư ký Hội Đồng GMVN đang xin phép để mở trang Web cho Hội Đồng. Chúng ta hy vọng những rào cản sẽ được gỡ đi, để việc thông tin giữa Giáo Hội Quê hương và cộng đồng Dân Chúa VN hải ngoại sẽ được dễ dàng hơn.

Kim Thúy: Lý do nào đưa đến việc Cha quyết định mở các trang Web miễn phí cho các giáo phận, giáo xứ và đoàn thể Công giáo tại Việt Nam?

Cha Nghị: Đã từ lây nay, tôi được rất nhiều yêu cầu, từ các giáo phận, các giáo xứ và tổ chức CG bên Việt Nam, xin giúp mở trang Web. Trước vấn đề này, tôi thấy phân văn, vì một đàng, chúng tôi chỉ là một nhóm linh mục và anh chị em thiện nguyện với khả năng hữu hạn về thời giờ và tài lực, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, với vốn liếng kinh nghiệm về internet kể là khá lâu, và ý thức được trách nhiệm truyền thông và tong đồ của mình, và thời điểm hôm nay không thể chần chừ được nữa… nên tôi mạnh dạn khởi xướng công tác mà hiện nay ai cũng cho là cần thiết và đến lúc phải làm một cái gì đó thiết thức cho Giáo Hội quê hương, nên tôi liều mình dấn thân vào và hoàn toàn trông cậy vào sự quan phòng của Chúa và sự giúp sức của nhiều người.

Kim Thúy: Vấn đề quản trị và điều hành một trang Web, như con biết cũng đòi hỏi một số kiến thức và tài lực, thế thì làm sao Cha hy vọng các giáo phận, giáo xứ ở Việt Nam có thể đáp ứng được những đòi hỏi này?

Cha Nghị: Trong những tháng ngày qua, chúng tôi đã có sửa soạn cho công tác này, và dĩ nhiên chúng tôi biết sự hạn hẹp về phương tiên ở Việt Nam, nên chúng tôi đã quyết định miễn phí cho tất cả các trang Web của các giáo phận, giáo xứ và hội đoàn CGTH ở Việt Nam. Về phương diện kỹ thuật, chúng tôi cũng đã hoạch định một kĩ thuật mới cho việc này, có nghĩa là tỉ dụ những giáo xứ nào ở VN nối mạng internet được, thì có thể tự điều hành trang Web của mình mà không cần kiến thức nào khác, vì chúng tôi đã có hệ thống tự động hóa việc phóng tài liệu lên Net một cách dễ dàng. Chúng tôi đã sẵn có một số chuyên viên từng cộng tác với tôi lâu năm sẽ tiếp tục điều hành và bảo trì cho hệ thống các Websites Công giáo ở Việt Nam được.

Kim Thúy: Cha đánh giá về viễn tượng thành công và ích lời của những trang Web như thế nào?

Cha Nghị: Như chúng ta ai nấy đều quá rõ là Internet có thể tạo ra những đóng góp có giá trị rất lớn lao cho cuộc sống con người. Nó có thể đẩy mạnh thịnh vượng và hòa bình, sự tăng trưởng tri thức và sáng tạo, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và các quốc gia trên một quy mô toàn cầu. Cho nên, chỉ nguyên nói về phương diện thông tin tức được với nhau cũng là một phần thường rất khích lệ, về đường xa, nhờ sự thông đạt và nồi kết, sẽ tạo ra được các nhóm làm việc chuyên ngành với nhau trong những công tác thiết thực và có tính cách dài hạn, bề sâu hơn. Nhờ thế sẽ mở rộng chân trời hiểu biết và đóng góp về mặt trí tuệ, nhân sự và các khả năng dồi dào khác trên nhiều giới tuyến. Đó là một tièm năng vô cùng lớn lao, nếu chúng ta biết tận dụng nó.

Kim Thúy: Với con số 24 giáo phận, chừng 3000 giáo xứ tại Việt Nam, chưa kể các giáo xứ, cộng đoàn, tổ chức, hội đoàn Công giáo tiến hành Việt Nam ở hải ngoại, nếu chỉ một phần tham gia vào chươgn trình của Cha thì cũng có cả từng trăm, từng ngàn trang Web sites mới, vậy Cha lấy nhân sự và phương tiên ở đâu để điều hành và cho nó chạy đều dặn, thưa Cha?

Cha Nghị: Tôi cũng có nghĩ tới điều đó, nhưng theo kinh nghiệm qú khứ, thì không ai nghĩ rằng VietCatholic cũng đã hiện diện được gần 10 năm rồi, trước hết chúng ta phải phó thác vào ơn phù trợ của Chúa, tiếp đến sức mạnh của VietCatholic là do ý thức dấn thân tông đồ của các thiện nguyện viên, nếu không có ý thức này thì chúng tôi không có ngày hôm nay. Tất cả những người cộng tác với VietCatholic trong gần 10 năm qua, đều coi việc phục vụ của mình là sứ mạng tông đồ cao qúi và cần thiết, nên sẵn sang hy sinh thời giờ, sức lực và tiền bạc cho việc chung, không ai đòi hỏi gì hơn, miễn sao thấy cộng việc mình làm tức là Tin Mừng của Chúa tới được nhiều người, nhất là những nơi xa xôi nhất ở Việt Nam là mừng rồi. Phần thưởng của chúng tôi là khi thấy được những văn kiện Giáo Hội mình đưa lên net giúp được cho một linh mục trẻ ở Việt Nam có chất liệu dọn bài giảng của mình hầu mang lại một sức sống mới cho giáo dân của các ngài, hay giúp cho một giáo lý viên tiếp cận được với phương pháp truyền giáo mới và chia sẻ Tin Mừng đó cho lớp trẻ hay người chưa biết Chúa, hoặc thấy được một chị em dân tộc thiểu số nào đó cảm nghiệm được sự hiệp thông với Đức Thánh Cha qua các huấn dụ và sự thương yêu của Ngài, thì đó là những niềm vui lớn lao cho chúng tôi. Và cuối cùng, nhân đây, chúng tôi cũng ghi ơn tất cả qúi vị đã khích lệ và nâng đờ tinh thần cho chúng tôi, nhất là một số ân nhân đôi khi cũng đã thấy được những công tác thiết thực của chúng tôi thực hiện và ra tay giúp đỡ cách này cách khác.

Kim Thúy: Con xin cám ơn cha, đã dành cho thính giả một cuộc phỏng vấn rất hữu dụng, hầu chúng con hòa chung được nhịp đập với Giáo Hội quê hương, Chúng con cũng cầu chúc Cha và toàn thể các cộng tác viên của VietCatholic thành công trong sứ mạng cao qúi mà Cha đang đề ra cho Giáo Hội quê hương Việt Nam. Cám ơn Kim Thúy và xin chào tạm biệt qúi vị thính giả.